backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Viêm màng não ở người lớn và những điều bạn nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng · Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 17/03/2023

    Viêm màng não ở người lớn và những điều bạn nên biết

    Viêm màng não ở người lớn là một bệnh nhiễm trùng, gây phản ứng viêm trong dịch não tủy và màng bao quanh não và tủy sống (màng não). Cũng có một số trường hợp viêm màng não tự cải thiện trong vòng một vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh cần được can thiệp khẩn cấp bởi bệnh có nguy cơ gây tàn tật vĩnh viễn và tử vong.

    Nguyên nhân viêm màng não ở người lớn

    Có 3 loại nhiễm trùng chính gây ra bệnh viêm màng não ở người lớn, gồm có virus, vi khuẩn và nấm. Tương ứng, y học gọi tên bệnh là viêm màng não do virus, vi khuẩn và nấm.

    Trong đó, viêm màng não do virus thường không để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, viêm màng não ở người lớn do vi khuẩn, nấm lại gây ra nhiều tác động hoặc di chứng nặng nề, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời.

    Ở người trên 20 tuổi, vi khuẩn là thủ phạm chính gây viêm màng não.

    Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân viêm màng não khác như nhiễm kí sinh trùng amip (viêm màng não tăng bạch cầu ái toan, hiếm gặp) dị ứng, một số thuốc điều trị ung thư và các bệnh viêm như sacoidosis.

    Viêm màng não ở người lớn có thể xảy ra với mọi đối tượng, nhưng những người có nguy cơ cao hơn là:

    • Chưa tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là các mũi phế cầu, não mô cầu, Hib
    • Sống trong môi trường tập thể như kí túc xá, khu quân sự…
    • Phụ nữ mang thai
    • Hệ thống miễn dịch suy yếu như bệnh nhân AIDS, rối loạn sử dụng rượu, tiểu đường, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (trong điều trị ung thư, ghép tạng…), cắt bỏ lá lách.

    nguyên nhân viêm màng não ở người lớn do tiêm chủng chưa đầy đủ

    Triệu chứng viêm màng não ở người lớn

    Dấu hiệu viêm màng não ở người lớn ban đầu có thể giống với bệnh cúm, sau đó chúng sẽ tiến triển trong vài giờ đến vài ngày.

    Trẻ em trên 2 tuổi và người lớn có thể gặp những triệu chứng sau đây:

    • Sốt cao đột ngột
    • Gáy cứng
    • Đau đầu dữ dội, cơn đau có thể lan xuống lưng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể
    • Buồn nôn, nôn
    • Lú lẫn, khó tập trung
    • Co giật
    • Buồn ngủ hoặc ngủ li bì
    • Nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động
    • Chán ăn, không khát nước
    • Phát ban nếu viêm màng não ở người lớn là do não mô cầu
    • Có thêm ảo giác, mất thăng bằng nếu là viêm màng não do amip.

    Viêm màng não do vi khuẩn nghiêm trọng có thể gây tử vong trong vài ngày nếu không điều trị kịp thời bằng kháng sinh, điều trị chậm cũng làm tăng nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn. Vì vậy, bạn phải đi khám ngay nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào.

    Biến chứng của viêm màng não ở người lớn là gì?

    Biến chứng viêm màng não ở người lớn có thể nặng. Khi càng điều trị chậm, nguy cơ co giật và tổn thương thần kinh vĩnh viễn càng cao. Ước tính có 10 – 20% bệnh nhân viêm màng não phải gánh chịu những di chứng lâu dài của bệnh. Chúng bao gồm:

    • Mất thính lực hoặc thị lực
    • Gặp các vấn đề về trí nhớ
    • Khó khăn trong học tập
    • Tổn thương não
    • Đi lại khó khăn, rối loạn thăng bằng
    • Viêm khớp
    • Tổn thương đa cơ quan
    • Hoại tử ngón tay, ngón chân hoặc tứ chi nếu viêm màng não dẫn tới nhiễm trùng huyết
    • Co giật
    • Suy thận
    • Sốc nhiễm trùng
    • Tử vong.

    Dù vậy, khi điều trị kịp thời thì ngay cả người bị viêm màng não nặng cũng có thể phục hồi tốt.

    Viêm màng não ở người lớn có lây không?

    Bản thân bệnh viêm màng não không lây, nhưng nhiều nguyên nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng) có thể lây từ người này sang người khác.

    Chẩn đoán viêm màng não ở người lớn như thế nào?

    Bác sĩ sẽ khám sức khỏe, hỏi triệu chứng và khai thác thêm xem bạn có tiếp xúc với nguồn tác nhân gây bệnh nào hoặc đi du lịch gần đây.

    Bên cạnh đó, các xét nghiệm có thể dùng trong chẩn đoán viêm màng não ở người lớn là:

    • Xét nghiệm dịch mũi họng: Bác sĩ dùng que chuyên dụng để lấy mẫu dịch từ mũi hoặc cổ họng của bạn, sau đó phân tích chúng để tìm các tác nhân gây bệnh.
    • Chọc dò tủy sống: Bác sĩ sử dụng kim chọc dò vào khoang giữa các mỏm gai đốt sống ở đoạn thắt lưng, vào trong khoang dịch não tủy để lấy dịch não tủy ra làm xét nghiệm. Bác sĩ thường sẽ chỉ định các xét nghiệm tế bào, sinh hóa và vi sinh dịch não tủy.
    • Xét nghiệm máu: Bác sĩ lấy máu tĩnh mạch từ cánh tay, làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng cũng như nuôi cấy bệnh phẩm máu để tìm căn nguyên gây nhiễm trùng lưu hành ở trong máu.
    • Chụp CT hoặc MRI não: Đánh giá hình ảnh của não, màng não.
    • Xét nghiệm phân: Cũng nhằm tìm kiếm căn nguyên gây nhiễm trùng.

    Điều trị viêm màng não ở người lớn

    Điều trị viêm màng não ở người lớn

    Sau khi đã chẩn đoán xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ mới có phương án điều trị phù hợp.

    Viêm màng não ở người lớn chủ yếu do vi khuẩn, cần được điều trị tại bệnh viện ít nhất 1 tuần với các phương pháp:

    • Truyền tĩnh mạch kháng sinh
    • Truyền dịch tĩnh mạch
    • Thở oxy nếu cần thiết

    Viêm màng não do virus có xu hướng tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày, thường có thể điều trị tại nhà. Người bệnh được sử dụng thuốc giảm đau và thuốc kháng virus trong thời gian này.

    Viêm màng não do nấm được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

    Bên cạnh đó, corticoid cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp.

    Người lớn có thể làm gì để phòng ngừa viêm màng não?

    Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm màng não là bảo vệ bản thân khỏi các bệnh truyền nhiễm thường dẫn tới viêm màng não. Tiêm phòng, thực hành xử lý thực phẩm an toàn và rửa tay là một số cách để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Cụ thể:

    • Vắc xin: phế cầu, não mô cầu, Hib, thủy đậu, cúm, sởi và quai bị
    • Kháng sinh dự phòng: bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh dự phòng nếu bạn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao
    • Rửa tay thường xuyên: bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi ăn, sau khi tiếp xúc với phân, sau làm vườn hay làm việc với đất cát
    • Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi
    • Vệ sinh, khử trùng môi trường sống thường xuyên
    • Tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh truyền nhiễm
    • Không bơi hoặc uống nước có thể bị ô nhiễm
    • Ăn chín, uống sôi
    • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
    • Dùng kem hoặc thuốc đuổi côn trùng, tránh để bị đốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Hồ Văn Hùng

    Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 17/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo