backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Ý dĩ

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 17/10/2022

Ý dĩ

Tên thông thường: Ý dĩ

Tên gọi khác: Dĩ mễ, dĩ nhân, bo bo, cườm gạo, ý dĩ nhân, ý mễ, lục cốc tử, mễ nhân

Tên khoa học: Coix lachryma – jobi L.,

Họ: Lúa (Poaceae)

Tên tiếng Anh: Coix seed, seed of jobstears

Tổng quan

Tìm hiểu chung

Ý dĩ là cây thảo sống hằng năm. Thân mọc thẳng đứng, cao 1-2m, phân nhánh ở những ngọn có hoa, ở gốc thân có nhiều rễ phụ.

Ý dĩ là giống cây nhiệt đới, ưa ẩm, mọc hoang hoặc trồng ở bờ nước, bãi, ruộng ven sông. Một số tỉnh ở Việt Nam có trồng ý dĩ như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lai Châu.

Bộ phận dùng

Bộ phận dùng chủ yếu của ý dĩ là nhân hạt, đôi khi dùng rễ. Ý dĩ được thu hoạch khi quả chín già, cắt cả cây về đập lấy quả, thu lấy nhân trắng, phơi hay sấy khô. Rễ cây cắt, đem rửa sạch rồi phơi khô.

Tác dụng, công dụng

Hạt ý dĩ có tác dụng gì trong y học dân gian?

Hạt ý dĩ có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng kiện tỳ bổ phế, thanh nhiệt. Đây được xem là một nguồn lương thực có giá trị đồng thời là một vị thuốc quý.

Ý dĩ giúp bồi bổ cơ thể, nhất là ở trẻ em và phụ nữ. Dược liệu này được dùng để chữa khí hư quá nhiều, kinh nguyệt không thông ở phụ nữ, giúp tăng tiết sữa, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.

Ngoài ra, dược liệu này còn được dùng để chữa rối loạn tiêu hóa, phù thũng, bí tiểu, tả lỵ, đau bụng, phong thấp lâu ngày không khỏi, sốt cao, viêm khớp, béo phì và các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ý dĩ cũng được sử dụng để điều trị căn bệnh do toxoplasmosis gây ra bởi ký sinh trùng.

Hạt ý dĩ có tác dụng gì trong y học hiện đại?

Trong hạt ý dĩ có rất nhiều dưỡng chất quý như:

  • 65% chất hydratcacbon, 13,7% chất protit, các axit amin và 5,4% chất béo và nhiều tinh bột.
  • Chất coixin trong hạt ý dĩ là một chất protit rất đặc biệt.
  • Trong rễ ý dĩ cũng có chừng 52% tinh bột, 17,6% chất pro­tein và 7,2% chất béo.

    Hình ảnh cây ý dĩ

    Các thành phần này trong cây ý dĩ mang lại nhiều ý nghĩa trong y học:

    • Tác dụng đối với hệ hô hấp: Dầu trích từ hạt ý dĩ với liều tương ứng có tác dụng lên hệ hô hấp. Liều thuốc thấp gây kích thích hô hấp, liều thuốc cao ức chế hô hấp. Thuốc cũng có tác dụng làm giãn phế quản.
    • Tác dụng trên tế bào khối u: Một số báo cáo cho rằng hạt ý dĩ có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
    • Tác dụng trên cơ vân: Từ những năm 1920, thực nghiệm cho thấy dầu trích từ ý dĩ chích cho ếch thấy có tác dụng làm cho cơ vân giảm và ngưng co bóp. Tác dụng này liên hệ với cơ trơn nhưng không ảnh hưởng đến thần kinh. Chất coixol trong hạt ý dĩ có tác dụng thư giãn đối với cơ trơn.
    • Tác dụng trên tế bào ung thư: Ý dĩ có chứa các thành phần có thể cản trở sự phát triển tế bào ung thư. Các hóa chất khác cũng có tác dụng oxy hóa và cũng có thể làm giảm sự phát triển của vi khuẩn và ký sinh trùng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về ý dĩ đều ở động vật và trong ống nghiệm. Không có đủ thông tin để biết liệu ý dĩ có tác dụng giống nhau ở người hay không.
    • Giảm chất béo và cholesterol : Một số nghiên cứu đã được thực hiện ở người cho thấy chất xơ chứa trong ý dĩ có thể làm giảm chất béo và cholesterol mà cơ thể hấp thụ.

    Liều dùng, cách dùng

    Liều dùng thông thường của ý dĩ là gì?

    Liều dùng hằng ngày của ý dĩ là 8 – 30g. Dược liệu này thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

    Ý dĩ có ở dạng dùng nào?

    Ý dĩ có các dạng dùng như:

    • Dạng tươi
    • Dạng sao (ý dĩ nhân sạch được bỏ vào trong nồi, dùng lửa nhỏ sao đến sắc hơi vàng, lấy ra để nguội)

    Các bài thuốc có ý dĩ

    Những thông tin sau chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được điều trị đúng cách.

    Dùng ý dĩ để trị ung thư phổi, dạ dày, đại tràng: Bạn dùng hạt ý dĩ (bo bo) sao vàng 100g, sắc uống ngày một thang.

    Trị cơ thể đau nhức do phong thấp (đau nhiều vào chiều tối): Bạn dùng ý dĩ 40g, ma hoàng 120g, hạnh nhân 30 hột, cam thảo 40g sắc với 4 chén nước đến khi còn 1,5 chén, gạn lấy nước để riêng. Bạn cho thêm 3 chén nước nữa sắc còn 1 chén. Hợp chung 2 chén thuốc lại sắc còn 1 chén, chia làm 3 lần uống.

    Trị đờm, ho bằng ý dĩ: Bạn dùng 80g cam thảo, 40g cát cánh, 120g bột ý dĩ. Mỗi lần bạn dùng 20g, thêm ít gạo nếp, nấu uống sau bữa ăn.

    Điều trị chứng tiểu ra sỏi và bệnh phổi nôn ra máu: Bạn dùng y dĩ 30-40g sắc với 500ml nước, sắc cạn còn 250ml chia ra uống trong ngày. Bạn uống liên tục khoảng 1 tuần là có hiệu quả.

    Trị chứng tỳ hư, tiêu hóa kém: Bạn dùng các vị thuốc như dĩ, bạch biển đậu, hoài sơn, mỗi vị 40g, sơn tra, sử quân tử (bỏ vỏ lụa), liên nhục, mỗi vị 30g, thần khúc 16g, đương quy 200g, gạo nếp 100g. Tất cả sao vàng, tán bột mịn, chia ngày 2 lần, mỗi lần bạn dùng 12-16g, uống với nước ấm.

    Trị răng đau, răng sâu: Bạn lấy hạt ý dĩ, cát cánh, nghiền nát thành bột nhuyễn, nhét vào chỗ răng đau.

    Dùng ý dĩ để bồi bổ: Bạn dùng hạt ý dĩ 10g, tang bạch bì 5g, mạch môn 4g, thiên môn 4g, bách bộ 4g. Sắc chung với 1 lít nước, sắc cạn đến khi còn 300ml. Bạn chia làm 3 lần uống trong ngày, sau mỗi bữa ăn 20 phút.

    Trị nóng nảy, tiểu buốt: Bạn dùng ý dĩ 20g, sắc với 2 chén nước còn 1 chén. Thêm 16g cam thảo hoặc 40g nho khô, nấu sôi, bỏ bã để uống.

    Dùng làm thuốc điều trị phong tê thấp: Bạn dùng hạt ý dĩ 40g, phổ thục linh khô 20g đem sắc với 800ml nước, sắc cạn còn 400ml nước chia đều để uống trong ngày. Bạn nên uống sau khi ăn 15 phút.

    Điều trị vàng da: Bạn dùng 40g rễ cây sắc nước uống hàng ngày.

    Dùng cho phụ nữ khí hư quá nhiều: Bạn dùng 30g rễ cây ý dĩ, 12g hồng táo (táo tàu), sắc với nước, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.

    Dùng chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông (loại trừ trường hợp có thai): Bạn dùng 30g rễ cây ý dĩ tươi (hoặc 12g khô), sắc nước uống trong ngày, trước mỗi chu kỳ uống 3-5 thang.

    Dùng tăng tiết sữa, làm tốt sữa cho phụ nữ sau sinh: Bạn lấy 30g hạt ý dĩ sao vàng, 20g lá cây sung tật, móng giò lợn 1 cái, gạo nếp vừa đủ, nấu cháo ăn hàng ngày.

    Dùng cho trẻ em bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, tiểu đục: Bạn dùng 12g hạt ý dĩ, 10g hoài sơn đồ sao tán bột, cho trẻ ăn mỗi lần 6-7g hòa với nước cơm, ngày ăn 2-3 lần.

    Cách dùng hạt ý dĩ để làm đẹp

    Làm đẹp với hạt ý dĩ

    Dùng để dưỡng da thay sữa rửa mặt: Bạn dùng 1kg hạt ý dĩ tán thành dạng bột mịn cất vào lọ kín để dùng dần. Mỗi lần bạn lấy khoảng 50g bột ý dĩ đem ngâm với nước ấm, để qua đêm sao cho bột ý dĩ lên men. Mỗi sáng bạn hãy thoa đều bột này lên mặt rồi rửa bằng nước sạch, dùng liên tục 1 tuần.

    Dùng bột ý dĩ làm mặt nạ dưỡng da và điều trị tàn nhang: Bạn lấy 1 thìa cà phê bột ý dĩ, 2 thìa cà phê mật ong đem trộn với nhau. Bạn hãy bôi hỗn hợp này lên mặt, cổ, vai, ngực và các vùng da mà bạn có ý định dưỡng trắng da hoặc các vùng da bị tàn nhang.

    Dùng hạt ý dĩ để giảm béo: Bạn đem sắc hỗn hợp hạt ý dĩ 10g, lá sen khô 10g, táo mèo khô 10g với 1 lít nước uống trong ngày. Bạn nên dùng liên tục khoảng 1 tháng, kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập thể thao sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả.

    Lưu ý, thận trọng

    Mức độ an toàn của ý dĩ như thế nào?

    Liều gây độc của ý dĩ đối với chuột nhắt là 5-10g/kg (tiêm dưới da) và ở thỏ là 1-1,5g/kg. Ý dĩ cũng có thể gây độc cho người sử dụng với liều cao. Do đó, bạn nên tham khảo thầy thuốc hoặc bác sĩ để sử dụng ý an toàn.

    Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

    Ý dĩ có thể không an toàn để dùng nếu bạn đang mang thai. Nghiên cứu trên động vật cho thấy ý dĩ có thể gây độc cho phôi đang phát triển. Ý dĩ cũng có thể gây co thắt tử cung và có thể gây hại cho phụ nữ mang thai.

    Trong phẫu thuật

    Ý dĩ có thể làm giảm lượng đường máu. Có một số chuyên gia lo ngại rằng ý dĩ có thể gây trở ngại việc kiểm soát lượng đường máu trong và sau khi phẫu thuật. Bạn hãy ngừng sử dụng ý dĩ ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.

    Tương tác

    Ý dĩ có thể tương tác với thuốc trị đái tháo đường

    Ý dĩ có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thuốc tiểu đường cũng được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, việc dùng ý dĩ cùng với thuốc tiểu đường có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn quá thấp. Bạn nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu, có thể cần thay đổi liều lượng thuốc tiểu đường.

    Một số loại thuốc dùng cho bệnh tiểu đường bao gồm glimepiride, glyburide, insulin, pioglitazone, rosiglitazone, chlorpropamide, glipizide, tolbutamide và các thuốc khác.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.


    Bài viết liên quan


    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 17/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo