backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Quả thận: Cơ quan giúp duy trì sự sống

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thảo Vy · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    Quả thận: Cơ quan giúp duy trì sự sống

    Giống như tim, thận là một bộ phận giúp duy trì sự sống của cơ thể.

    Chắc hẳn ai cũng biết rằng có một vài cơ quan trong cơ thể giữ vai trò quyết định đối với sự sống như não, tim, phổi và thận.

    Thận là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể cũng giống như tim vậy. Cơ thể người bình thường sẽ có hai quả thận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sống nếu chỉ có một quả thận. Hình dáng quả thận cũng tương tự như hình hạt đậu. Mỗi quả thận có chiều dài khoảng 13cm và rộng 8cm, tương đương kích cỡ của con chuột máy vi tính.

    Để xác định vị trí quả thận, bạn có thể đặt bàn tay lên hông, sau đó di chuyển bàn tay theo hướng đi lên tới khi tay chạm xương sườn. Tuy nhiên, vì thận không hoạt động như tim nên bạn sẽ không cảm nhận được nó như cách bạn cảm nhận nhịp đập của trái tim đâu. Cách này chỉ giúp bạn xác định vị trí của quả thận trong cơ thể thôi.

    Lọc máu

    Một trong những chức năng chính của thận là lọc các chất thải ra khỏi máu. Máu cung cấp các dưỡng chất cho cơ thể. Các phản ứng hóa học sẽ diễn ra trong các tế bào để phân giải các chất dinh dưỡng đó. Đồng thời, các chất thải sẽ được sản sinh từ các phản ứng hóa học đó. Trong quá trình phân giải các chất dinh dưỡng sẽ có một số chất cơ thể không cần tới. Khi đó, thận sẽ phát huy chức năng trong việc lọc các chất thải này.

    Bạn có thể hình dung ra quy trình lọc máu của thận như sau: đầu tiên, máu đi qua động mạch thận để đến thận. Trung bình mỗi người có từ 3,78 tới 5,5 lít máu lưu thông trong cơ thể. Thận của chúng ta lọc máu khoảng 400 lần mỗi ngày. Trong đó, hơn một triệu các đơn vị lọc trong thận cùng thực hiện chức năng loại bỏ chất thải. Những đơn vị chức năng này (nephron) rất nhỏ nên bạn chỉ có thể nhìn thấy chúng thông qua kính hiển vi có độ phóng đại cực lớn.

    Chức năng bài tiết của thận

    Thận, bàng quang cùng với các ống bài tiết khác gọi là hệ tiết niệu. Sau đây là chi tiết các bộ phận nằm trong hệ bài tiết:

    • Hai quả thận: lọc chất thải ra khỏi máu và hình thành nên nước tiểu;
    • Niệu quản: ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang;
    • Bàng quang: túi chứa nước tiểu;
    • Niệu đạo: ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.

    Quá trình bài tiết của thận sẽ diễn ra như sau:

    • Các chất thải lọc từ thận sẽ kết hợp với nước (cũng được lọc từ thận) để tạo thành nước tiểu;
    • Khi mỗi quả thận bài tiết, nước tiểu sẽ đi dọc theo một ống dài gọi là niệu quản, tập trung lại ở bàng quang. Khi bàng quang chuẩn bị đầy, cơ thể sẽ phát ra dấu hiệu nhắc bạn đi vệ sinh;
    • Khi bạn đi tiểu, nước tiểu sẽ dẫn từ bàng quang đến một ống khác gọi là niệu đạo và đi ra ngoài cơ thể.

    Duy trì sự cân bằng cơ thể

    Thận cũng có chức năng cân bằng các chất lỏng và khoáng chất trong cơ thể. Quá trình này được gọi là cân bằng nội môi.

    Nếu đặt tất cả lượng nước mà bạn cung cấp cho cơ thể lên một đĩa cân và lượng nước bạn thải ra lên một đĩa cân còn lại, bạn sẽ thấy chúng cân bằng. Cơ thể bạn hấp thụ nước thông qua việc uống nước hoặc hấp thụ từ một số chất khác như rau, củ, quả. Có nhiều cách thải nước ra khỏi cơ thể. Chẳng hạn như tiết mồ hôi, qua hơi thở hay qua hệ bài tiết.

    Cơn khát nước chính là dấu hiệu phát ra từ não cho biết bạn cần nạp vào nhiều chất lỏng hơn để cơ thể được cân bằng. Nếu không cung cấp đủ nước cho cơ thể thì não sẽ liên lạc với thận bằng cách gửi một đi một hormone tín hiệu để nhắc thận giữ lại một số chất lỏng. Ngược lại, khi bạn uống nhiều nước, lượng hormone này sẽ giảm và thận sẽ bài tiết nhiều nước hơn.

    Nước tiểu được hình thành từ nước cộng với các chất thải thải ra từ máu nên đôi khi chúng có màu sắc đậm hơn bình thường. Nếu bạn không uống nhiều nước hay nếu bạn luyện tập và đổ nhiều mồ hôi thì nước tiểu của bạn sẽ có chứa ít nước nên đậm màu hơn. Ngược lại, nếu bạn uống nhiều nước thì lượng nước tiểu sẽ nhiều hơn và có màu nhạt hơn.

    Thận còn có chức năng nào khác?

    Thận luôn bận rộn. Bên cạnh chức năng lọc máu và cân bằng chất lỏng từng giây từng phút, thận còn thực hiện chức năng hồi đáp liên tục lại các hormone mà não gửi đến. Thậm chí thận còn tự tạo ra hormone cho chính nó như việc tự sản xuất ra một loại hormone để báo hiệu cho cơ thể sản xuất ra nhiều tế bào máu đỏ.

    Quả thận đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Hiểu rõ cơ chế hoạt động cũng như tầm quan trọng của thận để có chế độ ăn uống, chăm sóc hợp lý nhé bạn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Thảo Vy · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo