backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu sự khác nhau giữa chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân · Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


Ngày cập nhật: 22/01/2020

    Tìm hiểu sự khác nhau giữa chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer

    Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer không giống nhau. Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, các hoạt động hàng ngày và khả năng giao tiếp. Còn bệnh Alzheimer là loại phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ. Bệnh Alzheimer sẽ nặng dần theo thời gian và ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ và suy nghĩ.

    Những người trẻ tuổi có thể mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi bạn già đi. Tuy nhiên, bệnh này không phải là một phần của quá trình lão hóa bình thường.

    Mặc dù các triệu chứng của sa sút trí tuệ và Alzheimer có thể giống nhau, nhưng việc phân biệt đúng là rất quan trọng đối với việc kiểm soát và điều trị. Dưới đây là những thông tin hữu ích nhằm giúp bạn có thể phân biệt tốt hai tình trạng này.

    Sa sút trí tuệ

    Sa sút trí tuệ là hội chứng, không phải bệnh. Hội chứng là một nhóm các triệu chứng không có chẩn đoán xác định. Sa sút trí tuệ gồm một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức như trí nhớ và lý luận. Chứng sa sút trí tuệ là từ dùng chung cho nhiều tình trạng khác nhau, trong đó bệnh Alzheimer thuộc dạng phổ biến nhất.

    Một người có thể mắc nhiều hơn 1 chứng sa sút trí tuệ hay được gọi là chứng sa sút trí tuệ hỗn hợp. Thông thường, những bệnh nhân này có nhiều nguyên nhân góp phần vào bệnh. Chẩn đoán sa sút trí tuệ hỗn hợp chỉ có thể được xác nhận trong khám nghiệm tử thi.

    Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, nó tác động rất lớn đến khả năng hoạt động độc lập. Đó là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật cho người lớn tuổi và đặt gánh nặng tâm lý cũng như tài chính lên gia đình và người chăm sóc.

    Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra số liệu khoảng 47,5 triệu người trên khắp thế giới đang sống chung với chứng sa sút trí tuệ.

    Triệu chứng sa sút trí tuệ

    Triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ thường không được chú ý, thường bắt đầu với triệu chứng quên; khi nặng hơn, sẽ quên thời gian và đường đi.

    Triệu chứng rõ ràng của sa sút trí tuệ là thường lặp lại một câu hỏi, không còn giữ vệ sinh cá nhân và không thể ra quyết định.

    Nặng hơn là không thể tự chăm sóc bản thân, quên tên và khuôn mặt người thân. Thay đổi hành vi, có thể hung hăng hoặc trầm cảm.

    Nguyên nhân của sa sút trí tuệ

    Chúng ta có nhiều khả năng bị sa sút trí tuệ khi già đi. Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến sa sút trí tuệ bao gồm các bệnh thoái hóa như Alzheimer, Parkinson và Huntington. Bệnh Alzheimer gây ra khoảng 50–70% các trường hợp sa sút trí tuệ.

    Một số nguyên nhân khác như:

    • Nhiễm trùng, chẳng hạn như HIV
    • Bệnh mạch máu
    • Đột quỵ
    • Trầm cảm
    • Thuốc

    Bệnh Alzheimer

    Chứng sa sút trí tuệ là thuật ngữ áp dụng cho một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ. Tuy nhiên, Alzheimer là một bệnh tiến triển gây suy giảm chức năng trí nhớ và nhận thức dần dần. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được tìm ra và không có cách nào chữa trị khỏi.

    Viện sức khỏe Quốc gia ước tính rằng hơn 5 triệu người ở Hoa Kỳ mắc bệnh Alzheimer. Mặc dù những người trẻ tuổi vẫn có thể bị bệnh nhưng các triệu chứng thường bắt đầu sau tuổi 60.

    Ở những người trên 80 tuổi, thời gian lúc chẩn đoán đến khi qua đời thường dưới 3 năm. Tuy nhiên, ở những người trẻ tuổi hơn, thời gian này có thể lâu hơn.

    Ảnh hưởng của bệnh Alzheimer đến não

    Trước khi các triệu chứng xuất hiện, não bộ đã chịu tổn thương qua nhiều năm. Các protein bất thường tạo thành mảng hoặc đám rối trong não của người bị bệnh Alzheimer, từ đó khiến kết nối giữa các tế bào bị mất và bắt đầu chết. Những trường hợp nặng, người bệnh còn bị teo não đáng kể. Chỉ có thể chẩn đoán xác định khi kiểm tra não dưới kính hiển vi trong khi khám nghiệm tử thi. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn có thể chẩn đoán chính xác trên lâm sàng tới 90%.

    Các triệu chứng của bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ

    Các triệu chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer có thể trùng lặp nhưng vẫn có một số khác biệt.

    Cả hai tình trạng có thể gây ra:

    • Suy giảm khả năng suy nghĩ
    • Suy giảm trí nhớ
    • Suy giảm khả năng giao tiếp

    Các triệu chứng của bệnh Alzheimer bao gồm:

    • Gặp khó khăn khi nhớ các sự kiện hoặc cuộc hội thoại xảy ra gần đây
    • Lãnh đạm
    • Trầm cảm
    • Mất phương hướng
    • Giảm khả năng phán đoán
    • Thay đổi hành vi
    • Gặp khó khăn nói, nuốt hoặc đi trong giai đoạn nặng của bệnh.

    Một số thể bệnh của sa sút trí tuệ sẽ có chung một số triệu chứng trên, nhưng chúng vẫn có những đặc điểm khác để có thể phân biệt. Ví dụ sa sút trí tuệ thể lewy (LBD) có nhiều triệu chứng tương tự như bệnh Alzheimer giai đoạn nặng.

    Tuy nhiên, những người bị bệnh LBD có nhiều khả năng gặp các triệu chứng ban đầu như ảo giác thị giác, khó khăn để giữ cân bằng và rối loạn giấc ngủ.

    Những người mắc chứng suy giảm trí tuệ do bệnh Parkinson hoặc bệnh Huntington dễ có sự cử động không chủ ý trong giai đoạn đầu của bệnh.

    Điều trị chứng suy giảm trí tuệ và bệnh Alzheimer

    Điều trị chứng suy giảm trí tuệ thường tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác và loại chứng suy giảm, nhưng nhiều phương pháp điều trị sẽ có phần giống nhau.

    Điều trị bệnh Alzheimer

    Không có cách nào để chữa Alzheimer, nhưng các lựa chọn để giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh bao gồm:

    • Thuốc cho tình trạng rối loạn hành vi, chẳng hạn như thuốc giảm loạn tinh thần.
    • Thuốc cho bệnh giảm trí nhớ, bao gồm thuốc ức chế cholinesterase donepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon) và memantine (Namenda).
    • Các biện pháp thay thế nhằm tăng cường chức năng não hoặc sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như dầu dừa hoặc dầu cá.
    • Thuốc cho hành vi thay đổi giấc ngủ.
    • Thuốc trị trầm cảm.

    Điều trị chứng sa sút trí tuệ

    Trong một số trường hợp, điều trị nguyên nhân gây bệnh sẽ có thể mang lại hữu ích. Các tình trạng có khả năng đáp ứng với điều trị bao gồm sa sút trí tuệ do:

    • Thuốc
    • Khối u
    • Rối loạn chuyển hóa

    Trong hầu hết các trường hợp, chứng sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nhiều dạng bệnh vẫn có khả năng được cải thiện. Sử dụng đúng thuốc giúp kiểm soát bệnh và phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân.

    Ví dụ, các bác sĩ thường điều trị chứng suy giảm trí tuệ do bệnh Parkinson và LBD với các chất ức chế cholinesterase mà họ cũng thường dùng để điều trị bệnh Alzheimer.

    Điều trị sa sút trí tuệ do mạch máu sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa tổn thương thêm cho mạch máu não và ngăn ngừa đột quỵ.

    Triển vọng cho những người mắc chứng suy giảm trí tuệ so với những bệnh nhân bị Alzheimer

    Triển vọng cho những người mắc sa sút trí tuệ hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Bệnh Alzheimer hiện không có phương pháp chữa trị nào. Thời gian của mỗi giai đoạn bệnh khác nhau. Một người bình thường được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer có tuổi thọ ước tính khoảng 4–8 năm sau khi xác định, nhưng một số người có thể sống với bệnh đến 20 năm.

    Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn lo lắng bản thân có các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer. Bắt đầu điều trị kịp thời có thể giúp bạn quản lý các triệu chứng tốt hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân

    Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


    Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo