backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Thông tin về gây tê và những lưu ý cho bệnh nhân

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 28/02/2022

Thông tin về gây tê và những lưu ý cho bệnh nhân

Gây tê là biện pháp nhằm giúp giảm đau hay không còn cảm giác đau đớn ở bệnh nhân khi làm phẫu thuật. Thủ thuật y tế này thường được thực hiện trước các cuộc phẫu thuật từ nhỏ đến lớn. Tùy vào điều kiện sức khỏe và loại phẫu thuật mà có thể dùng loại kỹ thuật gây tê khác nhau, thời gian khác nhau. Mặc dù được cho là mang nhiều ưu điểm hơn gây mê nhưng phương pháp này cũng tiềm ẩn một số biến chứng mà bệnh nhân cần hiểu rõ. 

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật y tế này qua các thông tin dưới đây nhé!

Tìm hiểu chung về gây tê

Gây tê là gì?

Gây tê là thủ thuật tiêm thuốc vào mô để làm tê cảm giác của vùng này. Gây tê sẽ làm dây thần kinh của bạn ngừng hoạt động tạm thời nên bạn sẽ không cảm thấy đau. Dạng đơn giản nhất của gây tê là tiêm thuốc tê ngay xung quanh vùng cần phẫu thuật. Bác sĩ cũng có thể làm tê tất cả dây thần kinh của một cánh tay hay một chân (gọi là block thần kinh).

Khi nào bạn nên thực hiện gây tê?

Gây tê thường được sử dụng bởi nha sĩ, phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ đa khoa khi mổ những vùng nhỏ trên cơ thể.

Bạn sẽ được gây tê trước khi thực hiện các tiểu phẫu, chẳng hạn như:

  • Trám răng hay nhổ răng khôn
  • Tiểu phẫu da, chẳng hạn như đốt bỏ nốt ruồi và mụn cóc
  • Sinh thiết, lấy mẫu mô để khảo sát kỹ hơn dưới kính hiển vi.
  • Đôi khi, gây tê cũng được sử dụng cho các phẫu thuật lớn hơn như một số loại phẫu thuật não.

    Ví dụ như đối với phẫu thuật khối u não nằm ở vùng não điều khiển lời nói (gọi là diện Broca), bạn sẽ được gây tê trước khi vào phẫu thuật chính. Vì khi khối u được loại bỏ, bạn cần phải được giữ tỉnh táo để làm theo các hướng dẫn của phẫu thuật viên. Điều này giúp các phẫu thuật viên giảm thiểu nguy cơ làm tổn thương khả năng nói của bạn trong lúc phẫu thuật.

    gây tê

    Điều cần thận trọng khi gây tê

    Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện gây tê?

    Nếu bạn lo ngại rằng bạn vẫn có cảm giác đau dù đã gây tê trong lúc phẫu thuật, có thể bác sĩ sẽ gây mê cho bạn. Các phương pháp gây tê khác cũng có thể có sẵn, chẳng hạn như gây tê ngoài màng cứng (thuốc gây tê được tiêm vào khoang ngoài màng cứng của tủy sống) hoặc phong bế thần kinh (gây tê trực tiếp trên dây thần kinh của bạn).

    Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

    Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?

    Các biến chứng hay tác dụng phụ bạn có thể gặp là:

    • Giảm đau không đủ
    • Dị ứng
    • Chảy máu
    • Tổn thương thần kinh
    • Các tác dụng phụ do thuốc tê bị hấp thu vào dòng máu.
    • Đau lưng hoặc đau cơ
    • Ớn lạnh do hạ thân nhiệt
    • Đi tiểu khó.
    • Buồn nôn, ói mửa.
    • Ngứa
    • Đau, nhức, đỏ, bầm tím tại chỗ viêm.
    • Đau họng (viêm họng).

    Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

    Quy trình thực hiện gây tê

    quy trình gây tê

    Bạn nên làm gì trước khi thực hiện gây tê?

    Bác sĩ gây tê, phẫu thuật viên hoặc nha sĩ sẽ giải thích cách chuẩn bị thủ thuật. Quan trọng là hãy nói với bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc, đặc biệt là nhóm thuốc kháng đông.

    Bạn cũng sẽ được yêu cầu không ăn uống, thường trong vòng sáu giờ trước khi phẫu thuật. Quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ gây tê, phẫu thuật viên hoặc nha sĩ. Bạn không được uống rượu trong vòng 24 giờ trước khi được gây tê hay dùng thuốc an thần. Bạn cũng không được dùng các thuốc điều trị rối loạn cương dương trong vòng 24 giờ trước khi phẫu thuật. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống một số thuốc điều trị cao huyết áp  trước khi phẫu thuật cần gây tê.

    Quy trình thực hiện gây tê là gì?

    Bạn sẽ bắt đầu mất cảm giác ở vùng được điều trị trong vòng vài phút sau khi tiêm thuốc tê. Thủ thuật hoặc phẫu thuật sẽ không được bắt đầu cho đến khi bác sĩ chắc chắn tuyệt đối rằng vùng phẫu thuật của bạn đã bị tê. Bạn cần hiểu rằng, thuốc tê làm mất cảm giác đau nhưng bạn vẫn có thể cảm thấy áp lực và sự chuyển động tại vùng mổ trong khi phẫu thuật.

    Bạn sẽ bắt đầu thấy bình tĩnh và thư giãn trong vòng vài phút sau khi dùng thuốc an thần. Tùy vào độ mạnh và loại thuốc an thần được sử dụng, bạn có thể sẽ cảm thấy buồn ngủ.

    Thuốc an thần đôi khi có thể ảnh hưởng đến sự hô hấp của bạn. Khi bạn đã được dùng an thần, bác sĩ sẽ theo dõi liên tục lượng oxy trong máu của bạn thông qua một thiết bị nhỏ ở ngón tay. Bạn có thể được thở oxy thông qua một cái mặt nạ hoặc một ống nhựa đặt vào mũi.

    Đồng thời, khi làm phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ theo dõi các sinh hiệu quan trọng như huyết áp, mạch và nhịp tim.

    Hồi phục sức khỏe sau gây tê

    sau gây tê

    Bạn nên làm gì sau khi thực hiện gây tê?

    Sau phẫu thuật, bạn có thể gặp khó khăn khi đi tiểu. Có thể bác sĩ sẽ đặt tạm thời một ống mỏng, mềm vào bàng quang của bạn để dẫn nước tiểu ra. Biểu hiện này có thường xuất hiện sau gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng bởi vì bạn không thể cảm giác được khi nào bàng quang đang đầy.

    Cần một vài giờ để bạn có cảm giác trở lại ở vùng được gây tê, tình trạng này có thể kéo dài từ một tới 18 giờ tùy thuộc vào loại thuốc tê được tiêm.

    Trong khoảng thời gian này, đội ngũ hồi sức hoặc theo dõi sẽ đảm bảo rằng vùng gây tê được bảo vệ nhằm tránh chấn thương. Bạn có thể có cảm giác bị châm chích khi bắt đầu có cảm giác trở lại nhưng điều này sẽ sớm hết. Ở thời điểm này, quan trọng là bạn cần báo cho đội ngũ y tế biết nếu bạn cảm thấy đau.

    Bạn có thể xem thêm: Gây tê/Gây mê mất bao lâu mới hết tác dụng

    Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 28/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo