backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh viêm phổi do vi khuẩn

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 13/05/2021

Bệnh viêm phổi do vi khuẩn

Đúng như tên gọi, bệnh viêm phổi vi khuẩn xảy ra do tình trạng nhiễm trùng phổi do vi khuẩn. Bệnh thường biểu hiện thành các triệu chứng khác nhau và dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm. Tuy nhiên, bệnh viêm phổi do vi khuẩn có thể nghiêm trọng và cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Vậy bệnh viêm phổi vi khuẩn là gì và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé.

Tìm hiểu chung

Viêm phổi vi khuẩn là bệnh gì?

Viêm phổi vi khuẩn hay còn gọi là nhiễm trùng phổi. Đây là bệnh nhiễm trùng ở phổi do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn thâm nhập vào phổi thông qua đường hô hấp hoặc qua đường máu. Thông thường bệnh viêm phổi vi khuẩn thường nhẹ, nhưng trong một số trường hợp bệnh cũng có thể gây tử vong.

Bệnh viêm phổi vi khuẩn thường được chia làm 4 loại, bao gồm:

  • Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (CAP)
  • Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện (HAP)
  • Viêm phổi liên quan đến đặt máy thở (VAP)
  • Viêm phổi liên quan đến chăm sóc y tế (HCAP)

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm phổi vi khuẩn là gì?

Triệu chứng bệnh viêm phổi vi khuẩn

Những triệu chứng của bệnh viêm phổi vi khuẩn bao gồm:

  • Ho khan hoặc ho kèm đờm nhầy, mủ và máu. Màu sắc của đờm có thể giúp bạn dự đoán được phần nào loại vi khuẩn gây bệnh. Ví dụ như, đờm màu gỉ sắt thường do nhiễm khuẩn S.pneumoniae, đờm xanh do Pseudomonas hoặc Hemophilus gây ra, đờm thạch nho đỏ thường là dấu hiệu nhiễm Klebsiella còn vi khuẩn kỵ khí thường gây ra đờm có mùi hôi và vị khó chịu.
  • Sốt, nhịp tim nhanh và/hoặc kèm theo ớn lạnh và đổ mồ hôi.
  • Đau tức ngực
  • Khó thở khi thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày.
  • Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ và đau khớp.

Bệnh nhân bị viêm phổi nặng thường thở gấp, huyết áp thấp, thân nhiệt cao hơn 39ºC và hay nhầm lẫn.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu viêm phổi vi khuẩn khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu xuất hiện các triệu chứng viêm phổi vi khuẩn sau:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Sốt từ 39ºC hoặc cao hơn
  • Ho dai dẳng, đặc biệt là ho ra máu.

Ngoài ra những đối tượng sau cần đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ mắc phải viêm phổi vi khuẩn:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Người trên 65 tuổi
  • Người đang có hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Bệnh nhân đang điều trị hóa trị hoặc uống thuốc gây kìm hãm hệ thống miễn dịch.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra viêm phổi là gì?

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi vi khuẩn

Viêm phổi vi khuẩn xuất hiện khi vi khuẩn vượt qua cơ chế bảo vệ của cơ thể và xâm nhập vào phổi, gây ra tình trạng viêm nhiễm. Các loại vi khuẩn phổ biến gây ra viêm phổi vi khuẩn là Streptococcus pneumonia, Mycoplasma, Chlamydia, Staphylococcus, HaemophilusLegionella.

Nguy cơ mắc bệnh

Những ai thường mắc phải bệnh viêm phổi vi khuẩn?

Nhiễm trùng phổi là một bệnh rất phổ biến, bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Người sống ở những khu vực bị ô nhiễm hoặc hệ miễn dịch yếu thường sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi vi khuẩn?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, hai nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển
  • Người lớn hơn 65 tuổi.
  • Những nguy cơ khác bao gồm:

    • Hút thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của phổi, gây hại đến hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể
    • Một số bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường
    • Hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc bị ức chế do các yếu tố như HIV/AIDS, ghép tạng, hóa trị cho bệnh ung thư hay sử dụng steroid trong thời gian dài.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm phổi vi khuẩn?

    Bệnh viêm phổi vi khuẩn thường khó chẩn đoán chính xác vì triệu chứng khá giống với bệnh cảm lạnh và cúm. Một số phương pháp chẩn đoán phổ biến mà bác sĩ có thể sử dụng bao gồm:

    • Dựa và tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, chúng xuất hiện khi nào và như thế nào.
    • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra hoạt động của phổi bằng ống nghe. Nếu bạn bị viêm phổi, phổi sẽ phát ra các tiếng rột roạc hoặc khò khè khi bạn hít vào.

    Nếu nghi ngờ bạn đã bị viêm phổi vi khuẩn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp X-quang ngực để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm máu hay nước bọt để tìm ra loại vi khuẩn gây viêm phổi.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm phổi vi khuẩn?

    Điều trị bệnh viêm phổi vi khuẩn

    Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi vi khuẩn phổ biến nhất là sử dụng thuốc kháng sinh. Bệnh nhân bị bệnh nhẹ có thể uống thuốc kháng sinh và thường cảm thấy khỏe hơn từ 2-3 ngày. Phần lớn người bệnh có thể hồi phục lại sau 7-10 ngày nhưng cần đảm bảo uống đủ liều điều trị ngay cả khi đã thấy khỏe hơn.

    Nếu bệnh trở nặng, người bệnh cần được nhập viện và tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Họ cần được hỗ trợ thở oxy và dùng thuốc đặc trị để làm sạch đờm. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần được lọc máu, chạy máu thở và điều trị ở khu vực chăm sóc đặc biệt.

    Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi vi khuẩn?

    Phòng ngừa bệnh viêm phổi vi khuẩn

    Những điều sau đây có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh viêm phổi vi khuẩn:

    • Hỏi bác sĩ hay dược sĩ nơi bạn mua thuốc về các loại thuốc bạn sử dụng (thuốc kê toa hay thuốc không kê toa). Bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc đang điều trị bệnh khác.
    • Liên lạc với bác sĩ nếu tình trạng bệnh xấu đi hay bạn không khỏe hơn sau 2-3 ngày. Bạn cũng nên thông báo với bác sĩ nếu bị sốt cao, nước bọt có màu xanh hay vàng, khó thở, đau ngực hay da sạm đi, môi và móng tay tím tái.
    • Rửa tay thường xuyên nhằm tránh làm bệnh lây lan.
    • Uống kháng sinh theo đúng như đơn thuốc, cho đến khi hết bệnh.
    • Uống paracetamol hay aspirin để giảm sốt và đau (không dùng cho trẻ em).
    • Uống nhiều nước để tránh bị mất nước.
    • Hít thở không khí trong lành. Bạn có thể tìm mua các loại máy phun sương ở các tiệm thuốc hoặc hỏi bác sĩ nếu nơi bạn ở và làm việc quá khô hanh.
    • Tránh các khu vực có không khí ô nhiễm và khói thuốc, đặc biệt nếu bạn có vấn đề về phổi.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 13/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo