backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trồng răng khểnh để tạo nét duyên ngầm đáng yêu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 25/06/2020

    Trồng răng khểnh để tạo nét duyên ngầm đáng yêu

    Chiếc răng khểnh mang lại nét trẻ trung và dễ thương, thế nên không ít người đã quyết định trồng răng khểnh để tạo nên vẻ đẹp đáng yêu. Vậy răng khểnh là gì mà lại có sức hấp dẫn khiến nhiều người muốn trồng răng khểnh đến như vậy?

    Một chiếc răng mọc khấp khểnh có vẻ lệch lạc so với những chiếc răng khác, nhưng nhiều người lại cho rằng đây là một nét duyên ngầm độc đáo cho những ai may mắn sở hữu. Hãy cùng tìm hiểu chiếc răng đặc biệt này từ đâu mà có và liệu có cách nào giúp bạn sở hữu đặc điểm đáng yêu này không nhé.

    Nguyên nhân hình thành răng khểnh 

    Răng khểnh cũng được xem là một tình trạng răng mọc lệch lạc và hình thành do một trong nhiều nguyên nhân như:

    • Yếu tố di truyền: Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy hàm răng chính là tính trạng dễ di truyền nhất. Điều này có nghĩa là nếu gia đình bạn có ông bà hay bố mẹ có răng khểnh thì đặc điểm này cũng sẽ dễ có ở bạn.

     Thói quen xấu lúc nhỏ: Những thói quen xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng. Đặc biệt là lúc nhỏ, khi răng vẫn chưa hình thành ổn định thì những tật xấu sẽ khiến vòm hàm trở nên nhỏ hẹp, xô đẩy vị trí các răng, khiến một hay nhiều răng bị khấp khểnh. Một số thói quen xấu phổ biến thường là mút ngón tay, nghiến răng, đẩy lưỡi…

    • Vấn đề với răng sữa: Răng sữa đóng vai trò rất quan trọng trong 10 năm đầu đời của mỗi người. Thời điểm thay răng nanh sữa thường là vào khoảng 10 – 12 tuổi nhưng nếu răng rụng trước hoặc sau thời điểm này có thể khiến răng vĩnh viễn mọc chen lấn vị trí của nhau, làm xuất hiện răng khểnh.

    Vì sao nhiều người thích làm răng khểnh?

    răng khểnh

    Nếu ở phương Tây, răng khểnh thường được xem là khấp khểnh, kém thẩm mỹ và đa số đều tìm cách loại bỏ thì trong quan niệm Á Đông, răng khểnh lại tạo ra nét đẹp đáng yêu. Thậm chí, nhiều người còn muốn trồng răng khểnh vì tin vào ý nghĩa tướng số của chiếc răng lệch lạc này đấy!

    Quan niệm về chiếc răng khểnh đẹp 

    răng khểnh

    Thông thường, hàm răng của người trưởng thành sẽ có 32 chiếc răng vĩnh viễn và chia ra thành 3 nhóm chính: 

  • Răng cửa gồm răng số 1, số 2 và răng nanh
  • Răng tiền hàm gồm số 4 và số 5
  • Răng hàm gồm răng số 6, 7 và 8
  • Răng khểnh còn có tên gọi khác là răng nanh hay răng số 3, có hình dạng răng xiên nhỏ thường mọc từ độ tuổi 12 – 13 trong quá trình răng mọc vĩnh viễn. Bạn sẽ quan sát thấy răng hơi chếch ra ngoài do răng tự có sự sắp xếp lệch lạc.

    Mỗi người thường chỉ có một chiếc răng khểnh nhưng có người có thể có hai hoặc nhiều hơn. Do không phải ai cũng có răng khểnh, nên đặc điểm này thường được gắn với khả năng tạo ra nét độc đáo và vẻ đẹp riêng cho cá nhân. 

    Một chiếc răng khểnh đẹp phải đảm bảo sự hòa hợp với các rằng còn lại, không tạo cảm giác quá mất cân đối, đồng thời sẽ mang lại nụ cười dễ thương hơn. 

    Ý nghĩa của răng khểnh theo tướng số 

    răng khểnh

    Chiếc răng khểnh không chỉ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà theo quan niệm về nhân tướng học, đây cũng là một đặc điểm khá thú vị, mang lại nhiều nét riêng độc đáo cho người sở hữu.

    Ở phương Đông, những chi tiết nổi trội không theo số đông như lúm đồng tiền hay cằm chẻ đều được gắn với sức hấp dẫn đặc biệt, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tương tự, chiếc răng khểnh cũng tạo nên nét đẹp tiềm ẩn ở người sở hữu nó, giúp họ dễ gây thiện cảm với mọi người xung quanh.

    • Về mặt tính cách: Người có chiếc răng này sở hữu tính cách nhanh nhẹn và hoạt bát. Người này cũng có lòng tốt, biết quan tâm giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Đây là mẫu người có nhiều suy nghĩ sâu sắc, được ngưỡng mộ vì thông minh hơn người. 

    • Về mặt tình cảm: Chuyện tình cảm của người có răng khểnh thường chớm nở rất sớm. Đây là kiểu người khá chủ động, mãnh liệt và chân thành với đối phương. Thế nên, người sở hữu chiếc răng này rất thích hợp với những đối tượng tìm hiểu cũng có tính cách mạnh mẽ. 

    • Về mặt sự nghiệp: Những người này thường hay nhẫn nại và kiên trì, bền bỉ để thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, thường thì phải qua ngưỡng tuổi 30 thì người có răng khểnh mới có thể tận hưởng cuộc sống ổn định và an nhàn. 

    Người sở hữu chiếc răng khểnh có dáng quá nhọn và gần cửa miệng thì lại không tốt cho lắm bởi đây là kiểu người hay chọc giận người khác vì không chú ý nhiều đến giao tiếp. Thế nên, người này nên học cách kiềm chế cảm xúc của mình và cố gắng bình tĩnh khi gặp tình huống căng thẳng để giữ cho mọi chuyện tốt đẹp.  

    Kỹ thuật trồng răng khểnh 

    răng khểnh

    Chiếc răng khểnh mang lại nét ngây thơ đáng yêu, nụ cười tỏa nắng và cũng tạo điểm nhấn riêng cho tổng thể khuôn mặt. Thế nên, nhiều người rất muốn làm răng khểnh để tự tạo ra nét duyên này cho bản thân.  

    Kỹ thuật trồng răng khểnh tại nha khoa

    Có một số cách làm răng khểnh phổ biến được sử dụng để làm răng khểnh tự nhiên. Tùy từng trường hợp mà nha sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp nhất cho bạn. 

    1. Trồng răng khểnh bằng cách đắp composite 

    Đây là cách làm răng khểnh phổ biến và đơn giản nhất. Kỹ thuật này sẽ được nha sĩ thực hiện bằng cách đắp vật liệu composite vào răng nanh số 3. Nha sĩ sau đó sẽ tiến hành căn chỉnh sao cho răng chếch ra ngoài một góc vừa phải, không quá mất cân đối so với các răng khác và vẫn đảm bảo sự hài hòa cho khuôn mặt.

    2. Trồng răng khểnh bằng cầu răng 

    Đây là kỹ thuật cũng dùng đến một nhịp cầu nhiều hơn một răng sứ nhưng hơi khác so với cách làm cầu cho các răng thông thường trên cung răng. Vì khi làm cầu răng cho răng khểnh, chỉ cần dùng đến hai thân răng sứ: một chụp lên răng nanh và một tạo hình răng khểnh. Trong cầu răng này, chiếc răng sứ làm vai trò răng khểnh sẽ được tạo hình hơi chếch lên trên so với răng nanh.

    3. Trồng răng khểnh bằng mặt dán sứ 

    Phương pháp mặt dán sứ veneer giúp tạo một chiếc răng khểnh đẹp tự nhiên, duyên dáng như răng khểnh thật. Ưu điểm của mặt dán sứ này là không ảnh hưởng nhiều đến các răng khác. Với kỹ thuật này, bác sĩ chỉ cần mài răng một lớp siêu mỏng từ 0,3 – 0,7 mm. Sau đó mặt dán sứ sẽ được dán lên bề mặt răng nanh và hơi chếch lên để tạo hình răng khểnh bằng một lớp keo đặc biệt dùng trong nha khoa.

    4. Trồng răng khểnh trên trụ implant 

    Đây là kỹ thuật làm răng khểnh tương đương với kỹ thuật trồng răng implant bao gồm cả thân răng và trụ chân răng. Khi thực hiện, nha sĩ sẽ dùng một trụ chân răng nhân tạo bằng implant để đặt vào trong xương hàm, hơi chếch lên trên so với răng nanh. Sau đó, các kỹ thuật viên sẽ thiết kế một thân răng sứ có hình dáng gần giống với răng nanh để lắp vào trụ răng tạo răng khểnh.

    Răng khểnh được can thiệp thêm vào bằng các kỹ thuật nha khoa vẫn phải đảm bảo một số tiêu chuẩn thẩm mỹ để sao cho phù hợp với khuôn miệng, nụ cười. Chiếc răng thẩm mỹ đạt yêu cầu phải thể hiện tính tự nhiên về dáng răng và mà sắc, mức độ nhô ra vừa phải và không ảnh hưởng đến chức năng nhai về lâu dài. 

    Gắn răng khểnh giả tại nhà 

    Ngoài cách nhờ đến nha sĩ chuyên khoa để can thiệp làm răng khểnh thì trên thị trường hiện nay có một số sản phẩm giúp bạn có ngay chiếc răng duyên dáng này nhanh chóng mà lại tiết kiệm. Các sản phẩm này thường gồm răng giả bằng nhựa và chất liệu keo để kết dính. Tuy nhiên, cách gắn răng giả này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe răng miệng.

    Răng nhựa thường sẽ không thể tương hợp sinh học với răng. Không những thế, khi ở trong môi trường miệng một thời gian có thể gây ra tình trạng hôi miệng khó chịu. Chất liệu nhựa cũng dễ bị đổi màu, biến chất và làm phát sinh những chất có hại cho răng miệng. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro như sưng đau, viêm lợi, hay thậm chí nguy hiểm nhất là tiêu xương, tụt lợi tại vị trí gắn răng giả.

    Việc tự ý gắn răng giả để tạo răng khểnh còn gây khó khăn khi vệ sinh răng miệng, rất dễ gây viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do mảng bám thức ăn tích tụ lại. Nếu để lâu, loại răng giả này sẽ dẫn tới tình trạng hôi miệng, sâu răng hoặc phá hủy tổ chức của răng.

    Các vật liệu làm răng khểnh tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro gây hại cho sức khỏe. Bạn không nên vì chạy theo trào lưu mà gây ra những biến chứng khôn lường cho chính hàm răng của mình. 

    Kỹ thuật chỉnh răng khểnh 

    răng khểnh

    Nếu bỏ qua các quan niệm về thẩm mỹ và nhân tướng học, dưới góc độ y khoa thì răng khểnh không hề có lợi cho sức khỏe răng miệng của bạn. Răng khểnh mọc lệch sẽ khiến cho thức ăn và vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để bám vào giữa các kẽ răng. Việc vệ sinh răng miệng cũng sẽ trở nên khó khăn hơn và về lâu dài sẽ dễ làm phát triển nhiều bệnh phổ biến liên quan đến răng miệng như sâu răng, viêm nướu răng hay hôi miệng. 

    Răng khểnh tự nhiên mọc lệch chồi ra ngoài cũng sẽ khiến răng bên cạnh bị đẩy vào sâu hơn, làm sai lệch khớp cắn ở nhiều răng còn lại. Bản chất chiếc răng khểnh do có xu hướng mọc chếch ra ngoài nên cũng rất dễ bị tổn thương khi có va chạm hay tác động từ bên ngoài.

    Bọc sứ cho răng khểnh 

    Cách bọc sứ cho răng khểnh được thực hiện bằng cách mài răng khểnh theo một tỷ lệ được tính toán trước. Giải pháp bọc răng sứ vừa giúp phục hình thẩm mỹ cho răng khểnh đều đẹp so với các răng khác, vừa giúp bảo vệ răng thật bên trong.

    Theo quy trình, nha sĩ sẽ tiến hành mài nhỏ quanh thân răng nhưng tránh gây ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc hay gây ê buốt răng. Sau khi mài răng, bạn sẽ được lấy dấu mẫu hàm, sau đó chuyển sang cho các kỹ thuật viên labo để chế tác mão răng sứ phù hợp. 

    Trong thời gian đợi lắp răng sứ, bạn sẽ được gắn răng tạm để đảm bảo thẩm mỹ và giúp ăn, nhai dễ dàng. Thông thường, răng sứ được gắn tạm để điều chỉnh với việc ăn uống, nếu mọi thứ bình thường thì sau khoảng một tuần, bạn sẽ được căn chỉnh và gắn cố định lại bằng keo nha khoa.

    Phương pháp bọc răng sứ được ưa chuộng bởi mang lại một số ưu điểm như: 

    • Cải thiện nhanh khuyết điểm răng khểnh mọc lệch quá mức
    • Răng sau khi bọc vẫn đảm bảo được chức năng nhai
    • Kỹ thuật bọc sứ răng khểnh được thực hiện khá nhanh chóng, an toàn

    Quy trình bọc răng sứ đơn giản, tuy nhiên nếu việc mài răng không được thực hiện cẩn thận sẽ dễ gây xâm lấn mô răng, khiến răng bị ê buốt và lung lay. Kỹ thuật này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chân răng và tiềm ẩn nguy cơ như sâu răng hay viêm tủy răng

    Niềng răng khểnh 

    Niềng răng khểnh là kỹ thuật nha khoa phổ biến được sử dụng để chỉnh lại răng khểnh tự nhiên, giúp hàm răng trở nên cân đối hơn. Đây là phương pháp ít xâm lấn răng thật, an toàn và mang lại hiệu quả vĩnh viễn. Theo phương pháp niềng răng khểnh này, nha sĩ sẽ sử dụng các khí cụ chỉnh nha để tác động một lực lên răng, khiến răng khểnh di chuyển từ từ cho đến khi về đúng vị trí trên khuôn hàm. 

    Có nhiều phương pháp niềng răng khểnh hiện nay như mắc cài kim loại, mắc cài sứ, niềng răng mắc cài mặt lưỡi… Mỗi loại đều có một số ưu nhược điểm nhất định. 

    • Mắc cài kim loại: Loại mắc cài này có ưu điểm là rẻ, bền và dễ thay thế khi bị hư hoặc rớt. Tuy nhiên, mắc cài kim loại lại không cho hiệu quả thẩm mỹ cao. 

    • Mắc cài bằng sứ: Mắc cài bằng sứ có độ bền và sự chắc chắn gần giống với dạng mắc cài kim loại nhưng nhìn đẹp hơn. Nhưng nhược điểm của loại mắc cài này là dày hơn mắc cài kim loại nên sẽ gây cảm giác cộm trong miệng khi sử dụng. 

    • Mắc cài mặt lưỡi: Đây là cách niềng răng khểnh có tính thẩm mỹ cao nhất và không ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn khi giao tiếp. Tuy nhiên, chi phí thực hiện lại rất cao và có thể gây ảnh hưởng tới lưỡi. 

    Thời gian niềng răng trung bình từ 6 tháng đến 1 hoặc 2 năm tùy thuộc vào độ lệch của răng và độ chếch ra ngoài của răng khểnh cũng như cấu trúc răng và hàm. 

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: 5 vấn đề xoay quanh việc niềng răng 

    Một nụ cười để lộ chiếc răng khểnh dễ thương chính là điểm nhấn trên gương mặt mà biết bao cô gái hằng mong ước. Dù bạn yêu thích chiếc răng duyên ngầm này đến thế nào đi chăng nữa thì cũng nên tìm hiểu thật kỹ để làm đẹp cho hàm răng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!

    Tuyết Trinh HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 25/06/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo