Cấy ghép tim là một phẫu thuật có thể mất rất nhiều thời gian để thực hiện với quy trình bao gồm nhiều bước phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng thải ghép sau phẫu thuật cũng rất nguy hiểm. Hiểu rõ về quá trình này sẽ giúp bạn an tâm hơn khi quyết định tiến hành điều trị.
Ghép tim là gì? Cấy ghép tim là một thủ thuật phẫu thuật thay thế tim bị suy bằng trái tim khỏe mạnh từ người hiến tặng. Người hiến tặng tim là người đã qua đời và gia đình của họ đồng ý hiến tặng. Bệnh nhân bị suy tim tiến triển nhưng có sức khỏe tổng quát tốt có thể đủ điều kiện cấy ghép tim.
Bạn cần chuẩn bị gì cho việc ghép tim?
Quá trình chuẩn bị cho cấy ghép tim diễn ra trong thời gian dài, đôi khi cần đến vài năm.
Thực hiện các bước đầu tiên của quá trình ghép tim
Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn nên ghép tim, họ sẽ giới thiệu bạn đến một trung tâm phẫu thuật thay tim hoặc bạn có thể tự lựa chọn. Ở trung tâm, bạn sẽ được đánh giá để xác định xem có đủ điều kiện cấy ghép tim hay không. Đánh giá này bao gồm khám sức khỏe tổng quát, tiến hành các xét nghiệm cần thiết, khám sức khỏe tâm thần và cảm xúc.
Mục đích của việc đánh giá này bao gồm:
- Tình trạng bệnh của bạn sẽ được cải thiện từ việc cấy ghép hay không?
- Bạn có thể được hưởng lợi từ các lựa chọn điều trị khác hay không?
- Bạn có đủ sức khỏe để trải qua phẫu thuật và các phương pháp điều trị sau ghép tim
- Bạn có đồng ý bỏ thuốc lá, nếu bạn hút thuốc trước khi phẫu thuật
- Bạn có sẵn sàng tuân theo chỉ định điều trị do bác sĩ phẫu thuật đưa ra
- Bạn có sẵn sàng để chờ đợi một trái tim hiến tặng
- Gia đình và bạn bè có thể hỗ trợ chăm sóc bạn.
Chờ đợi tim từ người hiến tặng
Nếu bạn đủ điều kiện để cấy ghép tim, tên của bạn sẽ được đưa vào danh sách chờ. Luôn có hàng ngàn người chờ đợi một trái tim của người hiến tặng. Tuy nhiên, không có nhiều tim từ người hiến tặng, kết quả là có khá nhiều người chết trong khi chờ đợi.
Trong khi đang chờ, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ và việc điều trị sẽ được điều chỉnh nếu cần thiết. Nếu bạn phát triển một tình trạng nghiêm trọng như nhiễm trùng nặng hoặc đột quỵ, tên của bạn sẽ bị xóa khỏi danh sách.
Bạn có thể được khuyên tham gia chương trình phục hồi chức năng tim trong khi chờ đợi vì nó giúp cải thiện sức khỏe trước và sau khi cấy ghép. Nếu các cơ quan quan trọng của bạn không thể theo kịp ngay cả với sự trợ giúp của liệu pháp y tế, bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng thiết bị cấy ghép để hỗ trợ tim trong lúc chờ đợi.
Khi có tim hiến tặng, hệ thống sẽ đánh giá độ tương hợp với người nhận theo các yếu tố như:
- Sự khẩn cấp của người nhận tiềm năng
- Nhóm máu (A, B, AB hoặc O)
- Các kháng thể người nhận có thể đã có
- Kích thước của tim hiến tặng
- Thời gian chờ đợi
Ngay trước khi phẫu thuật thay tim
Sau khi tim được lấy ra khỏi người hiến tặng, nó cần được cấy ghép trong vòng 4 giờ nếu không tim sẽ chết. Do đó, trung tâm cấy ghép tim gần nhất sẽ nhận được nó. Các trung tâm ưu tiên tiếp theo là những trung tâm nằm trong phạm vi nhất định.
Trong thời gian chờ đợi, bạn cần giữ liên lạc chặt chẽ với đội cấy ghép và thông báo cho họ về bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe. Bảo đảm họ có thể luôn tiếp cận với bạn 24 giờ một ngày.
Khi có tim khỏe mạnh, bạn và đội cấy ghép có một khoảng thời gian rất ngắn để quyết định xem trái tim có phù hợp với bạn hay không và liệu bạn đã sẵn sàng phẫu thuật thay tim chưa. Nếu đánh giá cuối cùng quyết định rằng trái tim không phù hợp với bạn hoặc nếu bạn không đủ sức khỏe để phẫu thuật, tim sẽ được chuyển cho người khác trong danh sách.
Phẫu thuật cấy ghép tim được thực hiện như thế nào?
Phẫu thuật ghép tim là một phẫu thuật phức tạp, có thể kéo dài vài giờ, thậm chí lâu hơn. Bạn sẽ được gây mê toàn thân và kết nối với một máy hô hấp tim–phổi nhân tạo để cơ thể có thể tiếp cận với máu giàu oxy trong quá trình phẫu thuật.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường trên ngực của bạn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành tách xương lồng ngực và mở khung xương sườn của bạn để họ có thể phẫu thuật tim cho bạn.
Tim bị suy sẽ được thay thế bằng tim khỏe mạnh của người hiến tặng. Các mạch máu lớn được kết nối vào trái tim được thay thế. Khi dòng máu được phục hồi, trái tim mới sẽ bắt đầu đập. Thỉnh thoảng, trái tim mới cần một cú sốc điện để hoạt động bình thường.
Bạn sẽ được dùng thuốc để giúp kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật. Bạn cũng sẽ có một máy thở để giúp bạn thở và các ống trong ngực để thoát chất lỏng ra khỏi phổi và tim. Sau khi phẫu thuật, bạn cũng sẽ nhận được chất lỏng và thuốc qua ống tiêm tĩnh mạch (IV).
Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật ghép tim?
Ban đầu, bạn sẽ ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong vài ngày sau phẫu thuật, sau đó được chuyển đến phòng bệnh thông thường. Bạn có thể sẽ ở lại bệnh viện trong một hoặc hai tuần. Thời gian ở ICU và ở bệnh viện khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe của bạn.
Sau khi xuất viện, bạn sẽ cần đến tái khám để bác sĩ phẫu thuật theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn một cách thường xuyên trong ít nhất 3 tháng. Sau đó, những lần tái khám ít thường xuyên hơn, việc đi lại cũng dễ dàng hơn.
Bạn cũng sẽ được theo dõi bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của tình trạng thải ghép (cơ thể từ chối nhận trái tim mới), chẳng hạn như khó thở, sốt, mệt mỏi, không đi tiểu nhiều hoặc tăng cân. Hãy nói cho bác sĩ biết ngay khi bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của việc thải loại hoặc nhiễm trùng.
Để xác định liệu cơ thể bạn có đang từ chối trái tim mới hay không, bạn sẽ cần phải sinh thiết tim thường xuyên trong vài tháng đầu tiên sau khi ghép tim, khi việc đào thải có nhiều khả năng xảy ra nhất. Tần suất sinh thiết cần thiết giảm dần theo thời gian.
Trong quá trình sinh thiết tim, bác sĩ sẽ luồn một ống vào tĩnh mạch ở cổ hoặc bẹn của bạn và hướng nó đến tim của bạn. Bác sĩ chạy một thiết bị sinh thiết qua ống để loại bỏ một mẫu mô tim rất nhỏ, được kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Để ngăn chặn việc thải ghép khi ghép tim, các thuốc ức chế miễn dịch sẽ được chỉ định. Loại thuốc này ức chế hệ thống miễn dịch, ngăn chặn nó tấn công trái tim mới của bạn. Bạn sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong suốt quãng đời còn lại.
Vì thuốc ức chế miễn dịch khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng khuẩn, kháng vi-rút và kháng nấm. Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh như huyết áp cao, cholesterol cao, ung thư hoặc tiểu đường.
Theo thời gian, khi nguy cơ đào thải giảm, liều lượng và số lượng thuốc chống thải ghép có thể giảm. Điều quan trọng là bạn nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn cũng cần có những thay đổi về lối sống, chẳng hạn như bôi kem chống nắng, không hút thuốc lá, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và cẩn thận để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Cuối cùng, bạn nên tham gia vào chương trình phục hồi chức năng tim bao gồm tập thể dục phù hợp để giúp bạn cải thiện sức khỏe và phục hồi sau khi cấy ghép tim. Phục hồi chức năng tim có thể bắt đầu trước khi bạn xuất viện, để giúp bạn lấy lại sức mạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
[embed-health-tool-heart-rate]