backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Đẩy lùi trầm cảm nhẹ để sống vui vẻ hơn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 31/01/2020

    Đẩy lùi trầm cảm nhẹ để sống vui vẻ hơn

    Bạn sẽ có nguy cơ bị trầm cảm nhẹ khi gặp phải chuyện gì đó buồn bã hoặc vấn đề khó khăn chưa giải quyết được. Vậy dấu hiệu trầm cảm nhẹ là gì và làm sao để bạn có thể sớm đẩy lùi chứng bệnh này?

    Mặc dù là bệnh trầm cảm nhẹ không nghiêm trọng, song những thay đổi về tâm trạng có thể ngày càng tệ hơn. Những dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm nhẹ thường là cảm thấy tuyệt vọng, căm ghét bản thân, muốn ở một mình và suy nghĩ tiêu cực. Những thay đổi lớn về tâm trạng và cách ứng xử có thể dẫn đến trầm cảm nhẹ cùng các biểu hiện về thể chất. Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em khi ở mức độ nhẹ rất dễ bị bỏ qua vì người lớn lầm tưởng là cảm xúc thất thường của trẻ con.

    Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ

    dấu hiệu bệnh trầm cảm nhẹ

    Những dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm nhẹ bao gồm những cung bậc cảm xúc xáo trộn đi kèm theo cảm giác mệt mỏi về thể chất:

    • Cáu gắt
    • Khó tập trung
    • Cảm thấy buồn bã
    • Suy nghĩ tiêu cực
    • Thường xuyên khóc
    • Cảm thấy tuyệt vọng
    • Tự căm ghét bản thân
    • Muốn được ở một mình
    • Cảm thấy không có động lực
    • Cảm thấy mệt mỏi bất thường
    • Cảm giác đau nhức nhẹ không lý do
    • Không thấy cảm thông với người khác

    Những dấu hiệu thay đổi trong hành vi cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm nhẹ như giờ giấc ngủ thất thường, chán ăn hoặc thèm ăn. Những người bị trầm cảm nhẹ cũng có thể sử dụng nhiều chất kích thích để cải thiện tâm trạng, chẳng hạn như thuốc lá, ma túy và rượu.

    Nếu bạn có các dấu hiệu trầm cảm, hãy tìm đến bác sĩ để tìm cách điều trị hiệu quả. Cách điều trị bệnh trầm cảm nhẹ có thể chỉ đơn giản là điều chỉnh thói quen sống. Bạn sẽ cần thay đổi chế độ ăn, giờ giấc đi ngủ và học cách vượt qua áp lực công việc để cân bằng cuộc sống. Điều này cũng bao gồm cả việc cách ly khỏi tivi và mạng xã hội.

    Cách cải thiện dấu hiệu trầm cảm nhẹ

    dấu hiệu trầm cảm nhẹ

    Khi bị trầm cảm ở mức độ nhẹ, bạn có thể cải thiện các dấu hiệu bằng cách điều chỉnh thói quen sống và thực hiện trị liệu nghệ thuật.

    Điều chỉnh thói quen sống

    Để điều trị bệnh trầm cảm nhẹ, bạn có thể thử điều chỉnh các thói quen sống sau đây:

    • Giúp đỡ người khác
    • Nói chuyện với ai đó
    • Ăn thực phẩm tươi ngon
    • Hít thở không khí trong lành
    • Dậy sớm tập thể dục thường xuyên
    • Ngồi thiền hoặc chỉ ngồi yên trong 10 phút
    • Giới hạn thời gian dành cho máy tính hoặc xem tivi, đặc biệt là vào buổi tối

    Bạn có thể tập yoga chữa bệnh trầm cảm tại nhà, vừa giúp giải tỏa stress rất tốt lại thư giãn toàn thân. Đây là một trong những bộ môn lý tưởng dành cho những người đang phải sống chung với chứng trầm cảm đấy!

    Thực hiện trị liệu nghệ thuật

    Nhiều người nhận ra các sở thích có thể giúp họ vượt qua chứng trầm cảm nhẹ. Một nghiên cứu còn cho biết những người đã từng có thú vui sáng tạo thường “tích cực, có nhiều hứng thú và ít stress hơn”. Vì thế, bạn có thể thử áp dụng trị liệu nghệ thuật để cải thiện trầm cảm.

    Khi thực hiện trị liệu nghệ thuật, bạn sẽ xem nghệ thuật như một cách để khám phá suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nhờ thể hiện được cảm xúc và suy nghĩ, bạn sẽ dễ dàng đối mặt và giải quyết nỗi buồn cũng như vượt qua chứng trầm cảm dễ dàng hơn. Bạn có thể thử các hình thức trị liệu nghệ thuật như vẽ tranh, cắt dán ảnh, nghệ thuật số, nhiếp ảnh, dệt may…

    Các lời khuyên trên có thể khó áp dụng với một vài đối tượng tùy theo độ tuổi, điều kiện sức khỏe hay một số yếu tố khác. Nếu như trẻ mắc bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì cần được giảm tải áp lực ở trường học thì chứng trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh lại cần tìm giải pháp can thiệp đến hormone.

    Khi lối sống lành mạnh không mang đến hiệu quả như mong muốn, bạn nên cân nhắc đến cách chữa bệnh trầm cảm nhẹ bằng liệu pháp điều trị tâm lý.

    Cách chữa trầm cảm nhẹ bằng liệu pháp tâm lý

    cách chữa bệnh trầm cảm nhẹ

    Những chấn động tâm lý có thể dẫn đến trầm cảm nhẹ. Nếu bạn thuộc trường hợp này và các dấu hiệu trầm cảm không quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp tâm lý.

    Liệu pháp tâm lý gồm 4 dạng sau đây:

    1. Trị liệu tư vấn (Counseling): Các cuộc trò chuyện với một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn xác định nguyên nhân trầm cảm. Các chuyên gia tâm lý không hướng dẫn bạn làm gì cụ thể mà chỉ đề xuất thay đổi một số điều để cảm thấy thoải mái hơn.

    2. Trị liệu giữa các cá nhân (Interpersonal Therapy – IPT): Một số người cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với người khác và điều này có thể dẫn đến sự cô lập và trầm cảm. Liệu pháp tâm lý IPT được thiết kế nhằm giúp làm cho các mối quan hệ dễ dàng hơn.

    3. Trị liệu tâm động học (Psychodynamic Therapy): Để thực hiện liệu pháp này, chuyên gia tâm lý sẽ yêu cầu một người nói lên suy nghĩ của mình để tìm cách xác định các kiểu suy nghĩ hoặc hành vi có vấn đề. Bạn có thể không nhận ra rằng những điều này có thể gây khó chịu và trầm cảm.

    4. Trị liệu hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy – CBT): Thay vì tập trung vào các nguyên nhân trầm cảm, liệu pháp tâm lý CBT có thể đưa ra những cách thiết thực để đối phó với vấn đề. Điều này có thể liên quan đến việc đánh lạc hướng tâm trí khỏi những suy nghĩ đau buồn.

    Liệu pháp tâm lý CBT là một lựa chọn phổ biến vì nhiều người thường thấy sự cải thiện trong vài tuần và liệu pháp này có xu hướng yêu cầu một cam kết ngắn hạn.

    Thực tế, không phải ai cũng có điều kiện điều trị tâm lý khi cuộc sống thường ngày có quá nhiều thứ phải lo đến mức chúng ta dường như quên chăm sóc sức khỏe tinh thần. Thậm chí, nhiều người còn không hề biết rằng mình đang có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ. Sự chịu đựng của bạn cũng giống như giọt nước tràn ly, đến lúc nào đó sẽ chảy lênh láng với những dòng cảm xúc hỗn độn chất chồng bao nhiêu năm tháng…

    Bạn có muốn quay trở lại là một phiên bản vui vẻ và hoạt bát như thuở nào còn là cô cậu học trò hồn nhiên? Ngay cả khi không có ai sẵn lòng cho bạn một chiếc vé quay trở lại tuổi thơ, bạn vẫn có thể tự lèo lái con tàu của mình đi về phía có ánh sáng rạng rỡ. Bạn hãy bỏ lại phía sau bóng tối muộn phiền bằng cách tập sống lành mạnh cả trong suy nghĩ lẫn hành động nhé!

    Thảo Viên HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 31/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo