Theo dự báo từ nay đến nửa đầu tháng 11 năm 2024, mùa mưa vẫn tiếp tục kéo dài và có xu hướng kết thúc muộn, ngoài ra vẫn sẽ có những đợt mưa trái mùa trên diện rộng. Điều này sẽ dễ dẫn đến tăng tỉ lệ số ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi. Ngoài Sốt Xuất Huyết (SXH) còn có các bệnh như sốt rét, virus ZiKa, viêm não Nhật Bản mà chúng ta nên hết sức cảnh giác.
Muỗi lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm, không chỉ sốt xuất huyết
Trên thế giới có ít nhất 3,500 loài muỗi đang tồn tại và phát triển. Trong số đó, một số loài nguy hiểm phổ biến tại Việt Nam, gây nhiều bệnh nghiêm trọng là muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika, muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét, muỗi Culex làm lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản…. [1].
Trong các bệnh lây lan do muỗi, sốt xuất huyết là bệnh phổ biến nhất. Hiện nay, vaccine ngừa sốt xuất huyết đã được triển khai tiêm tại Việt Nam từ tháng 9.2024 [2]. Đây là một trong những biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ động, giúp bảo vệ với hiệu quả lên đến 80,2% tại thời điểm 12 tháng sau khi tiêm liều thứ hai [3]. Vaccine được áp dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên [2]. Vì vậy, các gia đình có trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn vẫn cần quan tâm đến các biện pháp bảo vệ tích cực khác.
Bên cạnh sốt xuất huyết, virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng là các bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là các bệnh này đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, chúng ta cần nâng cao ý thức về các loại bệnh này, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và tiêm phòng đầy đủ.
Sốt rét, virus Zika và viêm não Nhật Bản – 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi cần cảnh giác
Ngoài việc gây bệnh sốt xuất huyết, muỗi còn là “thủ phạm” gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như:
Sốt rét
Muỗi Anopheles gây bệnh sốt rét xuất hiện khá phổ biến, nhất là vùng rừng núi khu vực Đông Nam bộ, miền Trung, Tây nguyên, cao điểm từ tháng 12 đến tháng 2 [4].
Sốt rét là bệnh có nguy cơ tử vong cao, diễn tiến nhanh, vì vậy người bệnh không nên điều trị tại nhà. Bệnh hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Các biện pháp phòng bệnh chính là phòng muỗi đốt. Khi lây truyền qua người, nếu không kịp thời chữa trị thì tỉ lệ tử vong của người nhiễm là rất cao [5].
Muỗi Anopheles thường hoạt động từ khi mặt trời lặn tới khi mặt trời mọc, có thể xuất hiện ở gầm giường, góc tủ, nơi treo vắt quần áo, các bụi cây, khe, kẽ cây hoặc kẽ đất, các hốc dưới gầm cầu. Vì vậy cần cảnh giác phòng chống muỗi vào những thời điểm này trong ngày [4].
Virus Zika
Giống như sốt xuất huyết, virus Zika cũng lây lan do muỗi Aedes Aegypti – thường được gọi là muỗi vằn, do trên thân có những vằn trắng bao quanh. Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh, vì vậy biện pháp phòng chống duy nhất là ngăn ngừa muỗi đốt, nhất là với phụ nữ đang mang thai vì gây dị tật ở trẻ sơ sinh và có nguy cơ tử vong sớm [6].
Viêm não Nhật Bản
Muỗi Culex là trung gian lây truyền virus viêm não Nhật Bản gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Bệnh có vòng đời phức tạp khi muỗi hút máu từ động vật mang mầm bệnh như lợn, một số loài chim (bồ câu) sau đó truyền sang người. Muỗi Culex thường hoạt động mạnh vào lúc chập tối, khi chúng ta đang nghỉ ngơi trong nhà, làm tăng nguy cơ bị đốt. Loài muỗi này có khả năng thích nghi tốt với môi trường nên khó tiêu diệt hoàn toàn [7].
Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao. Đối tượng có nguy cơ cao là trẻ em dưới 15 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc xin và phòng chống muỗi [8].
Cách phòng ngừa bệnh cơ bản nhưng rất cần thiết cho mỗi gia đình
Đối với cả trẻ em và người lớn, ngủ mùng/màn hiện vẫn là biện pháp đơn giản mà hữu hiệu để xua muỗi. Ngoài ra, tùy điều kiện mà bạn có thể lắp cửa lưới chống côn trùng xâm nhập. Đồng thời, cần chú ý dọn vệ sinh sạch sẽ trong nhà và quanh nhà, không để nước tù đọng trong các chai, lọ, lu,.. vì đây chính là những nơi tạo nên ổ dịch [9].
Trẻ nhỏ thường có xu hướng thích ra sân, vườn chơi hoặc đi cắm trại, sinh hoạt ngoài trời nên cần phải phát quang bụi rậm, nên mặc áo quần dài có màu sáng, mang vớ. Nếu có ngủ đêm ngoài trời nhất thiết phải có túi ngủ, mùng [9]. Quan trọng nhất, cần sử dụng và mang theo khi đi ra ngoài các sản phẩm bôi hoặc xịt lên da phòng chống, xua đuổi muỗi và côn trùng, nhất là với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng. Xét về tính hiệu quả và an toàn, DEET và Picaridin là hai thành phần chống muỗi được WHO và EPA chứng nhận và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đặc biệt với trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi hay phụ nữ có thai, có thể yên tâm sử dụng thành phần Picaridin vì được đánh giá an toàn cho những đối tượng này [10]. Bạn có thể chọn các sản phẩm có nồng độ 10-15% Picaridin và kết hợp thêm tinh dầu khuynh diệp để giúp kéo dài hiệu quả xua muỗi suốt 6 giờ cho bé và gia đình.
Do trẻ em còn chưa ý thức nhiều trong việc chủ động phòng tránh muỗi, vì vậy phụ huynh không nên lơ là chủ quan. Đặc biệt, nên dạy bé những biện pháp phòng chống mà bé có thể tự thực hiện được như: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, mang vớ, sử dụng sản phẩm xua muỗi, không đến gần các bụi rậm…