backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hoang tưởng, tâm thần phân liệt và những điều bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 05/08/2020

    Hoang tưởng, tâm thần phân liệt và những điều bạn cần biết

    Một người mắc bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng gặp ảo tưởng. Tình trạng này kéo dài có thể phát triển thành chứng hoang tưởng. Những ảo tưởng này có thể làm phát sinh nỗi sợ ở người bệnh, chẳng hạn như người bệnh sẽ có suy nghĩ rằng những người khác đang âm mưu chống lại họ. 

    Những người mắc bệnh hoang tưởng hay tâm thần phân liệt thường có rất nhiều ý tưởng hoang đường trong suy nghĩ cũng như tư duy phân tích. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian cho việc suy tính cách bảo vệ bản thân trước những người mà tiềm thức của bạn cho là “kẻ thù’. Từ đó, những vấn đề trong công việc cũng như mối quan hệ sẽ phát sinh theo chiều hướng tiêu cực.

    Chứng hoang tưởng và tâm thần phân liệt là gì?

    Trước năm 2013, các chuyên gia đánh giá tâm thần phân liệt hoang tưởng là một dạng của tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, sau đó, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần phiên bản 5 (DSM-5) đã phân loại hoang tưởng trở thành một triệu chứng thường thấy của bệnh tâm thần.

    Những nguyên nhân khiến các nhà nghiên cứu không cho rằng hoang tưởng là một nhóm nhỏ của tâm thần phân liệt bởi vì:

    • Tính ổn định của việc chẩn đoán rất hạn chế
    • Độ tin cậy không cao
    • Hiệu lực kém

    Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng không đánh giá hoang tưởng là tình trạng cố định. Họ không thể dựa vào hoang tưởng để chẩn đoán hoặc điều trị các vấn đề sức khỏe khác có mối liên hệ với tâm thần phân liệt.

    Triệu chứng của hoang tưởng và tâm thần phân liệt

    Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần mãn tính. Tình trạng này ảnh hưởng đến quá trình suy nghĩ của người bệnh và gây khó khăn cho họ trong việc việc suy nghĩ thấu đáo, logic.

    Hoang tưởng cũng như tâm thần phân liệt sẽ tác động đến cảm xúc cá nhân của bạn cùng với khả năng giao tiếp, tập trung, hoàn thành nhiệm vụ và ngủ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa bạn với những người khác cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng.

    Mặt khác, bệnh còn có thể dẫn đến sợ hãi, bối rối, suy nghĩ lệch lạc và thậm chí là hành vi tự tử.

    Bên cạnh hoang tưởng, một số triệu chứng khác của tâm thần phân liệt có thể bao gồm:

    • Thường xuyên gặp ảo giác
    • Suy nghĩ vô tổ chức
    • Thiếu động lực
    • Chuyển động chậm
    • Thay đổi kiểu ngủ
    • Vệ sinh kém
    • Thay đổi ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc
    • Thiếu hứng thú với các hoạt động xã hội
    • Không có ham muốn tình dục hoặc phát cuồng vì quan hệ tình dục

    Triệu chứng của hoang tưởng

    Thực tế, không phải mọi người bệnh tâm thần phân liệt đều gặp tất cả biểu hiện trên. Những triệu chứng thường xuất hiện ở độ tuổi 16–30.

    Nếu có thể nhận thấy những thay đổi trong thói quen ngủ, cảm xúc, động lực, kỹ năng giao tiếp cũng như khả năng suy nghĩ, bạn đang bước vào giai đoạn đầu, còn gọi là giai đoạn tiền bệnh. Khi bệnh trở nặng, bạn có xu hướng hoảng loạn, tức giận và thậm chí là trầm cảm.

    Quá trình điều trị và hỗ trợ cải thiện sức khỏe phù hợp có thể giúp mọi người đối phó với bệnh tâm thần phân liệt. Thuốc kê toa cũng có thể ổn định tâm trạng. Nhờ đó, người bệnh vẫn có cơ hội hòa nhập với mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn ngưng dùng thuốc, các triệu chứng sẽ sớm quay trở lại.

    Bạn có thể muốn đọc thêm: 12 nguyên nhân trầm cảm ít ai ngờ tới.

    Hoang tưởng

    Một trong các dấu hiệu phổ biến nhất của tâm thần phân liệt là hoang tưởng. Lúc này, người bệnh có những suy nghĩ, tư duy lệch lạc không phù hợp với thực tế. Ví dụ như, người bị hoang tưởng có thể cho rằng có người đang lên kế hoạch hãm hại họ.

    Cùng với hoang tưởng, đôi khi ảo giác về thính giác, thị giác hoặc rối loạn tri giác cũng có khả năng xảy ra. Chúng có thể dẫn đến sự tránh né xã hội, tức giận và thường xuyên lo lắng. Nhiều người có triệu chứng hoang tưởng còn tìm mọi cách để không tiếp xúc hay giao tiếp với người khác. Một số người lại thể hiện sự sợ hãi và thất vọng của mình thông qua việc gây hấn và bạo lực.

    Nguyên nhân và yếu tố rủi ro

    Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân tâm thần phân liệt nói chung và hoang tưởng nói riêng bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, họ cho rằng tình trạng này có nhiều khả năng liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố di truyền cùng môi trường sống xung quanh.

    Ngoài ra, một số triệu chứng của tâm thần phân liệt có nguy cơ do sự mất cân bằng dopamine hay serotonin, cả hai đều là chất dẫn truyền thần kinh.

    Một số yếu tố rủi ro bao gồm:

    Di truyền

    Nếu gia đình có tiền sử bị tâm thần phân liệt, bạn cũng có nguy cơ lớn mắc bệnh. Trong trường hợp ngược lại, tỷ lệ bệnh phát sinh ở bạn chưa đến 1%. Mặt khác, theo các chuyên gia thống kê, nếu bố mẹ mắc bệnh tâm thần phân liệt, con số trên sẽ tăng gấp 10 lần.

    Có tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

    Một số yếu tố khác có khả năng góp phần phát triển tâm thần phân liệt và hoang tưởng bao gồm:

    Di truyền

    • Mẹ bầu nhiễm virus
    • Trẻ bị suy dinh dưỡng trước khi chào đời
    • Căng thẳng, chấn thương tinh thần hoặc lạm dụng tình dục xảy ra ở trẻ nhỏ trong thời thơ ấu

    Căng thẳng kéo dài

    Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng rơi vào tình trạng căng thẳng trong thời gian dài.

    Trước khi các triệu chứng cấp tính xuất hiện, người bệnh có thể bắt đầu trải qua trạng thái tiêu cực, lo lắng và thiếu tập trung. Điều này có thể trở thành rào cản trong những mối quan hệ.

    Nhiều người cho rằng các yếu tố trên là sự khởi đầu của tâm thần phân liệt. Một số khác lại đánh giá những triệu chứng ban đầu của bệnh là tác nhân gây nên cuộc khủng hoảng tinh thần này.

    Thực tế, hiện các chuyên gia cũng chưa thể khẳng định căng thẳng lâu ngày là nguyên nhân hay hệ quả của tâm thần phân liệt.

    Bạn có thể muốn tìm hiểu: 10 cách đơn giản để giảm thiểu căng thẳng.

    Tuổi tác

    Tuổi của bố mẹ có thể là một yếu tố dẫn đến tâm thần phân liệt.

    Thuốc

    Việc sử dụng những loại thuốc ảnh hưởng đếm tâm trí và nhận thức có mối liên hệ mật thiết với bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định yếu tố này là nguyên nhân hay hệ quả.

    Chẩn đoán tâm thần phân liệt

    Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử gia đình, đồng thời tiến hành kiểm tra thể chất của bạn.

    Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm xét nghiệm máu. Thủ thuật này giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác của những triệu chứng mà bạn bắt gặp, chẳng hạn như rối loạn chức năng tuyến giáp, nghiện rượu hay lạm dụng thuốc.

    Chẩn đoán bằng phương pháp chụp MRI hoặc CT có thể cho thấy bất kỳ thương tổn hoặc bất thường xảy ra trong cấu trúc não. Điện não đồ cũng có thể được áp dụng để đánh giá chức năng não.

    Đánh giá tâm lý

    Chẩn đoán tâm thần phân liệt

    Bác sĩ tâm thần sẽ hỏi bạn về những suy nghĩ, cảm xúc, thói quen hành xử gần đây, các triệu chứng đã xuất hiện và những thông tin chi tiết về chúng, chẳng hạn như:

    • Chúng bắt đầu từ khi nào?
    • Mức độ nghiêm trọng của dấu hiệu ra sao?
    • Bạn chịu ảnh hưởng gì từ những biểu hiện trên trong cuộc số thường ngày?
    • Liệu bạn đã có tư tưởng gây tổn thương cho chính mình hay bất kỳ ai khác không?

    Tiêu chuẩn chẩn đoán

    Kết quả chẩn đoán sẽ xác nhận bạn bị tâm thần phân liệt nếu bạn đáp ứng các tiêu chí cụ thể được đề ra trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần phiên bản 5 như sau:

    Ít nhất hai trong số triệu chứng dưới đây đã xảy ra, một trong hai phải thuộc ba yếu tố đầu:

    • Hoang tưởng
    • Ảo giác
    • Nói chuyện phi logic, không hợp lý
    • Hội chứng Catatonia (gặp khó khăn trong việc di chuyển)
    • Các triệu chứng tiêu cực, như không cảm xúc, thiếu động lực…

    Ngoài ra, các tiêu chí dưới đây cũng cần thiết:

    • Rối loạn chức năng xã hội và nghề nghiệp
    • Các triệu chứng phải xuất hiện ít nhất nửa năm
    • Kết quả chẩn đoán các rối loạn tâm trạng khác hay lạm dụng thuốc hoặc rượu âm tính

    Thực tế, bác sĩ sẽ tốn một thời gian để có thể đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng tâm thần phân liệt.

    Điều trị

    Tâm thần phân liệt và hoang tưởng có thể kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, các liệu trình điều trị có khả năng hỗ trợ thuyên giảm phần nào những triệu chứng xảy ra. Đặc biệt, bạn cần lưu ý rằng quá trình điều trị phải tiếp tục, ngay cả khi triệu chứng dường như đã giảm đáng kể hoặc biến mất. Nếu điều trị dừng lại, nhiều dấu hiệu có xu hướng xuất hiện trở lại.

    Tùy vào thể trạng của bạn cũng như mức độ nghiêm trọng và hình thức triệu chứng, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp, có thể là:

    Sử dụng thuốc

    Thuốc chống loạn thần hay thuốc an thần lớn có thể làm giảm những suy nghĩ đáng lo ngại, ảo giác và hoang tưởng. Chúng có thể được dùng dưới dạng thuốc viên, chất lỏng hoặc tiêm hàng tháng. Tương tự những loại thuốc khác, loại thuốc đặc hiệu cho tâm thần phân liệt cũng có một số tác dụng phụ. Do đó, bạn cần cẩn thận khi dùng thuốc chống loạn thần.

    Điều trị hoang tưởng - tâm thần phân liệt bằng thuốc

    Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể kê thêm cho bạn một số nhóm thuốc khác như:

    • Thuốc chống trầm cảm
    • Thuốc chống lo âu
    • Thuốc ổn định tâm trạng

    Nhập viện

    Một người có triệu chứng nghiêm trọng có thể cần nhập viện. Điều này sẽ giúp giữ cho bản thân người bệnh cũng như người thân an toàn. Ở đây, bạn sẽ được cung cấp dinh dưỡng phù hợp và ổn định giấc ngủ.

    Tuân thủ quá trình điều trị đôi khi không phải là điều dễ dàng đối với những người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nếu không uống thuốc liên tục, bệnh có nguy cơ trở nặng hơn. Do đó, nhập viện là một cách để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.

    Điều trị tâm lý xã hội

    Trị liệu tâm lý, tư vấn và đào tạo kỹ năng xã hội cũng như dạy nghề có thể giúp người bệnh sống độc lập và giảm thiểu nguy cơ tái phát.

    Liệu pháp sốc điện

    Liệu pháp sốc điện (ECT) là một thủ thuật để dòng điện qua não nhằm tạo ra các cơn co giật có kiểm soát. Cơn co giật được cho là kích hoạt sự giải phóng của các neuron thần kinh trong não. Tuy nhiên, tác dụng phụ của liệu trình này có thể bao gồm mất trí nhớ ngắn hạn.

    Thủ thuật này thường áp dụng với những người không đủ khả năng đáp ứng các phương pháp điều trị khác.

    Nếu người thân bị chứng tâm thần phân liệt, bạn hãy cùng các thành viên khác trong gia đình giúp họ vượt qua bằng cách tìm hiểu càng nhiều càng tốt về căn bệnh này, đồng thời khuyến khích họ tuân thủ đúng chương trình điều trị.

    Biến chứng của tâm thần phân liệt

    Bệnh tâm thần phân liệt có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng không chỉ liên quan đến sức khỏe mà còn bao gồm cả vấn đề tài chính và pháp lý, nếu bạn không sớm có biện pháp can thiệp y tế.

    Các biến chứng có thể xảy ra thường là:

    • Phiền muộn hoặc thậm chí là trầm cảm
    • Có tư tưởng và hành vi tự tử
    • Suy dinh dưỡng
    • Thất nghiệp
    • Vô gia cư
    • Bị cầm tù
    • Không có khả năng học tập
    • Là nạn nhân của nhiều tệ nạn xã hội
    • Các bệnh liên quan đến lạm dụng chất gây nghiện và thuốc lá

    Người mắc bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng hút thuốc lá thường xuyên. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị có nguy cơ tương tác với những thành phần trong thuốc lá. Do đó, để đảm bảo hiệu quả của việc điều trị, bạn nên bỏ thuốc lá nếu có thói quen không lành mạnh này.

    Một số quan niệm sai lầm về tâm thần phân liệt

    • Phân chia tính cách hay đa nhân cách.
    • Có xu hướng bạo lực. Thực tế, người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường sẽ tự tổn thương bản thân.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 05/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo