backup og meta

6 bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn nặng

6 bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn nặng

Hít thở là điều diễn ra tự nhiên để duy trì sự sống. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh hen suyễn ở mức độ nghiêm trọng, việc hít thở diễn ra rất khó khăn. Các bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn nặng trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.

Bệnh hen suyễn khiến đường thở của bệnh nhân bị thu hẹp. Điều này gây cản trở quá trình hít thở tự nhiên và làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các bài tập hít thở và các kỹ thuật đặc biệt có thể giúp điều trị các triệu chứng của bệnh hen suyễn và tăng cường sức mạnh, dung tích và sức khỏe tổng thể của phổi.

Ngày nay, ngoài phương pháp điều trị bệnh hen suyễn bằng thuốc, các bác sĩ đã cho bệnh nhân kết hợp với việc thực hiện những bài tập hít thở ngay tại nhà. Nếu chính bạn hoặc người thân đang mắc bệnh hen suyễn nặng và đang tìm kiếm cách điều trị bổ sung để dễ thở hơn, hãy thử áp dụng 6 bài tập hít thở dưới đây:

1. Bài tập hít thở bằng cơ hoành

bài tập hít thở bằng cơ hoành

Thở cơ hoành hay còn được gọi là thở bụng. Cơ hoành là phần cơ hình vòm nằm phía dưới phổi. Trong bài tập hít thở bằng cơ hoành, bạn sẽ học cách thở từ vùng cơ này thay vì thở từ ngực. Kỹ thuật thở này giúp tăng cường chức năng cơ hoành, làm chậm nhịp thở để giảm nhu cầu oxy của cơ thể.

Để thực hiện bài tập hít thở bằng cơ hoành, bạn hãy ngồi hoặc nằm trên một mặt phẳng. Đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng. Hít vào từ từ bằng mũi. Nếu đang tập đúng cách, bàn tay trên bụng của bạn sẽ nâng lên (vì bụng phình lên), trong khi bàn tay trên ngực vẫn giữ yên.

Tiếp đó, bạn mím chặt môi và thở ra từ từ. Thở ra bằng miệng lâu hơn thời gian hít vào ít nhất từ ​​hai đến ba lần, đồng thời giữ cho cổ và vai được thư giãn. Khi thở ra, bụng của bạn cũng sẽ xẹp dần theo nhịp thở. Tiếp tục thực hành bài tập hít thở bằng cơ hoành trong khoảng 3-5 phút trong mỗi lần tập.

2. Bài tập hít thở bằng mũi

Thói quen thở bằng miệng có liên quan đến việc làm cho các triệu chứng của bệnh hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, bài tập thở bằng mũi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người mắc bệnh hen suyễn nặng.

Bài tập hít thở bằng mũi sẽ làm tăng độ ấm và độ ẩm cho không khí khi được đưa vào phổi. Điều này sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen suyễn.

3. Bài tập thở cho người hen suyễn: Phương pháp Papworth

bài tập thở papworth

Phương pháp hít thở Papworth ra đời từ những năm 1960. Đây là một trong những bài tập hít thở hiệu quả cho người mắc bệnh hen suyễn nặng.

Bài tập thở này là sự kết hợp của một số cách thở khác nhau với kỹ thuật thư giãn. Nó giúp bạn thở đều, thở chậm từ cơ hoành và qua mũi. Với phương pháp thở Papworth, bạn cũng sẽ học được cách kiểm soát căng thẳng để nó không làm ảnh hưởng đến hơi thở của bạn.

Để thực hành phương pháp thở Papworth, bạn hãy thực hiện từng bước như sau:

  • Ngồi thẳng lưng theo tư thế hoa sen
  • Hít vào (bằng miệng hoặc mũi) rồi thở ra bằng mũi theo nhịp đếm từ 1-4
  • Trong suốt quá trình tập, bạn cần chú ý vào nhịp độ lên xuống của bụng và lắng nghe hơi thở của mình.

Kỹ thuật thở Papworth sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được áp dụng kèm với thuốc điều trị hen suyễn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng phương pháp Papworth có thể giúp giảm các triệu chứng về đường hô hấp và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những người bị hen suyễn nặng.

4. Phương pháp thở Buteyko

Bài tập thở Buteyko được đặt theo tên của người tìm ra phương pháp này (Konstantin Buteyko). Ông là bác sĩ người Ukraine. Ông đã tìm ra phương pháp thở Buteyko để giúp ích cho những người bị bệnh hen suyễn nặng vào năm 1950.

bài tập hít thở cho người bệnh hen suyễn nặng

Bài tập hít thở Buteyko cho phép bạn thở chậm và thở sâu hơn. Điều này giúp giữ không khí ấm và ẩm, góp phần xoa dịu các đường hô hấp nhạy cảm với bệnh hen suyễn. Kỹ thuật này sẽ mang đến kết quả tích cực cho việc cải thiện các triệu chứng hen suyễn và giảm nhu cầu dùng thuốc.

Phương pháp thở Buteyko được thực hành theo những bước sau:

  • Ngồi thẳng lưng trong không gian sạch sẽ, thoáng mát
  • Hít thở bằng mũi với tốc độ tự nhiên trong khoảng 30 giây và tập trung vào nhịp thở
  • Nhẹ nhàng dùng hai ngón tay bịt kín cả hai lỗ mũi và khép miệng đến khi bạn không thể giữ lâu hơn.
  • Buông tay ra khỏi mũi, tiếp tục ngậm miệng và hít thở thật sâu bằng mũi.

5. Cải thiện triệu chứng hen suyễn nặng bằng bài tập hít thở mím môi

Hít thở bằng cách chu môi nhẹ (hay còn được gọi là thở mím môi) là kỹ thuật giúp bệnh nhân hen suyễn khắc phục tình trạng khó thở. Đó là một cách tốt để làm chậm nhịp thở, đảm bảo rằng mỗi hơi thở bạn hít vào sẽ hiệu quả hơn. Nó giúp giữ cho đường thở mở lâu hơn, để oxy được chuyển vào phổi và carbon dioxide được chuyển ra ngoài một cách hiệu quả. Điều này giúp làm chậm nhịp thở và có thể giảm khó thở.

Thử thở bằng môi mím khi bạn không cảm thấy khó thở. Hít vào từ từ bằng mũi và ngậm miệng lại. Sau đó, thở ra dài ít nhất gấp đôi bằng miệng với môi mím lại giống như bạn sắp huýt sáo hoặc thổi bong bóng.

6. Áp dụng các bài tập hít thở trong yoga

cách thở trong yoga

Yoga là môn thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo đó, cách thở trong yoga là yếu tố quan trọng giúp bạn kiểm soát tốt bệnh hen suyễn nếu được áp dụng đúng.

Nguyên tắc hít thở trong yoga chia làm 3 cách chính bao gồm: thở bằng bụng (thở cơ hoành), thở ngực và thở kết hợp giữa bụng và ngực.

Với cách thở bằng ngực, bạn hãy hít thật sâu bằng phần ngực. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy ngực mình đang nở ra, các khớp xương cũng mở rộng hơn. Sau đó, bạn thở ra thật chậm và cảm nhận các khớp xương đang trở lại trạng thái ban đầu.

Với cách thở kết hợp giữa ngực và bụng, bạn hãy hít vào nhẹ nhàng để không khí lấp đầy khoang ngực và bụng. Tiếp đó, bạn nín thở trong khoảng 5 giây rồi thở ra thật chậm. Lưu ý, khi bạn thở ra, không khí sẽ di chuyển từ dưới lên trên. Vì thế, bạn hãy dùng nhiều sức hơn để co phần cơ bụng và mở rộng phần ngực nhă,f đảm bảo dòng lưu thông của không khí.

Nếu bạn còn băn khoăn không biết các bài tập hít thở nào tốt nhất cho bệnh nhân hen suyễn nặng, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn. Điều quan trọng là bạn cần duy trì tập luyện đều đặn để thấy rõ sự cải thiện các triệu chứng hen suyễn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Papworth breathing. https://www.physio.co.uk/treatments/respiratory-treatment/papworth-breathing.php. Ngày truy cập: 15/1/2020

Diaphragmatic breathing. http://my.clevelandclinic.org/health/articles/9445-diaphragmatic-breathing. Ngày truy cập: 15/1/2020

Breathing Exercises and Techniques for Asthma. https://gaapp.org/asthma-treatment-and-medicines/breathing-exercises-techniques-for-asthma/. Ngày truy cập: 19/07/2021

Breathing Exercises. https://www.lung.org/lung-health-diseases/wellness/breathing-exercises. Ngày truy cập: 19/07/2021

“Breathing Training Exercises for Asthma” presented by Prof. Mike Thomas. https://www.severeasthma.org.au/breathing-exercises-asthma/. Ngày truy cập: 19/07/2021

Phiên bản hiện tại

19/07/2021

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Xẹp phổi và những điều bạn cần biết

Đau ngực khi hít thở sâu, đừng xem thường!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 19/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo