backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Phù nề chân có nguy hiểm không? 10 nguyên nhân phù chân thường gặp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phan Vân Anh · Ngày cập nhật: 27/02/2023

    Phù nề chân có nguy hiểm không? 10 nguyên nhân phù chân thường gặp

    Phù nề chân khiến bạn đi lại bất tiện, thậm chí gây đau đớn. Bạn có thể bị phù chân bất thường khi mang thai, uống quá nhiều rượu nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm.

    Có nhiều nguyên nhân phù chân. Trong đóm 2 nguyên nhân phổ biến nhất là phẫu thuật hoặc mang thai. Thông thường, tình trạng này chỉ là tạm thời và bạn không cần quá bận tâm.

    Tuy nhiên, phù nề chân có thể khiến bạn khó chịu. Ngoài ra, đây còn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải một căn bệnh nguy hiểm nào đó. Do vậy, bạn cần tìm hiểu bị phù chân là bệnh gì và có nguy hiểm không. Đồng thời, bạn nên thực hiện các biện pháp giảm sưng để có thể thoải mái hơn và tiếp tục các hoạt động hàng ngày nhé.

    1. Phù nề chân vì mang thai

    Mang thai bị phù nề chân có nguy hiểm không

    Hiện tượng tay chân bị phù khi mang thai là do chất lỏng dư thừa tràn vào trong các mô của bạn. Đây là tình trạng rất phổ biến trong quá trình mang thai. Bạn có thể bị phù chân rõ hơn vào cuối ngày hoặc sau khi đi bộ cả ngày. Sau khi sinh con, hiện tượng này sẽ tự động biến mất.

    Bị phù nề chân có nguy hiểm không? Nếu khi mang thai mà chân bị phù kèm theo triệu chứng như đau bụng, đi tiểu không đều, buồn nôn và đau đầu hoặc thay đổi thị lực thì bạn nên đi khám ngay. Nếu thấy tình trạng sưng, phù xảy ra cả ở tay và mặt, rất có thể bạn đang bị tiền sản giật. Đây là tình trạng huyết áp tăng cao gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con.

    Để giảm bớt khó chịu, bạn có thể thử mát xa chân nhẹ nhàng, chườm lạnh nếu thấy khó chịu, mang vớ nén, nâng cao chân khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước, ăn nhạt, đồng thời nên đi dạo thường xuyên để máu lưu thông đều đặn cả hai chân thay vì đứng một chỗ quá lâu.

    2. Bị phù chân do trời nóng

    Bàn chân sưng thường xuyên xảy ra trong thời tiết nóng là do các tĩnh mạch của bạn giãn ra như là một phần của quá trình làm mát tự nhiên của cơ thể. Chất lỏng đi vào các mô gần đó như là một phần của quá trình này. Tuy nhiên, đôi khi tĩnh mạch của bạn không thể mang máu về tim. Điều này dẫn đến việc tích tụ chất lỏng ở mắt cá chân và bàn chân. Những người có vấn đề về tuần hoàn đặc biệt dễ gặp tình trạng này.

    Bạn có thể giảm sưng phù nề chân bằng cách ngâm chân trong nước mát, uống nhiều nước. Ngoài ra, bạn hãy mang giày thoải mái và nghỉ ngơi với đôi chân được nâng cao khi nghỉ ngơi. Nếu phù nặng thì bạn cần đeo vớ nén. Đi bộ và các bài tập có vận động chân đơn giản cũng giúp ích cho bạn.

    3. Nguyên nhân phù nề chân do uống rượu bia

    Nguyên nhân phù nề chân do uống nhiều rượu, bia

    Uống rượu bia có thể khiến bạn bị phù chân vì cơ thể bạn giữ lại nhiều nước hơn sau khi uống. Thông thường hiện tượng chân bị sưng phù sẽ biến mất trong một vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng không giảm xuống trong thời gian này thì bạn nên đi khám. Trong trường hợp này, đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề với gan, tim, thận.

    Để điều trị bàn chân sưng do tiêu thụ rượu thì bạn cần uống nhiều nước hơn đồng thời cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn. Bạn có thể nghỉ ngơi với đôi chân được nâng cao và ngâm chân trong nước mát.

    4. Phù nề chân do phù bạch huyết

    Phù bạch huyết là tình trạng xảy ra khi hệ bạch huyết, đặc biệt là các hạch bạch huyết tại vùng chậu bị tổn thương, ảnh hưởng tới sự lưu thông của dịch bạch huyết xuống chân, bàn chân. Tình trạng phù bạch huyết dễ xảy ra với những người bị béo phì, ung thư cần nạo hạch bạch huyết. 

    Bạn cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm bài tập kích thích thoát dịch bạch huyết; quấn băng quanh chân để giảm phù, xoa bóp hạch bạch huyết; mang vớ nén,… để giảm đau và giảm sưng. Đối với phù bạch huyết nặng thì bạn có thể phải phẫu thuật.

    5. Bệnh phù chân do chấn thương

    Bị phù nề chân do chấn thương

    Khi bạn bị thương tại chân, ví dụ như gãy xương hay bong gân thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng tình trạng sưng, viêm. Máu sẽ được dồn xuống chân để hồi phục vết thương. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc giảm đau không kê đơn hoặc theo toa. Bạn có thể cần phải đeo nẹp. Đối với trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật.

    Để khắc phục phù nề chân, bạn nên nghỉ ngơi và tránh áp lực lên vùng chấn thương. Bạn cũng có thể nâng cao bàn chân lên và chườm mát khu vực bị thương để giảm đau, giảm sưng.

    6. Phù nề chân vì bệnh thận

    Thận có nhiệm vụ cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Khi thận bị suy yếu, không còn hoạt động bình thường thì cơ thể sẽ dễ bị tích nước dẫn đến chân bị phù nề. Các triệu chứng sau đây cũng có thể xuất hiện như khó tập trung, chán ăn, cảm giác mệt mỏi và yếu đi, khó ngủ, rối loạn tiểu tiện, buồn nôn, nôn, tăng huyết áp, đau ngực,…

    Các lựa chọn điều trị bệnh thận có thể bao gồm thuốc huyết áp cao, thuốc lợi tiểu, thuốc làm giảm cholesterol, bổ sung canxi và vitamin D cùng một chế độ ăn ít protein… Ngoài ra, suy thận giai đoạn cuối có thể được điều trị bằng ghép thận hoặc lọc máu.

    7. Chân bị sưng phù là bệnh gì? Bệnh gan

    phù nề chân do bệnh gan

    Khi mắc bệnh xơ gan, gan có thể hình thành sẹo và hạn chế dòng máu chảy vào gan gây tăng huyết áp, sưng chân. Xơ gan cũng có thể tác động tới sự sản sinh protein albumin, một yếu tố góp phần gây sưng chân. Điều này có thể do các yếu tố di truyền gây ra. Virus, rượu và béo phì cũng có liên quan đến tổn thương gan.

    Các biện pháp nhằm điều trị có thể là giảm cân, kiêng đồ uống có cồn như rượu, bia. Ngoài ra, bạn cần sử dụng các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thậm chí là phải tiến hành phẫu thuật.

    8. Suy tim

    Chân bị phù là bệnh gì? Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tim. Khi sức bơm máu của tim giảm đi, máu ở những vùng thấp như chân sẽ bị ứ đọng thay vì được hút đều đặn về tim. Điều này khiến bạn bị sưng phù chân, thường vào buổi tối. Ngoài chân bị phù, suy tim có những triệu chứng rõ ràng khác như ho, khó thở, mệt mỏi, hạn chế vận động…

    Suy tim cần được điều trị cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế lượng chất lỏng nạp vào, ăn nhạt và vận động vừa sức để giảm bớt tình trạng này.

    9. Phù nề chân do suy tĩnh mạch

    Suy tĩnh mạch xảy ra do van tĩnh mạch bị hư hỏng hoặc do đứng/ngồi trong thời gian dài. Điều này khiến máu tích tụ trong các tĩnh mạch ở chân và bàn chân thay vì trở về tim như bình thường.

    Triệu chứng bao gồm chân bị phù, đau nhức chân, trên da xuất hiện các tĩnh mạch màu xanh nổi rõ, ngứa da chân, loét ứ đọng tĩnh mạch, nhiễm trùng.

    Điều trị bao gồm thuốc, tránh đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài, nâng cao chân khi nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên, tránh thừa cân, mang vớ nén, vệ sinh da hằng ngày.

    10. Cục máu đông

    Khi có cục máu đông ở trong các tĩnh mạch chân cũng sẽ cản trở máu từ đây trở về tim. Phù nề chân kèm theo đau, nóng, đỏ, đôi khi có sốt. Đây là trường hợp cần được điều trị ngay lập tức.

    Các lựa chọn điều trị gồm thuốc làm loãng máu, tránh ngồi lâu trong thời gian dài, tập thể dục thường xuyên,…

    Ngoài ra, phù nề ở chân còn có thể do những bệnh lý khác như nhiễm trùng từ mụn hoặc các vết thương, tác dụng phụ của thuốc,…

    Tình trạng phù nề chân không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Tuy nhiên, hiểu biết về nguyên nhân khiến chân bị phù nề sẽ khiến bạn an tâm hơn và có thể phát hiện được vấn đề nghiêm trọng khác. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ nếu cảm thấy có điều gì bất thường nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phan Vân Anh · Ngày cập nhật: 27/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo