backup og meta

Cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống thường bắt đầu khi còn nhỏ và nghiêm trọng dần khi trưởng thành. Trong nhiều trường hợp, bệnh phát hiện sau tuổi dậy thì khi bộ xương đã phát triển hoàn chỉnh thì việc điều trị gặp khó khăn hơn. Mời bạn cùng hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý phổ biến này nhé!

Tìm hiểu chung

Vẹo cột sống là gì?

Cong vẹo cột sống là một loại biến dạng cột sống khá phổ biến. Đây là tình trạng cột sống bị cong hẳn sang một bên.

Mức độ cong của cột sống được đo bằng góc và tính bằng đơn vị độ. Góc càng rộng thì nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn càng cao. Các đường cong có thể nhẹ ở mức 10 độ hoặc nghiêm trọng ở mức 100 độ trở lên.

Hầu hết các trường hợp đều nhẹ và không cần điều trị, nhưng một số người bị cong cột sống nặng hơn theo thời gian. Một đường cong cột sống đặc biệt nghiêm trọng có thể làm giảm thể tích trong lồng ngực, khiến phổi khó hoạt động bình thường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng vẹo cột sống

Hầu hết trẻ bị cong vẹo cột sống không có triệu chứng đau nhưng ở người lớn, đau lưng là dấu hiệu phổ biến nhất khi bệnh đã nặng. 

Những dấu hiệu vẹo cột sống khác ở cả người lớn và trẻ em có thể bao gồm:

  • Cột sống cong rõ ràng
  • Cột sống nghiêng về một phía, bên trái hoặc bên phải
  • Vai không đều, một bên xương vai nhô cao hơn bên kia
  • Một bên hông cao hơn bên kia
  • Một bên của khung xương sườn nhô ra phía trước
  • Khi đứng thẳng, tay buông thõng, có sự khác biệt ở cách hai cánh tay
  • Khi cúi người, hai bên của lưng có chiều cao khác nhau
  • Quần áo không vừa
  • Eo không đều
  • Giảm chiều cao.

Khi vẹo cột sống nặng, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau lưng và nặng nhất là khó thở. Chứng bệnh này cũng có thể gây ra các vấn đề về cảm xúc khá nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. 

triệu chứng vẹo cột sống

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám nếu bạn phát hiện có triệu chứng hoặc bất thường nào ở cột sống, đặc biệt là hình dạng bất thường ở lưng.

Nếu chỉ bị cong nhẹ, bạn sẽ không nhận ra bất thường nhưng người khác sẽ nhìn thấy. Do đó, nếu bạn thấy cột sống không thẳng dù đang đứng thẳng, bạn nên thăm khám càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây vẹo cột sống là gì?

Khoảng 80% trường hợp nguyên nhân bệnh là không rõ ràng, hay còn được gọi là chứng vẹo cột sống vô căn, đôi khi có thể liên quan đến di truyền. Trong các trường hợp khác, vẹo cột sống có thể phát triển do:

  • Một số tình trạng thần kinh hoặc cơ tiềm ẩn, chẳng hạn như bại não hoặc loạn dưỡng cơ (Vẹo cột sống thần kinh cơ)
  • Dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của xương cột sống (Vẹo cột sống bẩm sinh)
  • Từng phẫu thuật thành ngực khi còn nhỏ
  • Chấn thương hoặc nhiễm trùng cột sống
  • Bất thường tủy sống
  • Thoái hóa cột sống theo tuổi tác, ảnh hưởng đến người lớn tuổi (Vẹo cột sống thoái hóa).

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:

  • Tuổi tác. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người lớn, nhưng thường bắt đầu ở trẻ em từ 10 đến 15 tuổi.
  • Giới tính. Mặc dù cả bé trai và bé gái đều có thể mắc bệnh, nhưng bé gái có nguy cơ bị nặng hơn và cần được điều trị cao hơn.
  • Di truyền. Vẹo cột sống có tính chất di truyền trong gia đình. Bạn có nguy cơ bị cong mắc bệnh cao nếu gia đình có người mắc chứng cong vẹo cột sống.

Nhiều người vẫn cho rằng tư thế ngồi và đi đứng sai, ăn uống thiếu dinh dưỡng, tập thể dục sai cách sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành nhưng điều này không chính xác. Mặc dù những yếu tố này không gây cong vẹo cột sống nhưng vẫn có thể khiến bạn bị các bệnh khác như thoái hóa, viêm khớp hoặc chấn thương cột sống.

Biến chứng

Vẹo cột sống có nguy hiểm không?

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chứng vẹo cột sống có thể gây ra các biến chứng, bao gồm:

  • Các vấn đề về hô hấp. Khung xương sườn có thể ép vào phổi, khiến bạn khó thở hơn.
  • Đau lưng mạn tính. Những người bị vẹo cột sống khi còn nhỏ có nhiều khả năng bị đau lưng mạn tính khi trưởng thành, đặc biệt nếu độ cong lớn và không được điều trị.
  • Tự ti về ngoại hình. Khi bệnh trở nên trầm trọng hơn, nó có thể gây ra những thay đổi đáng chú ý hơn về ngoại hình, bao gồm: hông và vai không đều nhau, xương sườn nổi rõ, thắt lưng và thân bị lệch sang một bên. Bệnh nhân thường trở nên tự ti về ngoại hình của mình.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán vẹo cột sống?

chẩn đoán vẹo cột sống

Đầu tiên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đứng và sau đó cúi người về phía trước từ thắt lưng, với hai cánh tay thả lỏng để xem liệu một bên của khung xương sườn có nổi rõ hơn bên kia hay không; đồng thời kiểm tra những bất thường ở cột sống.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra thần kinh để xem có tình trạng tê, yếu cơ hay phản xạ bất thường không.

Một số các xét nghiệm hình ảnh khác có thể được chỉ định, bao gồm:

  • Chụp X-quang là xét nghiệm đơn giản nhất giúp chẩn đoán vẹo cột sống và tiết lộ mức độ nghiêm trọng của độ cong cột sống.
  • Siêu âm là một xét nghiệm hình ảnh khác có thể được chỉ định, mặc dù nó có thể ít chính xác hơn trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của đường cong ở cột sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được khuyến nghị nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bất thường ở tủy sống là nguyên nhân gây ra chứng vẹo cột sống.

Những phương pháp điều trị vẹo cột sống

Trẻ em bị vẹo cột sống nhẹ dưới 20 độ thường không cần điều trị gì cả, nhưng nên kiểm tra thường xuyên để xem tình trạng này có nghiêm trọng hơn khi lớn lên hay không.

Vẹo cột sống có chữa được không? Bệnh có thể cải thiện sau khi điều trị. Đối với các tình trạng cong vẹo gây đau đớn và biến dạng cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Chữa vẹo cột sống hướng đến việc làm giảm đau và cải thiện chức năng vận động. Phương pháp điều trị vẹo cột sống khác nhau, tùy thuộc vào tuổi, mức độ nghiêm trọng của đường cong và liệu nó có trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian hay không.

Điều trị bảo tồn

Phần lớn các trường hợp vẹo cột sống nhẹ có thể được kiểm soát mà không cần phẫu thuật thông qua việc: 

  • Tái khám và theo dõi thường xuyên cùng bác sĩ
  • Dùng thuốc giảm đau thông thường
  • Thực hiện các bài tập kéo giãn để tăng cường sức mạnh và cải thiện tính linh hoạt cho vùng lưng
  • Bỏ thuốc lá
  • Cải thiện tư thế ngồi, đi, đứng và vận động
  • Thực hiện các bài tập tác động thấp, chẳng hạn như bơi lội
  • Tiêm ngoài màng cứng (xung quanh tủy sống) hoặc tiêm khối dây thần kinh để giảm đau.

Đeo nẹp

điều trị cong vẹo cột sống

Nếu xương của trẻ vẫn đang phát triển và bị vẹo cột sống ở mức độ vừa phải (từ 20 đến 50 độ), bác sĩ có thể đề nghị đeo nẹp. Đeo nẹp sẽ không chữa khỏi bệnh hoặc làm cho đường cong cột sống biến mất, nhưng nó có thể giúp ngăn đường cong trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Loại nẹp phổ biến nhất được làm bằng nhựa và vừa vặn với cơ thể, không lộ khi mặc quần áo. Trẻ có thể đeo nẹp và tham gia vào hầu hết các hoạt động thường ngày mà không bị hạn chế. Việc đeo nẹp sẽ kết thúc khi chiều cao hoặc xương của trẻ không còn phát triển nữa.

Trẻ cần đeo nẹp khoảng 13 – 16 tiếng mỗi ngày. Đeo càng nhiều, hiệu quả càng tốt.

Phẫu thuật

Vẹo cột sống nghiêm trọng trên 50 độ và gây đau dữ dội có thể cần phẫu thuật để giúp làm thẳng đường cong và ngăn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Hợp nhất đốt sống. Trong thủ tục này, các bác sĩ phẫu thuật kết nối hai hoặc nhiều xương trong cột sống (đốt sống) với nhau để từng đốt sống không thể di chuyển đơn độc được. 
  • Thanh mở rộng. Nếu chứng vẹo cột sống tiến triển nhanh khi trẻ còn nhỏ, bác sĩ phẫu thuật có thể gắn một hoặc hai thanh có thể điều chỉnh độ dài dọc theo cột sống. Các thanh được kéo dài từ 3 đến 6 tháng một lần (theo tốc độ tăng chiều cao của trẻ) bằng phẫu thuật hoặc tại phòng khám bằng điều khiển từ xa.
  • Nắn thân đốt sống. Thủ tục này có thể được thực hiện thông qua các vết rạch nhỏ ở lưng. Các vít được đặt dọc theo mép ngoài của đoạn cột sống bị cong, sau đó dùng dây cố định lại. Khi dây được thắt chặt, cột sống thẳng ra. Khi đứa trẻ lớn lên, cột sống có thể thẳng hơn nữa.

Phương pháp điều trị này là lựa chọn cuối cùng vì nguy cơ biến chứng do phẫu thuật cột sống là cao. Các biến chứng của phẫu thuật cột sống có thể bao gồm chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương thần kinh.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa vẹo cột sống

Chứng vẹo cột sống không thể ngăn ngừa được vì nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.

Chứng vẹo cột sống thoái hóa xảy ra theo thời gian khi cơ thể già đi. Bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách giữ cân nặng vừa phải, duy trì tập thể dục thường xuyên, bổ sung canxi phù hợp.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Overview-Scoliosis. https://www.nhs.uk/conditions/scoliosis/. Ngày truy cập: 18/04/2023

Scoliosis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scoliosis/symptoms-causes/syc-20350716. Ngày truy cập: 18/04/2023

Adult Scoliosis. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15837-adult-scoliosis. Ngày truy cập: 18/04/2023

Scoliosis. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/scoliosis. Ngày truy cập: 18/04/2023

Scoliosis in Children and Teens. https://www.niams.nih.gov/health-topics/scoliosis. Ngày truy cập: 18/04/2023

Scoliosis. https://www.aans.org/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Scoliosis. Ngày truy cập: 18/04/2023

Phiên bản hiện tại

20/04/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Chữa vẹo cột sống tại nhà, tại sao không?

Ưỡn cột sống (võng lưng) là gì và điều trị bằng cách nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 20/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo