backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Sống thực vật là gì? Người thực vật sống được bao lâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng · Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 12/12/2023

    Sống thực vật là gì? Người thực vật sống được bao lâu?

    Thật đáng buồn khi ai đó phải trở thành người thực vật. Đây là hậu quả của những tổn thương não nghiêm trọng, thoái hóa thần kinh, rối loạn trao đổi chất hoặc bất thường bẩm sinh trong não bộ. Biểu hiện người sống thực vật là họ bị mất đáp ứng và nhận thức nhưng còn một số phản xạ như vận động nhãn cầu, hàm và các vận động tự động.

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng này và người thực vật sống được bao lâu, có khả năng tỉnh lại không.

    Sống thực vật là gì?

    Đây là tình trạng mạn tính. Trong đó, cơ thể của người thực vật vẫn còn duy trì được huyết áp, nhịp thở và các chức năng tim mạch nhưng khả năng nhận thức thì đã không còn. Các chức năng của vùng dưới đồi và thân não vẫn còn, chỉ huy hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa,… và các hoạt động tự chủ khác đủ để duy trì sự sống.

    Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng sống thực vật là chấn thương sọ não hoặc thiếu oxy não lan toả. Tuy nhiên, bất kỳ tổn thương não nào cũng có khả năng khiến một người rơi vào trạng thái sống thực vật.

    Đặc điểm của người thực vật là gì?

    Biểu hiện người sống thực vật là có thể mở mắt, thức dậy và ngủ một cách đều đặn. Trường hợp này vẫn có những phản xạ cơ bản như chớp mắt khi giật mình vì một tiếng động lớn hoặc cử động tay khi bị bóp mạnh. Người bệnh cũng có khả năng tự điều chỉnh nhịp tim và nhịp thở mà không cần sự trợ giúp.

    Tuy nhiên, người thực vật không có phản ứng tương tác như mở mắt dõi theo một vật thể hay nói chuyện. Người sống thực vật có biết gì không thì họ không có cảm xúc, nhận thức về bản thân hoặc mọi thứ khác bên ngoài.

    Người thực vật không còn phản ứng chủ động với sự kích thích từ bên ngoài nhưng vẫn có thể có một số biểu hiện như:

    • Bị giật mình bởi âm thanh lớn
    • Chảy nước mắt, cười hoặc nhăn mặt
    • Mở mắt, co – giãn đồng tử, cử động nhãn cầu
    • Mở mắt khi có đèn nhấp nháy chiếu vào mắt
    • Ngáp, nhai, nuốt
    • Thức – ngủ theo chu kỳ

    Người thực vật là gì? Họ là người còn sống nhưng đã mất hết ý thức và không còn bất cứ phản ứng nào với mọi kích thích. Người bệnh không nghe, không nói, không cử động, không tự ăn uống, không thể khống chế việc đại tiện và tiểu tiện.

    Biểu hiện người sống thực vật là gì

    Người thực vật có khả năng tỉnh lại không? 

    Một số bệnh nhân sống thực vật có thể cải thiện tình trạng từ từ, trong khi số khác ở trong trạng thái suy yếu nhận thức rất nhiều năm. Cơ hội hồi phục phụ thuộc vào mức độ tổn thương não và độ tuổi. Những bệnh nhân trẻ thường có cơ hội phục hồi tốt hơn so với người lớn tuổi hơn.

    Người thực vật có khả năng tỉnh lại không? Thông thường, các trường hợp chấn thương sọ não sau khi rơi vào tình trạng sống thực vật có khả năng tỉnh lại trong vòng 6 tháng đầu. Người lớn có khoảng 50% cơ hội và trẻ em có 60% cơ hội phục hồi ý thức.

    Đối với các chấn thương gây ra do đột quỵ, tốc độ hồi phục nhanh thường ở trong năm đầu tiên. Sau giai đoạn này, khả năng người sống thực vật tỉnh lại là rất thấp. Thậm chí, hầu hết những bệnh nhân hồi phục ý thức đều gặp phải tình trạng tàn tật đáng kể. Bệnh nhân sống đời sống thực vật càng lâu thì khả năng bị tàn tật càng cao.

    Thông thường, tình trạng sống thực vật kéo dài trên một tháng được xem là vĩnh viễn. Tuy nhiên, trong một số rất ít trường hợp, bệnh nhân có thể dần hồi phục và có ý thức tối thiểu.

    Điều trị cho người sống thực vật

    Điều trị sống thực vật

    Người bệnh cần được liên tục đánh giá tình trạng bệnh bằng thang đo lường các dấu hiệu tiến triển, cải thiện hoặc suy giảm bệnh như Coma Recovery Scale (Thang đo mức độ hồi phục sau hôn mê).

    Người sống thực vật thường cần phải được theo dõi và hỗ trợ trong việc ăn uống, vệ sinh, vận động và các bài tập vật lý trị liệu. Quá trình điều trị không đảm bảo cơ hội hết bệnh hoàn toàn cho bệnh nhân nhưng các giải pháp hỗ trợ sẽ mang lại cơ hội cải thiện bệnh tốt nhất:

    • Làm sạch răng miệng mỗi ngày
    • Vệ sinh cơ thể người bệnh sạch sẽ
    • Cố gắng giao tiếp với người bệnh
    • Tập vận động tại các khớp để ngăn co cứng khớp
    • Người thực vật có ăn được không? Họ cần được hỗ trợ dinh dưỡng qua ống truyền
    • Xoay trở người bệnh thường xuyên để tránh viêm loét do nằm lâu.

    Có thể bạn quan tâm: Liệt dây thần kinh số 7 bao lâu thì khỏi?

    Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc kích hoạt như thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressant) hoặc methylphenidate hay kích thích não sâu như một cách đánh thức người thực vật. Ngoài ra, việc kích thích tạo tương tác lặp lại thường xuyên, khoảng 6 giờ mỗi ngày, cũng nhiều khả năng sẽ mang lại hy vọng thức tỉnh người bệnh như:

    • Kích thích thị giác: Đưa cho người bệnh xem hình ảnh của bạn bè hay người thân trong gia đình, xem một bộ phim người đó tâm đắc.
    • Kích thích thính giác: Trò chuyện thường xuyên với người bệnh hay mở một bản nhạc người đó ưa thích.
    • Kích thích khứu giác: Cắm một loại hoa có mùi hương thoang thoảng hay xịt mùi nước hoa mà trước kia người bệnh hay dùng.
    • Kích thích xúc giác: Thường xuyên nắm lấy tay người bệnh và vuốt ve hay dùng nhiều chất liệu vải khác nhau để chạm lên da họ.

    Chính những người chăm sóc là chìa khóa quyết định lớn đến quá trình hồi phục của người sống thực vật thông qua kích thích đến các giác quan của người bệnh thường xuyên.

    Người thực vật sống được bao lâu sẽ không có con số cụ thể và rất khác nhau giữa mỗi trường hợp. Nó phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ chấn thương não, các bệnh lý mắc kèm khác và việc phục hồi như thế nào… Thực tế, dù rất hiếm nhưng vẫn có những trường hợp một người chợt tỉnh giấc sau nhiều năm nằm liệt giường bất động. Cùng với sự tiến bộ của y học và sự kiên trì của người thân thì hy vọng cho người sống thực vật vẫn rất đáng trông đợi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Hồ Văn Hùng

    Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


    Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 12/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo