backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Những phương cách điều trị tăng nhãn áp phổ biến

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 01/12/2021

    Những phương cách điều trị tăng nhãn áp phổ biến

    Bệnh tăng nhãn áp là một tình trạng mắt nghiêm trọng. Nó làm hỏng dây thần kinh thị giác (có nhiệm vụ truyền thông tin từ mắt đến trung tâm thị giác trong não). Bệnh có thể dẫn đến biến chứng mất thị lực vĩnh viễn mà không thể đảo ngược được. Điều trị tăng nhãn áp sớm sẽ giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa mất thị lực.

    Bệnh tăng nhãn áp gần như không có dấu hiệu cảnh báo sớm và chỉ có thể được phát hiện khi khám mắt toàn diện. Nếu không được phát hiện cũng như điều trị kịp thời, bệnh tăng nhãn áp trước tiên sẽ gây mất thị lực ngoại biên và cuối cùng gây ra mù lòa.

    Vào thời điểm bạn nhận thấy mất thị lực do bệnh tăng nhãn áp, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Thị lực bị mất không thể phục hồi, ngay cả khi quá trình điều trị bệnh tăng nhãn áp đã bắt đầu.

    Cách duy nhất để bảo vệ đôi mắt trước bệnh tăng nhãn áp là đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra mắt toàn diện định kỳ. Chỉ có bác sĩ nhãn khoa mới phát hiện được các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tăng nhãn áp, sau đó tiến hành điều trị trước khi người bệnh bị mất thị lực.

    Triệu chứng tăng nhãn áp

    điều trị tăng nhãn áp, giảm triệu chứng

    Hầu hết các loại bệnh tăng nhãn áp thường không gây đau và không có triệu chứng cho đến khi người bệnh mất thị lực rõ rệt. Ban đầu, thường thị lực ngoại vi (ở xung quanh), nhất là vùng gần mũi nhất bị mất dần. Nặng hơn, người bệnh sẽ không thể nhìn thấy mọi thứ.

    Tuy nhiên, một loại bệnh tăng nhãn áp ít phổ biến hơn – có tên là bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính – gây ra các triệu chứng mờ mắt đột ngột, quầng sáng quanh mắt, đau mắt, buồn nôn và nôn.

    Nếu bạn gặp các triệu chứng này, hãy chữa trị cũng như ngăn ngừa biến chứng mất thị lực vĩnh viễn.

    Điều trị tăng nhãn áp bằng cách nào?

    Các phương pháp phổ biến giúp điều trị bệnh tăng nhãn áp là dùng thuốc nhỏ mắt, điều trị bằng laser và các phương pháp phẫu thuật mắt khác.

    Điều quan trọng bạn cần ghi nhớ là phương pháp điều trị bệnh tăng nhãn áp có thể ngăn ngừa tình trạng mất thị lực tiếp tục nặng hơn, nhưng chúng sẽ không khôi phục thị lực đã bị mất cho bạn.

    Tùy thuộc vào loại tăng nhãn áp, mức độ nghiêm trọng và khả năng đáp ứng của bạn, bác sĩ nhãn khoa sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Bao gồm:

    Thuốc trị tăng nhãn áp

    Sử dụng thuốc nhỏ mắt theo toa là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh tăng nhãn áp sớm. Mục đích của thuốc nhỏ mắt tăng nhãn áp là giảm IOP (áp lực nội nhãn) để ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh thị giác.

    Các loại thuốc tương tự được sử dụng để điều trị bệnh tăng nhãn áp cũng là cách hạ nhãn áp trong trường hợp không có tổn thương thần kinh thị giác hoặc giảm thị lực, nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh tăng nhãn áp.

    Bạn phải sử dụng thuốc nhỏ mắt mỗi ngày trong suốt quãng đời còn lại để ngăn ngừa mất thị lực do bệnh gây ra.

    Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa cũng có thể kê toa thuốc uống, thường là chất ức chế anhydrase carbonic để giảm nguy cơ mất thị lực. Tuy nhiên, thuốc điều trị tăng nhãn áp đường uống chỉ được kê đơn trong thời gian ngắn vì hiệu quả của nó sẽ giảm dần theo thời gian, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.

    Vì sự an toàn và sức khỏe của chính bạn, bạn phải uống thuốc trị tăng nhãn áp hàng ngày theo chỉ dẫn. Bất cẩn và không tuân thủ phác đồ điều trị bệnh tăng nhãn áp mà bác sĩ mắt đưa ra là một trong những nguyên nhân chính gây mù do bệnh tăng nhãn áp.

    cách điều trị tăng nhãn áp

    Nếu bạn nhận thấy thuốc nhỏ mắt mình đang sử dụng gây dị ứng hoặc có tác dụng phụ cũng đừng tự ý ngừng sử dụng. Thay vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhãn khoa về một liệu pháp điều trị thay thế.

    Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp

    Trong một số trường hợp, phẫu thuật tăng nhãn áp trở thành một lựa chọn tốt hơn so với thuốc để kiểm soát bệnh cũng như ngăn ngừa mất thị lực.

    Một số loại phẫu thuật tăng nhãn áp thường được áp dụng là:

    Phẫu thuật tăng nhãn áp xâm lấn tối thiểu (MIGS)

    Trong những năm gần đây, phương pháp phẫu thuật vi mô có tên gọi “phẫu thuật tăng nhãn áp xâm lấn tối thiểu” (MIGS) đã được phát triển để giảm hoặc loại bỏ nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp.

    Việc thực hiện MIGS chỉ gây ra các vết mổ nhỏ, đồng thời gây tổn thương cho mắt ít hơn so với phẫu thuật tăng nhãn áp thông thường.

    Phẫu thuật cắt màng cứng

    Bác sĩ sẽ nội soi để cắt bỏ một phần lớp bao phủ bên ngoài lòng trắng của mắt (màng cứng) để dịch trong mắt dễ dàng chảy ra ngoài hơn.

    Đặt ống dẫn lưu

    Những ca phẫu thuật dạng này thường xâm lấn nhiều hơn so với thủ thuật MIGS, nhưng lại hiệu quả hơn trong việc giảm nhãn áp và giảm nhu cầu dùng thuốc tăng nhãn áp. Bác sĩ có thể cấy một ống dẫn lưu nhỏ vào mắt để đưa dịch trong mắt đến một bể chứa được tạo ra bên dưới kết mạc. Sau đó, dịch này được hấp thụ vào các mạch máu gần đó.

    Phẫu thuật tăng nhãn áp bằng laser

    Bác sĩ sử dụng chùm tia laser nhỏ để mở các kênh bị tắc ở trong mắt – nguyên nhân dẫn tới nhãn áp tăng cao. Mỗi mắt chỉ cần 5 phút để thực hiện phẫu thuật và ít gây khó chịu.

    Phương pháp phẫu thuật glaucoma laser được sử dụng phổ biến nhất chính là phẫu thuật tạo hình bằng laser chọn lọc (SLT). Thủ tục SLT đã được áp dụng trên toàn thế giới như là phương pháp điều trị chính cho bệnh tăng nhãn áp góc mở. Bác sĩ sẽ dùng tia laser chiếu vào xung quanh góc thoát nước để mở thông các kênh bị tắc. SLT cũng hữu ích trong trường hợp thuốc không hiệu quả hoặc gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng; tăng nhãn áp tiến triển nhằm bảo vệ dây thần kinh thị giác khỏi bị tổn thương thêm.

    Bên cạnh đó, phẫu thuật tạo hình Iridoplasty ngoại vi (ALPI) được dùng cho tăng nhãn áp góc đóng, khi một phần mống mắt bị dày lên chặn bớt đường thoát nước của mắt. Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để thu nhỏ phần mống mắt bị dày lại.

    Phẫu thuật laser có thể thực hiện nhiều lần, nhưng kết quả của lần thực hiện tiếp theo thường không cao so với lần trước đó.

    Bệnh tăng nhãn áp có thể phòng ngừa được không?

    phòng ngừa và điều trị tăng nhãn áp

    Các nghiên cứu gần đây cho thấy tập thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp. Việc vận động giúp cải thiện lưu lượng máu khắp cơ thể, bao gồm cả mắt.

    Ngoài tập thể dục thường xuyên và tuân thủ lối sống năng động, bạn cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp bằng cách không hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý và có chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 01/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo