backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Vitamin K

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 09/03/2021

Vitamin K

Vitamin K thuộc nhóm các vitamin tan trong dầu, có vai trò trong quá trình đông máu, chuyển hóa xương và điều chỉnh nồng độ canxi trong máu.

Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin này thì thời gian đông máu có thể tăng lên, dẫn đến tình trạng xuất huyết hay chảy máu quá nhiều. Tuy vậy, trường hợp thiếu vitamin K thường hiếm khi xảy ra.

Vitamin K1 (phytonadion) có nhiều trong thực vật. Đó cũng là nguồn cung cấp chính cho vitamin K. Bên cạnh đó, vitamin K2 (menaquinon) là loại vitamin K ít phổ biến hơn, có trong một số thực phẩm nguồn gốc động vật và lên men. Khi được điều chế thành thuốc, vitamin K1 được ưa chuộng hơn vì ít gây độc và hoạt động nhanh trong một số điều kiện.

Vitamin này có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nén 2mg, 5mg và 10mg
  • Viên nang
  • Dung dịch tiêm
  • Kem bôi ngoài da

Tìm hiểu chung

Các loại vitamin K

Vitamin K là một tên gọi chung của nhóm các loại vitamin K, trong đó có 2 dạng là vitamin K1, K2.

Vitamin K1, hay phytomenadion, có trong nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, cà chua, bắp cải, rau má…

Vitamin K2, còn gọi là menaquinon, được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích sống trong ruột con người. Ngoài ra, vitamin K2 còn có trong các loại thịt, phô mai, trứng.

Ngoài ra còn có vitamin K3 là một vitamin nhân tạo, được tổng hợp từ vitamin K1 và K2. Loại vitamin này có thể được chuyển đổi thành vitamin K2 trong gan. Dù vitamin K3 không được chấp thuận dùng làm thuốc bổ sung cho người vì những lo ngại về an toàn, nhưng nó thường được sử dụng trong thức ăn gia cầm và lợn, cũng như thức ăn vật nuôi cho chó và mèo.

Tác dụng của vitamin K là gì?

tác dụng của vitamin k

Các tác dụng của vitamin K gồm:

  • Ngăn ngừa những vấn đề đông máu ở trẻ sơ sinh bị thiếu hụt vitamin K
  • Điều trị xuất huyết do các thuốc như salicylate, sulfonamide, quinine, quinidine hoặc kháng sinh
  • Điều trị và ngăn ngừa thiếu hụt vitamin K
  • Ngăn ngừa và điều trị yếu xương và giảm triệu chứng ngứa trong bệnh xơ gan mật
  • Uống vitamin K2 (menaquinone) để trị loãng xương, mất xương do sử dụng steroids cũng như hạ cholesterol máu ở những người lọc máu
  • Thoa lên da để loại bỏ tĩnh mạch mạng nhện, vết bầm tím, vết sẹo, vết rạn da và bỏng
  • Thoa lên da để trị bệnh trứng cá đỏ, gây mụn đỏ trên da và mặt
  • Trong phẫu thuật, vitamin này thường được dùng để thúc đẩy nhanh quá trình lành da, giảm sưng và bầm.

Một số tác dụng khác của vitamin K không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng cho người lớn như thế nào?

Liều thông thường cho người lớn bị thiếu hụt vitamin K do thuốc do suy dinh dưỡng:

  • Bạn uống 10-40mg mỗi ngày

Liều thông thường cho người lớn gặp vấn đề về đông máu:

  • Bạn có thể uống đến 5mg

Liều thông thường cho người lớn để bổ sung dinh dưỡng:

  • Nam giới uống 120mcg/ ngày
  • Nữ giới uống 90 mcg/ ngày.

Liều dùng vitamin K cho trẻ em như thế nào?

Liều thông thường để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em:

  • Trẻ từ 0-6 tháng, cho trẻ uống 2mcg mỗi ngày
  • Trẻ từ 6-12 tháng, cho trẻ uống 2,5mcg mỗi ngày
  • Trẻ từ 1-3 tuổi, cho trẻ uống 30mcg mỗi ngày
  • Trẻ từ 4-8 tuổi, cho trẻ uống 55mcg mỗi ngày
  • Trẻ từ 9-13 tuổi, cho trẻ uống 60mcg mỗi ngày
  • Trẻ từ 14-18 tuổi, cho trẻ uống 75mcg mỗi ngày.

Liều thông thường dự phòng thiếu vitamin K gây xuất huyết ở trẻ sơ sinh:

Bạn cho trẻ tiêm bắp 0,5-1mg. Bên cạnh đó, bạn có thể cho trẻ uống liều đầu 2mg và liều thứ hai 2mg sau 4-7 ngày.

Cách dùng

Bạn nên sử dụng vitamin này như thế nào?

thuốc vitamin K

Bạn uống thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ và theo tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Bạn có thể uống kèm hoặc không kèm thức ăn. Nếu bạn có thắc mắc về việc dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn chi tiết.

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng vitamin K?

Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi sử dụng vitamin này bao gồm:

  • Chán ăn
  • Giảm vận động
  • Khó thở
  • Sưng gan, phù
  • Kích ứng, cứng cơ
  • Tái xanh, vàng mắt hoặc da.

Ngoài ra, một số phản ứng phụ hiếm gặp khác cũng có thể xảy ra như:

  • Khó nuốt, thở nhanh hoặc thở không đều
  • Đầu óc quay cuồng hoặc ngất xỉu, khó thở
  • Phát ban da, nổi mẩn đỏ hoặc ngứa
  • Đau thắt ngực, khó thở hoặc thở khò khè.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng trước khi dùng

Trước khi dùng vitamin K, bạn nên biết những gì?

lưu ý khi dùng thuốc vitamin k

Trước khi dùng, bạn nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn bị dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ loại tá dược trong chế phẩm mà bạn sử dụng. Những thành phần này được trình bày chi tiết trong tờ thông tin thuốc.
  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ thuốc nào, bao gồm thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản và động vật.
  • Bạn có tiền sử mắc các bệnh như: bệnh về máu, bệnh gan và bệnh ở túi mật.
  • Phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng vitamin K khi thật sự cần thiết theo chỉ định từ bác sĩ.
  • Bạn đang có một số bệnh lý như đái tháo đường, bệnh gan, thận…

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Khi sử dụng đúng liều lượng khuyến nghị mỗi ngày, vitamin K hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bù. Bạn không được tự ý dùng liều cao hơn mà không có lời khuyên từ bác sĩ điều trị.

Tương tác thuốc

Vitamin K có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Bạn không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Nếu bạn dùng kháng sinh hơn 10 ngày sẽ làm giảm nồng độ vitamin K. Những người có hàm lượng vitamin K thấp, như người suy dinh dưỡng, người lớn tuổi hoặc người đang sử dụng warfarin có nguy cơ cao bị thiếu vitamin này khi dùng kèm những kháng sinh như:

  • Cefamandole
  • Cefoperazone
  • Cefmetazole
  • Cefotetan

Phenytoin ức chế khả năng sử dụng vitamin K của cơ thể. Nếu bạn sử dụng thuốc chống động kinh như phenytoin trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú thì trẻ sinh ra có hàm lượng vitamin K thấp.

Những chất kiềm hãm axit mật thường được dùng để giảm cholesterol máu, giảm lượng chất béo cơ thể hấp thu và giảm hấp thu những vitamin tan trong dầu. Nếu bạn sử dụng những thuốc này, bác sĩ có thể khuyên bạn bổ sung vitamin K:

  • Cholestyramin
  • Colestipol
  • Colesevelam

Thức ăn và rượu bia có tương tác với vitamin này không?

Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến vitamin K?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản vitamin như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc vitamin K ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Bạn không nên bảo quản thuốc trong phòng tắm hay trong ngăn đá tủ lạnh. Bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi bác sĩ, dược sĩ. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 09/03/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo