Tần suất đi đại tiện không chỉ phản ánh sức khỏe hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể của bạn. Vậy bạn đã biết tần suất đại tiện bình thường là thế nào, 1 tuần đi đại tiện 1 lần có sao không và cách để cải thiện tình trạng không thường xuyên đi đại tiện chưa?
Nếu muốn trả lời thắc mắc 1 tuần đi đại tiện 1 lần có sao không, bạn cần quan sát xem mình có thêm các triệu chứng cảnh báo tình trạng nguy hiểm không. Một số triệu chứng như nôn, đầy bụng hay đau bụng là dấu hiệu cho biết bạn cần đi thăm khám sớm đấy. Nếu đang rơi vào tình huống này, đừng bỏ lỡ bài viết sau của Hello Bacsi bạn nhé!
Thế nào là tần suất đi đại tiện bình thường?
Theo các chuyên gia sức khỏe, tần suất đi đại tiện bình thường là từ 3 lần/ngày đến 2 ngày/lần. Thế nhưng, mỗi người có chế độ ăn uống, tình trạng sức khỏe hệ tiêu hóa cũng như lối sống khác nhau nên cũng sẽ có tần suất đi đại tiện khác nhau. Mỗi người sẽ có tần suất đại tiện riêng và thường sẽ đi đại tiện vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu bạn ăn uống bình thường nhưng không đi đại tiện thường xuyên hoặc 1 tuần chỉ đi 1 lần, bạn có thể cần phải thăm khám y tế để tìm hiểu lý do và ngăn ngừa các biến chứng. Với người bình thường, tình trạng đi đại tiện ít hơn 2 lần/tuần được xem là táo bón và cần được điều trị kịp thời. Chứng táo bón có thể khiến phân ứ lại trong đường ruột, khiến bạn khó đại tiện hơn và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Giải đáp thắc mắc: 1 tuần đi đại tiện 1 lần có sao không?
Để trả thời thắc mắc 1 tuần đi đại tiện 1 lần có sao không, bạn có thể quan sát xem mình có thêm các triệu chứng nguy hiểm khác không. Các triệu chứng bạn cần chú ý khi không thể đi đại tiện thường xuyên trong thời gian dài là:
- Đầy hơi
- Có cảm giác cần đi đại tiện nhưng không thể đi
- Buồn nôn
- Nôn
- Không xì hơi
- Đau bụng…
Bạn có thể sẽ cần điều trị y tế nếu không đi đại tiện trong nhiều ngày và có những triệu chứng trên. Bởi việc 1 tuần đi đại tiện 1 lần hay không đi đại tiện thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Một số biến chứng liên quan đến tình trạng không đại tiện trong thời gian dài bao gồm:
- Ứ phân: Ứ phân là tình trạng có khối phân cứng kẹt trong hệ tiêu hóa khiến bạn khó đào thải phân ra khỏi cơ thể. Nếu gặp trường hợp này, bạn có thể cần điều trị y tế để loại bỏ phân.
- Thủng đường tiêu hóa: Phân ứ lại trong ruột quá nhiều có thể gây áp lực lớn lên ruột, khiến ruột bị thủng hoặc rách. Lúc này, phân có thể tràn vào khoang bụng và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và nguy hiểm tới tính mạng vì phân có tính axit và chứa vi khuẩn.
- Tăng nguy cơ mắc các tình trạng tim mạch: Tình trạng táo bón mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như đau tim. Bên cạnh đó, chứng này cũng làm tăng mức độ căng thẳng và các tình trạng viêm nhiễm có ảnh hưởng đến tim.
Tình trạng không thể đại tiện trong thời gian dài có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy nên, nếu đang băn khoăn 1 tuần đi đại tiện 1 lần có sao không và có các dấu hiệu nguy hiểm thì hãy đi thăm khám sớm bạn nhé.
Có thể bạn quan tâm
Mách nhỏ cách cải thiện tần suất đại tiện
Theo các chuyên gia sức khỏe, những yếu tố khiến bạn không đi cầu thường xuyên, thậm chí khó đi đại tiện có thể bao gồm căng thẳng, cChế độ ăn thiếu chất xơ , nước và thiếu hoạt động thể chất. Nếu vẫn lo lắng không biết 1 tuần đi đại tiện 1 lần có sao không, bạn có thể thử cải thiện những yếu tố này để giảm nhẹ tình trạng táo bón. Một số cách cải thiện tại nhà bạn có thể thử là:
- Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày: Chất thải trong đường ruột sẽ hấp thụ nước, giúp bạn dễ đào thải hơn.
- Tập thể dục: Thói quen tập luyện thể chất cũng là cách kích thích ruột hoạt động bằng các tác động từ bên ngoài. Bạn không cần tập quá nặng mà chỉ cần đi bộ thường xuyên cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe rồi đấy.
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa: Các sản phẩm từ sữa có thể gây táo bón. Việc cắt giảm các loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn có thể giúp bạn cải thiện tần suất đi đại tiện.
- Bổ sung thêm chất xơ: Chất xơ giúp thúc đẩy ruột hoạt động tốt hơn. Bạn có thể bổ sung thêm chất xơ từ những nguồn thực phẩm giàu chất này như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
- Tránh các thực phẩm giàu chất béo: Những thực phẩm giàu chất béo hoặc ít chất xơ có thể khiến tình trạng táo bón nặng thêm. Vậy nên, bạn cần hạn chế những món nhiều chất béo như khoai tây chiên, thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài việc xây dựng thói quen và chế độ ăn uống lành mạnh hơn, bạn có thể dùng thuốc làm mềm phân như docusate natri (Colace) để cải thiện chứng táo bón. Nếu bạn đi khám, bác sĩ có thể kê toa thuốc linaclotide (Linzess) để giúp tăng tần suất đi đại tiện.
Đáp án cho câu hỏi 1 tuần đi đại tiện 1 lần có sao không phụ thuộc vào tần suất đi đại tiện bình thường của bạn cũng như các triệu chứng đi kèm. Bên cạnh việc đi thăm khám sớm khi có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, bạn cũng có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách uống đủ nước, tập thể dục nhẹ nhàng và bổ sung thực phẩm chứa chất xơ vào chế độ ăn. Điều này không những giúp hệ tiêu hóa sẽ hoạt động hiệu quả mà sức khỏe tổng thể của bạn cũng sẽ cải thiện rất nhiều đấy.
[embed-health-tool-bmr]