backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những sự thật về lưỡi bạn nên nghe qua ít nhất một lần

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 24/05/2021

    Những sự thật về lưỡi bạn nên nghe qua ít nhất một lần

    Bạn đã biết những điều diệu kỳ về lưỡi? Lưỡi không chỉ giúp con người nếm mùi vị mà còn tiết lộ tình trạng sức khỏe của cơ thể nữa đấy. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng sự thật thì không thể chối cãi được.

    Tuy lưỡi chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên vì nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thông báo tình trạng sức khỏe của con người. Hello Bacsi xin chia sẻ đến bạn tất tần tật những sự thật về lưỡi mà bạn không nên bỏ qua.

    Lưỡi có màu đen

    Nghe có vẻ nguy hiểm nhưng thực chất tình trạng này vô hại. Có nhiều nguyên nhân khiến lưỡi bạn bị đen bao gồm vệ sinh răng miệng kém, nhiễm nấm men, tiểu đường và trị liệu ung thư. Ngoài ra, thói quen uống cà phê, hút thuốc và ăn uống không lành mạnh cũng góp phần gây nên tình trạng này.

    Sự tích tụ các tế bào da chết trên lưỡi là nguyên nhân chính làm lưỡi bị đen và gây nên hôi miệng. Vì thế, bạn không cần quá lo lắng và đến bác sĩ thăm khám bệnh, chỉ cần bạn luôn giữ vệ sinh răng miệng cẩn thận bằng cách thường xuyên đánh răng kết hợp với làm sạch lưỡi, mọi vấn đề sẽ được xử lý.

    Lưỡi có màu đỏ

    Nếu lưỡi của bạn có màu đỏ tươi như quả dâu tây và hơi sưng, nó có thể báo hiệu cơ thể bạn đang bị nóng. Sự thiếu hụt axit folic, vitamin và sắt là nguyên nhân chính khiến lưỡi bị đỏ và sưng tấy.

    Mặt khác, tình trạng này cũng là biểu hiện bạn đang phải đối mặt với viêm họng hoặc sốt. Thiếu vitamin bao gồm thiếu sắt, vitamin B12 và B3 cũng là nguyên nhân khiến lưỡi có màu đỏ. Do đó, bạn hãy bổ sung các vitamin này đầy đủ trong chế độ ăn uống hàng ngày của mình nhé.

    Lưỡi có màu trắng

    Nếu những mảng trắng trên lưỡi có màu trắng sữa hoặc giống phô mai, rất có thể bạn đang gặp tình trạng mất nước, viêm miệng hoặc nấm men nhiễm trùng. Nguyên nhân thường là do sự tăng trưởng quá mức của nấm men candida trên bề mặt lưỡi gây nên, thường thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tự miễn dịch.

    Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy thử đánh răng và làm sạch lưỡi thường xuyên trong một tuần để xem liệu đây có phải là vấn đề vệ sinh răng miệng hay không? Nếu các mảng trắng bám trên lưỡi vẫn không hết, nguyên nhân của chúng chắc chắn là do sự tăng trưởng của nấm candida. Tình trạng này có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên uống nhiều nước và giữ vệ sinh răng miệng tốt nhé.

    Lưỡi có những điểm màu trắng và màu đỏ đều nhau

    Đây là trường hợp khá phổ biến và hoàn toàn bình thường, bạn không cần phải tốn công sức điều trị. Những chỗ đỏ và trắng trên lưỡi chỉ đơn giản cho thấy bộ phận cảm nhận vị giác của lưỡi đang ngày càng tệ đi. Nhưng may mắn thay, lưỡi có khả năng tự khôi phục lại vị giác nên bạn cũng đừng quá lo lắng.

    Lưỡi có màu nâu

    Hút thuốc và uống rượu bia là thủ phạm chính khiến lưỡi có màu nâu. Lưỡi màu nâu khiến hơi thở bạn có mùi khó chịu khi giao tiếp. Để tránh tình trạng này, bạn cần hạn chế hút thuốc và sử dụng rượu bia, đồng thời bạn nên sử dụng bàn chải đánh răng để làm sạch các mảng bám trên lưỡi.

    Lưỡi có các nốt sần màu trắng hình mạng lưới hoặc bị loét

    Đây có thể là một dấu hiệu của chứng viêm mãn tính tự miễn dịch gọi là bệnh Liken phẳng ở miệng do hệ thống miễn dịch phải hoạt động để bảo vệ miệng bạn khỏi các vi khuẩn tấn công vào niêm mạc miệng gây nên.

    Bạn cần giữ vệ sinh miệng thật sạch sẽ để giảm các triệu chứng của bệnh và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách chải răng nhẹ nhàng ít nhất hai lần một ngày hoặc theo sự hướng dẫn của nha sĩ. Bên cạnh đó, bạn cần giảm bớt các loại thực phẩm có vị cay và có tính axit, hạn chế uống rượu bia và tránh hút thuốc vì chúng có thể kích thích hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

    Lưỡi có nhiều vết nhăn

    Điều này chỉ đơn giản xảy ra khi răng bạn vô tình cắn vào lưỡi nên không thể hiện gì về tình trạng sức khỏe tổng thể. Các vết nhăn này có thể nằm ở bất cứ nơi nào trên lưỡi như ở trung tâm, hai bên cạnh lưỡi và ở đầu lưỡi.

    Tuy thường vô hại nhưng vấn đề nghiêm trọng sẽ phát sinh nếu bạn vệ sinh răng miệng kém, dẫn đến nhiễm trùng trong các đường nứt. Bệnh có thể gây đau rát lưỡi, hơi thở có mùi hôi. Bạn có thể điều trị bệnh bằng thuốc kháng nấm tại chỗ và giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đặc biệt là vùng lưỡi.

    Những sự thật về lưỡi khi bị lở loét hoặc nổi mụn nước

    Lưỡi bị lở loét hoặc nổi mụn nước có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

    Nếu gặp trường hợp này, bạn hãy thử một số biện pháp khắc phục tại nhà như súc miệng bằng nước ấm với muối, nhai lá bạc hà, ăn thức ăn mềm và lạnh (như sữa chua). Bạn nên tránh các loại thực phẩm có mỡ, thực phẩm chiên… đồng thời kết hợp chăm sóc răng miệng của bạn cẩn thận.

    Nếu sau một thời gian, bạn đã chăm sóc răng miệng rất cẩn thận nhưng vết lở loét và mụn nước vẫn không hết và khiến bạn đau đớn thì đó có thể là dấu hiệu ung thư miệng – được xem là một trong những bệnh đứng thứ hai trên thế giới về độ nguy hiểm cũng như gây nguy cơ tử vong cao. Vì thế, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt nếu gặp các triệu chứng này nhé.

    Cảm giác nóng rát ở lưỡi

    Nếu không hợp và dị ứng với kem đánh răng, lưỡi bạn sẽ thường xuyên gặp tình trạng bỏng rát hoặc khó chịu. Trong một số trường hợp, cảm giác nóng rát xảy ra khi bạn đánh răng là do thay đổi nội tiết tố sau thời kỳ mãn kinh. Vì vậy, cách tốt nhất bạn thay đổi kem đánh răng hoặc gặp bác sĩ để được tư vấn.

    Chắc hẳn sau khi tìm hiểu những sự thật về lưỡi, bạn sẽ tò mò muốn biết tình trạng sức khỏe của mình như thế nào qua đặc điểm của chiếc lưỡi. Có thể nói, cách tốt nhất để nắm rõ các vấn đề sức khỏe là bạn nên kiểm tra lưỡi thường xuyên. Đồng thời, bạn cũng cần ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe răng miệng sao cho hiệu quả nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 24/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo