backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh thần kinh đái tháo đường

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Yến Ngọc · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Thành Phố Ngã Bảy


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 10/10/2023

Bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một biến chứng rất thường gặp ở người bị bệnh tiểu đường. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì?

Bệnh thần kinh đái tháo đường chỉ các tổn thương thần kinh có thể xảy ra nếu bạn bị tiểu đường. Lượng đường cao trong máu (glucose) có thể làm tổn thương các dây thần kinh trong cơ thể, thường sớm nhất là ở chân và bàn chân. (các dây thần kinh nhỏ ở ngoại vi, đặt biệt là chân bàn chân)

Tùy thuộc vào các dây thần kinh bị ảnh hưởng, các triệu chứng bệnh thần kinh đái tháo đường có thể gồm đau và tê ở chân/bàn chân, các vấn đề ở hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, mạch máu và tim. Một số người bệnh sẽ có triệu chứng nhẹ, nhưng một số khác lại có thể khá đau đớn và không thể vận động được.

Đây là một biến chứng tiểu đường nghiêm trọng và phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến 50% số người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến trình bệnh bằng cách kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu và xây dựng lối sống lành mạnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh thần kinh đái tháo đường là gì?

đo đường huyết

Bệnh thần kinh đái tháo đường có 4 dạng chính. Một người có thể mắc một hoặc nhiều loại bệnh lý thần kinh này. Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào việc dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Thông thường, các triệu chứng bệnh sẽ phát triển dần dần. Bạn có thể không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào cho đến khi xuất hiện tổn thương thần kinh nghiêm trọng.

Bệnh thần kinh ngoại vi

Bệnh thần kinh ngoại vi là loại bệnh thần kinh đái tháo đường phổ biến nhất. Bệnh ảnh hưởng đầu tiên đến bàn chân và chân, tiếp theo là tay và cánh tay. Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại vi thường tồi tệ hơn vào ban đêm, và có thể kèm theo các dấu hiệu sau:

  • Tê hoặc giảm khả năng cảm thấy đau hoặc thay đổi nhiệt độ
  • Cảm giác ngứa hoặc nóng rát
  • Đau hoặc chuột rút
  • Nhạy cảm hơn khi tiếp xúc – đối với một số người, việc nằm trên nệm cũng khiến họ đau
  • Yếu cơ
  • Mất phản xạ, đặc biệt là ở mắt cá chân
  • Mất thăng bằng và phối hợp
  • Các vấn đề nghiêm trọng về chân, như loét, nhiễm trùng và đau xương khớp

Bệnh thần kinh tự chủ

Hệ thống thần kinh tự chủ kiểm soát tim, bàng quang, dạ dày, ruột, cơ quan sinh dục và mắt. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh ở bất kỳ khu vực nào trong số này và gây ra:

  • Hạ đường huyết không nhận thức
  • Các vấn đề về bàng quang, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ
  • Táo bón, tiêu chảy không kiểm soát
  • Liệt dạ dày, gây buồn nôn, nôn, đầy hơi và chán ăn
  • Khó nuốt
  • Tăng hoặc giảm mồ hôi
  • Vấn đề kiểm soát nhiệt độ cơ thể
  • Thay đổi cách mắt điều chỉnh từ sáng sang tối
  • Nhịp tim tăng khi nghỉ ngơi
  • Huyết áp giảm mạnh sau khi ngồi hoặc đứng có thể khiến bạn ngất xỉu hoặc cảm thấy choáng
  • Rối loạn cương dương
  • Khô âm đạo
  • Giảm đáp nhu cầu tình dục

Bệnh đám rối – rễ thần kinh (teo cơ do đái tháo đường, bệnh thần kinh đùi, bệnh thần kinh cận thân)

Bệnh đám rối – rễ thần kinh ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở đùi, hông, mông hoặc chân. Dạng bệnh thần kinh đái tháo đường này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và người lớn tuổi.

Các triệu chứng bệnh thường ở một bên của cơ thể, nhưng đôi khi có thể lan sang phía bên kia, bao gồm:

  • Đau dữ dội ở hông và đùi hoặc mông
  • Cơ đùi yếu và teo lại
  • Khó đứng dậy sau khi ngồi
  • Sưng bụng
  • Giảm cân

Theo thời gian, hầu hết người bệnh có thể cải thể sức khỏe một phần.

Bệnh đơn thần kinh (bệnh thần kinh cục bộ)

Bệnh đơn thần kinh là tổn thương một dây thần kinh cụ thể ở mặt, thân hoặc chân. Bệnh phổ biến nhất ở người lớn tuổi, thường tấn công đột ngột và có thể gây đau dữ dội. Tuy nhiên, bệnh thường không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào.

Thậm chí, các triệu chứng thường biến mất trong vài tuần hoặc vài tháng mà không cần điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể của bạn phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Bạn có thể đau ở:

  • Cẳng chân hoặc chân
  • Thắt lưng hoặc xương chậu
  • Mặt trước đùi
  • Ngực hoặc bụng

Bệnh đơn thần kinh cũng có thể gây ra các vấn đề về thần kinh ở mắt và mặt, dẫn đến:

  • Khó tập trung
  • Song thị
  • Đau sau mắt
  • Liệt một bên mặt (Bell’s palsy)

Đôi khi bệnh đơn thần kinh xảy ra khi dây thần kinh bị đè nén (chèn ép dây thần kinh). Hội chứng ống cổ tay là một loại bệnh chèn ép dây thần kinh phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nó có thể gây tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc ngón tay, ngoại trừ ngón út. Bạn cũng có thể cảm thấy bàn tay yếu, không thể cầm được đồ vật.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu sau:

  • Một vết cắt ở bàn chân bị nhiễm trùng hoặc không lành
  • Cảm giác châm chích, ngứa, yếu hoặc đau ở tay hoặc chân gây cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc giấc ngủ
  • Thay đổi tiêu hóa, tiểu tiện hoặc nhu cầu tình dục
  • Chóng mặt và ngất xỉu.

Những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng liên quan đến tổn thương thần kinh, chúng có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe khác cần được điều trị ngay. Việc chẩn đoán và điều trị sớm bất kỳ tình trạng sức khỏe nào cũng giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát bệnh thần kinh do đái tháo đường ngay sau khi một người nào đó được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường týp 2 hoặc 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường týp 1. Sau đó, nên khám sàng lọc mỗi năm một lần.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây bệnh thần kinh đái tháo đường?

Những nguyên nhân nào gây bệnh thần kinh đái tháo đường?

Nguyên nhân chính xác của từng loại bệnh thần kinh vẫn chưa được biết rõ. Theo các nhà nghiên cứu, lượng đường huyết cao không được kiểm soát trong thời gian dài sẽ làm tổn thương dây thần kinh và cản trở quá trình truyền tính hiệu, dẫn đến bệnh thần kinh đái tháo đường. Lượng đường trong máu cao cũng làm suy yếu các thành mạch máu nhỏ (mao mạch), gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh này?

Bất cứ ai mắc bệnh tiểu đường đều có thể mắc bệnh thần kinh. Tuy nhiên, nếu có những yếu tố sau đây, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Kiểm soát không tốt lượng đường huyết. Nếu bạn không kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ có nguy cơ bị biến chứng tiểu đường, bao gồm tổn thương thần kinh.
  • Tiền sử bệnh tiểu đường. Thời gian mắc tiểu đường càng dài, bạn càng có nguy cơ cao bị bệnh thần kinh đái tháo đường, đặc biệt nếu bạn không kiểm soát lượng đường huyết tốt.
  • Bệnh thận. Bệnh tiểu đường có thể làm hư thận. Thận bị tổn thương có thể đưa các chất độc vào máu, dẫn đến tổn thương thần kinh.
  • Thừa cân. Nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 24, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh thần kinh đái tháo đường.
  • Hút thuốc. Hút thuốc sẽ làm thu hẹp và cứng động mạch, đồng thời khiến lưu lượng máu đến chân và bàn chân giảm. Điều này làm cho vết thương khó lành hơn và gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên.

Biến chứng

Bệnh thần kinh đái tháo đường có nguy hiểm không?

Các cách tự kiểm tra huyết áp tại nhà chính xác

Bệnh thần kinh tiểu đường có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Hạ đường huyết không nhận thức. Lượng đường trong máu thấp (dưới 70mg/dl) thường khiến bạn run, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh thần kinh tự chủ, bạn có thể không nhận thấy những dấu hiệu này.
  • Mất ngón chân, bàn chân hoặc chân. Tổn thương thần kinh có thể khiến bạn mất cảm giác ở chân. Vết loét và vết cắt ở chân có thể âm thầm nhiễm trùng nặng hoặc biến thành vết loét. Ngay cả những vết loét nhỏ ở chân cũng có thể biến thành vết loét nếu không chữa lành. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể lan đến xương và loét có thể dẫn đến chết mô. Lúc này, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ (cắt cụt) ngón chân, bàn chân hoặc thậm chí chân dưới.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu và tiểu không tự chủ. Nếu các dây thần kinh kiểm soát bàng quang bị tổn thương, bàng quang không thể thoát hết nước khi đi tiểu. Vi khuẩn có thể tích tụ trong bàng quang và thận, gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Tổn thương thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát các cơ giải phóng nước tiểu, dẫn đến rò rỉ nước tiểu (không tự chủ).
  • Huyết áp giảm mạnh. Tổn thương các dây thần kinh kiểm soát lưu lượng máu có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể. Điều này có thể khiến huyết áp giảm mạnh khi bạn đứng sau khi ngồi (hạ huyết áp tư thế đứng), dẫn đến chóng mặt và ngất xỉu.
  • Vấn đề về tiêu hóa. Nếu tổn thương thần kinh ảnh hưởng đường tiêu hóa, bạn có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy. Tổn thương thần kinh liên quan đến tiểu đường có thể dẫn đến bệnh liệt dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, lượng đường trong máu và dinh dưỡng của người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn, khó tiêu và đầy hơi.
  • Rối loạn chức năng tình dục. Bệnh thần kinh tự chủ thường làm hư các dây thần kinh ảnh hưởng đến các cơ quan sinh dục. Do đó, nam giới có thể gặp rối loạn chức năng cương dương, phụ nữ có thể gặp khó khăn với việc bôi trơn và kích thích âm đạo.
  • Tổn thương khớp. Tổn thương thần kinh có thể làm tổn thương khớp, gây ra bệnh khớp Charcot ở các khớp nhỏ của bàn chân. Các triệu chứng bao gồm mất cảm giác và sưng khớp, mất thăng bằng và đôi khi biến dạng khớp. Nếu được điều trị kịp thời, bạn có thể chữa lành bệnh và ngăn ngừa khớp tổn thương thêm.
  • Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi. Tổn thương thần kinh có thể ảnh hưởng đến cách tuyến mồ hôi hoạt động và khiến cơ thể khó kiểm soát nhiệt độ. Một số người mắc bệnh thần kinh tự chủ sẽ ra mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là vào ban đêm hoặc trong khi ăn. Ngoài ra, tình trạng giảm tiết mồ hôi cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường?

Vật lý trị liệu phục hồi tổn thương gân và dây chằng

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường bằng cách thực hiện kiểm tra thể chất, cùng với xem xét cẩn thận các triệu chứng và bệnh sử của bạn.

Ngoài ra, mỗi lần khám, bác sĩ sẽ kiểm tra bàn chân xem có vết loét, da nứt nẻ, mụn nước và các vấn đề về xương và khớp không. Cùng với khám sức khỏe, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm cụ thể để giúp chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường, như:

  • Kiểm tra Filament
  • Xét nghiệm cảm giác định lượng
  • Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh
  • Điện cơ (EMG)
  • Kiểm tra đánh giá thần kinh tự chủ

Những phương pháp nào giúp bạn điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường?

Hầu hết các loại bệnh thần kinh do đái tháo đường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Bước đầu tiên trong việc điều trị là kiểm soát mức đường huyết, huyết áp và cholesterol trong mức cho phép. Một phần quan trọng của điều trị là tập trung vào việc giảm đau và kiểm soát một số triệu chứng.

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc và vật lý trị liệu có thể giúp kiểm soát cơn đau do bệnh thần kinh đái tháo thường. Tuy nhiên, họ không thể sửa chữa các dây thần kinh.

Bạn cũng nên tránh hoặc ngừng hút thuốc và hạn chế uống rượu để tránh bệnh nghiêm trọng hơn.

Thuốc

Các loại thuốc có thể giúp kiểm soát cơn đau bao gồm:

  • Thuốc chống co giật
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc opioid và thuốc giảm đau non-opioid

Sử dụng opioid có thể khiến bạn nghiện thuốc, vì vậy các bác sĩ sẽ kê đơn với liều càng thấp càng tốt.

Một người mắc bệnh thần kinh đái tháo đường có thể sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm khác, như thuốc ức chế serotonin-norepinephrine, để điều trị các triệu chứng đau khác của bệnh.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu, được sử dụng kết hợp với thuốc, có thể giúp giảm đau và giảm nguy cơ phụ thuộc vào thuốc opioid.

Việt lý trị liệu cũng có thể giúp giảm bớt:

  • Cảm giác nóng rát và ngứa ở chân và bàn chân
  • Chuột rút cơ bắp
  • Yếu cơ
  • Rối loạn chức năng tình dục

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh thần kinh đái tháo đường?

Những nguyên nhân nào gây bệnh thần kinh đái tháo đường?

Bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh thần kinh tiểu đường và các biến chứng của nó bằng cách kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu và chăm sóc tốt cho đôi chân.

Kiểm soát đường huyết

Tại nhà, bạn có thể sử dụng máy đo đường huyết để kiểm soát mức đường huyết luôn ở trong phạm vi an toàn. Sự thay đổi lượng đường trong máu có thể đẩy nhanh tốc độ tổn thương thần kinh.

Chăm sóc chân

Các vấn đề về chân, bao gồm các vết loét không lành, loét là một biến chứng phổ biến của bệnh thần kinh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa các vấn đề này bằng cách chăm sóc chân tốt.

Kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày. Tìm kiếm các vết phồng rộp, vết cắt, vết thâm, da nứt nẻ và bong tróc, đỏ và sưng. Sử dụng gương hoặc nhờ một người bạn hoặc thành viên gia đình giúp kiểm tra các bộ phận của bàn chân khó nhìn thấy.

Giữ chân sạch sẽ và khô ráo. Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ. Tránh ngâm chân. Lau khô bàn chân và giữa các ngón chân của bạn một cách cẩn thận bằng cách làm mờ hoặc vỗ bằng khăn mềm.

  • Giữ ẩm cho đôi chân để phòng ngừa nứt nẻ. Tuy nhiên, tránh dùng kem dưỡng da giữa các ngón chân, vì điều này có thể khuyến khích nấm phát triển.
  • Cắt móng chân cẩn thận.
  • Mang vớ sạch, khô. Bạn nên mang những đôi tất làm từ sợi cotton hoặc sợi thấm ẩm không có dây buộc chặt hoặc đường may dày.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trương Yến Ngọc

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Thành Phố Ngã Bảy


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 10/10/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo