backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đặt túi ngực

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

    Đặt túi ngực

    Tìm hiểu về phẫu thuật đặt túi ngực

    Phẫu thuật đặt túi ngực là gì?

    Phụ nữ có thể đặt túi ngực để làm ngực lớn hơn và đầy đặn hơn. Phẫu thuật đặt túi ngực có thể được thực hiện cho các mục đích tái tạo như sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư vú hoặc lý do thẩm mỹ.

    Khi nào bạn cần thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực?

    Phụ nữ lựa chọn phẫu thuật này vì nhiều lí do cá nhân.

    Thông thường, phẫu thuật đặt túi ngực có thể giúp bạn:

    • Gia tăng hình thái bộ ngực nếu bạn cảm thấy ngực quá nhỏ hoặc bạn lo ngại rằng một bên vú nhỏ hơn bên còn lại.
    • Điều chỉnh kích thước vú giảm sau khi mang thai.
    • Tái tạo vú sau phẫu thuật trị bệnh ung thư vú hoặc các tình trạng khác.
    • Cải thiện hình ảnh bản thân hoặc tăng sự tự tin.

    Hãy thảo luận các mục tiêu với bác sĩ phẫu thuật để bạn có một kỳ vọng thực tế với kết quả phẫu thuật đặt túi ngực mang lại.

    Cẩn trọng khi thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực

    Những điều bạn cần biết trước khi thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực

    Không phải ai cũng có thể được phẫu thuật đặt túi ngực an toàn. Để đủ điều kiện cho việc phẫu thuật, bạn phải:

    • Có thể chất khỏe mạnh
    • Không mang thai hoặc cho con bú
    • Có những kỳ vọng thực tế
    • Hai bên vú phát triển đầy đủ
    • Ít nhất 18 tuổi (cho cấy ghép nước muối) và trên 22 tuổi (đối với cấy gel silicone)

    Bạn không nên phẫu thuật đặt túi ngực nếu bạn:

    • Có một bệnh nhiễm trùng ở bất cứ nơi nào trong cơ thể
    • Bị ung thư hoặc tiền ung thư nhưng chưa được điều trị đầy đủ
    • Đang có thai hoặc cho con bú

    Các biến chứng và tác dụng phụ

    Sau khi phẫu thuật đặt túi ngực, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như:

    • Đau
    • Những thay đổi về cảm giác ở núm vú và vú
    • Chảy máu
    • Nhiễm trùng

    Đặt túi ngực có những rủi ro khác nhau bao gồm:

    • Mô sẹo làm biến dạng hình dạng của vú được nâng (co thắt bao xơ)
    • Đau vú
    • Nhiễm trùng
    • Những thay đổi ở núm vú và cảm giác vú (thường tạm thời)
    • Rò rỉ hoặc vỡ

    Để điều trị bất kỳ biến chứng nào trong số này, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật thêm để loại bỏ hoặc thay thế các túi ngực.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để biết thêm thông tin.

    Quy trình đặt túi ngực

    Chuẩn bị cho phẫu thuật đặt túi ngực

    Cho bác sĩ biết:

    • Nếu bạn đang hoặc có thể mang thai.
    • Những loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm thuốc, thuốc bổ hoặc dược thảo bạn mua không cần toa bác sĩ.

    Trong những ngày trước khi phẫu thuật:

    • Bạn có thể cần chụp quang tuyến vú hoặc X-quang trước khi phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ thực hiện khám vú định kỳ.
    • Vài ngày trước khi phẫu thuật, bạn có thể được yêu cầu ngừng dùng aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin), warfarin (Coumadin) và bất kỳ loại thuốc nào khác gây khó khăn cho việc đông máu.
    • Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên uống thuốc vào ngày phẫu thuật không.
    • Bạn có thể cần được kê toa thuốc giảm đau trước khi phẫu thuật.
    • Sắp xếp người đưa bạn về nhà sau khi phẫu thuật và giúp bạn làm việc nhà trong 1 hoặc 2 ngày.
    • Nếu bạn hút thuốc, điều quan trọng là phải dừng lại. Hút thuốc có thể làm vết thương lâu lành.

    Vào ngày phẫu thuật:

    • Bạn thường được yêu cầu không uống hoặc ăn bất cứ thứ gì sau nửa đêm trước khi phẫu thuật.
    • Uống các loại thuốc mà bác sĩ kê toa với một ngụm nước nhỏ.
    • Mặc hoặc mang quần áo rộng có các nút hoặc khóa ở phía trước. Mang theo một chiếc áo ngực mềm, rộng không có gọng.
    • Đến bệnh viện hoặc bệnh viện ngoại trú đúng giờ.

    Quá trình phẫu thuật đặt túi ngực

    Phẫu thuật đặt túi ngực thường mất từ ​​1 đến 2 giờ. Bạn có thể cần ở lại bệnh viện qua đêm.

    Để thực hiện, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vết ở một trong ba vị trí trên ngực:

    • Nếp gấp dưới ngực
    • Dưới cánh tay (nách)
    • Xung quanh núm vú (quanh quầng vú)

    Sau khi rạch, bác sĩ sẽ tách mô vú khỏi các cơ và mô liên kết của ngực để tạo ra một khoang phía sau hoặc ở phía trước cơ ngoài cùng của thành ngực (cơ ngực). Bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn túi ngực vào khoang này và đặt nó vào trung tâm sau núm vú.

    Túi ngực chứa được đưa vào khi rỗng và sau đó bác sĩ đổ đầy nước muối vô trùng khi chúng được đặt đúng vị trí. Tuy nhiên, túi ngực silicon sẽ được làm đầy trước khi đưa vào ngực.

    Khi túi ngực được đặt đúng vị trí, bác sĩ sẽ đóng vết rạch bằng các mũi khâu (chỉ khâu) và băng lại bằng băng dính và băng phẫu thuật.

    Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật đặt túi ngực?

    Đau và sưng có thể xảy ra trong vài tuần sau phẫu thuật. Bạn cũng có thể bị bầm tím. Vết sẹo sẽ phai dần theo thời gian, mặc dù chúng không biến mất hoàn toàn.

    Trong khi hồi phục, bạn nên đeo băng nén hoặc mặc áo ngực thể thao để hỗ trợ thêm và định vị các bộ phận phẫu thuật đặt túi ngực. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể kê đơn thuốc giảm đau.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để biết thêm thông tin.

    Phục hồi sau phẫu thuật đặt túi ngực

    Bạn nên làm gì sau khi phẫu thuật đặt túi ngực?

    Bạn có thể về nhà khi tỉnh lại và có thể đi bộ, uống nước và tắm bình thường.

    Làm theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật về việc trở lại các hoạt động bình thường. Nếu không làm công việc đòi hỏi về thể chất, bạn có thể quay trở lại làm việc trong vòng vài ngày đến một tuần. Tránh các hoạt động nặng – bất cứ việc gì có thể làm tăng nhịp tim hoặc huyết áp – ít nhất là 2 tuần. Trong lúc vết thương đang lành, ngực sẽ nhạy cảm với các tiếp xúc hoặc cử động.

    Nếu bác sĩ phẫu thuật sử dụng chỉ khâu không tiêu hoặc đặt các ống dẫn lưu cạnh ngực, bạn sẽ có buổi hẹn tiếp theo để cắt chỉ hoặc tháo các ống dẫn lưu dịch.

    Nếu cảm thấy vú ấm và đỏ hoặc bị sốt, bạn có thể bị nhiễm trùng. Hãy liên lạc với bác sĩ phẫu thuật càng sớm càng tốt. Đi cấp cứu nếu bạn bị khó thở hoặc đau ngực.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

    Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


    Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo