backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tác dụng của Beta-carotene là gì? Ai nên dùng & Cách dùng

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương · Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Tran Pham · Ngày cập nhật: 25/06/2023

    Tác dụng của Beta-carotene là gì? Ai nên dùng & Cách dùng

    Beta-carotene còn được gọi là tiền vitamin A, vì ở trong cơ thể nó được chuyển đổi thành vitamin A. Chất này được bổ sung cho các trường hợp thiếu vitamin A gây ra một số bệnh lý.

    Tác dụng của Beta-carotene là gì?

    Beta-carotene là một chất có nguồn gốc tự nhiên thuộc nhóm sắc tố màu carotene, có rất nhiều trong rau quả xanh và vàng đặc biệt là ở quả gấc, cà rốt, các loại tảo và rong, gan bò, dầu cá, sữa, trứng, … Beta-carotene được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A rất cần thiết cho cơ thể tăng trưởng và phát triển xương, mắt, sinh sản và tính toàn vẹn của bề mặt niêm mạc và biểu mô. Nó cũng tác động như một đồng yếu tố trong nhiều phản ứng sinh hóa của cơ thể.

    Thiếu vitamin A gây khô mắt, vệt Bitot, nhuyễn giác mạc, quáng gà, tăng sừng hóa ở da, dị sản biểu mô màng nhầy và giảm sức đề kháng với nhiễm khuẩn. 

    cà rốt chứa beta-carotene

    Khi lượng beta – carotene từ thức ăn không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể, cần phải bổ sung beta – carotene từ các loại thực phẩm chức năng, thuốc. Beta carotene được sử dụng như một chất bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là cho trẻ từ 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, beta-carotene có thể dùng để chữa các bệnh:

    • Quáng gà, khô mắt, nhiễm trùng mắt
    • Xơ nang
    • Bệnh tiêu chảy
    • Các bệnh mạn tính
    • Bệnh gan, tuyến tụy
    • Vấn đề về hấp thu chất dinh dưỡng
    • Cháy nắng
    • Loạn sản cổ tử cung
    • Tăng huyết áp.

    Đã có vài nghiên cứu cho thấy beta-carotene giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư và bệnh tim. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đủ thông tin để khẳng định chất này hiệu quả thực sự.

    Liều dùng của beta-carotene là gì?

    Lượng beta carotene cần thiết để chuyển hóa thành vitamin A cần thiết cho cơ thể sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của bạn và mục đích sử dụng. Cụ thể như sau:

    Để sử dụng như một chất bổ sung chế độ ăn uống

    • Người lớn và thanh thiếu niên: 6-15 mg beta-carotene (tương đương với 10.000 đến 25.000 đơn vị hoạt động của vitamin A) mỗi ngày.
    • Trẻ em: 3-6 mg beta-carotene (tương đương với 5.000 đến 10.000 đơn vị hoạt động của vitamin A) mỗi ngày.

    Đối với các mục đích sử dụng khác

    • Để điều trị hoặc ngăn ngừa phản ứng với ánh nắng mặt trời ở những bệnh nhân mắc bệnh erythropoietic protoporphyria (EPP):
      • Người lớn và thanh thiếu niên: 30-300 mg beta-carotene (tương đương với 50.000 đến 500.000 đơn vị hoạt động của vitamin A) mỗi ngày với liều duy nhất hoặc có thể chia làm nhiều liều nhỏ, tốt nhất là uống cùng với bữa ăn. Liều dùng nên được điều chỉnh tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và đáp ứng của bệnh nhân. Điều trị vài tuần (2 – 6) tuần là cần thiết để tích lũy đủ lượng beta – carotene trong da và phát huy tác dụng bảo vệ.
      • Trẻ em dưới 14 tuổi: 30-150 mg beta-carotene (tương đương với 50.000 đến 250.000 đơn vị hoạt động của vitamin A) mỗi ngày với liều duy nhất hoặc có thể chia làm nhiều liều, tốt nhất là uống cùng với bữa ăn.
    • Để điều trị hoặc ngăn ngừa phản ứng với ánh nắng mặt trời ở bệnh nhân phát ban đa dạng do ánh sáng:
      • Người lớn và thanh thiếu niên: 75-180 mg beta-carotene (tương đương với 125.000 đến 300.000 đơn vị hoạt động của vitamin A) mỗi ngày.
      • Trẻ em: 30-150 mg beta-carotene (tương đương với 50.000 đến 250.000 đơn vị hoạt động của vitamin A) mỗi ngày.

    Dạng bào chế của beta-carotene là gì?

  • Thuốc nang 10000 đơn vị, 25000 đơn vị, 30000 đơn vị
  • Cách dùng beta-carotene là gì?

    Vì beta carotene tan trong dầu nên để hấp thu tốt nhất, bạn nên uống thuốc cùng với bữa ăn có dầu mỡ.

    Nếu bạn quên uống vitamin trong một vài ngày thì không có gì đáng lo ngại, vì cơ thể bạn sẽ mất một thời gian để trở nên thiếu vitamin nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn dùng với mục đích điều trị bệnh, hãy cố gắng nhớ uống nó theo chỉ dẫn mỗi ngày.

    Tốt nhất, nếu bạn quên một liều thuốc này, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp theo lịch trình. Không tăng gấp đôi liều lượng.

    Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng beta-carotene?

    tác dụng phụ beta carotene

    Tác dụng phụ dễ nhận thấy nhất của beta-carotene là gây vàng da có hồi phục, thường ở những trường hợp sử dụng thuốc dài ngày hoặc liều cao. Ngoài ra, nó còn có một số tác dụng phụ hiếm gặp như:

    • Tiêu chảy
    • Chóng mặt
    • Đau khớp
    • Chảy máu hoặc bầm tím bất thường

    Nếu bạn gặp phải bất kì tác dụng phụ nào, hãy báo ngay cho bác sĩ.

    Trước khi dùng beta-carotene bạn nên biết những gì?

    Nếu bạn có cuộc phẫu thuật về tim mạch gần đây hoặc hút thuốc lá, không nên dùng beta-carotene.

    Có nhiều loại chất có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu beta-carotene, bạn nên hỏi bác sĩ cụ thể về các loại chất này.

    Tránh bổ sung đồng thời với vitamin A.

    Bạn nên báo cho bác sĩ nếu bị:

    • Rối loạn ăn uống
    • Bệnh thận
    • Bệnh gan

    Những tình trạng này có thể làm tăng nồng độ beta carotene ở trong máu, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.

    Uống beta-carotene có an toàn không?

    Beta-carotene tương đối an toàn. Tuy nhiên, bạn không nên dùng beta-carotene với liều lượng lớn cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

    Beta-carotene có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết, phổi, và tuyến tiền liệt ở người hút thuốc. Không nên dùng beta-carotene nếu bạn hút thuốc.

    Nếu bạn đã tiếp xúc với amiăng, beta-carotene có thể tăng nguy cơ ung thư.

    Tránh sử dụng các chất bổ sung beta-carotene với các loại vitamin chống oxy hóa khác trước hay sau khi thực hiện phẫu thuật nong mạch vành.

    Beta-carotene có thể tương tác với những gì?

    Thuốc có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng beta-carotene. Thuốc giảm cân Orlistat có thể làm giảm hấp thu Beta carotene, dẫn đến giảm hiệu quả.

    Beta-carotene có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím. Cần thận trọng khi dùng beta-carotene với người bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Bạn có thể cần phải điều chỉnh liều dùng.

    Bảo quản beta-carotene như thế nào?

    Bảo quản thuốc trong hộp kín ở nhiệt độ phòng, ở nơi khô thoáng, mát mẻ và tránh ánh sáng trực tiếp. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

    Beta-carotene giá bao nhiêu?

    Giá beta carotene tùy thuộc vào dạng bào chế, hàm lượng, nhà sản xuất và nhà phân phối. Nó có thể dao động từ vài chục, vài trăm, thậm chí vài triệu đồng một hộp. Bạn có thể mua thuốc này ở các nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc hoặc các sàn thương mại điện tử (nếu là thực phẩm chức năng).

    Bạn nên liên hệ với nhà bán hàng uy tín để biết giá sản phẩm cụ thể.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn chuyên môn:

    Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

    Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


    Tác giả: Tran Pham · Ngày cập nhật: 25/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo