backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 12/04/2021

    Đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?

    “Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?” là câu hỏi của không ít bệnh nhân khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình mắc căn bệnh này. Nguyên do là họ không hiểu rõ suy giáp là gì, tình trạng này có thể gia tăng những nguy hiểm nào cho sức khỏe.  

    Suy giáp là thuật ngữ để chỉ tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, không sản xuất đủ một số hormone quan trọng cho cơ thể hoạt động. Thực tế, suy giáp làm rối loạn cân bằng phản ứng hóa học bình thường trong cơ thể bạn. Ở giai đoạn đầu, tình trạng suy giáp thường không gây ra các triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, suy giáp có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như béo phì, đau khớp, vô sinh, sinh con dị tật và bệnh tim…

    Các bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên các xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Suy giáp thường được điều trị bằng phương pháp bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp. Bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng biểu hiện của bệnh, mức độ thiếu hụt hormone tuyến giáp để tìm ra liều bổ sung phù hợp.

    Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?

    Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh suy giáp có thể tiến triển xấu và gây ra vô số biến chứng. Thế nên câu trả lời cho câu hỏi: “Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?” là “có”. Do đó, người bệnh suy giáp cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để quản lý chứng bệnh này thật tốt, ngăn ngừa các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Những biến chứng của bệnh suy giáp bao gồm:

    1. Khuyết tật khi sinh

    Nếu bạn đang mang thai và mắc chứng rối loạn tuyến giáp nhưng không được điều trị, con của bạn có nguy cơ bị khuyết tật bẩm sinh cao hơn trẻ được sinh ra từ các bà mẹ khỏe mạnh. Hormone tuyến giáp rất quan trọng trong quá trình phát triển của não bộ nên trẻ sinh ra từ những phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp không được điều trị có thể gặp phải các nguy cơ như:  

    • Có các vấn đề về phát triển tâm thần
    • Có vấn đề về thể chất

    Tin vui là nếu những vấn đề này được phát hiện và giải quyết ngay sau khi sinh, đứa trẻ có thể phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.

    2. Bướu cổ

    Khi tuyến giáp cố gắng tạo ra đủ lượng hormone để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, sự kích thích quá mức có thể khiến tuyến nội tiết này phình to. Điều này khiến bạn bị bướu cổ, có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống, gây mất thẩm mỹ.

    3. Bệnh tim

    Người bị suy giáp, dù là ở những dạng nhẹ nhất, cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tim. Khi tuyến giáp hoạt động kém sẽ gián tiếp làm tăng nồng độ cholesterol xấu khiến người bệnh có nguy cơ bị các bệnh tim mạch. Việc có quá nhiều cholesterol xấu có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, xơ cứng động mạch… làm tăng nguy cơ đau timtai biến mạch máu não (đột quỵ).  

    Tình trạng suy giáp cũng có thể khiến dịch tích tụ xung quanh tim. Điều này làm gia tăng nguy cơ tràn dịch màng ngoài tim, có thể khiến việc bơm máu của tim trở nên khó khăn.

    4. Vô sinh

    Nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng. Điều này vô tình làm giảm khả năng thụ thai của phụ nữ. Ngay cả khi được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp cũng không thể đảm bảo phụ nữ bị suy giáp có thể sinh con bình thường được.

    5. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần

    Suy giáp không được điều trị có thể gây ra các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần khiến người bị suy giáp nhẹ có thể bị trầm cảm nhẹ. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, các triệu chứng của suy giáp có nguy cơ tiến triển xấu. Điều này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tinh thần của người bệnh. Tình trạng này có thể khiến chứng trầm cảm trở nên nặng hơn.

    Ngoài ra, suy giáp không được điều trị có liên quan đến việc giảm dần chức năng tâm thần.

    6. Phù niêm

    Phù niêm xảy ra khi bệnh suy giáp tiến triển rất nặng trong một thời gian dài mà không được điều trị. Biến chứng này thường gây đe dọa tính mạng nhưng may mắn là rất hiếm khi xảy ra.

    Tình trạng phù niêm có thể làm chậm quá trình trao đổi chất đến mức khiến người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê.

    Nếu người bệnh suy giáp có các triệu chứng như mệt mỏi quá mức hoặc không chịu được lạnh, hãy đến các cơ sở y tế ngay lập tức.

    Bệnh suy giáp có chữa được không?

    Bệnh nhân bị suy giáp thường phải bổ sung hormone thay thế levothyroxin hàng ngày để tuyến giáp được ổn định. Bác sĩ sẽ căn cứ vào các kết quả xét nghiệm để biết mức độ thiếu hụt hormone tuyến giáp của bệnh nhân và đưa ra chỉ định liều dùng phù hợp nhất. Do đó, bệnh suy giáp là hoàn toàn có thể điều trị được.

    Lưu ý là bệnh suy giáp cần được điều trị sớm nhằm ngăn ngừa các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe kể trên. Do đó, nếu nhận thấy có các dấu hiệu cảnh báo sau, bạn nên đi khám sớm:

    • Mệt mỏi
    • Táo bón
    • Da khô
    • Tăng cân
    Bệnh suy giáp có nguy hiểm không
    Tình trạng tăng cân bất thường cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy giáp
    • Mặt sưng
    • Khàn tiếng
    • Yếu cơ
    • Nồng độ cholesterol trong máu cao
    • Đau cơ, đau và cứng khớp
    • Đau, cứng khớp hoặc sưng khớp
    • Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường hoặc chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường
    • Tóc rụng, mái tóc mỏng dần
    • Nhịp tim chậm lại
    • Lo lắng, phiền muộn
    • Suy giảm trí nhớ…

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 12/04/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo