backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Vùng kín có mùi là triệu chứng cảnh báo điều gì?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 23/08/2021

    Vùng kín có mùi là triệu chứng cảnh báo điều gì?

    Vùng kín có mùi nhẹ là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu có mùi khó chịu thì có lẽ đây là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa. Bạn cần thăm khám khi âm đạo có mùi và xuất hiện triệu chứng ngứa, rát hoặc tiết dịch bất thường.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến âm đạo hay vùng kín có mùi và cách chăm sóc “cô bé” thật tốt.

    Một số mùi thường gặp ở âm đạo

    Mùi hương đặc trưng của âm đạo khỏe mạnh được mô tả là có mùi thơm nhẹ, khi đến chu kỳ kinh nguyệt, âm đạo sẽ có mùi hơi giống kim loại. Bạn cũng có thể thấy mùi âm đạo thay đổi sau khi giao hợp. Tất cả những hiện tượng này đều rất bình thường và sẽ biến mất sau vài ngày. Ngoài ra, vùng kín cũng có thể sẽ xuất hiện một số mùi khác như:

    • Mùi tanh: Nếu vùng kín có mùi tanh và khí hư có màu trắng hoặc xanh nhạt, kèm theo đau rát, khó chịu thì có thể bạn đang gặp tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn.
    • Mùi clo hoặc mùi thuốc tẩy: Thông thường âm đạo sẽ xuất hiện mùi này sau khi bạn sử dụng bao cao su trong quan hệ. Tuy đây không phải là mùi tự nhiên của âm đạo nhưng bạn cũng không cần quá lo lắng, mùi lạ này sẽ biến mất trong thời gian ngắn.
    • Mùi chua: Mùi này thường xuất hiện khi thời tiết nắng nóng hoặc hoạt động nhiều khiến cơ thể toát nhiều mồ hôi. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng, chỉ cần tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo thường xuyên thì tình trạng vùng kín có mùi chua sẽ biến mất. Tuy nhiên, khi âm đạo xuất hiện mùi chua lên men kèm theo các biểu hiện ngứa, rát, châm chích, dịch tiết màu trắng, lợn cợn thì rất có thể bạn đang bị nhiễm nấm men.
    • Mùi ngọt dịu: Nguyên nhân khiến âm đạo có mùi này là do chế độ ăn uống của bạn. Có thể bạn đã ăn quá nhiều trái cây như: cam, quýt, dứa, bưởi… làm cho âm đạo có mùi ngọt.
    • Mùi khai: Mùi này thường xuất hiện khi bạn không vệ sinh đúng cách sau khi tiểu tiện hoặc cơ thể đang thiếu nước. Do đó, bạn cần lau nhẹ vùng kín sau khi tiểu tiện và uống đủ nước để loại bỏ mùi khó chịu ở âm đạo.
    • Mùi hôi nặng: Trong chu kỳ kinh nguyệt, nếu bạn thay băng vệ sinh không thường xuyên, thậm chí để quên tampon trong âm đạo thì mùi hôi khó chịu sẽ xuất hiện. Điều này không chỉ gây ra mùi hôi mà còn có nguy cơ khiến vi khuẩn phát triển mạnh, dễ dẫn đến tình trạng viêm âm đạo hay viêm nhiễm vùng kín.

    Nguyên nhân khiến vùng kín có mùi bất thường

    vùng kín có mùi

    Mùi của vùng kín hay mùi âm đạo thường thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Lượng dịch âm đạo tiết ra nhiều nhất và vùng kín có mùi thường xảy ra ở giữa chu kỳ. Tuy nhiên, âm đạo có mùi bất thường là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố hoặc do chế độ ăn uống, chẳng hạn những thực phẩm nặng mùi như: mắm, cá, tỏi, hành, các loại trái cây (sầu riêng, mít) hay khi ăn măng tây…  

    Ngoài ra, nguyên nhân khiến mùi âm đạo trở nên khó chịu là do:

    • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Tình trạng nhiễm trùng xảy ra do sự phát triển quá mức bình thường của vi khuẩn âm đạo, đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến âm đạo hay vùng kín có mùi bất thường. 
    • Vệ sinh kém: Việc không thay quần lót hàng ngày hoặc không vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ góp phần khiến vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh ở âm đạo. Từ đó khiến âm đạo bị viêm nhiễm và có mùi hôi.
    • Rò trực tràng: Đây là một tình trạng hiếm gặp, một lỗ thông xuất hiện giữa trực tràng và âm đạo khiến phân rò rỉ vào âm đạo.
    • Ung thư âm đạo hoặc ung thư cổ tử cung: Các triệu chứng bao gồm âm đạo tiết nhiều dịch và vùng kín có mùi nặng.

    Vùng kín có mùi bất thường: Chăm sóc sao cho đúng?

    Khi gặp tình trạng âm đạo có mùi hay vùng kín có mùi lạ, rất nhiều người muốn thụt rửa hoặc sử dụng chất khử mùi để loại bỏ tình trạng khó chịu này. Tuy nhiên, việc này rất dễ làm tăng kích ứng và khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Nếu âm đạo có mùi, bạn cần:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách với nước sạch một cách nhẹ nhàng, tránh sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có mùi hương và không cọ xát mạnh.
  • Tránh thụt rửa, bởi việc này sẽ làm mất cân bằng trong môi trường âm đạo. Thao tác thụt rửa có thể sẽ loại bỏ các chất lỏng tự nhiên và vi khuẩn có lợi đóng vai trò làm sạch âm đạo.
  • Sau khi vệ sinh vùng kín cần dùng khăn lau nhẹ, đảm bảo âm đạo khô ráo trước khi mặc quần lót.
  • Ngăn ngừa và điều trị mùi hôi âm đạo như thế nào?

    vùng kín có mùi

    Để xác định nguyên nhân và điều trị âm đạo có mùi, bạn cần thăm khám phụ khoa càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu dịch tiết âm đạo và soi tươi để xác định loại vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, bạn sẽ được chỉ định sử dụng thuốc đặt âm đạo, thuốc uống hoặc thuốc thoa ngoài da, tùy vào nguyên nhân khiến vùng kín có mùi và kết luận của bác sĩ. 

    Bên cạnh việc điều trị âm đạo có mùi theo phác đồ của bác sĩ bạn cũng cần thực hiện thêm các lưu ý sau:

  • Tăng cường bổ sung cho cơ thể thực phẩm chứa lợi khuẩn để hỗ trợ duy trì sự cân bằng pH trong âm đạo. Thực phẩm giàu lợi khuẩn bao gồm: sữa chua , kombucha, kim chi, dưa cải…
  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein. Chế độ ăn uống cân bằng không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh còn củng cố sức khỏe của vùng.
  • Uống đủ nước
  • Vệ sinh vùng kín trước và sau khi giao hợp 
  • Lựa chọn đồ lót có vải thoáng khí, vừa vặn, không chật chội, bó sát 
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày, thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến chu kỳ kinh nguyệt 
  • Hạn chế các thức ăn nặng mùi.
  • Như vậy, khi thấy âm đạo có mùi bất thường trong nhiều ngày, hoặc kèm theo tiết dịch, đau rát và ngứa thì bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để điều trị. Viêm âm đạo không được điều trị có thể sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng âm đạo, lan đến tử cung hoặc ống dẫn trứng. Từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, nếu đang mang thai, bạn cần gặp bác sĩ để chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, nhiễm trùng ối và các yếu tố khác. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 23/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo