backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh mucopolysaccharidosis 2 (MPS 2)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    Bệnh mucopolysaccharidosis 2 (MPS 2)

    Bệnh mucopolysaccharidosis loại II (MPS 2), còn có tên gọi khác là hội chứng Hunter, là một dạng trong nhóm các rối loạn chuyển hóa di truyền có tên chung là mucopolysaccharidosis (MPS).

    Tìm hiểu chung

    Bệnh mucopolysaccharidosis loại II (MPS 2) là gì?

    Bệnh MPS 2 là một rối loạn di truyền chuyển hóa carbohydrate hầu như chỉ xảy ra ở nam giới do di truyền liên kết với nhiễm sắc thể giới tính X.

    Bệnh đặc trưng bởi các đặc điểm trên khuôn mặt như đầu to, tràn dịch não, phì đại gan và lá lách, thoát vị rốn hoặc bẹn, mất thính giác. Những người mắc bệnh này có thể bị dị tật khớp và bất thường ở tim (liên quan đến van tim).

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh MPS 2

    Trẻ mắc phải bệnh MPS 2 trông vẫn khỏe mạnh khi mới sinh và các triệu chứng ban đầu thường sẽ xuất hiện từ 18 tháng đến 4 tuổi. Tật đầu to phát triển từ trong giai đoạn bào thai và trẻ sơ sinh ban đầu sẽ phát triển với tốc độ bình thường hoặc trên mức trung bình.

    Các dấu hiệu ban đầu bao gồm: nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xuyên, viêm tai giữa, thoát vị rốn và bẹn, tiêu chảy tái phát nhiều lần, gan và lách to, da sần sùi giống như vỏ cam (ở vai, lưng và đùi).

    Khuôn mặt với các đặc điểm khác thường như môi và cánh mũi dày, lưỡi to và đưa ra ngoài. Những biểu hiện này xuất hiện từ từ và trở nên rõ ràng vào lúc 2–4 tuổi, có thể thấy muộn hơn nếu bệnh ở thể nhẹ hơn.

    Ở dạng không ảnh hưởng đến thần kinh của MPS 2, chức năng tâm thần thường bình thường trong khi biến chứng toàn thân tương tự nhau. Đôi khi, mức độ nghiêm trọng của biến chứng có thể giảm xuống.

    Sau đây là các triệu chứng mà những người mắc bệnh có thể có. Giống như những bệnh khác, các triệu chứng sẽ thay đổi tùy từng cá nhân.

    • 80–90% trường hợp có những triệu chứng sau: thay đổi hành vi, các đường nét trên khuôn mặt thô cứng, sống mũi tẹt, mũi phẳng, đầu dài và hẹp, rụng lông, tóc quá mức, khuyết tật trí tuệ, đầu to, teo dây thần kinh thị giác, phù gai thị, vóc người nhỏ bé, cổ ngắn, phì đại lá lách, môi dưới dày, miệng rộng.
    • 30–79% trường hợp có những triệu chứng như: bất thường trong sắc tố võng mạc, xương hông bất thường, kém hấp thu ở ruột, hàm dưới rộng, lõm ngực, nhiễm trùng tai giữa tái phát, động kinh, thoát vị rốn.
    • 5–29% trường hợp có các triệu chứng: cứng khớp, gù lưng, mềm sụn thanh quản, lưỡi to, sa mi mắt, hẹp khí quản.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân bệnh MPS 2 là gì?

    Gene chịu trách nhiệm gây ra bệnh lý MPS 2 có tên là gene iduronate 2-sulfatase (IDS). Nhiều trường hợp mắc bệnh MPS 2 do có những thay đổi nhỏ (như đột biến sai nghĩa hay vô nghĩa) trong gene IDS hoặc bị mất hoặc chèn thêm vật liệu di truyền (như mất hoặc chèn thêm một base) làm ảnh hưởng đến chức năng gene.

    Hiếm gặp hơn, người bệnh MPS 2 có thể thiếu hoàn toàn hoặc thay đổi cấu trúc chính của gene IDS, liên quan đến một bệnh lý thần kinh.

    Các đột biến hoặc thay đổi trong cấu trúc gene gây ra những triệu chứng đa dạng và các dạng liên quan đến rối loạn khác (liên quan hoặc không liên quan đến thần kinh).

    Gene IDS chịu trách nhiệm sản xuất ra enzyme lysosomal iduronate 2-sulfatase. Sự thiếu hụt loại enzyme này dẫn đến tích tụ bất thường của một số carbohydrate phức tạp (glycosaminoglycan hay còn gọi là mucopolysaccharide) trong các mô khác nhau.

    MPS 2 là một bệnh di truyền thể lặn liên quan đến nhiễm sắc thể X. Rối loạn di truyền này gây ra bởi một gene bất thường nằm trên nhiễm sắc thể X do người mẹ truyền sang và biểu hiện chủ yếu ở bé trai.

    Nữ giới mang mầm bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng vì có đến hai nhiễm sắc thể X mà chỉ có một nhiễm sắc thể mang gene đột biến. Ngược lại, nam giới có một nhiễm sắc thể X được truyền từ mẹ và nếu chúng chứa gene gây bệnh, các triệu chứng sẽ được biểu hiện.

    Phụ nữ mang thai có rối loạn di truyền liên kết với nhiễm sắc thể X sẽ có 25% cơ hội sinh con gái mang mầm bệnh, 25% trường hợp con gái sinh không mang mầm bệnh, 25% con trai sinh ra mắc bệnh và 25% cơ hội sinh con trai bình thường.

    Nếu đàn ông mang gene đột biến của rối loạn di truyền liên kết với nhiễm sắc thể X, tất cả con gái của họ sinh ra đều sẽ mang mầm bệnh. Do nam giới không thể truyền nhiễm sắc thể giới tính X cho con trai nên không có trường hợp bố truyền mầm bệnh sang con trai.

    Nguy cơ mắc bệnh

    Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh?

    Bệnh MPS 2 thường chỉ ảnh hưởng trên nam giới và các triệu chứng trở nên rõ ràng ở độ tuổi từ 2–4.

    Rối loạn này xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/100.000 – 1/170.000 ca sinh con trai. Tuy nhiên, một vài trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ở bé gái do có sự bất hoạt chọn lọc nhiễm sắc thể giới tính X được di truyền từ người cha.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh MPS 2?

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh MPS 2 rất đa dạng và khác nhau ở từng người bệnh nên không thể chẩn đoán chỉ bằng việc thăm khám thực thể lâm sàng. Bác sĩ cần có bằng chứng cho thấy hoạt động của enzyme iduronate 2-sulfatase trong máu hay da giảm hoặc không có.

    Xét nghiệm glycosaminoglycan trong nước tiểu có thể giúp sàng lọc được những trường hợp có khả năng dương tính với bệnh. Người bệnh MPS 2 thường tích lũy heparin và dermatan sulfate trong nước tiểu.

    Xét nghiệm di truyền phân tử tìm kiếm đột biến trong gene IDS là cách giúp xác nhận chẩn đoán chính xác hơn. Lưu ý là phải loại trừ sự thiếu hụt nhiều sulfatase bằng cách kiểm tra các loại enzyme sulfatase khác.

    Những phương pháp điều trị bệnh MPS 2

    Một liệu pháp thay thế enzyme, sử dụng idursulfase (Elaprase) được FDA phê duyệt vào năm 2006 như là một phương pháp điều trị bệnh MPS 2.

    Những cách điều trị khác cho bệnh MPS 2 là chữa trị triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ. Những can thiệp trong quản lý bệnh thường bao gồm liệu pháp trị liệu nghề nghiệp và vật lý trị liệu, thoát vị và co rút khớp có thể được điều chỉnh bằng phẫu thuật.

    Phẫu thuật cắt amidan và nạo VA (nạo sùi vòm họng) đôi khi được thực hiện để giảm bớt các vấn đề ở đường hô hấp và cử động nuốt. Bác sĩ có thể tiến hành thông khí áp lực dương (CPAP hoặc mở khí quản) để giữ cho đường thở thông thoáng, giảm bớt vấn đề đường hô hấp.

    Bên cạnh đó, bác sĩ cũng thực hiện các phương pháp phù hợp để điều trị các triệu chứng khác như hội chứng ống cổ tay, tràn dịch não, mất thính lực…

    Tư vấn di truyền cũng được khuyến nghị thực hiện cho các gia đình không may có con mắc phải căn bệnh hiếm gặp này.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo