backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh xơ vữa động mạch

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 06/12/2021

Bệnh xơ vữa động mạch

Bệnh xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí tử vong nếu không điều trị hiệu quả. Hiểu về bệnh lý này sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Vậy nguyên nhân gây xơ vừa động mạch là gì và làm thế nào để phát hiện bệnh sớm? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh xơ vữa động mạch là gì?

Bệnh xơ vữa động mạch là từng mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch. Động mạch mang máu chứa oxy đến tim và các bộ phận khác trong cơ thể. Mảng xơ vữa được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác được tìm thấy trong máu. Theo thời gian, mảng xơ vữa cứng lại và làm hẹp động mạch, hạn chế dòng chảy của máu chứa oxy đến các cơ quan và các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí là tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng xơ vữa động mạch là gì?

Triệu chứng xơ vữa động mạch không xuất hiện ngay lập tức mà phất triển dần dần theo thời gian. Xơ vữa động mạch nhẹ thường không có triệu chứng nào.

Bạn thường sẽ không phát hiện triệu chứng xơ vữa động mạch cho đến khi động mạch bị hẹp lại hoặc bị tắc khiến nó không thể cung cấp đủ máu đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Đôi khi, một khối máu đông có thể làm tắc hoàn toàn dòng máu hoặc làm chậm quá trình vận chuyển máu, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.

triệu chứng xơ vữa động mạch

Các triệu chứng xơ vữa động mạch từ trung bình cho đến nghiêm trọng tùy thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng, bao gồm:

  • Nếu mảng xơ vữa ở động mạch tim, bạn có thể có các triệu chứng như đau ngực hoặc thắt ngực
  • Nếu mảng xơ vữa ở động mạch cung cấp máu cho não, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như tê đột ngột hoặc yếu ở tay hoặc chân, khó nói hoặc nói lắp, mất thị lực tạm thời ở một mắt hoặc cơ mặt bị rủ xuống. Những dấu hiệu của cơn thiếu máu thoáng qua, nếu không được điều trị, có thể diễn tiến thành một cơn đột quỵ
  • Nếu mảng xơ vữa động mạch ở động mạch cánh tay và chân, bạn có thể có các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại vi như đau chân khi đi bộ
  • Nếu mảng xơ vữa ở động mạch thận, bạn sẽ bị cao huyết áp hoặc suy thận

Bạn có thể gặp các triệu chứng xơ vữa động mạch khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn tình trạng xơ vữa động mạch trở nên nghiêm trọng hơn và ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ. Vì vậy, bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng nghiêm trọng này.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch là gì?

Sự tích tụ mảng xơ vữa và xơ cứng động mạch làm hạn chế dòng chảy của máu trong động mạch, khiến cho các cơ quan và các mô trong cơ thể bị thiếu oxy để hoạt động.

Những nguyên nhân phổ biến gây xơ cứng động mạch:

  • Cholesterol cao. Cholesterol là một chất sáp, màu vàng được tìm thấy trong cơ thể và trong các loại thực phẩm. Chất này có thể tăng trong máu và làm tắc nghẽn các động mạch, trở thành một mảng xơ cứng làm hạn chế hoặc làm tắc nghẽn khiến cho máu không thể lưu thông đến tim và các cơ quan khác.
  • Chất béo. Ăn nhiều thực phẩm có chất béo cũng có thể dẫn đến hình thành mảng xơ vữa.
  • Lớn tuổi. Khi bạn có tuổi, tim và mạch máu làm việc nhiều hơn để bơm và nhận máu. Động mạch có thể bị suy yếu và trở nên kém đàn hồi, từ đó dễ hình thành mảng xơ vữa.

Một số nguyên nhân phổ biến khác là:

  • Hút thuốc lá
  • Kháng insulin, béo phì hay tiểu đường
  • Tình trạng viêm như viêm khớp, lupus, nhiễm trùng hoặc viêm không rõ nguyên nhân.

Những ai thường mắc phải bệnh xơ vữa động mạch?

Bệnh xơ vữa động mạch là một vấn đề khá phổ biến liên quan đến lão hóa. Khi bạn có tuổi, nguy cơ xơ vữa động mạch tăng lên. Yếu tố di truyền hoặc lối sống gây ra mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch. Khi bạn đến tuổi trung niên hoặc tuổi già, mảng xơ vữa lúc này đã đủ lớn sẽ gây ra những dấu hiệu hoặc triệu chứng. Ở nam giới, nguy cơ mắc bệnh gia tăng sau tuổi 45. Ở nữ giới, nguy cơ cao mắc bệnh tăng lên sau tuổi 55.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

nguyên nhân gây xơ vữa động mạch là gì?

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bao gồm:

  • Tiền sử bệnh gia đình. Nếu gia đình có thành viên từng mắc bệnh xơ vữa động mạch thì bạn cũng sẽ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Tình trạng này là do các bệnh lý di truyền liên quan đến tim mạch.
  • Huyết áp cao. Huyết áp cao có thể làm hư hại các mạch máu sau khi làm cho chúng suy yếu ở một số vị trí. Cholesterol và các chất khác trong máu có thể làm giảm sự linh hoạt của các động mạch theo thời gian.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Cholesterol cao
  • Tiểu đường
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Tiền sử bị bệnh tim sớm
  • Thiếu tập thể dục
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch?

Trong khi khám, bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu của động mạch bị hẹp, nở rộng hoặc cứng, bao gồm:

  • Mạch yếu hoặc mất mạch ở bên dưới khu vực của động mạch bị hẹp;
  • Giảm huyết áp ở bên chi bị tổn thương;
  • Phát hiện âm thổi ở động mạch bằng ống nghe.

Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:

  • Các xét nghiệm máu. Xét nghiệm có thể phát hiện tình trạng tăng nồng độ cholesterol và đường trong máu, tình trạng này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Bạn được yêu cầu nhịn ăn uống (trừ nước lọc) từ 9-12 giờ trước khi xét nghiệm máu;
  • Siêu âm Doppler. Bác sĩ sử dụng máy siêu âm Doppler để đo huyết áp tại các điểm khác nhau dọc theo cánh tay hoặc chân. Những phép đo này có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ tắc nghẽn cũng như tốc độ của dòng máu trong động mạch;
  • Chỉ số cánh tay-mắt cá chân. Thử nghiệm này có thể cho biết liệu bạn có xơ vữa động mạch ở chân và bàn chân hay không. Bác sĩ có thể so sánh huyết áp ở mắt cá chân với huyết áp ở cánh tay của bạn. Một sự khác biệt bất thường có thể chỉ ra bệnh mạch máu ngoại vi do xơ vữa động mạch gây ra;
  • Điện tâm đồ. Điện tâm đồ có thể cho thấy bằng chứng của một cơn đau tim trước đó. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn xảy ra thường xuyên, nhất là khi gắng sức, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp trong quá trình đo điện tâm đồ;
  • Thử nghiệm gắng sức. Phương pháp này được sử dụng để thu thập thông tin tim hoạt động như thế nào trong khi gắng sức. Bởi vì khi bạn gắng sức, tim sẽ bơm khó khăn hơn và nhanh hơn so với hoạt động hàng ngày, thử nghiệm gắng sức có thể tiết lộ các vấn đề trong trái tim mà không được chú ý đến. Thử nghiệm gắng sức thường là đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp đứng yên trong khi theo dõi nhịp tim, huyết áp và hơi thở;
  • Thông tim và chụp mạch máu. Thử nghiệm này có thể cho thấy động mạch vành nào bị hẹp hoặc bị tắc. Bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào các động mạch của tim thông qua một ống thông nhỏ, dài được đưa vào từ động mạch, thường là ở chân để đưa đến các động mạch trong tim. Khi chất cản quang vào động mạch, hình ảnh động mạch sẽ hiển thị trên hình ảnh X-quang và cho biết khu vực bị tắc nghẽn;
  • Chẩn đoán bằng hình ảnh khác. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp mạch máu cộng hưởng từ để xem các động mạch. Những xét nghiệm này thường có thể cho thấy các động mạch lớn bị hẹp và cứng, cũng như phình động mạch và lắng đọng canxi trong thành động mạch.
  • Những phương pháp điều trị bệnh xơ vữa động mạch là gì?

    điều trị xơ vữa động mạch

    Việc điều trị bao gồm thay đổi lối sống hiện tại bằng cách hạn chế lượng chất béo và cholesterol. Bạn cần phải tập thể dục nhiều hơn để cải thiện sức khỏe của tim và mạch máu. Bạn cũng có thể cần sự hỗ trợ y tế, chẳng hạn như:

    Thuốc

    Thuốc có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch xấu đi. Thuốc bao gồm:

    • Thuốc giảm cholesterol bao gồm statin và các dẫn xuất của axit fibric;
    • Thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc kháng đông như aspirin để ngăn chặn huyết khối và làm tắc nghẽn động mạch;
    • Thuốc ức chế beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để làm giảm huyết áp;
    • Thuốc lợi tiểu để giúp giảm huyết áp;
    • Thuốc ức chế men chuyển giúp ngăn ngừa hẹp động mạch.

    Phẫu thuật

    Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết nếu các triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng, cơ hoặc các mô da bị đe dọa. Phẫu thuật để điều trị xơ vữa động mạch bao gồm:

    • Phẫu thuật bắc cầu. Bác sĩ sẽ sử dụng một tĩnh mạch từ các nơi khác trong cơ thể của bạn hoặc một ống tổng hợp để chuyển hướng máu chảy quanh động mạch bị tắc hoặc bị hẹp.
    • Tiêu sợi huyết. Bác sĩ sẽ làm tan khối máu đông bằng cách tiêm một loại thuốc vào động mạch bị ảnh hưởng.
    • Nong mạch. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng, dẻo gọi là ống thông và một quả bóng để mở rộng động mạch.
    • Cắt bỏ nội mạc động mạch. Bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ chất béo lắng đọng trong động mạch.
    • Nạo mảng xơ vữa. Bác sĩ sẽ loại bỏ mảng bám động mạch bằng cách sử dụng một ống thông với một lưỡi dao sắc ở một đầu.

    Phòng ngừa

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh xơ vữa động mạch?

    Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

    • Có chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo bão hòa và cholesterol
    • Tránh thực phẩm giàu chất béo
    • Thêm cá vào chế độ ăn uống hai lần mỗi tuần
    • Tập thể dục trong vòng 30-60 phút mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần
    • Bỏ thuốc lá nếu bạn có thói quen hút thuốc
    • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì
    • Kiểm soát căng thẳng
    • Điều trị các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch, chẳng hạn như cao huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 06/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo