backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì không? Chu kỳ kinh nguyệt thì sao?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/11/2023

Thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì không? Chu kỳ kinh nguyệt thì sao?

Thắt ống dẫn trứng hay triệt sản nữ là một trong những phương pháp ngừa thai hiệu quả nhất trong tất cả các phương pháp ngừa thai. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn đặt nghi vấn rằng, liệu thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì không? Chẳng hạn như có gây rủi ro sau phẫu thuật không? Triệt sản rồi có ảnh hưởng đến kinh nguyệt hoặc “chuyện ấy” không?

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giải đáp những vấn đề này và giúp chị em có cái nhìn đúng hơn về thắt ống dẫn trứng trong việc kiểm soát sinh sản. Song, bạn cũng nên lưu ý là khi thắt ống dẫn trứng tuy có thể ngừa thai nhưng không ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Thắt ống dẫn trứng là gì?

Thắt ống dẫn trứng (triệt sản nữ) được coi là phương pháp ngừa thai gần như vĩnh viễn và an toàn đối với nữ giới. Điều này có nghĩa là sau khi triệt sản thì bạn sẽ không cần áp dụng thêm bất kỳ phương pháp tránh thai nào nữa.

Một số thủ thuật dùng để thắt ống dẫn trứng nhằm ngăn cản sự thụ thai thường bao gồm: Buộc ống dẫn trứng, đốt, cặp bằng kẹp hoặc thắt ống dẫn trứng.

Khi nào nên thắt ống dẫn trứng?

Thắt ống dẫn trứng được biết đến là một phương pháp giúp ngừa thai hiệu quả. Trong tương lai nếu bạn không muốn có con nhưng vẫn duy trì hoạt động tình dục thì bạn có thể chọn phương pháp này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lựa chọn phương pháp này.

Bạn chỉ nên cân nhắc việc thắt ống dẫn trứng để triệt sản vĩnh viễn trong những trường hợp sau:

  • Điều kiện sức khỏe không cho phép bạn mang thai.
  • Bạn đã có mối quan hệ ổn định và đủ số con như mong muốn.
  • Bạn hoặc bạn đời đang mắc một loại bệnh di truyền nào đó mà không muốn di truyền sang con (thế hệ tiếp theo).
Bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định thắt ống dẫn trứng để ngừa thai, vì đây là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn và không thể có con trở lại. Mặc dù trong một số trường hợp hiếm hoi sau khi thắt ống dẫn trứng phụ nữ vẫn có thể mang thai. Do đó, nếu không chắc chắn với quyết định này, bạn có thể chọn một số cách ngừa thai như: Thuốc tránh thai hàng ngày, thuốc tránh thai khẩn cấp, xuất tinh ngoài, tính ngày quan hệ an toàn

Bạn có thể quan tâm:

Thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì không?

Sau khi thắt ống dẫn trứng phụ nữ gần như không thể mang thai được. Vì thế, bác sĩ luôn khuyên phụ nữ nên cân nhắc kỹ trước khi tiến hành. Bên cạnh đó phần lớn chị em cũng lo lắng rằng, liệu không biết là thắt ống dẫn trứng thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Thực chất thì triệt sản nữ là phương pháp rất an toàn và ít gây rủi ro. Bạn có thể hiểu hơn về phương pháp này qua những sự thật được lý giải sau đây.

Thắt ông dẫn trứng có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không?

Thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng đến nội tiết và chu kỳ kinh nguyệt không? Thắt ống dẫn trứng là một thủ thuật ngoại khoa và không ảnh hưởng đến nội tiết tố và chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, sau khi triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn trứng thì chị em vẫn hành kinh như bình thường, nếu chưa đến tuổi mãn kinh và không mắc bệnh lý phụ khoa

Đối với chuyện “chăn gối” cũng vậy, thắt ống dẫn trứng cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực hoặc làm “mất lửa” như nhiều người vẫn nghĩ. Ngược lại, tâm lý của phụ nữ sau khi triệt sản còn thoải mái hơn. Vì không còn lo lắng về vấn đề mang thai ngoài ý muốn nữa.

Thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì đến chu kỳ kinh nguyệt không? Câu trả lời là thắt ống dẫn trứng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chu kỳ kinh nguyệt

Phẫu thuật thắt ống dẫn trứng có rủi ro gì không?

Đối với vấn đề thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì không, có gây rủi ro sau phẫu thuật không? Bạn có thể yên tâm là phương pháp này rất an toàn và hiếm khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, vì thắt ống dẫn trứng vẫn là một dạng phẫu thuật nên vẫn có thể tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định, bao gồm:

  • Tác dụng phụ của thuốc gây mê
  • Nôn, buồn nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu sau phẫu thuật
  • Chảy máu hoặc có mủ từ vết mổ hoặc chảy máu bên trong ổ bụng
  • Nếu bị nhiễm trùng có thể gây sốt, vết mổ đau dữ dội, chảy máu, sưng tấy
  • Thắt ống dẫn trứng có thể tổn thương các cơ quan khác trong ổ bụng như tử cung, bàng quang, ruột…Rủi ro này thường đến từ thao tác và tay nghề của bác sĩ thực hiện.
  • Dù hiếm gặp nhưng một số trường hợp triệt sản nữ vẫn có thể mang thai, đặc biệt là nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Những yếu tố rủi ro khác

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cá nhân mà bạn có thể gặp những rủi ro khác nhau sau khi thắt ống dẫn trứng. Trong đó, nếu đã hoặc đang gặp những vấn đề sau đây thì nguy cơ rủi ro sau phẫu thuật càng cao:

  • Thừa cân, béo phì
  • Bạn mắc bệnh tiểu đường
  • Mắc các bệnh lý về phổi
  • Từng phẫu thuật bụng trước đây
  • Mắc bệnh viêm vùng chậu.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Trong trường hợp cơ thể bạn đã hoặc đang trải qua một trong những tình trạng kể trên thì cách tốt nhất là nên thông báo với bác sĩ trước khi triệt sản. Bạn nên thảo luận kỹ càng hơn với bác sĩ về vấn đề của mình để được tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp.
Thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì không? Nhìn chung đây là phương pháp tương đối an toàn và ít rủi ro

Kết luận

Thắt ống dẫn trứng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như ít khi gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. Bởi vì theo thống kê thì các vấn đề nghiêm trọng sau khi triệt sản chỉ xảy ra ở khoảng 1/1000 ca triệt sản nữ. Với tỷ lệ rủi ro cực thấp, chị em hoàn toàn có thể yên tâm khi lựa chọn phương pháp thắt ống dẫn trứng nếu không muốn sinh thêm con trong tương lai.

Nội dung trên là tất cả những gì chị em cần biết để trả lời cho thắc mắc “thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì không và có ảnh hưởng gì đến chu kỳ kinh nguyệt không”. Hy vọng bài viết đã cung cấp được cho chị em những thông tin thú vị và hữu ích.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/11/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo