backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/11/2022

    Vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

    Vảy nến là một bệnh ngoài da khá thường gặp ở Việt Nam. Căn bệnh này được cho là có liên quan đến rối loạn trong hệ miễn dịch và có yếu tố di truyền. Tuy bệnh vảy nến không gây nguy hiểm, nhưng bệnh khó có thể điều trị, dễ tái phát và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cũng như gây mất thẩm mỹ cho người mắc phải.

    Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này để biết cách điều trị triệu chứng hiệu quả và phòng ngừa tái phát, mời bạn theo dõi tiếp bài viết sau đây.

    Bệnh vảy nến là gì?

    Bệnh vảy nến gây ra những mảng da đỏ, ngứa ngáy, có vảy ở trên và thường xuất hiện ở những vùng da hay bị ma sát như đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. Đây là một bệnh lý mạn tính và chưa có thuốc đặc trị.

    Người bệnh thường có các đợt bùng phát kéo dài trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, sau đó triệu chứng sẽ thuyên giảm và không có biểu hiện trong một thời gian. Tuy vậy, bệnh này thường xảy ra theo chu kỳ. Các phương pháp điều trị sẽ tập trung vào việc giảm nhẹ và kiểm soát triệu chứng bệnh.

    Bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường thấy ở người trưởng thành dưới 35 tuổi. Tỷ lệ ảnh hưởng ở nam và nữ là như nhau. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này ở mỗi người rất đa dạng. Một vài người chỉ bị kích ứng nhỏ trên da nhưng có trường hợp bệnh nặng đến mức có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

    >>> Đọc thêm: Chàm thể tạng: Những điều cần biết để điều trị đúng cách

    Đối tượng nguy cơ bệnh Bệnh vảy nến

    Những đối tượng có nguy cơ cao bị vảy nến có thể kể đến như:

    • Những người nghiện rượu, thuốc lá.
    • Những người bị nhiễm trùng da
    • Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh vảy nến, nhưng bệnh sẽ thường khởi phát trong độ tuổi từ 15 đến 30.

    Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh vảy nến

    Những dấu hiệu và triệu chứng vảy nến phổ biến của bệnh lý này là:

    • Xuất hiện nhiều mảng da đỏ, có vảy dày và óng ánh bạc
    • Có nhiều đốm vảy nhỏ (thường thấy ở trẻ em)
    • Da khô, nứt nẻ, có khi chảy máu hoặc ngứa ngáy
    • Cảm giác ngứa, nóng rát hoặc đau nhức ở vùng da bị ảnh hưởng
    • Móng tay dày, có vết lõm hoặc đường rãnh
    • Các khớp bị sưng và cứng

    Triệu chứng bệnh vảy nến: Các mảng da bị vảy nến có thể chỉ là một vài điểm nhỏ có vảy trông như gàu hoặc là cả vùng da lớn. Các khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất gồm vùng lưng dưới, khuỷu tay, đầu gối, chân, lòng bàn chân, da đầu, mặt và lòng bàn tay.

    vảy nến

    Phần lớn người bệnh đều trải qua các triệu chứng theo chu kỳ. Các đợt bùng phát có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, sau đó giảm dần và biến mất trong một khoảng thời gian trước khi tái phát.

    Phân loại vảy nến

    Tình trạng này còn được phân loại thành các thể khác nhau, bao gồm:

    • Vảy nến thể mảng (plaque psoriasis). Đây là dạng phổ biến nhất, gây ra các mảng da khô sần, đỏ (tổn thương) và có vảy bạc. Người bệnh có thể cảm thấy ngứa và đau ở những mảng da này. Vùng da ở khuỷu tay, đầu gối, vùng lưng dưới và da đầu thường bị ảnh hưởng khá nhiều.
    • Vảy nến móng (nail psoriasis). Bệnh lý có thể ảnh hưởng đến móng tay và móng chân, gây lõm hoặc tạo ra các đường rãnh trên móng, khiến móng thay đổi hình dạng hoặc đổi màu. Vảy nến ở móng có khi khiến móng bị lỏng và tách ra khỏi giường móng. Trường hợp nghiêm trọng sẽ khiến móng bị giòn và dễ khiến móng tay bị gãy.
    • Vảy nến thể giọt (guttate psoriasis). Dạng này thường ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. Bệnh thường được kích hoạt do một tình trạng nhiễm khuẩn như viêm họng do liên cầu khuẩn. Người bệnh sẽ gặp các tổn thương nhỏ, hình giọt, có vảy ở trên da, thường xuất hiện ở vùng thân mình, cánh tay hoặc chân.
    • Vảy nến đảo ngược (inverse psoriasis). Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các nếp gấp vùng háng, mông hay ngực. Người bệnh có các vùng da đỏ ửng, mịn màng và trở nên nghiêm trọng hơn khi có ma sát hay đổ mồ hôi. Nhiễm nấm có thể kích hoạt dạng vảy nến này.
    • Vảy nến thể mủ (pustular psoriasis). Dạng này khá hiếm gặp, có thể gây ra các tổn thương mụn mủ rõ ràng, xảy ra ở một mảng rộng (vảy nến thể mủ toàn thân) hoặc ở các khu vực nhỏ hơn như lòng bàn tay, lòng bàn chân.
    • Vảy nến dạng đỏ toàn thân (generalized erythrodermic psoriasis). Đây là loại ít gặp nhất. Vảy nến có thể xuất hiện ở toàn bộ cơ thể ở dạng phát ban da đỏ, bong tróc da, gây ngứa hoặc nóng rát dữ dội.
    • Viêm khớp vảy nến (psoriasis arthritis). Dạng này gây ra sưng, đau khớp và các triệu chứng điển hình của viêm khớp. Đôi khi, người bệnh chỉ có các triệu chứng ở khớp hoặc nhìn thấy những thay đổi ở móng tay khi mắc phải viêm khớp vẩy nến. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Khi cứng khớp và tổn thương khớp tiến triển nghiêm trọng có thể dẫn đến thương tổn vĩnh viễn ở khớp.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Bệnh vảy nến da đầu là gì? Triệu chứng & thuốc

    Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

    Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ bị vảy nến, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra. Ngoài ra, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy:

    • Triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc lan rộng
    • Cảm thấy khó chịu và đau đớn
    • Những tổn thương trên da khiến bạn lo lắng
    • Xuất hiện các vấn đề ở khớp, như đau, sưng hoặc không thể thực hiện công việc hàng ngày
    • Bệnh không được cải thiện dù đã điều trị

    Nguyên nhân bệnh vảy nến là gì?

    Hệ miễn dịch 

    Ở trạng thái bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ dần bong ra, từ đó được thay thế bởi các tế bào da mới. Căn bệnh này được cho là do hệ miễn dịch gặp vấn đề khiến cho tốc độ tái tạo da nhanh hơn bình thường. Ở dạng phổ biến nhất, vảy nến thể mảng, thì sự tái tạo tế bào da nhanh chóng dẫn đến hình thành các vảy và mảng đỏ trên da.

    Thế nhưng, nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị rối loạn vẫn chưa được tìm ra. Theo đó, các tế bào lympho T trong cơ thể người bệnh có thể bị nhầm lẫn với các tế bào khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công, từ đó vô tình khiến chúng bị tổn thương. Các nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố di truyền và môi trường đã góp phần tạo ra rối loạn này. Bệnh lý này không có khả năng lây truyền.

    Do di truyền

    Bệnh vẩy nến do di truyền từ thế hệ trước trong gia đình: Thành phần di truyền từ cha mẹ ruột có thể truyền tình trạng này cho con cái của họ.

    vảy nến

    Những yếu tố gây kích hoạt vảy nến

    Nhiều người từng mắc bệnh vảy nên có thể không có triệu chứng trong nhiều năm cho đến khi bị kích hoạt bởi một số yếu tố môi trường. Các tác nhân có khả năng đó bao gồm:

    • Nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da
    • Thời tiết, đặc biệt là thời tiết lạnh, khô
    • Chấn thương trên da, như có vết cắt hoặc trầy xước, vết côn trùng đốt hay da bị cháy nắng nghiêm trọng
    • Căng thẳng (stress)
    • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc của người khác
    • Nghiện rượu nặng
    • Sử dụng một số thuốc, gồm lithium, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc trị sốt rét
    • Ngừng sử dụng thuốc corticosteroid đường uống hoặc toàn thân một cách đột ngột

    Các yếu tố nguy cơ

    Khả năng mắc bệnh vảy nến sẽ cao hơn nếu bạn có các yếu tố sau:

    • Tiền sử gia đình mắc phải căn bệnh này
    • Căng thẳng ở cường độ cao có thể tác động đến hệ miễn dịch
    • Hút thuốc vừa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vừa khiến bệnh tiến triển trầm trọng hơn

    >>> Tìm hiểu: Viêm da tiết bã ở mặt: Nguyên nhân và cách điều trị

    Chẩn đoán bệnh vảy nến

    Để đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải và kiểm tra vùng da hay vùng móng bị ảnh hưởng. Một mẫu da nhỏ có thể được lấy để kiểm tra dưới kính hiển vi (sinh thiết). Việc này giúp xác định dạng vảy nến đang mắc phải và loại trừ các trường hợp bệnh da liễu khác.

    vảy nến

    Điều trị bệnh vảy nến

    Mục tiêu trong điều trị vảy nến là ngăn chặn sự phát triển quá nhanh của các tế bào da và loại bỏ những vùng da có vảy. Các lựa chọn chữa bệnh này bao gồm dùng kem và thuốc mỡ bôi lên vùng da bị ảnh hưởng, liệu pháp ánh sáng (liệu pháp quang học), dùng thuốc đường uống hoặc tiêm. Cụ thể các phương pháp điều trị bệnh vảy nến có thể được bác sĩ chỉ định:

    • Điều trị tại chỗ: thường được dùng trong các trường hợp vảy nến nhẹ hoặc trung bình. Ngoài ra có thể được kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị. Một số các loại thuốc thường được dùng để thoa tại chỗ như: corticosteroid, retinoid, anthralin, hắc ín, dẫn xuất vitamin D3, acid salicylic, ức chế calcineurin.
    • Điều trị toàn thân: thường được dùng trong các trường hợp bệnh vảy nến nặng. Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: cyclosporine, methotrexate và sulfasalazine.
    • Quang trị liệu: phương pháp này thường dùng tia sáng như tia UVA, UVB, laser để điều trị vảy nến. Các tia tử ngoại (tia UV) thường sẽ tấn công và gây tổn thương các DNA trong tế bào. Từ đó giúp tiêu diệt các tế bào ở vùng da bị tổn thương.
    • Dùng thuốc sinh học ức chế các thành phần chuyên biệt trong đáp ứng miễn dịch: Tuy nhiên giá thành của các loại thuốc này vẫn còn khá cao nên chưa được sử dụng rộng rãi.

    Cách chữa vảy nến sẽ phụ thuốc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng của người bệnh với phương pháp điều trị trước đây. Bạn sẽ cần thử nhiều loại thuốc khác nhau hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị để tìm ra cách phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân. Tuy nhiên, bệnh thường vẫn tái phát, nhất là khi có yếu tố kích hoạt.

    Nhiều người bệnh vảy nến cũng có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bị đái tháo đường, bệnh tim hay trầm cảm. Do đó, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý hiện có.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Bệnh vảy nến kiêng ăn gì? Chế độ ăn uống cho người bệnh vảy nến

    Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?

    Nếu bạn mắc bệnh vảy nến, nguy cơ mắc phải một số bệnh lý khác sẽ cao hơn bình thường, bao gồm:

    • Viêm khớp vảy nến gây đau, cứng và sưng ở trong hay xung quanh khớp
    • Các vấn đề ở mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi và viêm màng bồ đào
    • Béo phì
    • Đái tháo đường tuýp 2
    • Tăng huyết áp
    • Bệnh tim mạch
    • Các bệnh tự miễn khác, như Celiac, xơ cứng, bệnh Crohn
    • Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như tự ti, trầm cảm

    Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp vảy nến là gì, dấu hiệu bệnh vảy nến và những cách kiểm soát bệnh để giảm tình trạng ngứa ngáy, tổn thương da. Nếu bạn gặp phải một trong các dấu hiệu vảy nến như trên, bạn cần lập tức gặp bác sĩ để được hỗ trợ cần thiết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo