backup og meta

Tự làm tinh dầu chanh thư giãn sành điệu như spa

Tự làm tinh dầu chanh thư giãn sành điệu như spa

Tinh dầu chanh thơm ngát có thể làm dịu tâm trạng, chăm sóc làn da và thúc đẩy chữa lành các vết thương trên cơ thể. Bạn có thể tự làm tinh dầu chanh tại nhà để thư giãn một cách sành điệu như khi đi spa đấy!

Khi dùng tinh dầu chanh tại nhà, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác thư giãn, chăm sóc da và cải thiện não bộ. Vậy bạn đã biết cách tự làm tinh dầu chanh tại nhà để thưởng cho mình một buổi spa sau những ngày làm việc vất vả?

Lợi ích của tinh dầu chanh

Tinh dầu chanh tốt cho làn da, não bộ và sức khỏe tổng thể nói chung. Sau đây là một số lợi ích của chiết xuất này.

1. Giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm

Bạn có nhận thấy khi sử dụng các sản phẩm có mùi chanh để dọn dẹp nhà cửa, bạn sẽ cảm thấy thư giãn và có tâm trạng tốt hơn?

Một nghiên cứu năm 2006 trên chuột cho thấy tinh dầu chanh là một chất có khả năng làm dịu và cải thiện tâm trạng rất tốt. Nghiên cứu trên cũng đã kết luận rằng tinh dầu chanh có hiệu quả trong việc giảm căng thẳng hơn các loại tinh dầu khác như hoa oải hương và hoa hồng.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2016 cho thấy tinh dầu chanh giúp giảm sự lo lắng ở các bệnh nhân vừa thực hiện phẫu thuật chỉnh hình. Ngoài ra, có những bằng chứng cho thấy việc khuếch tán tinh dầu chanh vào không khí có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng lo âu và trầm cảm.

2. Giúp giảm các triệu chứng ốm nghén

Buồn nôn và nôn là hai trong số các triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Tinh dầu chanh có thể giúp bạn giảm nhẹ các triệu chứng này. Một nghiên cứu năm 2014 ở 100 phụ nữ mang thai cho thấy liệu pháp mùi hương với tinh dầu chanh có thể giảm mức độ buồn nôn và nôn đáng kể.

3. Có thể giúp da khỏe mạnh hơn

tinh dầu chanh

Tinh dầu chanh có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại phát triển trên da. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tinh dầu chanh có hiệu quả chống lại các chủng vi khuẩn như Staphylococcus aureus và E. coli. Điều này cho thấy tinh dầu chanh rất thích hợp cho việc làm sạch các vết thương nhỏ trên da. Một nghiên cứu khác đã xác nhận tinh dầu chanh có tác dụng chống vi khuẩn gây nhiễm trùng và có thể ngăn ngừa viêm da. Loại tinh dầu này cũng có các chất chống oxy hóa có thể làm sáng và giữ màu da không bị tối đi.

Ngoài ra, tinh dầu chanh có đặc tính kháng nấm khá mạnh nên có thể giúp bạn điều trị các vùng da nấm. Một đánh giá về các nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng loại dầu này có hiệu quả chống bệnh nấm nông ở chân hay nhiễm trùng nấm men.

Ngoài các bệnh về da trên, tinh dầu chanh còn giúp bạn cải thiện tình trạng mụn. Bạn có thể pha loãng tinh dầu chanh rồi bôi lên vùng bị mụn để tiêu diệt vi khuẩn kẹt trong lỗ chân lông và gây mụn. Loại dầu này cũng có các chất chống oxy hóa và vitamin C nhẹ nhàng tẩy tế bào chết trong nang lông và lỗ chân lông, từ đó giúp da sáng hơn. Tinh dầu chanh cũng có đặc tính chữa lành vết thương nên bạn sẽ có thể chữa mụn nhanh hơn mà không sợ sẹo.

4. Có thể giúp giảm đau

Tinh dầu chanh đôi khi được sử dụng trong liệu pháp mùi hương để giúp giảm đau tự nhiên. Tác dụng chống căng thẳng và trầm cảm của loại dầu này có thể giúp bạn đối phó với cơn đau tốt hơn. Một nghiên cứu năm 2014 thực hiện trên chuột cho thấy liệu pháp trị liệu bằng tinh dầu chanh đã thay đổi cách não phản ứng với các tác nhân gây đau đớn.

5. Giúp làm dịu cơn đau họng

Nếu bạn đang bị cảm lạnh hoặc đau họng, tinh dầu chanh có thể là cách cải thiện tình hình hiệu quả. Bạn hãy thử bỏ tinh dầu chanh vào máy khuếch tán tinh dầu để mùi hương lan tỏa khắp phòng. Đặc tính làm dịu của tinh dầu chanh có thể giúp thư giãn cả tâm trí và các cơ trong cổ họng. Vitamin C và các đặc tính chống oxy hóa của chanh cũng có thể giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn.

6. Nâng cao sự tỉnh táo và tập trung

Tinh dầu chanh không những giúp cải thiện tâm trạng mà cũng có thể giúp tăng cường trí não. Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2014 ở các học sinh lớp bốn, những học sinh tham gia các lớp học về ngôn ngữ được khuếch tán tinh dầu chanh làm bài thi tốt hơn. Một nghiên cứu nhỏ khác thực hiện vào năm 2008 đã kết luận rằng liệu pháp mùi hương với tinh dầu như chanh có thể cải thiện chức năng nhận thức của những người mắc bệnh Alzheimer.

7. Thúc đẩy chữa lành vết thương

Tinh dầu chanh có rất nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa và chất kháng khuẩn nên có thể giúp bạn sơ cứu các vết thương rất tốt. Trong một thử nghiệm trên động vật, tinh dầu chanh đã thúc đẩy quá trình chữa lành mô bị ghẻ lở. Bạn có thể dùng tinh dầu chanh pha loãng vệ sinh các vết thương nhỏ để ngăn chặn nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành hơn.

Cách sử dụng tinh dầu chanh

tinh dầu chanh

Bạn có thể sử dụng tinh dầu chanh bằng cách khuếch tán vào không khí hoặc bôi lên da.

• Khuếch tán tinh dầu: Để khuếch tán tinh dầu chanh, bạn nhỏ ba hoặc bốn giọt vào máy khuếch tán tinh dầu. Bạn hãy thực hiện cách này ở nơi thông thoáng trong tối đa 30 phút.

• Bôi tinh dầu: Nếu muốn bôi tinh dầu chanh lên da, bạn trộn đều tinh dầu này đều với dầu nền mình thích. Môt số loại dầu nền phổ biến bao gồm dầu hạnh nhân, dầu jojoba và dầu dừa. Bạn hãy bôi thử hỗn hợp trên một vùng da nhỏ trước khi dùng lên các vùng da nhạy cảm như da mặt. Nếu sau 24 giờ bạn bị đỏ hoặc kích ứng thì không nên sử dụng hỗn hợp.

Có một số trường hợp tinh dầu chanh làm cho da nhạy cảm hơn với kích ứng từ ánh nắng mặt trời hơn. Kích ứng này có thể khiến vùng da bôi tinh dầu chanh bị rát và đỏ. Vậy nên, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp khi sử dụng bất kỳ loại tinh dầu cam quýt nào. Bạn thường có thể tránh phản ứng dị ứng này bằng cách pha loãng tinh dầu và dùng thử tinh dầu lên một vùng da nhỏ trước.

Tinh dầu chanh an toàn cho phụ nữ mang thai và em bé trên ba tháng tuổi. Tuy nhiên, loại tinh dầu này vẫn chưa được phê duyệt là an toàn để dùng cho thú cưng nên bạn cần chú ý nếu trong nhà có vật nuôi. Bạn cũng không nên uống tinh dầu chanh hay bất cứ loại tinh dầu nào để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Cách tự làm tinh dầu chanh

Tinh dầu chanh không hề khó làm mà bạn có thể bỏ thời gian chế biến tại nhà để có tinh dầu chất lượng nhất. Bạn có thể tham khảo hai cách làm sau đây nhé.

Cách tự làm tinh dầu chanh 1

– Chuẩn bị nồi lớn và một tô sạch.

– Tách vỏ của 3 quả chanh. Nếu có thể, bạn hãy phơi nắng vỏ chanh trước khi làm.

– Làm sạch vỏ chanh, để ráo nước rồi thái nhỏ.

– Cho vỏ chanh vào nồi rồi đổ ngập nước lọc bằng khoảng lượng 1/3 vỏ chanh.

– Bỏ tô sạch đã chuẩn bị vào giữa nồi.

– Bắt đầu đun cho đến khi nồi nước sôi thì vặn nhỏ lửa và đậy ngược vung rồi.

– Bỏ ít đá lạnh lên vung để tinh dầu vỏ chanh dễ ngưng tụ vào tô hơn.

– Tiếp tục đun trong 30 phút. Phần tinh dầu trong tô chính là thành phẩm cuối cùng.

Cách tự làm tinh dầu chanh 2

– Gọt hết phần vỏ chanh bên ngoài rồi vắt vỏ chanh cho ra tinh dầu. Bạn hứng phần tinh dầu này vào một khay nước sạch.

– Đổ dung dịch này vào một chai sạch đóng kín. Tinh dầu nhẹ hơn nước nên sẽ nổi lên trên.

– Úp ngược chai xuống để phần nước ở gần nắp chai và phần tinh dầu ở trên lớp nước.

– Mở nắp chai từ từ cho phần nước chảy xuống. Khi nước chảy hết, bạn nhanh tay dốc ngược chai lại để giữ phần tinh dầu nguyên chất.

Tinh dầu chanh thơm mát có nhiều lợi ích cho sức khỏe não bộ, làn da và tâm trạng. Bạn hãy tự làm tinh dầu chanh để có một buổi spa ở nhà thật thư giãn và thoải mái nhé.

Như Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What You Need to Know About Lemon Essential Oil
https://www.healthline.com/health/lemon-essential-oil
Ngày truy cập: 10.08.2019

Lemon Essential Oil Benefits and Uses
https://www.verywellhealth.com/the-benefits-of-lemon-essential-oil-88784
Ngày truy cập: 10.08.2019

10 Uses for Lemon Essential Oil
https://mightynest.com/articles/10-uses-for-lemon-essential-oil
Ngày truy cập: 10.08.2019

Phiên bản hiện tại

31/01/2020

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Tác dụng của tinh dầu bưởi đối với sức khỏe

Tinh dầu trầm hương có tác dụng gì đối với sức khỏe?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 31/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo