backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Sỏi niệu quản

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mạnh Thắng · Ngày cập nhật: 26/06/2020

Sỏi niệu quản

Khi sỏi thận bị mắc kẹt tại niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) thì được gọi là sỏi niệu quản. Khi đó, người bệnh thường có những cơn đau co thắt dữ dội ở bụng hay một bên hông lưng (cơn đau quặn thận), cần được nhập viện ngay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, trong đó uống ít nước, tăng axit uric, nhiễm trùng tiểu, tăng canxi máu là những nguyên nhân thường gặp. Những viên sỏi nhỏ có thể theo niệu quản đi xuống bàng quang và ra ngoài qua nước tiểu mà không gây triệu chứng nào. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn hơn và nhiều góc cạnh có thể kẹt lại niệu quản, gây ra triệu chứng đau bụng hoặc thận ứ nước.

Tìm hiểu chung

Sỏi niệu quản là gì?

Sỏi niệu quản là những tinh thể rắn có kích thước tương đối lớn nằm trong niệu quản, thực chất là sỏi thận di chuyển xuống. Sỏi thận được cấu tạo từ muối và khoáng chất trong nước tiểu kết tinh lại với nhau. Chúng thường không gây đau đớn khi nằm ở trong thận nhưng có thể gây ra cơn đau dữ dội khi những mảnh sỏi nhỏ rời khỏi thận và đi qua niệu quản đến bàng quang.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sỏi niệu quản là gì?

Các triệu chứng phổ biến của sỏi niệu quản là:

  • Đau nhiều ở một bên hông lưng
  • Đau lan xuống bụng dưới và bẹn
  • Cơn quặn từng cơn
  • Đau khi tiểu tiện
  • Nước tiểu màu đỏ, hồng hoặc nâu
  • Nước tiểu đục và có mùi khó chịu
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Mót tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên hơn so với bình thường
  • Sốt và ớn lạnh nếu có nhiễm trùng
  • Nước tiểu ít (bí tiểu)

triệu chứng sỏi niệu quản

Đau do sỏi thận có thể thay đổi (ví dụ như chuyển sang một vị trí khác hoặc tăng cường độ) khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ những vấn đề sau đây:

  • Đau quá nghiêm trọng mà bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một tư thế giảm đau
  • Đau kèm theo buồn nôn và ói mửa
  • Đau kèm theo sốt và ớn lạnh
  • Có máu trong nước tiểu
  • Tiểu khó

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây bệnh sỏi niệu quản?

Nguyên nhân gây ra sỏi không chỉ có một, mặc dù một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Sỏi thận hình thành khi nước tiểu có chứa nhiều chất tạo tinh thể (như canxi, oxalat và axit uric) hơn là nước nên dễ bị kết tinh. Đồng thời, nước tiểu thiếu các chất ngăn chặn các tinh thể dính lại với nhau, tạo ra một môi trường lý tưởng cho sỏi hình thành.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh sỏi niệu quản?

Sỏi niệu quản có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi niệu quản?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đối với sỏi niệu quản, chẳng hạn như:

  • Bệnh sử gia đình hoặc cá nhân. Nếu một người nào đó trong gia đình bạn bị sỏi thận thì bạn có nhiều khả năng mắc sỏi thận. Nếu đã có một hay nhiều viên sỏi thận thì bạn có nguy cơ cao mắc thêm sỏi khác.
  • Mất nước. Không uống đủ nước mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Những người sống ở vùng khí hậu ấm áp và những người ra nhiều mồ hôi có thể có nguy cơ cao hơn những người khác.
  • Chế độ ăn uống. Chế độ ăn có chứa protein, natri (muối) và đường cao có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại sỏi thận, điều này đặc biệt đúng với chế độ ăn giàu natri. Quá nhiều natri trong bữa ăn sẽ làm tăng lượng canxi trong nước tiểu và làm tăng đáng kể nguy cơ bị sỏi thận.
  • Béo phì. Chỉ số khối cơ thể cao (BMI), kích thước vòng eo lớn và thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
  • Các bệnh tiêu hóa và phẫu thuật. Phẫu thuật dạ dày, viêm ruột hoặc tiêu chảy mạn tính có thể gây ra những thay đổi trong quá trình tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và nước, làm tăng nồng độ của các khoáng chất hình thành trong nước tiểu.
  • Các tình trạng y tế khác. Bệnh và tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận bao gồm nhiễm toan ống thận, chứng tiểu ra cystin (cystin niệu), tình trạng cường giáp, một số loại thuốc và một số bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chẩn đoán bệnh sỏi niệu quản

Các phương pháp xét nghiệm và thủ tục để chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Xét nghiệm máu. Quy trình này cho biết liệu có quá nhiều canxi hoặc axit uric trong máu hay không. Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe của thận và kiểm tra các tình trạng bệnh lí khác nếu có;
  • Xét nghiệm nước tiểu. Mẫu xét nghiệm nước tiểu trong vòng 24 giờ gần nhất có thể cho thấy rằng bạn có đang bài tiết quá nhiều khoáng chất hình thành sỏi hoặc quá ít chất ngăn tạo sỏi hay không. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm nước tiểu trong hai ngày liên tiếp;
  • Kiểm tra bằng hình ảnh. Quy trình này có thể phát hiện sỏi thận ở đường tiết niệu. Chụp X-quang bụng đơn giản hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể bỏ sót sỏi thận nhỏ. Các phương pháp kiểm tra bằng hình ảnh khác bao gồm siêu âm, xét nghiệm không xâm lấn và chụp X-quang hệ tiết niệu bằng thuốc cản quang đường tĩnh mạch, trong đó bao gồm tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch cánh tay và chụp X-quang (pyelogram tĩnh mạch) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT urogram) khi thuốc cản quang đi qua thận và bàng quang;
  • Phân tích sỏi. Bạn có thể được yêu cầu đi tiểu thông qua một cái rây để giữ lại các viên sỏi được đào thải qua nước tiểu. Phân tích trong phòng thí nghiệm sẽ cho thấy cấu tạo của viên sỏi, từ đó xác định nguyên nhân gây ra loại sỏi và lập kế hoạch ngăn ngừa sỏi thận.

Phương pháp điều trị bệnh sỏi niệu quản

Việc điều trị sỏi thận tùy thuộc vào loại sỏi và nguyên nhân. Hầu hết sỏi thận sẽ không cần điều trị xâm lấn. Bạn có thể điều trị sỏi nhỏ bằng cách:

  • Uống nước. Uống nhiều nước, khoảng 1,9 – 2,8 lít mỗi ngày có thể giúp lọc rửa hệ thống tiết niệu. Bạn hãy uống đủ nước để bài tiết nước tiểu trong trừ khi bác sĩ có căn dặn khác.
  • Thuốc giảm đau. Sỏi bị đào thải ra thường gây khó chịu. Để giảm đau nhẹ, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc giảm đau như ibuprofen, acetaminophen hoặc naproxen.
  • Điều trị y tế. Bác sĩ có thể cung cấp một loại thuốc chẹn alpha để giúp loại bỏ sỏi thận. Thuốc này giúp thư giãn các cơ trong niệu quản, đào thải sỏi thận một cách nhanh chóng hơn và ít đau đớn.

Trường hợp sỏi thận mà không thể được điều trị bằng các biện pháp thông thường hoặc không thể đào thải do chúng quá lớn và thậm chí gây chảy máu, tổn thương thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, thì bạn cần điều trị bằng các phương pháp tích cực hơn, bao gồm:

  • Sử dụng sóng siêu âm để phá vỡ sỏi. Đối với sỏi thận nhất định, tùy thuộc vào kích thước và vị trí, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL). Phương pháp này sử dụng sóng âm để tạo ra các rung động mạnh (sóng xung kích) để phá viên sỏi lớn thành nhiều miếng nhỏ, từ đó có thể được đào thải qua nước tiểu. Thủ thuật này kéo dài khoảng 45–60 phút và có thể gây ra cơn đau vừa phải, vì vậy bạn có thể được gây ngủ hoặc gây mê để cảm thấy thoải mái hơn.

tán sỏi niệu quản

  • Phẫu thuật để loại bỏ sỏi lớn ở thận. Bác sĩ sẽ chèn ống nội soi và các công cụ qua một đường rạch nhỏ ở lưng để mở niệu quản lấy sỏi thận. Bạn sẽ được gây mê toàn thân trong khi phẫu thuật và ở trong bệnh viện từ 1–2 ngày sau khi hồi phục. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật này nếu phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể không thành công.
  • Phẫu thuật nội soi để loại bỏ sỏi. Để loại bỏ một sỏi nhỏ ở niệu quản hoặc thận, bác sĩ có thể luồn một ống soi mỏng được trang bị máy ảnh thông qua niệu đạo và bàng quang và đến niệu quản. Khi đã xác định được vị trí của viên sỏi, các công cụ đặc biệt có thể gắp sỏi hoặc phá vỡ nó thành từng mảnh, các viên sỏi sẽ được đào thải qua nước tiểu. Sau đó, bác sĩ có thể đặt một ống nhỏ (stent) trong niệu quản để làm giảm sưng và hỗ trợ quá trình phục hồi. Bạn có thể cần gây mê toàn thân hoặc cục bộ trong quy trình này.
  • Phẫu thuật tuyến cận giáp. Một số sỏi canxi phốt-phát được gây ra bởi các tuyến cận giáp hoạt động quá mức. Khi các tuyến này tiết ra quá nhiều hormone cận giáp (tình trạng cường cận giáp) thì nồng độ canxi trong máu có thể trở nên quá cao và hình thành sỏi thận. Nguyên nhân gây cường cận giáp thường gặp nhất là một khối u lành tính, nhỏ hình thành ở một trong các tuyến cận giáp. Việc loại bỏ khối u lành tính này từ các tuyến cận giáp sẽ dừng việc hình thành sỏi thận. Bác sĩ có thể đề nghị điều trị các tình trạng khác khiến cho tuyến cận giáp sản xuất quá mức hormone.

Biến chứng

Bệnh sỏi niệu quản có nguy hiểm không?

Khi sỏi xuất hiện trong niệu quản có thể gây tắc nghẽn và nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Tình trạng này cần được can thiệp y khoa ngay lập tức.

Các biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm áp xe quanh thận, nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm trùng đường tiết niệu và tử vong.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sỏi niệu quản?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Uống nước đều đặn. Đối với những người có tiền sử sỏi thận, các bác sĩ thường khuyên bạn nên thải ra khoảng 2,5 lít nước tiểu một ngày. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đo lượng nước tiểu để chắc chắn rằng bạn uống đủ nước. Nếu sống trong vùng khí hậu nóng, khô hoặc tập thể dục thường xuyên, bạn có thể cần phải uống nước nhiều hơn để sản xuất đủ lượng nước tiểu. Nếu nước tiểu sáng và trong thì chứng tỏ bạn đã uống đủ nước.
  • Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều oxalat. Nếu cơ thể bạn dễ hình thành sỏi canxi oxalat, bác sĩ có thể khuyên hạn chế thức ăn giàu oxalat, bao gồm các loại đại hoàng, củ cải, đậu bắp, rau bina, củ cải Thụy Sĩ, khoai lang, các loại hạt, trà, sô cô la và các sản phẩm đậu nành.
  • Chọn một chế độ ăn ít muối và protein động vật. Giảm lượng muối ăn và chọn nguồn protein không xuất phát từ động vật, chẳng hạn như các loại đậu. Bạn nên xem xét việc sử dụng gia vị khác thay cho muối.
  • Tiếp tục ăn các loại thực phẩm giàu canxi, nhưng hãy cẩn thận với việc bổ sung canxi. Canxi trong thức ăn không có ảnh hưởng đến nguy cơ sỏi thận, vì vậy bạn hãy tiếp tục ăn các loại thực phẩm giàu canxi trừ khi bác sĩ khuyến cáo không nên. Bạn hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung canxi, vì chúng có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận. Bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách bổ sung canxi vào các bữa ăn vì chế độ ăn ít canxi có thể làm tăng sự hình thành sỏi thận ở một số người.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Sỏi niệu quản là một trong những bệnh lý tiết niệu thường gặp nhất và thường được phát hiện nhiều do gây triệu chứng đau bụng rất điển hình. Khi bệnh có triệu chứng, bệnh nhân có chỉ định can thiệp lấy sỏi. Tùy theo kích thước và vị trí viên sỏi mà bác sĩ có nhiều cách xử trí khác nhau. Các cách can thiệp từ đơn giản như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi ngược dòng gắp sỏi đến phức tạp hơn như mổ nội soi lấy sỏi.

Nếu bạn bị sỏi tái phát nhiều lần nên xem lại chế độ ăn uống. Hãy uống hơn 2 lít nước mỗi ngày và tiến hành các kiểm tra chuyên sâu hơn để tìm những nguyên nhân gây sỏi có thể điều trị được như nhiễm trùng tiểu kéo dài, tăng canxi máu do cường tuyến cận giáp. Khi điều trị khỏi các nguyên nhân này thì sỏi thận mới được giải quyết triệt để và tránh được các cuộc phẫu thuật lấy sỏi phức tạp về sau.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mạnh Thắng · Ngày cập nhật: 26/06/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo