backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Dị ứng nước: Bạn cần biết gì về căn bệnh siêu hiếm gặp này?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 31/03/2023

    Dị ứng nước: Bạn cần biết gì về căn bệnh siêu hiếm gặp này?

    Dị ứng nước (còn gọi là chứng nổi mề đay do nước) là bệnh bẩm sinh rất lạ và hiếm gặp. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2011 đã có tới hơn 100 trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia sức khỏe, thực tế là số người bị dị ứng với nước hiện nay có thể còn nhiều hơn nữa.

    Người bị dị ứng nước có thể bị nổi mề đay, phát ban gây ngứa ngáy và khó chịu khi tiếp xúc với những nguồn nước quen thuộc như mồ hôi, nước mắt, nước mưa, nước hồ bơi… Những trường hợp dị ứng nghiêm trọng thậm chí có thể bị khó thở, thở khò khè, khó nuốt. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về căn bệnh này để biết cách kiểm soát hiệu quả nhé.

    Dị ứng nước là bệnh gì?

    Dị ứng nước là một bệnh lý khiến bạn bị nổi mề đay, phát ban rất nhanh sau khi tiếp xúc với nước, kể cả những nguồn nước không chứa hóa chất hay bị ô nhiễm như nước mưa (dị ứng nước mưa), mồ hôi, nước mắt… Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng 30 phút sau khi tiếp xúc với nước và có thể kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ. Các triệu chứng thường tự biến mất. Đây là một dạng dị ứng tác nhân vật lý có thể khiến người bệnh bị mẩn ngứa và khó chịu. Các phản ứng thường không xảy ra khi uống nước vì nước không tiếp xúc với da. Tuy nhiên, một số người có thể gặp các triệu chứng dị ứng xuất hiện trên môi hoặc bên trong miệng.

    Bệnh dị ứng nước thường xảy ra ở nữ giới và các triệu chứng bệnh xuất hiện ở giai đoạn bắt đầu dậy thì.

    Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân chính xác và cơ chế gây dị ứng nước. Hiện các nhà khoa học đang đưa ra 2 giả thuyết về nguyên nhân gây dị ứng, bao gồm:

    • Do chất hòa tan trong nước gây ra: Các chất trong nước thẩm thấu vào da và kích hoạt đáp ứng miễn dịch. Theo giả thuyết này, hiện tượng nổi mề đay do nước thực chất là do một chất gây dị ứng nào đó có trong nước (ví dụ: các axit trong nước mưa) chứ không phải là do bản thân nước gây ra.
    • Nước tương tác với một chất trên bề mặt da hoặc trong da: Theo giả thiết này, nước tương tác với các chất trên hay trong da và tạo thành một chất độc có thể gây nổi mề đay.
    Dị ứng nước là căn bệnh hiếm gặp. Vì vậy, cho đến nay, nguồn thông tin về nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên sau nhiều năm, thông tin lưu trữ về bệnh ngày một nhiều hơn, giúp người bệnh và gia đình hiểu và xử lý hiệu quả khi mắc căn bệnh này.

    Triệu chứng của bệnh dị ứng nước

    Dị ứng nước

    Người bị dị ứng với nước sẽ có những triệu chứng nào hay da bị dị ứng nước có triệu chứng gì? Bệnh dị ứng nước gây ra tình trạng nổi mề đay, phát ban nhanh chóng sau khi da tiếp xúc với nước ở bất kỳ nhiệt độ nào. Các vết mề đay, mẩn ngứa điển hình của loại dị ứng này thường nhỏ khoảng 1 – 3mm, có màu đỏ hoặc màu da và nổi lên rất rõ.

    Khi bị dị ứng nước, các triệu chứng phát ban và mề đay thường xuất hiện phổ biến nhất là ở cổ, phần thân trên và cánh tay. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Một số người cho biết họ cũng bị ngứa khi bị phát ban và nổi mề đay. Một số trường hợp có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở, thở khò khè, khó nuốt. Khi ngừng tiếp xúc với nguồn nước thì tình trạng phát ban đó sẽ dần biến mất trong 30 – 60 phút.

    Dị ứng nước có di truyền không?

    Hầu hết các trường hợp ghi nhận bị dị ứng nước xảy ra ở những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trong cùng 1 gia đình có nhiều hơn 1 thành viên mắc bệnh. Một báo cáo cho thấy trong 1 gia đình có 3 thế hệ đều có người bị dị ứng nước. Do đó, căn bệnh này cũng có khả năng di truyền (mặc dù với xác suất rất thấp). Hiện nay vẫn chưa có đặc điểm di truyền nào có liên quan đến loại dị ứng này được xác định.

    Cách chẩn đoán dị ứng nước

    Dị ứng với nước

    Bệnh dị ứng nước được chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện của các dấu hiệu và triệu chứng. Thử nghiệm tiếp xúc với nước sẽ được tiến hành để xác định nguy cơ dị ứng. Thông thường, bác sĩ sẽ cho một phần trên cơ thể bệnh nhân sẽ được tiếp xúc với một miếng vải có thấm nước 35 độ trong khoảng 20 – 30 phút. Nguyên do là da phần trên của cơ thể thường dễ bị ảnh hưởng hơn các vùng da khác. Nếu bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu mề đay, phát ban sau khi tiếp xúc với nước thì khả năng cao là bệnh nhân bị dị ứng nước.

    Để thực hiện thử nghiệm dị ứng, bạn cần tránh dùng thuốc kháng histamine vài ngày trước khi xét nghiệm.

    Thử nghiệm tiếp xúc trên đây chỉ dùng một lượng nước rất nhỏ. Trong một số trường hợp có kết quả âm tính sau thử nghiệm trên có thể xem xét thực hiện thử nghiệm nhúng một vùng nào đó của cơ thể vào bồn nước hoặc tắm trực tiếp. Độ nhạy của thử nghiệm này sẽ cao hơn. Tuy nhiên, người thực hiện cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm khi thực hiện thử nghiệm, đặc biệt là ở những người từng bị các triệu chứng nghiêm trọng.

    Điều trị bệnh dị ứng nước

    Điều trị bệnh dị ứng nước

    Bệnh dị ứng nước khá hiếm gặp nên hiện chưa có nhiều số liệu đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị căn bệnh này. Hiện tại cũng chưa có nghiên cứu về điều trị bệnh trên quy mô lớn.

    Mặc dù đây là một dạng dị ứng vật lý, nhưng nước là yếu tố thiết yếu cho sự sống nên bạn không thể tránh tiếp xúc với nước hoàn toàn. Bạn có thể dùng một số biện pháp sau đơn lẻ hoặc kết hợp để kiểm soát hoặc điều trị bệnh. Hiệu quả điều trị cao hay thấp còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và cơ địa của mỗi người.

    Thuốc kháng histamin 

    Các loại thuốc kháng histamine được sử dụng như liệu pháp đầu tay để điều trị tất cả các dạng mề đay. Các loại thuốc này có khả năng ức chế thụ thể H1 (thuốc kháng histamine H1) mà lại không gây buồn ngủ (như thuốc cetirizine) được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng. Nếu các loại thuốc có khả năng ức chế thụ thể H1 không phát huy tác dụng thì bạn có thể dùng thuốc ức chế thụ thể H2 như cimetidine.

    Kem hoặc thuốc bôi ngoài da

    Đây là những sản phẩm có chứa dầu đóng vai trò là rào cản giữa nước và da. Bạn có thể bôi theo chỉ dẫn trước khi tắm hoặc tiếp xúc với nước để ngăn ngừa nước thấm vào da. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ nguy cơ dị ứng.

    Liệu pháp quang học

    Viecj dùng bức xạ tia cực tím A (PUVA) và bức xạ tia cực tím B có thể điều trị triệu chứng cho một số bệnh nhân bị dị ứng nước.

    Omalizumab

    Đây là một loại thuốc tiêm thường được sử dụng cho những người bị hen suyễn nặng. Thuốc này đã được thử nghiệm thành công khi điều trị cho một số bệnh nhân bị dị ứng nước.

    Do thiếu bằng chứng thuyết phục về sự an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị dị ứng nước, bạn không nên tự điều trị mà cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa.

    Một số người có thể gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh dị ứng nước hiệu quả. Do đó, cách tốt nhất là hãy hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với nước. Để giảm nguy cơ dị ứng, người bệnh nên hạn chế đi mưa hoặc tham gia các hoạt động có liên quan đến nước. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh khóc, vận động thể chất ra nhiều mồ hôi và lưu ý khi dùng các đồ uống, thức ăn có chứa nước.

    Nếu người bệnh bị nổi mề đay kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở thì cần được đi cấp cứu kịp thời. Người bệnh có thể phải dùng đến adrenaline giúp tăng huyết áp nhanh chóng và xử lý các triệu chứng dị ứng nặng, cấp tính.

    Nước có mặt ở khắp mọi nơi nên chứng dị ứng nước có thể ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Nếu mắc bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách khắc phục phù hợp với tình trạng của bản thân nhé. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 31/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo