Một số trường hợp sỏi niệu quản sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa. Khi đó, các biến chứng sau mổ sỏi niệu quản có thể xảy ra là điều đáng lo ngại nhất.
Người bệnh sỏi niệu quản thường lo lắng không biết mình có phải phẫu thuật để loại bỏ sỏi hay không, liệu có những rủi ro nào có thể xảy ra và làm sao để chăm sóc sau khi mổ nhằm hạn chế biến chứng. Hãy cùng tìm hiểu tất cả qua bài viết sau đây.
Sỏi niệu quản là gì và nguy hiểm như thế nào?
Đúng như tên gọi, sỏi niệu quản là tình trạng có sỏi xuất hiện trong đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang (niệu quản). Sỏi có thể bị mắc kẹt ở một hoặc cả hai niệu quản.
Nếu viên sỏi đủ lớn, nó sẽ chặn dòng chảy của nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau quặn dữ dội ở sau lưng, phía dưới xương sườn, có khi lan tỏa đến bụng dưới. Ngoài ra, những triệu chứng khác có thể xuất hiện gồm tiểu ra máu, tiểu gắt, tiểu buốt, đau khi xuất tinh, viêm ống dẫn tinh hay nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số ít người lại có biểu hiện rất mơ hồ trong thời gian dài như mỏi lưng, mỏi tăng lên khi làm việc nặng; đau như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm túi mật hoặc đại tràng nên dễ bị nhầm lẫn.
Nếu không phát hiện và điều trị sớm, sự tắc nghẽn ở niệu quản do sỏi có thể làm tăng áp lực niệu quản và bể thận dẫn đến thận ứ nước, làm giảm độ lọc cầu thận, chức năng ống thận cũng như lưu lượng máu đến thận. Bên cạnh đó, khả năng vận chuyển các chất điện giải quan trọng (như Na+, K+) cũng bị suy giảm nghiêm trọng.
Nguy hiểm hơn, khi tình trạng tắc nghẽn niệu quản kéo dài mà không được can thiệp điều trị có thể dẫn đến tổn thương thận tiến triển, cuối cùng gây mất chức năng thận không hồi phục (suy thận mạn tính).
Mổ sỏi niệu quản bằng những phương pháp nào?
Việc lựa chọn phương thức điều trị sỏi niệu quản sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kích thước, vị trí và thành phần cấu tạo nên sỏi. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh, như có béo phì, sử dụng thuốc chống đông máu hay một số vấn đề khác không.
Phần lớn các trường hợp sỏi có kích thước chiều ngang (so với niệu quản) nhỏ hơn 5mm sẽ được tống xuất tự nhiên ra ngoài theo dòng nước tiểu. Sỏi niệu quản thường di chuyển xuống bàng quang trong vòng 4–6 tuần. Do đó, điều trị nội khoa (dùng thuốc) và chờ đợi sỏi được tống xuất tự nhiên sẽ áp dụng cho trường hợp sỏi ≤ 5mm.
Với sỏi niệu quản đoạn gần (đoạn trên) dưới 7mm cũng tiến hành điều trị nội khoa trong 1 tháng. Nếu thấy sỏi không di chuyển mới can thiệp lấy sỏi. Nhìn chung điều trị nội khoa được là tốt nhất, tránh nguy cơ gặp phải các biến chứng sau mổ sỏi niệu quản.
Ngược lại, đối với sỏi đoạn gần > 7mm hoặc các sỏi niệu quản đoạn giữa và đoạn xa > 5mm thì khả năng tự đào thải rất thấp và cần cân nhắc việc chủ động can thiệp lấy sỏi ra ngoài với các phương pháp như:
- Nội soi tán sỏi ngược dòng qua đường niệu quản (Retrograde endoscopic lithotripsy): Ống nội soi được luồn vào niệu đạo, qua bàng quang để lên niệu quản. Kế tiếp sử dụng năng lượng laser tán vụn viên sỏi và hút các mảnh nhỏ ra ngoài.
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (Extracorporeal shock-wave lithotripsy): Áp dụng cho sỏi ở đoạn gần sát thận dưới 20mm. Nhờ tần số cao của sóng mà viên sỏi được tán vụn. Những mảnh sỏi nhỏ sẽ đào thải ra ngoài theo đường tiểu.
- Tán sỏi qua da (Percutaneous removal of renal stones): Bệnh nhân được gây mê toàn thân, sau đó tạo một đường hầm nhỏ qua da để đưa thiết bị phá vỡ sỏi vào trong. Đây được coi là phương pháp đắc lực thay thế cho mổ hở, ít xâm lấn, ít biến chứng, hiệu quả cao.
- Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi (Retroperitoneal laparoscopic): Bệnh nhân cũng được gây mê toàn thân, nhưng cần mở 3 đường hầm nhỏ từ lưng hông, thông qua đó mở niệu quản để gắp sỏi ra ngoài.
- Mổ hở (Open surgery): Hiện nay chỉ còn dùng để giải quyết những viên sỏi quá lớn hay bị mắc kẹt lại trong các đoạn niệu đạo có đường kính nhỏ.
Biến chứng sau mổ sỏi niệu quản
Tùy theo phương pháp mổ sỏi niệu quản mà người bệnh có thể trải qua một số biến chứng hậu phẫu. Sau can thiệp, mỗi bệnh nhân đều được nhân viên y tế theo dõi và hướng dẫn những vấn đề cần lưu ý.
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Rất hiếm khi có biến chứng. Rủi ro chỉ xảy ra khi dùng phương pháp này để tán các sỏi lớn, đó là đau, sốt, đi tiểu ra máu, tắc nghẽn đường tiểu gây ứ nước tại bể thận, vỡ thận, vỡ gan hoặc lách.
- Tán sỏi qua da: Tiềm ẩn các nguy cơ gồm nhiễm trùng, chảy máu, rò thủng đường tiểu và thủng các cơ quan lân cận. Tuy nhiên nếu kỹ thuật thực hiện tốt cũng rất hiếm xảy ra biến chứng.
- Nội soi tán sỏi ngược dòng qua niệu quản: Nhẹ gây tổn thương niêm mạc niệu quản, nặng gây thủng niệu quản; chảy máu nhưng hầu như không đáng kể; nhiễm khuẩn tiết niệu ngược dòng; hẹp niệu quản (có thể phải tạo hình niệu quản).
- Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Phương pháp nội soi ít xâm lấn và khá an toàn, tuy nhiên trong một số ít trường hợp có thể gây chảy máu, bầm tím hoặc rò nước tiểu.
- Mổ hở: Cũng có những rủi ro giống như các phẫu thuật mổ hở tại những vị trí khác, phổ biến nhất là chảy máu, nhiễm trùng, rách hay tổn thương các cơ quan xung quanh (đặc biệt là thận), tụ dịch, áp xe tồn dư, rò nước tiểu…
Trong số đó, biến chứng thường gặp nhất là hẹp niệu quản sau mổ. Hầu hết các bệnh nhân phải mổ thêm lần nữa để nong rộng hoặc tạo hình lại niệu quản.
Tuy nhiên, đáng sợ nhất thì phải kể đến chảy máu, có thể xảy ra ngay khi vừa mổ hở hoặc chảy máu thứ phát sau 5 – 12 ngày khi rạch phải nhu mô thận còn dày.
Bên cạnh đó, một biến chứng sau mổ sỏi niệu quản khác cần được lưu tâm là rò nước tiểu. Rủi ro này thường xảy ra do các mảnh sỏi vẫn còn sót lại hoặc nhu mô thận bị hoại tử. Nếu không xử lý sớm, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu và tái phát sỏi.
Cách chăm sóc giúp giảm biến chứng sau mổ sỏi niệu quản
Việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ niệu quản cũng là vấn đề được người thân quan tâm tìm hiểu. Người bệnh được theo dõi, chăm sóc cẩn thận, đúng cách sẽ giúp quá trình hồi phục tốt hơn và tránh các biến chứng nguy hiểm sau mổ.
Chăm sóc ngay sau khi mổ
Khoảng thời gian nằm viện sau khi mổ dù được theo dõi bởi các nhân viên y tế và bác sĩ nhưng người nhà cũng nên chăm sóc cẩn thận. Nếu không, vết thương có thể bị nhiễm trùng.
Bạn cần chú ý đến các dấu hiệu của biến chứng sau mổ sỏi niệu quản cũng như loại thức ăn phù hợp sau khi mổ:
- Quan sát vết thương xem có vấn đề khác thường nào không, đặc biệt là chảy máu
- Người bệnh có bị đau hông lưng, mạn sườn bên tán sỏi, tiểu buốt, tiểu gắt, nước tiểu có màu hồng/đục hay các dấu hiệu khó thở, sốt không thì phải thông báo ngay với bác sĩ.
- Nên cho người bệnh ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu như súp, cháo, sữa; đảm bảo uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày
Chăm sóc tại nhà
Sau khi đánh giá tình trạng sau khi mổ không có vấn đề gì nghiêm trọng, người bệnh sẽ được xuất viện về nhà. Khi ấy, người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn.
Thời gian đầu, bạn vẫn cần theo dõi tình trạng của vết mổ và thay băng theo lời dặn của bác sĩ để đảm bảo vệ sinh. Lưu ý, bạn không nên để nước ngấm vào vết thương. Hãy nhớ vận động nhẹ nhàng, giữ tinh thần thoải mái, không nhịn tiểu. Bạn nên tập trung ăn những thực phẩm lợi niệu như cam, chanh, đậu đen, củ cải trắng; chế biển lỏng mềm để dễ tiêu, uống đủ nước.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về biến chứng sau khi mổ sỏi niệu quản cần cẩn trọng. Từ đó, bạn sẽ chú ý chăm sóc bản thân sau mổ cẩn thận để vết thương nhanh phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường.