backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Liệu người trẻ có thể mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    Liệu người trẻ có thể mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer?

    Bệnh mất trí nhớ Alzheimer không chỉ là bệnh của tuổi già mà những người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, nhiều người khởi phát bệnh sớm ở độ tuổi chỉ mới 40 và 50. Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 200.000 người khởi phát sớm tình trạng này.

    Alzheimer là tình trạng sa sút trí tuệ tiến triển trầm trọng hơn theo thời gian. Người bệnh có thể lú lẫn, đi lạc, gặp khó khăn trong khả năng nói và viết. Hậu quả của tình trạng này có thể rất nguy hiểm, ví dụ khi bị lú lẫn, người bệnh sẽ không biết những đồ độc hại nên có thể ăn gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.

    Hiện nay, bệnh mất trí nhớ Alzheimer có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đối với những người trẻ đang hừng hực sức sống, có công việc ổn định, là trụ cột tài chính cho cả gia đình, thể chất khỏe mạnh thì khi chẩn đoán mắc bệnh này, họ sẽ rất khó chấp nhận sự thật.

    Nguyên nhân khởi phát sớm bệnh Alzheimer ở người trẻ tuổi

    Các bác sĩ vẫn chưa lý giải được nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp bệnh mất trí nhớ Alzheimer khởi phát sớm. Nhưng các nhà khoa học đã xác định một số gen hiếm gặp trực tiếp gây ra bệnh ở vài trăm gia đình trên thế giới.

    Những người thừa hưởng những gen hiếm gặp này có xu hướng phát triển các triệu chứng của bệnh ở độ tuổi khá trẻ 30, 40 và 50. Nếu bệnh Alzheimer do gen gây ra, những thành viên gia đình trong nhiều thế hệ sẽ bị ảnh hưởng.

    Chẩn đoán bệnh mất trí nhớ Alzheimer ở người trẻ tuổi

    Việc chẩn đoán chính xác bệnh Alzheimer khởi phát sớm có thể là một quá trình lâu dài và mệt mỏi, nhưng lại hết sức quan trọng và cần thiết. Đôi khi các triệu chứng biểu hiện không chính xác do tâm lý căng thẳng hoặc mỗi bác sĩ đưa ra kết luận khác nhau.

    Bệnh mất trí nhớ Alzheimer

    Quá trình chẩn đoán có thể bao gồm:

    • Bệnh sử chi tiết của người muốn chẩn đoán và người thân. Điều này giúp xác định các triệu chứng diễn ra chậm hay đột ngột và tác động của bệnh đến cuộc sống của người bị ảnh hưởng.
    • Đánh giá nhận thức hoặc xét nghiệm tâm thần kinh để kiểm tra khả năng ghi nhớ, đọc, hiểu, phán đoán vì những khả năng này bị ảnh hưởng bởi chứng mất trí nhớ. Đôi lúc, khả năng không nhớ được tên người mới gặp cũng có thể liên hệ với bệnh Alzheimer.
    • Đánh giá tâm thần để xác định các rối loạn có thể điều trị như trầm cảm và quản lý những triệu chứng tâm thần như lo lắng hoặc ảo tưởng.
    • Xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X-quang, MRI, CT.
    • Kiểm tra thể chất và thần kinh toàn diện để phân loại chứng mất trí nhớ cũng như xác định các bệnh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất trí nhớ.

    Vấn đề thường gặp ở người khởi phát sớm bệnh mất trí nhớ Alzheimer

    Đối với bệnh mất trí nhớ Alzheimer ở người trẻ tuổi, một số vấn đề có thể phát sinh và khiến bạn gặp khó khăn, chẳng hạn như:

    • Mất mát từ vấn đề kinh tế đến tinh thần: Nếu người mắc bệnh đang có công việc và thu nhập ổn định, họ có thể mất việc dẫn đến mất nguồn thu nhập chính. Họ cũng có thể mất lòng tự trọng và mất mục đích trong cuộc sống. Các kế hoạch như du lịch hoặc chăm sóc, nuôi dạy con cái không còn được quan tâm.
    • Thay đổi vai trò: Vợ/chồng của bệnh nhân phải lo hết các công việc trong gia đình từ việc chăm sóc người bệnh, nuôi dạy con cái đến kiếm tiền và quản lý chi tiêu…
    • Rơi vào trạng thái bị cô lập: Khi chứng mất trí nhớ tiến triển, các mối quan hệ có thể cũng không còn. Do đó, người bệnh giống như bị cô lập dần.
    • Gia đình: Con cái có thể phản ứng mạnh, buồn bã khi biết bố/mẹ bị bệnh. Trong quá trình trưởng thành, trẻ phải đối mặt với chuyện người thân bị bệnh và có khi phải đảm nhận vai trò là người chăm sóc bố/mẹ. Người trẻ bị bệnh thường gặp vấn đề với bố mẹ mình vì không muốn bố mẹ lo lắng, sợ bố mẹ buồn hoặc trở thành gánh nặng của họ.

    Nếu có các triệu chứng như suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, gặp khó khăn khi hoàn thành công việc ở nhà và công ty, lẫn lộn về thời gian và nơi chốn, phát sinh khó khăn về việc sử dụng ngôn ngữ khi nói hoặc viết…, bạn có thể đến những bệnh viện có khoa nội thần kinh để khám và điều trị bệnh sớm. Tuy bệnh Alzheimer là không thể chữa khỏi, nhưng các bác sĩ sẽ cho bạn một số loại thuốc để làm chậm tiến triển của bệnh.

    Phương Uyên/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo