backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Hoa quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thùy Trang Phạm · Ngày cập nhật: 04/02/2021

Hoa quỳnh

Tên gốc: Hoa quỳnh

Tên gọi khác: Hoa quỳnh hương

Tên khoa học: Selenicereus grandiflorus, Cactus grandiflorus

Tên tiếng Anh: Night Blooming Cereus

Tìm hiểu chung

Cây hoa quỳnh là cây gì?

Cây hoa quỳnh là một loài thực vật thuộc họ xương rồng, thường được trồng để làm cảnh. Các đốt thân cây có dạng dẹp, trông gần như những chiếc lá lớn, màu xanh lục và hơi tía ở phần mép thân. Rìa mép thân có gai xen lẫn với những lông tơ trắng nhỏ. Hoa rất lớn, nở về đêm, tỏa hương thơm ngào ngạt. Các cánh hoa ở lớp bên ngoài thường có màu nâu hay cam nhạt, các cánh hoa bên trong có màu trắng hoặc đỏ hay tím… Nhị và nhụy hoa có cuống rất dài. Những bông hoa nở trong khoảng vài giờ và héo rũ vào sáng hôm sau.

Đây là loài cây có nguồn gốc từ các vùng sa mạc và bán sa mạc của Antilles (quần đảo thuộc vùng biển Caribbean), Mexico, Mỹ. Theo một số tài liệu, cây hoa quỳnh được Christopher Columbus đưa sang châu Âu vào thế kỷ XV. Sau loài cây này được đưa sang trồng ở nhiều khu vực khác chủ yếu với mục đích làm cảnh.

Ở Việt Nam có một số loại hoa quỳnh sau:

  • Hoa quỳnh trắng: Là một giống quỳnh được nhiều người biết đến. Hoa nở rất lớn, cuống hoa dài, màu đỏ cam hoặc nâu đất. Cây cho hoa vào tháng 6 – 7, mỗi hoa chỉ nở một lần duy nhất, cụp lại trong khoảng 2 giờ sau khi nở và tàn vào sáng hôm sau. Cánh hoa mỏng, mềm mại, bề mặt như phủ sáp trong có sắc trắng, nhị hoa vàng và hương thơm nhẹ nhàng. Khi hoa nở, cánh từ từ hé mở cho đến khi đạt kích thước tối đa khoảng 20cm, rồi cụp lại từ từ và tàn đi nhanh chóng.
  • Hoa quỳnh đỏ: Cây hoa quỳnh đỏ nhỏ hơn cây quỳnh trắng, hoa không to như quỳnh trắng, có màu đỏ hoặc đỏ pha da cam.
  • Nhật quỳnh: Đây là loài hoa được nghệ nhân Mười Lới (Đà Lạt) lai ghép thành công giữa cây hoa quỳnh và cây thanh long. Nhật quỳnh có hoa rất đẹp, nhiều màu sắc, nở vào ban ngày.

Dạng bào chế của hoa quỳnh là gì?

Ngoài dùng tươi, loại thảo mộc này còn có các dạng bào chế sau:

  • Khô
  • Trà
  • Dịch chiết cây tươi
  • Ngâm rượu.

Cơ chế hoạt động của cây hoa quỳnh là gì?

Hiện nay vẫn chưa có đủ nghiên cứu về cơ chế hoạt động và tác dụng của loại thảo dược này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chứng minh rằng một số chất có trong thân cây, hoa của loài cây này có thể giúp kích thích và tăng cường hoạt động của tim. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Công dụng

Hoa quỳnh nở về đêm
Hoa quỳnh ngâm rượu có tác dụng gì?

Hoa, thân và cành non của loài cây này thường được sử dụng để điều trị các trường hợp như đau ngực (đau thắt ngực), phù nề kết hợp với suy tim. Loài thảo dược này cũng được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng bàng quang và các bệnh lý về đường niệu, giảm đau bụng kinh. Dược liệu bào chế từ cây hoa quỳnh còn có thể sử dụng như một loại dung dịch dùng bôi trực tiếp để điều trị đau khớp.

Theo Đông y, thân và hoa cây quỳnh đều có thể sử dụng để làm thuốc. Để làm thuốc, bạn nên thu hái khi hoa vừa nở, cây thu hái quanh năm và có thể dùng tươi, phơi khô hay ngâm rượu.

Hoa của loài cây này có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh phế (mát phổi), chỉ khái (chống ho), hóa đàm (làm loãng và tan đàm), tiêu viêm (sưng đỏ đau) cầm máu. Do đó, hoa quỳnh được xem là vị thuốc đặc trị các bệnh ở phổi và hệ hô hấp.

Thân cây quỳnh có vị chua, hơi mặn, tính mát, có tác dụng tiêu thũng, tiêu viêm, chỉ thống (chống đau).

Một số tài liệu của nước ngoài có ghi chép rằng, hoa quỳnh với thịt lợn thành món ăn để trị các bệnh như: viêm phế quản, lao phổi, lao hạch… Ngoài ra, loại hoa này có thể chữa được các bệnh như: sỏi bàng quang, sỏi thận, sỏi đường tiết niệu.

Y học dân gian của Việt Nam dùng rượu hoa quỳnh (hoa quỳnh ngâm với rượu gạo) để chữa đau bụng, bôi các vết bầm tím rất hiệu quả.

Cách ngâm là bạn có thể dùng hoa tươi hoặc khô ngâm với rượu gạo và càng lâu càng tốt, có thể để được đến vài năm. Loại rượu này sau khi ngâm khoảng 10 – 15 ngày là có thể dùng.

Liều lượng: Uống khoảng 1 – 2ml, chia làm 2 lần. Ngoài ra, khi bị viêm họng, ho rát họng, bạn có thể dùng 1 – 2 thìa cà phê rượu này để ngậm. Nếu bị mụn nhọt, da bầm tím hay đau do chấn thương, dùng rượu hoa quỳnh để xoa bóp cũng đem lại hiệu quả tích cực.

Người dân vùng Vân Nam (Trung Quốc) dùng cả cây quỳnh để chữa đau do chấn thương, đau tâm vị (tâm vị khí thống, đau quanh rốn), thổ huyết, lao phổi.

Liều dùng và cách dùng

Hoa quỳnh đỏ

Liều dùng thảo dược này có thể khác nhau đối với từng bệnh nhân. Liều lượng dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe của bạn và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc hoặc bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Đông y dùng hoa quỳnh để chữa các chứng bệnh sau:

Bài thuốc trị ho, long đờm

Bạn dùng hoa quỳnh mới nở đem thái nhỏ hấp cách thủy với mật ong hoặc nấu với trứng gà, ăn trong ngày.

Liều dùng:

  • Trẻ em: 1 bông
  • Người lớn: 2 – 3 bông.

Chữa ho do viêm họng

Hoa quỳnh 30g, lá xương xông 10g. Hai thứ thái nhỏ cho vào bát với 10ml mật ong, hấp cách thủy khoảng 30 phút, trộn đều để uống dần trong ngày.

Chữa ho ra máu trong bệnh lao phổi

Hoa quỳnh 3 – 5 bông, đường cát trắng 15g sắc nước uống trong ngày.

Chữa lên cơn hen

Hoa quỳnh, kim ngân hoa mỗi thứ 9 – 12g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa các bệnh như sỏi bàng quang, sỏi thận, sỏi đường tiết niệu

Để chữa các bệnh này, bạn có thể dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:

  • Trà hoa quỳnh: Bạn dùng hoa quỳnh (tươi hoặc khô đều được) thái nhỏ đem tẩm mật, sao vàng dùng hãm trà uống dần.
  • Hoa quỳnh kết hợp với một số vị thuốc như: diếp cá 20g, kim tiền thảo 20g, rễ cỏ tranh 10g. Tất cả thái nhỏ sắc lấy nước uống trong ngày, chia 3 lần.
  • Chữa mụn nhọt, sưng đau do té ngã 

    Hoa quỳnh hoặc thân cây lượng vừa phải giã nát, đắp lên mụn nhọt hoặc vết thương.

    Chữa xuất huyết tử cung

    Hoa quỳnh 2 – 3 bông, thịt heo nạc 50 – 100g. Cả hai thái nhỏ, nêm gia vị vừa ăn, chưng cách thủy, dùng làm thức ăn trong bữa ăn chính.

    Ở châu Mỹ, người dân bản địa dùng loại thảo dược này để chữa các bệnh như:
    • Dùng bôi ngoài da trị thấp khớp, tình trạng phát ban ngứa
    • Uống trị giun sán, viêm bàng quang, sốt
    • Điều trị các bệnh về tim như: tim đập nhanh, đau thắt ngực, xung yếu hoặc tim đập bất thường, giảm tình trạng khó thở. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có tác dụng làm săn chắc cơ tim, giảm mỡ máu và cholesterol…
    • Chữa bệnh đái tháo đường, phù nề
    • Dùng làm thuốc lợi tiểu
    • Chữa chứng đầy hơi
    • Đau do kinh nguyệt…

    Tác dụng phụ

    tiêu chảy do tác dụng phụ của thảo dược hoa quỳnh

    Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng hoa quỳnh?

    Khi dùng thảo dược này, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Trong một số trường hợp, bệnh nhân dùng trực tiếp dịch chiết của loại thảo dược này lên da, phản ứng dị ứng như phồng rộp và nổi mụn nước có thể xảy ra.

    Đây chưa phải là tất các tác dụng phụ của thảo dược này. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, bạn hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.

    Thận trọng

    thận trọng với tác dụng phụ khi dùng thảo dược trị bệnh

    Trước khi dùng hoa quỳnh, bạn nên lưu ý những gì?

    Bạn nên thảo luận với bác sĩ, dược sĩ nếu:

    • Bạn đang mang thai hoặc cho con bú
    • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Điều này bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn
    • Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào có trong loại thảo mộc này hoặc thuốc khác hay các loại thảo mộc khác
    • Bạn có bất kỳ bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng sức khỏe bất thường nào khác
    • Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác, chẳng hạn như dị ứng với thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hoặc động vật.

    Bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc bác sĩ để biết thêm thông tin.

    Mức độ an toàn của hoa quỳnh như thế nào?

    Không có đủ thông tin về việc sử dụng hoa quỳnh trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.

    Tương tác

    Hoa quỳnh có thể tương tác với những yếu tố nào?

    Những thuốc có thể tương tác với thảo dược này bao gồm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Thùy Trang Phạm · Ngày cập nhật: 04/02/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo