backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Kinh nguyệt kéo dài do đâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 05/08/2020

    Kinh nguyệt kéo dài do đâu?

    Kinh nguyệt kéo dài không chỉ khiến các bạn gái cảm thấy mệt mỏi mà còn gieo rắc nỗi lo về các chứng bệnh nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

    Một số phụ nữ bị hành kinh chừng vài ngày, trong khi một số khác thấy kinh nguyệt của mình kéo dài cả tuần. Hiện tượng này còn lặp đi lặp lại khiến nhiều người thấy rất mệt mỏi với những triệu chứng đi kèm như đau bụng, đau lưng, đau vai, tức ngực, nhức đầu. Điều khiến phái đẹp căng thẳng nhất là họ không biết kinh nguyệt sẽ còn kéo dài cho đến khi nào, và liệu họ có gặp vấn đề sức khỏe gì hay không.

    Trước hết, ta cần biết một kỳ hành kinh thông thường kéo dài bao nhiêu ngày.

    Theo các bác sĩ, một kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Cũng có khi kỳ hành kinh ngắn hoặc nhiều hơn khoảng nêu trên vài ngày.

    Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể bạn sẽ tiết ra các hormone để làm dày niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) để biến nó thành một không gian giống như ngôi nhà nhỏ xinh cho trứng được thụ tinh. Vào khoảng giữa chu kỳ, một trong hai buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng. Trứng sau đó theo ống dẫn trứng xuống đến tử cung. Nếu trứng không được thụ tinh bởi một tinh trùng, nó sẽ được đào thải khỏi cơ thể cùng với lớp lót tử cung được bồi lên lúc ban đầu.

    Mặc dù quá trình này giống nhau ở hầu hết các chị em phụ nữ nhưng số ngày hành kinh có thể chênh lệch tùy vào sự thay đổi nội tiết tố của từng người trong mỗi chu kỳ. Có thể nói, sự thay đổi nội tiết tố tác động đến sự phát triển của nội mạc tử cung. Tùy vào sự phát triển của nội mạc tử cung mà số ngày hành kinh (số ngày cần để cơ thể đào thải lượng nội mạc tử cung nói trên) cũng sẽ khác.

    Vì vậy, khi bạn chỉ thấy kinh trong cỡ 1-2 ngày, hoặc trong một khoảng thời gian ngắn/dài hơn số ngày hành kinh trong chu kỳ bình thường của bạn, đồng thời không có bất kỳ triệu chứng hay vấn đề bất thường nào (đau bụng quằn quại, chuột rút hay chảy máu quá nhiều) thì tình hình không có gì đáng lo.

    Nếu hiện tượng hành kinh đã kéo dài 10 ngày hoặc hơn, hay đột nhiên số ngày thấy kinh của bạn trong 3 chu kỳ liên tiếp có sự thay đổi đáng kể thì hẳn là bạn cần đi gặp bác sĩ sản phụ khoa.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thế nào là một chu kỳ kinh nguyệt bình thường?

    Nguyên nhân khiến kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài bất thường có thể là:

    1. Bạn có dùng vòng tránh thai (dụng cụ tránh thai IUD)

    Dụng cụ tránh thai IUD

    Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng hành kinh kéo dài chính là dụng cụ tránh thai IUD đặt trong tử cung (vòng tránh thai). Có 2 loại IUD: một loại IUD bằng đồng, không có nội tiết tố và loại IUD Progestin, là IUD có hormone.

    Nếu bạn gặp hiện tượng hành kinh kéo dài trong liên tiếp 3 hay nhiều hơn 3 chu kỳ, nhất là liền sau khi bạn đi đặt vòng thì hãy đi gặp bác sĩ.

    Cả hai loại vòng tránh thai IUD đều có thể gây ra hiện tượng hành kinh kéo dài bất thường, nhất là ngay sau khi đặt. Vòng tránh thai IUD bằng đồng có tác dụng phụ là làm kinh nguyệt kéo dài hơn, máu chảy nhiều hơn. Còn vòng tránh thai IUD progestin thường được dùng để làm kinh nguyệt ít hơn, thậm chí là biến mất. Tác dụng này của IUD progestin sẽ phát huy dần theo thời gian, nhưng có thể có hiện tượng hành kinh kéo dài và chảy máu nhiều hơn trong một vài chu kỳ đầu sau khi vừa đặt vòng.

    Dù bạn dùng loại dụng cụ tránh thai IUD nào đi nữa thì nếu hiện tượng hành kinh kéo dài tiếp diễn quá 3 chu kỳ, hãy quay lại gặp bác sĩ ngay. Có thể vòng tránh thai IUD của bạn đã bị lệch đi sai vị trí, hoặc đơn giản là dụng cụ này không phù hợp với cơ thể bạn.

    2. Bạn đang rụng trứng

    Như đã nêu ở đầu bài viết, cơ thể bạn sẽ tiết ra các hormone để làm dày niêm mạc tử cung, biến nó thành một không gian nơi trứng được thụ tinh. Đôi khi các tín hiệu cũng bị chồng chéo và gặp chút trục trặc, thành ra bạn có thể thấy kinh nguyệt khi đang trong quá trình rụng trứng.

    Tại sao bạn có triệu chứng của kỳ hành kinh nhưng lại không thực sự có kinh?

    Hiện tượng này gọi là “chảy máu giữa chu kỳ”, và nó xảy ra do sự sụt giảm nhẹ estrogen vào khoảng thời gian quá trình rụng trứng diễn ra. Bạn có thể quan sát thấy một vài đốm máu. Nếu bạn thấy mình bị ra máu trong vài ngày hoặc gần sát lần hành kinh gần nhất, có vẻ như kỳ hành kinh của bạn bị kéo dài. Chuyện này thường không đáng lo nhưng nếu nó thay đổi một cách đột ngột hoặc bạn bị đau nặng, hãy đi khám ngay lập tức.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: “Cách tính ngày trụng trứng để dễ thụ thai hoặc tránh thai theo ý muốn’

    3. Bạn đang mang thai

    Không có kinh nguyệt là dấu hiệu cho thấy đã mang thai, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Mang thai chính là nguyên nhân phổ biến gây ra các hiện tượng kinh nguyệt bất thường, bao gồm cả hiện tượng hành kinh kéo dài. Người ta có thể không thấy bất cứ triệu chứng điển hình nào của thai kỳ, như buồn nôn hay mất kinh. Khi người phụ nữ bị ra huyết bất thường, tốt nhất là nên xét nghiệm máu để chắc rằng người đó không mang thai.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: “Tiết lộ dấu hiệu mang thai tuần đầu báo cho bạn biết có tin vui’

    4. Bạn đang dùng thuốc tránh thai chứa hormone

    Dùng thuốc tránh thai khiến kinh nguyệt kéo dài

    Bất cứ yếu tố nào tác động đến hormone đều có thể khiến kỳ hành kinh của bạn kéo dài hơn. Những yếu tố này bao gồm tất cả các cách thức tránh thai có dùng đến hormone như thuốc tránh thai, miếng dán, vòng tránh thai hay bất cứ dụng cụ nào được cấy ghép vào cơ thể. May mắn là có rất nhiều sự lựa chọn cho bạn với các loại hormone và liều lượng khác nhau. Nếu hình thức này không phù hợp, hãy chọn hình thức khác.

    Độ dài chu kỳ chỉ là một yếu tố giúp bác sĩ quyết định hình thức tránh thai nào phù hợp với bạn.

    5. Bạn bị sảy thai sớm

    Sảy thai sớm tức là sảy thai diễn ra trong 13 tuần đầu tiên của thai kỳ.

    Sảy thai sớm rất phổ biến. Gần một nửa trường hợp mang thai bị sảy thai sớm, thường là trước cả khi người phụ nữ nhận ra mình có thai.

    Đôi khi dấu hiệu duy nhất chỉ là một kỳ hành kinh kéo dài và người phụ nữ bị ra huyết rất nhiều. Độ dài của kỳ hành kinh sẽ trở lại bình thường trong vòng 1 đến 2 chu kỳ. Nếu hiện tượng hành kinh kéo dài nhiều hơn 3 chu kỳ thì bạn cần đi gặp bác sĩ.

    Cứ 100 phụ nữ thì sẽ có một người bị sảy thai nhiều lần. Vì vậy, quan trọng là phải giải quyết được nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chẳng hạn như bệnh lạc nội mạc tử cung.

    6. Bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

    Theo thông tin của Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (OWH), hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hội chứng này có tên như vậy là vì các u nang phát triển trên buồng trứng, ngăn trứng trưởng thành và thường gây ra các vấn đề về sinh sản.

    PCOS cũng tác động đến mức hormone, gây tăng cân, rậm lông và hiện tượng hành kinh kéo dài. Nhiều người thường nghĩ, không rụng trứng thì sẽ thoải mái hơn nhiều vì không bị hành kinh. Nhưng trái lại, không rụng trứng thì kỳ hành kinh sẽ kéo dài và thay đổi bất thường.

    Nếu bạn thấy kỳ hành kinh kéo quá dài, đồng thời quan sát thấy các dấu hiệu khác của PCOS như đau nửa đầu, vùng mặt bị rậm lông, tăng cân, hãy xét nghiệm để tìm lời giải đáp.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: “8 dấu hiệu buồng trứng đa nang bạn cần biết’

    7. Bạn có vấn đề về tuyến giáp

    Cứ 8 phụ nữ thì sẽ có 1 người bị suy tuyến giáp. Suy tuyến giáp có thể xảy ra vào một vài thời điểm nào đó trong cuộc đời.

    Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình bướm giúp kiểm soát các hormone điều khiển nhiều hệ thống trong cơ thể. Hormone có thể tác động tới việc bạn đốt cháy calo nhanh hay chậm, nhịp đập của trái tim, và cả chu kỳ kinh nguyệt. Lượng hormone tuyến giáp quá ít sẽ khiến kỳ hành kinh của bạn kéo dài và nặng nề vì bị xuất huyết quá nhiều.

    Các triệu chứng khác của suy giáp bao gồm tăng cân, mệt mỏi, rụng tóc.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: “10 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh suy tuyến giáp’

    8. Bạn bị bệnh rối loạn đông máu tiềm ẩn

    Rối loạn đông máu tiềm ẩn khiến kinh nguyệt kéo dài

    Tuy rất hiếm nhưng kỳ hành kinh kéo quá dài là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn, chẳng hạn như chứng bệnh về máu nào đó. Một số bệnh tiềm ẩn liên quan đến chảy máu như Hemophillia hoặc bệnh Von Willebrand là do di truyền.

    Nếu bạn mắc các bệnh này thì mọi chuyện không có gì đáng lo. Tuy nhiên, nếu kỳ hành kinh của bạn kéo dài quá lâu và bạn đã loại trừ những nguyên nhân khác, hãy gặp bác sĩ để để tránh tình trạng bạn mắc chứng rối loạn về máu mà không hay.

    9. Bạn bị polyp tử cung hoặc u xơ tử cung

    Những bất thường ở tử cung như polyp tử cung hoặc u xơ tử cung có thể gây ra hiện tượng kỳ hành kinh kéo dài vì chúng làm biến dạng khoang nội mạc tử cung, dẫn tới tăng lưu lượng máu.

    Polyp và u xơ nghe có vẻ đáng sợ, nhưng chúng khá phổ biến. Có tới 80% phụ nữ dưới 50 tuổi có polyp và u xơ. Bản thân polyp và u xơ không phải là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng kiểu như ung thư.

    Polyp và u xơ thường không gây ra triệu chứng gì, mà nếu có thì thường gây ra hiện tượng kỳ hành kinh kéo dài. Hầu hết các bác sĩ sẽ chỉ khuyên bạn thường xuyên theo dõi tình trạng của những u này, nếu chúng gây đau hay phát triển quá lớn thì phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.

    10. Bạn bị ung thư cổ tử cung mà chưa được chẩn đoán

    Chảy máu âm đạo bất thường (chẳng hạn như bị chảy máu sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc phát hiện những đốm máu vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt) có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Vì vậy, khi phát hiện điều gì bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt của mình, bạn cần đi khám ngay.

    Ung thư cổ tử cung được phát hiện thông qua các xét nghiệm Pap và HPV. Hãy đảm bảo rằng bạn nắm rõ thông tin và hiểu những gì cần làm. Cũng đừng quên báo cho bác sĩ đầy đủ bệnh sử liên quan đến các bệnh ung thư ở nữ giới trong gia đình bạn.

    11. Cơ thể của bạn sắp sửa bước vào thời kỳ mãn kinh

    Mãn kinh

    Thật vậy, sự bất ổn về thời gian trong chu kỳ của bạn có thể đơn giản là do tuổi tác. Về lý thuyết, mãn kinh tức là bạn đã trải qua 12 tháng (hoặc hơn) mà không thấy kinh nguyệt. Thời kỳ mãn kinh bắt đầu khi phụ nữ khoảng 50 tuổi. Tuy nhiên, cơ thể của bạn bắt đầu suy giảm hormone một cách tự nhiên từ trước đó, khi bạn khoảng 35 tuổi (thời kỳ tiền mãn kinh).

    Khi điều này xảy ra, bạn có thể nhận thấy kỳ hành kinh của mình ngày càng dài (hoặc ngắn) hơn, có tính ngẫu nhiên hơn và xuất hiện những thay đổi nhỏ khác trong kỳ hành kinh.

    Nếu bạn ở vào khoảng nửa sau của độ tuổi 30 và đã loại trừ được những nguyên nhân khác, thì hiện tượng hành kinh kéo dài mà bạn gặp chỉ đơn giản là do quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, vẫn có một tình trạng gọi là mãn kinh sớm, có thể gây ảnh hưởng đến cả những phụ nữ ở độ tuổi 20. Do vậy, bạn hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ nếu hiện tượng này từng xảy ra trong gia đình, hoặc bạn có những dấu hiệu khác của giai đoạn mãn kinh như suy giảm ham muốn tình dục hoặc mất ngủ.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: “Phụ nữ thay đổi chu kỳ kinh nguyệt như thế nào khi 20, 30 và 40?’

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 05/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo