backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Các bài tập giúp phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    Các bài tập giúp phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Các di chứng tai biến mạch máu não có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Do đó, người bị tai biến cần được điều trị sớm kết hợp với chế độ tập luyện, chăm sóc hợp lý để có thể phục hồi chức năng một cách nhanh chóng.

    Sau khi trải qua cơn tai biến mạch máu não (đột quỵ), người bệnh có thể gặp phải các di chứng nặng nề như liệt vận động, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn nhận thức… Thực tế, việc giúp người bệnh phục hồi chức năng sau khi trải qua cơn tai biến là một quá trình đầy khó khăn. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tai biến mạch máu não và các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến cho người bệnh nhé!

    Bệnh tai biến mạch máu não là gì?

    Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng thiếu máu và oxy cung cấp đến một phần của não, khiến các tế bào bị chết đi và gây tổn thương mô não. Trước đây, bệnh tai biến mạch máu não được xem là bệnh của người già. Thế nhưng hiện nay, nhiều người trẻ cũng trở thành đối tượng dễ bị căn bệnh này tấn công. Bệnh có nguy cơ gây tử vong xếp thứ 3 trên thế giới, chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch.

    Nguyên nhân gây bệnh tai biến mạch máu não

    Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do người bệnh có tiền sử bị cao huyết áp, mắc bệnh đái tháo đường, các bệnh về tim mạch, mỡ máu… nhưng không được kiểm soát tốt. Đây là các nguyên nhân có nguy cơ cao làm tắc nghẽn mạch máu hoặc gây vỡ mạch máu dẫn đến cơn tai biến. Ngoài ra, những người thừa cân, béo phì hoặc người hút thuốc lá… cũng là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ.

    Các di chứng tai biến mạch máu não thường gặp

    Di chứng tai biến mạch máu não

    Tai biến mạch máu não là bệnh gây tổn thương não bộ. Do đó, sau cơn tai biến, người bệnh có thể gặp các di chứng nặng nề như:

    • Liệt vận động: Người bệnh có thể bị liệt tay, chân hoặc liệt nửa người, toàn thân. Di chứng này được xem là nặng nề nhất và gây ra nhiều vấn đề cho người bệnh như hạn chế vận động, thậm chí phải nằm một chỗ, phụ thuộc vào sự chăm sóc từ người khác nên dễ dẫn đến tâm lý tự ti, chán nản.
    • Mất khả năng ngôn ngữ: Sau cơn tai biến, do vùng não phụ trách chức năng ngôn ngữ có thể bị tổn thương nên người bệnh thường bị mất khả năng ngôn ngữ trong một thời gian dài. Lúc này, người bệnh sẽ không nói được hoặc nói ngọng, nói lắp… Quá trình phục hồi chức năng ngôn ngữ cần nhiều thời gian, sự hỗ trợ nhiệt tình của người thân cộng với sự kiên trì của người bệnh trong việc thường xuyên thực hiện các hoạt động giao tiếp.
    • Rối loạn nhận thức: Một di chứng tai biến mạch máu não khác mà bệnh nhân có thể gặp phải là mất trí nhớ và suy giảm khả năng nhận thức về mọi vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người bệnh cần khoảng thời gian rất dài mới có thể phục hồi sức khỏe nhưng vẫn không thể làm những công việc yêu cầu tư duy, có mức độ phức tạp nhiều như trước.
    • Rối loạn thị giác: Khi bị cơn tai biến tấn công, nhiều người bệnh có dấu hiệu mờ một bên hoặc cả hai bên mắt. Đây là dấu hiệu cảnh báo di chứng rối loạn thị giác mà người bệnh có thể gặp phải.
    • Rối loạn cơ tròn: Người bệnh tai biến có thể bị chứng tiểu tiện không tự chủ. Di chứng tai biến mạch máu não này khiến người chăm sóc phải chú ý khâu vệ sinh, tránh các vấn đề như viêm đường tiết niệu…

    Các bài tập giúp cải thiện di chứng tai biến mạch máu não

    Liệt vận động là một trong những di chứng thường gặp nhất sau tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, các bài tập phục hồi chức năng có thể mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân trong việc cải thiện khả năng vận động. Bạn cần lưu ý những điều sau để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong khi thực hiện các bài tập này:

    • Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi cho người bệnh tập các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến.
    • Đối với bệnh nhân liệt bán thân: Bạn luôn đứng ở bên phần cơ thể bị yếu của người bệnh để có thể dễ dàng hỗ trợ khi cần thiết, tránh để bệnh nhân té ngã.
    • Khi tập, luôn để bệnh nhân đứng cạnh một vật nào đó như bàn, tường, thanh vịn… để họ có thể vịn đỡ khi cần thiết.
    • Nếu người bệnh tỏ ra đau, khó chịu… hãy dừng lại và trao đổi với bác sĩ.

    Những bài tập mà bạn có thể tham khảo, bao gồm:

    Bài tập 1: Đứng thẳng, giữ thăng bằng

    Sau cơn tai biến mạch máu não, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp của bệnh nhân thường sẽ bị mất đi. Điều này làm ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của họ. Do đó, các bài tập đứng và giữ thăng bằng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh có thể phục hồi chức năng và cải thiện di chứng tai biến mạch máu não hiệu quả.

    Động tác 1: Động tác đứng thẳng, thăng bằng

    Nếu bệnh nhân còn yếu, bạn hãy đỡ họ đứng thẳng, cân xứng, trọng lượng cơ thể chia đều lên hai chân và giữ thăng bằng.

    Động tác 2: Động tác đứng thẳng thăng bằng và dồn trọng lượng cơ thể lên một chân

    bài tập phục hồi di chứng sau tai biến

    Bạn hỗ trợ người bệnh đứng thẳng, mắt nhìn về phía trước. Hãy hướng dẫn họ dồn trọng lượng cơ thể lên một bên chân. Sau đó, hướng dẫn họ từ từ đưa chân kia sang ngang, nâng lên cao dần. Cố gắng giữ tư thế này trong 10 giây (nếu có thể). Sau đó, từ từ hạ chân xuống, lặp lại động tác này vài lần và thực hiện tương tự với chân bên kia.

    Động tác 3: Động tác đứng thẳng, giữ thăng bằng, nâng cao đầu gối có hỗ trợ

    bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Bạn chỉ nên hướng dẫn bệnh nhân thực hiện động tác tiếp theo khi họ đã thành thạo hai động tác trước.

    Ở động tác này, người bệnh thực hiện động tác 1 (đứng thẳng, thăng bằng) với một tay được tựa lên mặt phẳng để hỗ trợ. Hãy hướng dẫn người bệnh dồn trọng lượng cơ thể lên một chân. Từ từ co gối chân còn lại và nhấc chân lên. Cố gắng giữ tư thế này trong 10 giây rồi hạ chân xuống một cách từ từ. Đổi chân và lặp lại động tác này.

    Động tác 4: Động tác đứng và thăng bằng, duỗi chân ra sau có hỗ trợ

    Bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Bạn hướng dẫn người bệnh thực hiện động tác 1 (đứng thẳng, thăng bằng) với một tay được tựa lên mặt phẳng để hỗ trợ. Dồn trọng lượng cơ thể lên một chân. Đưa chân còn lại ra phía sau càng xa càng tốt, hãy cố gắng giữ hai chân thẳng. Nếu có thể, bạn duy trì động tác này trong 10 giây rồi mới thu chân về từ từ. Đổi chân và lặp lại động tác này.

    Các động tác đứng thẳng, giữ thăng bằng giúp tăng cường sức mạnh cơ hông, cải thiện sự cân bằng nên có thể giúp chân của bệnh nhân nhanh chóng hoạt động lại bình thường.

    Bài tập 2: Động tác bắc cầu

    Thông thường, hông và các nhóm cơ quan trọng trên cơ thể sẽ trở nên yếu đi sau cơn tai biến. Động tác bắc cầu là một trong các bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não giúp tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ này.

    Động tác 1: Động tác bắc cầu cơ bản

    Để thực hiện động tác này, bạn hướng dẫn người bệnh nằm xuống. Sau đó, bạn đặt một chiếc gối hoặc khăn cuộn dưới khớp gối người bệnh. Yêu cầu người bệnh ấn mặt sau của đầu gối vào gối hoặc cuộn khăn để nhấc gót chân lên khỏi sàn.

    Bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Động tác 2: Động tác cầu nối trung gian

    Cho người bệnh dựa vào một bức tường, chân cách tường 20 – 30 cm. Dựa lưng và vai vào tường, từ từ đẩy đầu gối về phía trước để hạ thấp phần thân trên. Nếu có thể, hãy giữ tư thế này trong 10 giây. Sau đó, bạn từ từ đẩy thân trên về vị trí ban đầu trong khi lưng, vai vẫn dựa vào tường.

    Bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Động tác 3: Động tác cầu nối nâng cao: Trượt với bóng Pilates

    Động tác này thực hiện tương tự như động tác 2 nhưng thay vì để người bệnh dựa vào tường, bạn đặt một quả bóng Pilates vào giữa người bệnh và bức tường. Hướng dẫn người bệnh từ từ đẩy gối ra trước để hạ thấp phần thân trên trong khi vẫn dùng lưng giữ bóng. Cố gắng giữ tư thế này trong 10 giây. Sau đó, bạn từ từ đẩy thân trên về vị trí ban đầu trong khi lưng vẫn giữ bóng.

    Bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Bài tập 3: Clams – Tập cơ hai bên đùi

    Nếu di chứng tai biến mạch máu não khiến chân bạn bị liệt, các bài tập cơ hai bên đùi (clams) có thể giúp cải thiện phần nào các di chứng này. Động tác clams tập trung vào việc xây dựng sức mạnh, sự phối hợp của chân, tăng khả năng vận động và giúp chân kiểm soát được các hoạt động.

    Động tác 1: Động tác tập cơ hai bên đùi cơ bản

    Bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Trước khi tập các động tác này, người bệnh cần phải kéo căng cơ bắp chân. Mục đích là để luyện tập sự phối hợp cho hai chân.

    Người bệnh ngồi thẳng, lòng bàn chân trái đạp lên khăn hoặc dây đàn hồi, hai tay nắm chặt hai đầu khăn hoặc dây. Hai tay từ từ kéo khăn/dây lên. Mục đích của động tác này là nhằm kéo căng cơ bắp chân. Sau đó, dùng sức từ từ đẩy chân ra, tiếp tục kéo căng cơ. Lặp lại động tác với chân còn lại.

    Động tác 2: Động tác clams mở hông

    Bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Khi người bệnh đã luyện tập được sự linh hoạt với động tác clams cơ bản, bạn nên cho người bệnh chuyển sang tập động tác clams tiếp theo.

    Người bệnh nằm nghiêng, đầu đặt trên một tay, hai đầu gối co lại. Giữ hai bàn chân sát nhau, trong khi đầu gối chân phía trên cố gắng đưa ra xa khỏi đầu gối kia. Giữ động tác này trong khoảng 10 giây (nếu có thể). Sau đó, từ từ hạ đầu gối xuống. Lưu ý là trong khi tập động tác này, bạn phải đảm bảo hông của người bệnh không bị đẩy ra phía sau.

    Động tác 3: Động tác clams nâng cao

    Bài tập phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

    Nếu người bệnh đã tập thành thạo các động tác clams kể trên mà không gặp khó khăn gì, bạn hãy để người bệnh thực hiện động tác này với cấp độ cao hơn.

    Người bệnh nằm nghiêng, đầu đặt trên một tay, hai đầu gối co lại, giữ hai bàn chân sát nhau. Từ từ nâng cao đầu gối và chân phía trên lên (như hình). Cố gắng giữ tư thế này trong 10 giây. Lặp lại động tác vài lần và thực hiện tương tự với chân bên kia.

    Ngoài thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến, bệnh nhân cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa các di chứng tai biến mạch máu não cũng như nguy cơ tái phát đột quỵ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo