backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Erythromycin

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy · Dược · Hệ thống nhà thuốc Pharmacity


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 04/01/2024

Erythromycin

Erythromycin là kháng sinh thuộc nhóm macrolit, phổ tác dụng rộng, chủ yếu là kìm khuẩn với vi khuẩn Gram dương, Gram âm và các vi khuẩn khác bao gồm Mycoplasma, Spirochetes, ChlamydiaRickettsia.

Erythromycin có mặt trong nhiều biệt dược với các hàm lượng khác nhau, chủ yếu là gói bột thuốc erythromycin 250mg, viên nén hoặc viên nang erythromycin 500mg; gel bôi ngoài da erythromycin 4%. Trong bài viết này chỉ đề cập đến hoạt chất này dùng đường uống.

Tác dụng

Thuốc erythromycin có tác dụng gì?

Erythromycin được dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm, cụ thể là:

  • Các nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, da, các mô mềm, cơ quan sinh dục – tiết niệu, tai, răng miệng, mắt và đường tiêu hóa và các nhiễm khuẩn khác.
  • Phối hợp với neomycin để phòng nhiễm khuẩn khi tiến hành phẫu thuật ruột.
  • Dùng thay thế các kháng sinh beta – lactam ở những người dị ứng với penicillin.
  • Dùng thay thế penicillin để dự phòng thấp khớp cấp trong thời gian dài.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc erythromycine 500mg cho người lớn như thế nào?

uống thuốc erythromycine
Liều dùng thuốc erythromycine cho người lớn

Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi dùng liều khuyến cáo như sau:

  • Nhiễm khuẩn nhẹ đến trung bình: 1 – 2 g/ ngày, chia thành 2 – 4 lần.
  • Nhiễm trùng nặng: 4 g/ ngày, chia làm nhiều lần uống.

Các trường hợp dùng liều cao hơn 1 g/ngày nên chia ra nhiều hơn 2 lần uống.

Người suy thận cần được hiệu chỉnh liều, khuyến cáo người suy thận nặng dùng liều tối đa là 1,5 g/ngày.

Liều dùng thuốc erythromycine 250mg cho trẻ em là gì?

Trẻ dưới 8 tuổi nên dùng dạng bột erythromycin 250mg, với liều 30 – 50mg/kg/ngày, chia 2– 3 lần. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể tăng liều lên gấp đôi. Cụ thể như sau:

  • Trẻ 2 – 8 tuổi: 1 g/ngày, chia làm nhiều lần.
  • Trẻ dưới 2 tuổi: dùng 500 mg/ ngày, chia làm nhiều lần.
  • Cách dùng

    Bạn nên dùng thuốc kháng sinh erythromycin như thế nào?

    Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn nên uống thuốc vào bữa ăn để giảm kích ứng dạ dày nhưng không được uống với sữa hoặc đồ uống có tính axit (có vị chua).

    Nếu có bất cứ thắc mắc nào về việc dùng thuốc, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

    Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

    Triệu chứng quá liều gồm có mất thính giác, buồn nôn nặng, nôn và tiêu chảy.

    Việc điều trị quá liều sử dụng epinephrin, corticosteroid và thuốc kháng histamin để xử trí phản ứng dị ứng, thụt rửa dạ dày để loại trừ thuốc chưa được hấp thu ra ngoài cơ thể; và nếu cần thì sử dụng các biện pháp hỗ trợ.

    Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

    Bạn nên làm gì nếu bạn quên một liều?

    Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

    Tác dụng phụ

    Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc erythromycin?

    Tác dụng phụ phổ biến nhất của erythromycin là trên tiêu hóa với biểu hiện: đau thượng vị, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, khó tiêu, viêm đại tràng giả mạc, viêm tụy, trẻ em gặp tình trạng hẹp môn vị. Những phản ứng này liên quan đến liều dùng và xuất hiện nhiều ở trẻ hơn người cao tuổi.

    Các tác dụng phụ khác bao gồm:

    • Tăng bạch cầu ưa eosin
    • Kéo dài thời gian QT, xoắn đỉnh, loạn nhịp thất và chứng tim đập nhanh
    • Điếc, ù tai, đã có báo cáo mất thính lực có hồi phục xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân suy thận hoặc dùng liều cao
    • Đau ngực, sốt, khó chịu
    • Viêm gan ứ mật, vàng da, rối loạn chức năng gan, gan to, viêm gan, xét nghiệm chức năng gan bất thường
    • Phản ứng dị ứng khác nhau từ nổi mề đay và phát ban nhẹ đến sốc phản vệ
    • Lú lẫn, co giật, chóng mặt
    • Ảo giác
    • Viêm thận kẽ
    • Hạ huyết áp.

    Không phải ai cũng gặp phải các tác dụng phụ này. Có thể có một vài tác dụng phụ không được liệt kê bên trên. Nếu bạn lo ngại về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

    Thận trọng/Cảnh báo

    Trước khi dùng erythromycin bạn nên biết những gì?

    Chống chỉ định erythromycin cho:

    • Người dị ứng với erythromycin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
    • Người dị ứng với các kháng sinh nhóm macrolid khác.
    • Người trước đây đã dùng erythromycin có rối loạn về gan, người bệnh có tiền sử điếc.
    • Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
    • Không phối hợp với terfenadin, đặc biệt ở người bị bệnh tim, loạn nhịp tim, chậm nhịp tim, kéo dài khoảng QT, thiếu máu cục bộ tim, rối loạn điện giải.
    • Sử dụng đồng thời với simvastatin, tolterodine, mizolastin, amisulprid, astemizol, terfenadin, domperidon, cisaprid hoặc pimozid, ergotamin và dihydroergotamin.

    Cần thận trọng khi sử dụng erythromycine với các lưu ý sau đây:

    • Thận trọng khi dùng thuốc cho người suy gan hoặc dùng cùng thuốc có khả năng gây độc cho gan
    • Thận trọng với người có tiền sử viêm đại tràng giả mạc, tiêu chảy sau khi dùng kháng sinh
    • Thuốc có thể làm trầm trọng thêm sự yếu cơ ở bệnh nhân nhược cơ
    • Ảnh hưởng đến xét nghiệm huỳnh quang xác định catecholamin trong nước tiểu
    • Các thuốc có tá dược erythrosine lake có thể gây dị ứng hoặc tá dược thầu dầu có thể gây đau bụng và tiêu chảy
    • Phụ huynh có con đang điều trị bằng erythromycin 250mg cần theo dõi, báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tình trạng nôn hoặc khó chịu với thức ăn.

    Tương tác thuốc

    Erythromycin có thể tương tác với thuốc nào?

    tương tác thuốc erythromycin
    Nhiều loại thuốc có thể tương tác với erythromycin

    Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

    Nhiều loại thuốc có thể tương tác với erythromycin. Dưới đây không phải là tất cả các tương tác có thể xảy ra. Báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn bắt đầu hoặc ngưng dùng trong khi điều trị với erythromycin, đặc biệt là:

    • Alfentanil
    • Carbamazepin và acid valproic
    • Cloramphenicol, lincomycin
    • Penicilin khi điều trị viêm màng não hoặc các trường hợp cần diệt khuẩn nhanh
    • Digoxin
    • Các xanthin gồm aminophylin, theophylin, cafein
    • Warfarin
    • Midazolam, triazolam
    • Các thuốc có độc tính với tai tren người suy thận
    • Các thuốc có độc tính với gan
    • Ciclosporin
    • Lovastatin.

    Danh sách này không phải là danh sách hoàn chỉnh. Nhiều loại thuốc khác cũng có thể tương tác với thuốc. Hãy mang theo danh sách các loại thuốc bạn đang dùng và đưa nó cho bác sĩ.

    Thức ăn và rượu bia có tương tác tới erythromycin không?

    Tránh dùng thuốc cùng sữa và thực phẩm có tính axit.

    Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng rượu và thuốc lá.

    Tình trạng sức khỏe nào có thể ảnh hưởng đến erythromycin?

    Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

    Bảo quản

    Bạn nên bảo quản thuốc erythromycin như thế nào?

    Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy

    Dược · Hệ thống nhà thuốc Pharmacity


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 04/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo