backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều cần làm trước và sau khi nhổ răng khôn

Tác giả: Bác sĩ - Thạc sĩ Nguyễn Thị Phòng · Nha khoa · Nha khoa DR.BEAM


Ngày cập nhật: 30/07/2020

    Những điều cần làm trước và sau khi nhổ răng khôn

    Nhổ răng khôn có lợi gì và quá trình hồi phục sau phẫu thuật nhổ bỏ chiếc răng này như thế nào?

    Rất nhiều người dù đã lớn tuổi vẫn phải nhổ bỏ răng khôn – răng hàm lớn thứ ba vì gây một số phiền toái. Có nhất thiết bạn phải loại bỏ chiếc răng này? Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ nó như thế nào? Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp ngay dưới đây.

    Tại sao chúng ta cần phải nhổ răng khôn?

    Mục đích của việc nhổ răng khôn là để giải quyết vấn đề răng miệng mà bạn đang gặp phải hoặc ngăn chặn những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai, bao gồm một số vấn đề sau:

    • Quai hàm của bạn có thể không đủ chỗ cho răng khôn phát triển, khiến chúng bị ảnh hưởng và không thể mọc xuyên qua nướu.
    • Răng khôn của bạn có thể mọc một phần qua nướu, tạo ra một vạt của mô nướu phủ một phần răng khôn. Các loại thức ăn và vi trùng có thể bị mắc kẹt dưới lớp nướu, nếu kéo dài sẽ xuất hiện những dấu hiệu của nhiễm trùng như nướu bị ửng đỏ, sưng và đau. Đặc biệt những tác động có thể phát triển theo chiều hướng xấu đi khi răng bị ảnh hưởng ví dụ như nhiễm trùng, làm tổn thương các răng khác và xương hàm hoặc gây u nang.
    • Một số răng khôn có thể phát triển theo những hướng không bình thường với phần trên của răng mọc hướng về phía trước, phía sau hoặc cả hai bên.

    Việc loại bỏ răng khôn thường mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự xuất hiện của các răng mọc lệch trong hàm cũng như giải quyết những răng khôn bị mắc kẹt trong xương hàm và không bao giờ mọc xuyên qua được nướu hoặc các trường hợp răng khôn mới mọc nhưng lại nằm dưới một lớp nướu (gây đỏ nướu, sưng và đau). Hơn thế nữa, vùng mọc răng khôn có thể khó làm sạch hơn khi bạn vệ sinh răng miệng so với các vùng răng khác, nên nếu được xử lí sớm, sẽ tránh được bệnh nướu răng và sâu răng.

    Những tiêu chí giúp bạn cân nhắc khi nhổ răng khôn

    Hãy cân nhắc những lợi ích sau khi quyết định nhổ răng khôn nhé:

    • Bạn có thể không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề gì liên quan răng khôn của mình trong tương lai.
    • Việc nhổ răng khôn rất hiếm khi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn nhưng cũng như các cuộc phẫu thuật khác, chúng đều tiềm ẩn một vài nguy cơ rủi ro khi phẫu thuật.
    • Đối với những người trẻ tuổi (khoảng từ 17–25 tuổi), việc thực hiện nhổ răng khôn thường dễ dàng hơn và thời gian hồi phục cũng nhanh hơn vì thời điểm này, phần chân răng khôn chưa phát triển đầy đủ và xương hàm vẫn chưa trở nên cứng và dày.
    • Hầu hết các vấn đề về răng khôn thường xảy ra trong khoảng từ 17–25 tuổi
    • Việc đi khám và nhổ răng trong thời điểm bạn có sức khỏe toàn thân tốt sẽ tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra về sau, khi cơ thể xuất hiện những loại bệnh khác cùng lúc, sẽ gây nhiều trở ngại cho việc điều trị.
    • Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm viêm xương ổ răng, nhiễm trùng, chảy máu và tê buốt.
    • Trường hợp phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai có ý định nhổ bỏ răng khôn thì hãy cố gắng sắp xếp lịch phẫu thuật vào cuối kì kinh nguyệt sẽ làm giảm nguy cơ bị viêm xương ổ răng.

    Bác sĩ sẽ nhổ răng khôn cho bạn như thế nào?

    nhổ răng khôn

    Bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt hoặc nha sĩ của bạn có thể làm tiểu phẫu để loại bỏ (nhổ) răng khôn ngay tại phòng khám. Trong trường hợp nặng hơn, khi tất cả răng khôn của bạn mọc cùng lúc hoặc có nguy cơ bị biến chứng cao thì bạn nên chọn phẫu thuật trong bệnh viện. Trong trường hợp bạn đang có dấu hiệu mắc bệnh nhiễm trùng thì các bác sĩ/nha sĩ có thể cho bạn uống thuốc kháng sinh, chống viêm trước và hoãn lại cho đến khi bạn khỏe hơn thì sẽ thực hiện phẫu thuật.

    Trước khi nhổ răng khôn, nha sĩ sẽ gây tê cục bộ để làm tê khu vực răng sẽ nhổ. Thuốc gây mê toàn thân có thể được sử dụng nếu nhổ nhiều hoặc tất cả răng khôn cùng một lúc. Thuốc có tác dụng giảm cảm giác đau đớn và khiến bạn ngủ say trong suốt quá trình phẫu thuật. Bạn không nên ăn hoặc uống sau nửa đêm trước ngày phẫu thuật để thuốc gây mê có thể mang lại tác dụng cao nhất.

    Để loại bỏ răng khôn, nha sĩ sẽ bóc tách mô nướu và lấy bỏ các xương bao bọc quanh răng. Nha sĩ sẽ tách các mô kết nối răng vào xương, sau đó mới loại bỏ phần răng khôn. Đôi khi, nha sĩ phải cắt răng khôn thành những miếng nhỏ hơn để dễ dàng gắp ra.

    Sau khi răng được lấy ra, nha sĩ sẽ khâu vết thương lại. Một số loại chỉ khâu sẽ tiêu dần theo thời gian, tuy nhiên một số sẽ cần cắt bỏ sau một vài ngày, tùy theo tình trạng của vết khâu, bác sĩ sẽ dùng bông gạc để cầm máu vết thương.

    Liệu bạn sẽ gặp rủi ro gì sau khi thực hiện nhổ răng khôn?

    Tương tự như những ca phẫu thuật khác, bạn có thể gặp một số rủi ro sau khi thực hiện nhổ răng khôn như:

  • Xuất hiện cảm giác đau và sưng đồng thời ở vùng nướu răng và tại vị trí khoan chân răng
  • Chảy máu trong khoảng 24 giờ
  • Có cảm giác khó khăn và đau khi cử động hàm
  • Nướu có tình trạng phục hồi chậm
  • Gây ảnh hưởng đến các phẫu thuật răng hàm khác đang được thực hiện như cầu răng hay mão răng hoặc tác động đến những phần chân răng xung quanh
  • Tình trạng viêm xương ổ răng khô gây đau nhức sẽ xảy ra nếu các cục máu đông bảo vệ bị tan quá sớm
  • Vẫn còn cảm thấy tê trong miệng và môi sau khi gây tê cục bộ đã hết tác dụng do chấn thương hoặc viêm dây thần kinh ở xương hàm
  • Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp bệnh nhân bị các tác dụng phụ khác gây ra ảnh hưởng hiếm gặp như:

    • Cảm giác tê trong miệng hoặc môi liên tục không ngừng
    • Xương hàm bị nứt gãy khi dùng lực bẩy nhổ răng quá mạnh
    • Tạo ra lỗ hổng thông vào khoang xoang hàm trong trường hợp phẫu thuật nhổ răng khôn hàm trên
    • Phẫu thuật nha khoa có thể khiến vi khuẩn thâm nhập vào miệng và đi vào máu, gây nhiễm trùng các bộ phận khác của cơ thể. Những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch yếu (bao gồm những người có van tim nhân tạo hoặc bị dị tật tim bẩm sinh) thường được bác sĩ phẫu thuật hoặc nha sĩ cho sử dụng thuốc kháng sinh trước và sau khi phẫu thuật nha khoa.
    • Các phương pháp gây mê (cục bộ và/hoặc toàn bộ) thường xuyên được sử dụng trong suốt quá trình phẫu thuật. Tất cả các ca phẫu thuật bao gồm phẫu thuật răng hàm miệng, việc sử dụng thuốc gây mê toàn thân có một tỉ lệ rất nhỏ nguy cơ tử vong hoặc gây ra các biến chứng khác.

    Bạn nên chú ý gì sau khi phẫu thuật nhổ răng khôn?

    cách giảm đau khi mọc răng khôn

    Đối với hầu hết các trường hợp, bệnh nhân chỉ cần một vài ngày để hồi phục và bác sĩ phẫu thuật hoặc nha sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc giảm đau nếu cần thiết. Bên cạnh đó, những lời khuyên sau đây sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi của bạn.

    Bạn có thể dùng một túi đá lạnh áp vào bên ngoài má và giữ từ 15-20 phút trong 24 giờ đầu tiên. Ngoài ra, bạn có thể nhúng khăn vào nước ấm, vắt khô và chườm vào bên ngoài má trong vòng 2 đến 3 ngày sau đó.

    Trong khi miệng bị tê, bạn nên cẩn thận để không cắn vào bên trong má, môi hoặc lưỡi. Ngoài ra, bạn không nên nằm ngủ trên bề mặt bằng phẳng vì điều này có thể kéo dài thời gian bị chảy máu. Thay vào đó, bạn hãy kê gối khi nằm để chống đỡ phần đầu.

    Cắn nhẹ vào miếng gạc trên vùng nhổ răng trong 1–1,5 giờ sau phẫu thuật, và đổi gạc khác khi đã thấm đầy máu, không mút đồ ăn hay khạc nhổ vì sẽ làm bật cục máu đông. Hãy quay lại gặp nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật nếu răng bạn vẫn chảy máu trong vòng 24 giờ sau khi giải phẫu.

    Bạn cũng nên thư giãn nhẹ nhàng sau khi phẫu thuật vì những hoạt động thể chất có thể khiến vết thương chảy máu trở lại. Những ngày đầu tiên, bác sĩ sẽ gợi ý bạn chọn những loại thức ăn mềm như cháo, súp lỏng. Sau khi sức khỏe có dấu hiệu hồi phục, bạn có thể thêm các loại thực phẩm cứng hơn vào khẩu phần ăn.

    Bệnh không nên sử dụng ống hút trong những ngày đầu tiên sau phẫu thuật bởi chúng sẽ nới lỏng các cục máu đông và trì hoãn việc hồi phục.

    Sau ngày đầu tiên, bạn có thể súc miệng bằng nước muối ấm vài lần một ngày để vệ sinh răng miệng và vùng nhổ răng. Hòa nước muối bằng cách hòa tan 1 muỗng cà phê (5 g) muối trong một ly vừa (240 ml) nước ấm.

    Một điểm lưu ý là bạn không được hút thuốc trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật vì hút thuốc sẽ khiến máu đông bị nới lỏng và kéo dài thời gian lành vết thương. Hơn thế nữa, hút thuốc sẽ làm giảm khả năng cung cấp máu và gia tăng nguy cơ mang mầm bệnh cũng như các chất gây ô nhiễm vào khu vực vừa phẫu thuật.

    Bạn nên tránh chà xát khu vực phẫu thuật bằng lưỡi hoặc ngón tay và lưu ý giữ răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng thường xuyên.

    Trong trường hợp cần thiết, nha sĩ sẽ cắt chỉ vết khâu sau một vài ngày.

    Tóm lại, cảm giác đau nhức hay sự không thoải mái khi xuất hiện răng khôn thực sự khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Bạn hãy đến tham khảo ý kiến từ nha sĩ hoặc các bac sĩ phẫu thuật để tìm và xác định được phương pháp thích hợp trong trường hợp của bản thân, tránh để sức khỏe bị ảnh hưởng nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ - Thạc sĩ Nguyễn Thị Phòng

    Nha khoa · Nha khoa DR.BEAM


    Ngày cập nhật: 30/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo