backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Mách bạn cách xử lý khi bị bỏng lưỡi để không bị nhiễm trùng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 05/09/2023

Mách bạn cách xử lý khi bị bỏng lưỡi để không bị nhiễm trùng

Tình trạng bỏng lưỡi tuy không quá nghiêm trọng nhưng có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu không biết cách sơ cứu. Vậy bạn nên làm gì khi bị bỏng lưỡi để giúp giảm nhẹ cảm giác đau đớn và khó chịu, phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng? 

Bạn có thể bị bỏng lưỡi nếu không kiểm tra và vô tình ăn hoặc uống phải thực phẩm/ thức uống quá nóng, chẳng hạn bạn có thể uống nước nóng bị bỏng lưỡi hoặc ăn đồ nóng bị bỏng lưỡi. Khi bị bỏng lưỡi, bạn cần có cách sơ cứu hợp lý để vết thương bớt đau và không nhiễm trùng. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem khi bỏng lưỡi nên làm gì và đâu là cách chữa bỏng lưỡi hiệu quả nhé!

Bỏng lưỡi hay phỏng lưỡi là gì?

bỏng lưỡi

Bỏng lưỡi, bỏng miệng, hay phỏng miệng là một tình trạng phổ biến xảy ra sau khi bạn ăn hoặc uống thứ gì đó quá nóng. Tình trạng bỏng lưỡi có thể gây đau đớn, khó chịu, một số trường hợp bạn có thể bị bỏng lưỡi mất vị giác nhưng cũng sẽ lành theo thời gian. Bạn có thể áp dụng các cách sơ cứu các vết bỏng thông thường nếu bị bỏng lưỡi. Tuy nhiên, bạn hãy đến bác sĩ ngay nếu bị bỏng quá nặng.

Một số trường hợp lưỡi có thể bỏng rát hay rát lưỡi như bị bỏng nước sôi dù bạn không ăn uống đồ nóng. Tình trạng này được gọi là hội chứng miệng bỏng rát. Đây là hội chứng khiến miệng liên tục bị rát mà không rõ nguyên nhân. Một số tình trạng sức khỏe khác có thể dẫn đến các triệu chứng giống hội chứng miệng bỏng rát là:

  • Khô miệng 
  • Nghiến răng
  • Lưỡi bản đồ
  • Đeo răng giả
  • Thiếu vitamin
  • Bệnh tưa miệng
  • Liken phẳng ở miệng
  • Chấn thương ở miệng
  • Phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm
  • Dùng một số loại thuốc như thuốc huyết áp cao
  • Các chứng rối loạn nội tiết như tiểu đường hay suy giáp
  • Mất cân bằng nội tiết tố
  • Axit dạ dày trào ngược lên miệng do một số bệnh như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Đánh răng quá mạnh, sử dụng nước súc miệng quá thường xuyên và các thói quen chăm sóc răng miệng không lành mạnh khác.

Nguyên nhân gây bỏng lưỡi

bỏng lưỡi

Bạn có thể bị bỏng lưỡi (phỏng lưỡi), miệng hoặc môi nếu vô tình ăn uống thực phẩm quá nóng. Việc thường xuyên ăn uống đồ nóng mà không kiểm tra nhiệt độ trước sẽ khiến bạn có nguy cơ bị bỏng lưỡi cao hơn.

Tuy nhiên trường hợp mắc hội chứng miệng bỏng rát lại không có lý do rõ ràng. Lý do có thể do các dây thần kinh của miệng có vấn đề. Tuy nhiên, yếu tố do di truyền và môi trường cũng có thể liên quan. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng, lo lắng và trầm cảm có thể khiến các triệu chứng của hội chứng miệng bỏng rát trở nên tồi tệ hơn.

Triệu chứng bị bỏng lưỡi

bỏng lưỡi

Triệu chứng bỏng lưỡi khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. Thường vết bỏng lưỡi được chia làm 3 cấp độ:

  • Bỏng lưỡi độ một: Vết bỏng chỉ ảnh hưởng tới lớp ngoài cùng của lưỡi. Bạn có thể cảm thấy đau cũng như bị đỏ và sưng ở lưỡi.
  • Bỏng lưỡi độ hai: Trường hợp này thường đau hơn vì cả lớp ngoài cùng và lớp dưới của lưỡi đều bị tổn thương. Lưỡi cũng có thể bị phồng rộp, đỏ và sưng.
  • Bỏng lưỡi độ ba: Phỏng lưỡi độ ba ảnh hưởng đến các mô sâu nhất của lưỡi. Khi này, lưỡi sẽ đổi màu trắng hoặc đen. Bạn cũng có thể bị mất cảm giác hoặc bị đau ở lưỡi.

Khi lưỡi bị đỏ hoặc sưng do bỏng, các gai lưỡi hay còn gọi là nhú lưỡi có thể biến mất. Điều này có thể khiến lưỡi mịn hơn chứ không có nhiều hạt nhỏ li ti trên bề mặt như bình thường.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa theo các dấu hiệu bỏng lưỡi có thể quan sát là lưỡi đỏ, sưng và phồng rộp. Những dấu hiệu này sẽ giúp bác sĩ xác định được độ nghiêm trọng của vết bỏng và có cách điều trị phù hợp.

Nếu có cảm giác bỏng rát ở lưỡi do hội chứng miệng bỏng rát, bạn còn có thêm các triệu chứng như:

  • Miệng có vị kim loại hoặc đắng
  • Sự nóng rát, tê và ngứa ran lặp lại hằng ngày
  • Cảm giác khô miệng dù trong miệng vẫn có đủ nước bọt bình thường
  • Cảm giác khó chịu nhẹ ở lưỡi vào buổi sáng và cảm giác này tăng dần trong ngày

Bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán bệnh nếu có những triệu chứng trên. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra các thói quen chăm sóc răng miệng không tốt cũng như loại trừ những bệnh có triệu chứng tương tự để chẩn đoán hội chứng miệng bỏng rát.

Biến chứng khi bị bỏng lưỡi

Nhiều bạn khi bị phỏng lười thường thắc mắc bỏng lưỡi thì làm gì cho bớt khó chịu, nhanh lành? Câu trả lời là những trường hợp bỏng lưỡi nghiêm trọng nếu không được chữa trị đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng. Vậy nên nếu bị phỏng lưỡi cấp độ hai và độ ba, bạn cần đến bác sĩ ngay để chữa trị kịp thời.

Bỏng lưỡi cũng có thể ảnh hưởng vị giác, dẫn đến việc mất vị giác. Tuy nhiên, bị bỏng lưỡi mất vị giác chỉ là một biến chứng tạm thời vì nụ vị giác thường tự tái tạo sau mỗi hai tuần nếu bạn không bị bỏng quá nặng.

Bị bỏng lưỡi nên làm gì?

bỏng lưỡi

Khi bị bỏng lưỡi thì làm gì hay phỏng lưỡi nên làm gì, cách chữa bỏng lưỡi là như thế nào? Khi bị bỏng lưỡi, trước tiên, bạn cần sơ cứu vết bỏng để giảm nhẹ sự đau đớn và ngừa biến chứng. Để tránh nhiễm trùng và giảm đau khi bị bỏng lưỡi cấp độ một, bạn có thể thực hiện các cách sơ cứu sau:

  • Ngậm đá bào hoặc kem que để làm dịu cơn đau.
  • Uống nước và súc miệng với nước mát trong vài phút.
  • Thử ngậm một ít đường hoặc mật ong lên lưỡi để giảm đau.
  • Tránh ăn hoặc uống các chất lỏng ấm nóng để không gây kích ứng vết bỏng.
  • Uống acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) để giảm đau và viêm.

Trường hợp bị hội chứng miệng bỏng rát, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp tương tự để giảm đau. Nếu bị bỏng lưỡi tới độ hai hay độ ba, bạn cần đến bác sĩ ngay.

Tình trạng bỏng lưỡi có thể lành trong khoảng 2 tuần hoặc ít hơn. Tuy nhiên, đôi khi vết bỏng có thể kéo dài đến 6 tuần tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.

Bạn hãy đến ​​bác sĩ hoặc nha sĩ nếu vết bỏng không cải thiện hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng. Dấu hiệu nhiễm trùng do bỏng lưỡi có thể gồm:

  • Sốt
  • Vết phỏng có mủ
  • Lưỡi sưng
  • Lưỡi đỏ hơn
  • Cơn đau tăng
  • Lưỡi không lành

Ngoài việc đi tìm câu trả lời cho phỏng lưỡi nên làm gì, bạn cũng nên ngăn ngừa nguy cơ phỏng lưỡi bằng cách kiểm tra nhiệt độ đồ ăn, thức uống trước khi dùng. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn dùng đồ uống hoặc thực phẩm sau khi hâm nóng trong lò vi sóng vì những món này có thể không nóng đều.

Việc áp dụng các cách sơ cứu vết bỏng thông thường như chườm lạnh hay uống thuốc giảm đau có thể giúp ích khi bạn bị bỏng lưỡi. Tuy nhiên nếu bị bỏng quá nặng hay vết bỏng không lành, bạn hãy đến bác sĩ ngay để được chữa trị đúng cách nhé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 05/09/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo