backup og meta

Khám thực thể bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính COPD

Tên kỹ thuật y tế: Hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bộ phận cơ thể/mẫu thử: phổi

Tìm hiểu chung

Hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là gì?

Bệnh sử cung cấp những gợi ý giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh về phổi làm cho bệnh nhân cảm thấy khó thở. Thường căn bệnh này là sự kết hợp giữa 2 tình trạng: viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Cả hai tình trạng này đều gây ra do thói quen hút thuốc lá quá nhiều. Hơn nữa, nếu bệnh tiến triển ngày càng nặng sẽ có thễ dẫn tới triệu chứng khó thở trầm trọng và một số bệnh liên quan đến tim mạch.

COPD là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn được, nhưng nếu thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị bằng thuốc thì có thể làm chậm lại tiến trình của bệnh và giảm bớt triệu chứng.

Phương pháp làm chậm lại quá trình bệnh COPD là ngừng hút thuốc.

Khi nào bạn được bác sĩ hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)?

Thường thì khi nào phổi đã bị tổn thương nặng thì các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện và những triệu chứng này sẽ nặng dần lên theo thời gian, đặc biệt nó sẽ còn nặng lên nhanh hơn nữa nếu bạn tiếp tục hút thuốc. Nếu bạn bị tình trạng viêm phế quản mãn (một dạng của COPD) bạn sẽ ho khạc đàm thường ngày trong vòng 3 tháng một năm trong 2 năm liên tục. Bạn nên đi khám bệnh khi có những triệu chứng sau đây:

  • Cảm thấy khó thở, đặc biệt là sau khi vận động.
  • Thở có tiếng rít.
  • Nặng ngực.
  • Bạn ho khạc đàm hàng ngày vào buổi sáng sớm, đàm thường sạch, màu trắng hoặc vàng hoặc màu xanh.
  • Bạn phải khạc nhổ đàm trong cổ họng ra hằng ngày.
  • Môi và móng tay bị xanh tím.
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
  • Bị sụt cân không rõ lý do và luôn cảm thấy mệt mỏi thiếu sức sống.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi bác sĩ thực hiện hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)?

Bác sĩ sẽ hỏi quá trình bệnh của bạn một cách kỹ lưỡng để loại trừ bệnh về tim, bởi vì bệnh tim cũng có thể gây ra những triệu chứng tương tự với những triệu chứng của COPD. Bạn cũng nên quan tâm đến việc tìm các bất thường về tim mạch vì hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ bệnh về tim cũng như COPD. Kiểm tra tim có thể xác định được nhịp tim nhanh hay những dấu hiệu về bệnh suy tim.

Gan có thể phình lớn hơn và có thể xảy ra trong trường hợp suy tim phải (bệnh tim phổi do COPD).

Kết quả khám lâm sàng sẽ khác nhau và không phải ai cũng sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng của COPD giống nhau và đầy đủ như đã được mô tả.

Trước khi tiến hành quá trình khám, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi bác sĩ thực hiện hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)?

Bạn nên chuẩn bị sẵn giấy tờ, đơn thuốc, giấy xét nghiệm ở những lần khám trước đó và mang theo đầy đủ cho bác sĩ xem. Những giấy tờ này rất quan trọng để bác sĩ hiểu rõ tình trạng của bạn và đưa ra chẩn đoán đúng. Hơn thế nữa, biết những bệnh trong quá khứ và hiện tại của bạn sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp chăm sóc tốt nhất cho tình trạng của bạn.

Bạn nên xem lại với bác sĩ những loại thuốc bạn đang sử dụng. Tốt nhất hãy mang theo danh sách tên và liều thuốc bạn đang sử dụng đến cho bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Quy trình thực hiện hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) như thế nào?

Khi kiềm tra bệnh sử, bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi như:

  • Lần khó thở đầu tiên là lúc nào (khi vận động hay nghỉ ngơi)?
  • Bạn khó thở thường xuyên thế nào?
  • Bạn cảm thấy khó thở từ khi nào? Và tình hình có ngày càng nghiêm trọng hơn?
  • Bạn có thể đi bao xa và có thể leo trèo bao nhiêu bước trước khi ngừng lại vì cảm thấy khó thở?
  • Bạn ho khi nào và thường xuyên thế nào?
  • Bạn ho nhiều từ khi nào? Tình hình có ngày càng nghiêm trọng hơn?
  • Bạn có ho ra đờm? Đờm màu gì?
  • Bạn đã bao giờ ho ra máu?
  • Bạn và những người trong nhà có hút thuốc lá không: ai hút, hút lâu cỡ nào, bao nhiêu gói một ngày, ngưng hút thuốc lâu chưa, việc ngưng hút có dễ dàng không, và nhiều điều khác.
  • Tiếp xúc với chất kích thích trong không khí như bụi hay chất hoá học.
  • Có mắc bệnh đường hô hấp từ nhỏ không?
  • Trong gia đình có ai mắc bệnh về hô hấp không?
  • Những bệnh lý khác bạn đang mắc phải hay đang điều trị.
  • Tình trạng của bạn ảnh hưởng tới chất lượng sống thế nào: lỡ việc, các hoạt động hằng ngày không đều đặn, trầm cảm.
  • Tên và liều lượng thuốc đang dùng, kể cả bình thở oxy.
  • Những hình thức hỗ trợ từ gia đình và xã hội.

Khi khám thực thể, bác sĩ sẽ khám tổng quátđể tìm ra những nguyên nhân dẫn đến những tình trạng hiện tại. Khám thực thể bao gồm:

  • Đo nhiệt độ cơ thể, cân nặng và chỉ số BMI để đo về sự cân đối của chiều cao và trọng lượng, cũng như đưa ra phương pháp đánh giá tkhắc phục nếu chỉ số không tốt.
  • Khám tai, mắt, mũi và cổ họng để phát hiện những dấu hiệu của việc nhiễm trùng.
  • Lắng nghe tim và phổi bằng một ống nghe.
  • Tìm những dấu hiệu cho thấy máu đang bị ứ lại trong tĩnh mạch cổ (đây là một dấu hiệu của COPD ở giai đoạn nặng làm ảnh hưởng đến hệ tim mạch).
  • Nhấn và gõ bụng.
  • Kiểm tra ngón tay và môi để kiểm tra nếu da có bị xanh tím không.
  • Kiểm tra ngón tay để xem đầu ngón tay hay móng tay có bị sưng hay lồi lên không (ngón tay dùi trống).
  • Kiểm tra chân và bàn chân nếu có bị phù lên (chứng phù thủng).

Bạn nên làm gì sau khi bác sĩ hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)?

Khám lâm sàng không đau, nhưng các phần của quy trình khám (như gõ bụng) có thể thấy hơi khó chịu.

Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về những tình trạng cơ thể và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Đôi khi, bác sĩ yêu cầu phải thực hiện những bài kiểm tra bổ sung. Nên hãy nghe theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Việc hỏi bệnh sẽ giúp bác sĩ tìm ra những yếu tố nguy cơ cho thấy bạn đang mắc bệnh COPD hay tăng nguy cơ mắc COPD.

Khám thực thể có thể cho thấy dấu hiệu bệnh COPD. Những phát hiện cho thấy COPD bao gồm:

  • Ngực phồng to (ngực trống).
  • Phải cố sức thở mạnh hơn bình thường.
  • Mất nhiều thời gian để thở ra cho hết không khí trong phổi.
  • Khi nghe phổi bằng ống nghe, giảm tiếng thở bình thường và xuất hiện những tiếng thở bất thường như tiếng rắc rắc hoặc tiếng rít.

Sau đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh diễn tiến nặng:

  • Dùng những cơ phụ, như cơ ở cổ khi hít thở nhẹ.
  • Phải mím môi lại để thở.
  • Không thể nói nguyên câu do khó thở.
  • Màu xanh lợt ở đầu ngón tay hay móng tay (xanh tím) .
  • Phù chân hay có dịch tích tụ trong bụng.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

COPD. Symptoms. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/copd/basics/symptoms/con-20032017. Ngày truy cập 12/10/2015

History and Physical Exam for COPD. http://www.dartmouth-hitchcock.org/medical-information/health_encyclopedia/hw165182. Ngày truy cập 12/10/2015

https://www.nlm.nih.gov/. Ngày truy cập 12/10/2015

https://www.cdc.gov/. Ngày truy cập 12/10/2015

 

Phiên bản hiện tại

05/12/2019

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Tran Pham


Bài viết liên quan

Xẹp phổi và những điều bạn cần biết

Hello Bacsi | Sống Khỏe | Trị nghẹt mũi tại nhà với những cách đơn giản


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 05/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo