backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

4

Hỏi bác sĩ
Lưu

Kinh nguyệt ra ít do đâu? Cách điều trị như thế nào?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 22/08/2022

    Kinh nguyệt ra ít do đâu? Cách điều trị như thế nào?

    Hiện tượng kinh nguyệt ra ít hơn bình thường đôi khi chỉ do stress, tăng cân hay mãn kinh. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận vì đây cũng là dấu hiệu của những tình trạng nghiêm trọng hơn như buồng trứng đa nang hay tử cung có sẹo.

    Khi thấy kinh nguyệt ra ít, nhiều nàng chủ quan nghĩ rằng mình sẽ không quá khó chịu trong những ngày ấy hoặc không cần dùng băng vệ sinh quá dày. Thật ra tình trạng ra ít kinh nguyệt hơn bình thường có thể rất nguy hiểm.

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem các lý do khiến kinh nguyệt ra ít để bạn có thể phòng ngừa bệnh và kịp thời điều trị nhé.

    Như thế nào là kinh nguyệt ra ít?

    Sau đây là những dấu hiệu cho thấy bạn gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít:

    • Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường (trên 30 ngày).
    • Kinh nguyệt xuất hiện 2 lần 1 tháng.
    • Số ngày hành kinh chỉ 1 – 2 ngày.
    • Lượng máu kinh ra mỗi lần rất ít, không đầy băng vệ sinh.
    • Kinh nguyệt cũng có thể kéo dài nhiều ngày nhưng lượng máu ít, ra rải rác.
    • Máu kinh có màu sắc bất thường.
    • Chị em cũng xuất hiện các triệu chứng khác như đau bụng dưới, cơ thể mệt mỏi…

    Nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít

    1. Kinh nguyệt ra ít do mang thai ngoài tử cung

    Một trong những dấu hiệu mang thai rõ ràng nhất là mất kinh nguyệt. Tuy nhiên, chuyên gia sản khoa Janet Choi, giám đốc y tế tại CCRM in New York cho biết một số phụ nữ vẫn tiếp tục ra kinh nguyệt với lượng ít khi đang mang thai.

    Tình trạng kinh nguyệt ra ít trong thai kỳ có thể là dấu hiệu cho thấy có thể bạn mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung do bạn gặp một số viêm nhiễm ở ống dẫn trứng, đặt vòng tránh thai hoặc có sẹo ở tử cung.

    Tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm nên nếu nghi ngờ, bạn cần thử thai và gặp bác sĩ ngay.

    2. Do cân nặng thay đổi

    kinh nguyệt ra ít

    Tình trạng cân nặng thay đổi có thể làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc kinh nguyệt ra ít hơn bình thường rất nhiều. Khi bạn tăng cân, lượng chất béo tích tụ trong cơ thể có thể khiến hormone mất cân bằng. Tương tự, chế độ ăn kiêng giảm cân bằng cách hạn chế calo có thể khiến cơ thể bạn rơi vào trạng thái căng thẳng và tạo ra sự mất cân bằng hormone.

    Tiến sĩ Akopians, một bác sĩ sản khoa tại Hoa Kỳ cho biết rằng cơ thể bạn cần một sự cân bằng giữa protein, carbohydrate, chất béo và vitamin để có thể hoạt động bình thường.

    Để duy trì lượng kinh nguyệt đều đặn mỗi tháng, bạn nên ăn uống đầy đủ và tập luyện thường xuyên.

    >>> Bạn có thể tham khảo: Rối loạn kinh nguyệt sau khi uống thuốc tránh thai: Những điều cần biết!

    3. Kinh nguyệt ra ít do bạn bị căng thẳng

    Bạn rất có thể bị mất cân bằng hormone và gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít nếu đang bị trầm cảm hoặc phải trải qua những đau buồn lớn. Ngoài stress về mặt tâm lý, lịch tập thể dục quá mức cũng có thể gây căng thẳng về mặt thể chất và làm ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Khi đã qua được giai đoạn khó khăn, lượng kinh nguyệt hằng tháng sẽ bình thường trở lại.

    Nếu kinh nguyệt bị ảnh hưởng do stress, bạn hãy thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, thiền hay du lịch.

    4. Bệnh cường giáp

    kinh nguyệt ra ít

    Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho tim, huyết áp, cơ bắp… Hiện tượng kinh nguyệt ra ít bất thường và mất kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu của bệnh cường giáp này.

    Bạn cần đi khám ngay nếu có các dấu hiệu khác của bệnh cường giáp như hay lo lắng, mệt mỏi, đi tiểu nhiều…

    5. Kinh nguyệt ra ít do biện pháp tránh thai

    Một trong những lý do phổ biến nhất khiến kinh nguyệt ra ít là các phương pháp tránh thai nội tiết như thuốc viên uống tránh thai, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai hoặc vòng tránh thai nội tiết. Những phương pháp này không những có thể khiến kinh nguyệt ra ít mà còn làm kinh nguyệt có màu tối hoặc thậm chí là mất kinh.

    Nếu bạn thấy các phương pháp tránh thai nội tiết không phù hợp với mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để áp dụng những cách tránh thai không chứa hormone.

    >>> Bạn có thể tham khảo: Hỏi đáp Bác sĩ: 6 tháng không có kinh nguyệt có sao không?

    Nếu bạn không quen với việc ra kinh ít thì có thể thử các biện pháp tránh thai khác như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng hoặc mũ cổ tử cung. Những cách tránh thai này sẽ không làm mất cân bằng hormone nên sẽ không ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, hiệu quả tránh thai thấp hơn các biện pháp nội tiết.

    6. Máu kinh ra ít do buồng trứng đa nang

    kinh nguyệt ra ít

    Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng buồng trứng sản xuất hormone sinh dục nam androgen nhiều một cách bất thường. Việc thay đổi nội tiết tố này có thể ảnh hưởng tới chu kỳ rụng trứng, gây kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ra ít và mất kinh.

    Bạn cần đi khám nếu gặp những triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang như nổi mụn, da nhờn, tăng cân và mọc nhiều lông trên cơ thể.

    7. Kinh nguyệt ra ít do mãn kinh

    Bạn cần để ý tới độ tuổi của mình khi bắt gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít vì đây có thể là dấu hiệu cơ thể bạn đang dần thay đổi khi số tuổi tăng dần. Có rất nhiều phụ nữ ra rất nhiều kinh nguyệt ở độ tuổi từ 20 đến 30 nhưng lại có ít kinh nguyệt hơn khi 40 tuổi.

    8. Hẹp cổ tử cung

    Tình trạng cổ tử cung thu hẹp hoặc đóng hoàn toàn rất hiếm nhưng cũng có thể xảy ra và khiến kinh nguyệt ra ít. Tình trạng có thể xảy ra sau khi bạn trải qua một số phẫu thuật cổ tử cung như thủ thuật khoét chóp cổ tử cung để loại bỏ tổn thương ở cổ tử cung hoặc cắt bỏ nội mạc tử cung. Hẹp cổ tử cung cũng có thể là do nồng độ estrogen thấp trong giai đoạn tiền mãn kinh.

    Khi cổ tử cung hẹp, kinh nguyệt vẫn bị giữ lại trong tử cung hoặc chỉ có thể chảy ra từ từ khiến kinh nguyệt ra ít. Nếu bạn bị đau bụng kinh nhưng kinh nguyệt lại ra ít thì nên đi khám ngay.

    >>> Bạn có thể tham khảo: Hỏi đáp Bác sĩ: Làm thế nào để kinh nguyệt đều? 2 tháng không có kinh nguyệt phải làm sao?

    9. Máu kinh ít do tử cung có sẹo

    Hầu hết phụ nữ đã từng trải qua các thủ thuật nong và nạo tử cung (dilation and curettage procedures) để chẩn đoán và điều trị một số bệnh tử cung hoặc bỏ thai mà không gặp bất kỳ biến chứng gì. Tuy nhiên, đôi khi thủ thuật này cũng để lại sẹo nghiêm trọng khiến kinh nguyệt bị ảnh hưởng.

    Nếu hiện tượng kinh nguyệt ra ít xuất hiện sau khi bạn thực hiện thủ thuật nong và nạo tử cung, bạn có thể cần gặp bác sĩ để loại bỏ mô sẹo.

    10. Kinh nguyệt ra ít do bạn mất nhiều máu

    Tuy rất hiếm nhưng tình trạng mất nhiều máu trong hoặc sau khi sinh có thể khiến cơ thể thiếu oxy làm ảnh hưởng tới tuyến yên và gây hội chứng Sheehan. Hội chứng này làm giảm đáng kể việc sản xuất tất cả các loại hormone, bao gồm cả những hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.

    Nên làm gì khi kinh nguyệt ra ít?

    • Tránh thức khuya, dậy sớm, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc.
    • Ăn uống khoa học, tránh tình trạng tăng hoặc giảm cân đột ngột.
    • Sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức.
    • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khoa học.
    • Đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.

    Tình trạng mất máu không những khiến kinh nguyệt ra ít mà cũng ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung. Bạn cần đi khám ngay khi gặp dấu hiệu này.

    Mặc dù tình trạng kinh nguyệt ra ít có thể không quá nguy hiểm nhưng bạn vẫn cần theo dõi chu kỳ của mình. Nếu đã chăm sóc sức khỏe tốt và sống lành mạnh nhưng lượng kinh nguyệt vẫn không bình thường sau vài tháng, bạn hãy đi khám ngay nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 22/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo