backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Dầu argan: Khỏe đẹp với "vàng lỏng" từ xứ Morocco

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 27/12/2019

    Dầu argan: Khỏe đẹp với "vàng lỏng" từ xứ Morocco

    Nếu là một cô nàng mê làm đẹp, bạn hẳn đã không còn xa lạ với những công thức chăm sóc cơ thể từ nha đam, dầu dừa, dầu ô liu, nước hoa hồng… Thế nhưng, bạn có từng nghe qua về dầu argan làm đẹp da và tóc cùng nhiều lợi ích sức khỏe khác chưa? 

    Dầu argan có hương thơm dịu, kết cấu nhẹ nhàng dễ chịu với thành phần giàu vitamin E, axit béo và chất chống oxy hóa rất phù hợp để sử dụng trong nhiều công thức nấu ăn và làm đẹp. Hãy cùng tìm hiểu về loại nguyên liệu đầy mới mẻ nhưng sẽ rất hữu ích trong những bí quyết khỏe đẹp của bạn mỗi ngày. 

    Dầu argan là gì?

    dầu argan

    Dầu argan được lấy từ hạt của cây argan chỉ có duy nhất ở khu vực phía tây nam Morocco. Loại dầu này còn được gọi là “vàng lỏng’ của Marocco vì rất quý hiếm. Để chiết xuất được 1l dầu argan sẽ cần dùng đến 100kg quả argan, trong khi cây argan chỉ có ở Marocco và mỗi cây chỉ ra quả khi được 30 – 40 năm tuổi.  

    Theo cách sản xuất truyền thống, người dân địa phương sẽ thường phơi khô quả argan dưới ánh nắng, sau đó loại bỏ phần thịt của quả và tách lấy hạt. Tại một số địa phương ở Morocco, người dân thậm chí còn để dê ăn quả argan, sau đó lấy hạt từ phân của chúng. Tiếp đến, hạt argan sẽ được rang nhẹ, để nguội, nghiền nát và ép lấy dầu. Phần dầu sẽ được lọc rồi cho vào lọ kín, còn phần bột màu nâu thì sẽ được dùng làm thức ăn cho gia súc.

    Dầu argan sáng bóng và trong như hổ phách, là sản phẩm từ cây argan chỉ có ở Morocco, có thể được sử dụng trong nhiều công thức nấu ăn và làm đẹp. 

    Công dụng của dầu argan đối với sức khỏe

    dầu argan

    Thành phần dầu argan chủ yếu bao gồm các axit béo và nhiều hợp chất phenolic. Không những thế, loại dầu này cũng là một nguồn cung cấp vitamin E dồi dào, cần thiết cho da và tóc. Loại vitamin này cũng có đặc tính chống oxy hóa rất tốt. Nhờ vào thành phần nhiều dưỡng chất nên dầu argan có nhiều công dụng tích cực với sức khỏe như:

    1. Chống oxy hóa và chống viêm

    Các hợp chất phenolic khác nhau trong dầu argan rất hữu ích trong việc chống oxy hóa và chống viêm. Dầu cũng rất giàu vitamin E, một loại vitamin tan trong chất béo có tác dụng như chất chống oxy hóa mạnh để làm giảm tác hại của các gốc tự do.

    Các hợp chất khác trong dầu như CoQ10, melatonin và sterol thực vật cũng có vai trò chống oxy hóa tự nhiên. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng dầu argan có thể dùng để bôi trực tiếp lên da để giảm viêm do chấn thương hoặc nhiễm trùng.

    2. Tăng cường sức khỏe tim mạch

    Dầu argan là nguồn cung cấp dồi dào axit oleic, một loại chất béo không bão hòa đơn. Axit oleic cũng có trong một số loại thực phẩm khác như bơ hay dầu ô liu và có tác dụng bảo vệ tim mạch rất đáng kể.

    Tương tự như dầu ô liu, dầu argan cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch thông qua tác động đến mức độ chống oxy hóa trong máu. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng loại dầu này được bổ sung thêm có khả năng làm giảm cholesterol, đặc biệt là loại cholesterol xấu LDL và đồng thời làm tăng nồng độ các chất chống oxy hóa trong máu.

    3. Ngăn ngừa một số bệnh

    Dầu argan cũng được nghiên cứu cho thấy có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường. Loại dầu này có công dụng làm giảm đáng kể tình trạng kháng insulin nhờ vào hàm lượng chất chống oxy hóa cao có trong dầu. 

    Dầu argan còn làm chậm sự tăng trưởng và sinh sản của một số tế bào ung thư. Một nghiên cứu cho thấy các hợp chất polyphenolic từ dầu có khả năng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt tới 50%. 

    Trong một nghiên cứu khác, hỗn hợp dầu argan và vitamin E đã cho thấy có khả năng làm tăng tỷ lệ tế bào bị tiêu diệt trên các mẫu tế bào ung thư vú và ung thư ruột kết.

    4. Làm hạ huyết áp

    Dầu argan đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là rất có ích trong việc duy trì mức huyết áp tối ưu. Nhờ vào khả năng chống oxy hóa, dầu có khả năng ức chế sự tăng huyết áp và cũng có thể được dùng như một cách chữa cao huyết ápMột nghiên cứu cho thấy dầu argan có khả năng giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương tương ứng khoảng 29% và 31%.

    Đối với các trường hợp bệnh tiểu đường đi kèm với nhiều bất thường về chuyển hóa trong đó có tình trạng huyết áp biến động, loại dầu này có thể làm hạ huyết áp với kết hợp với tocopherols, phenol và axit béo không bão hòa.

    Khi muốn dùng dầu argan nấu ăn để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe, hãy đảm bảo bạn mua loại dầu nguyên chất 100%. Dầu argan có thể bổ sung vào chế độ ăn uống bằng cách trộn salad, trộn với bơ hạnh nhân mật ong, ăn với bánh mì… 

    Công dụng của dầu argan trong làm đẹp

    Dầu argan với hàm lượng nhiều dưỡng chất thiết yếu, rất hữu ích trong nhiều công thức làm đẹp da và tóc.

    Dầu argan làm đẹp da

    dầu argan

    • Cấp ẩm cho da: Nhờ vào thành phần giàu vitamin E, dầu argan giúp tăng cường độ ẩm đáng kể cho da. Vitamin E sẽ củng cố hàng rào bảo vệ da, để da không bị khô hay mất nước. Để giúp khóa ẩm, hãy thêm một vài giọt tinh dầu argan nguyên chất 100% vào các bước chăm sóc da hàng ngày của bạn.

    • Giảm nếp nhăn: Dầu có thành phần giàu dưỡng chất nên sẽ giúp làn da bạn trông trẻ trung hơn. Theo thời gian, da bạn sẽ bắt đầu dần mất đi collagen và elastin, làm xuất hiện nhiều nếp nhăn. Loại dầu này thường được sử dụng để cải thiện độ đàn hồi, làm giảm nếp nhăn trên da, đặc biệt là ở phụ nữ bước qua giai đoạn mãn kinh.

    • Dầu argan trị mụn: Nếu gặp vấn đề với da nhờn, dễ nổi mụn thì có lẽ bạn nghĩ mình chẳng nên sử dụng thêm dầu để dưỡng da. Tuy nhiên, dầu argan lại có công dụng kiềm dầu, giảm mụn khá hữu hiệu đấy. Một nghiên cứu cho thấy nếu bôi dầu hai lần mỗi ngày trong bốn tuần liên tiếp, lượng bã nhờn sẽ giảm, lỗ chân lông thu nhỏ và mụn trứng cá cũng giảm theo.

    Bạn có thể dùng một miếng bông sạch thấm dầu argan bôi lên da, sau đó rửa sạch lại với nước lạnh. 

    Dầu argan dưỡng tóc

    dầu argan

    • Dùng làm dầu xả: Vì dầu argan giàu tính dưỡng ẩm nên rất phù hợp để ủ tóc. Các phân tử của dầu còn nhỏ hơn so với nhiều loại dầu khác nên dễ dàng thâm nhập vào lớp biểu bì tóc, giúp tóc mềm hơn, suông hơn và ít khô hơn.

    • Giảm tóc gàu: Nếu bạn thường bị bong tróc da đầu hay gàu xuất hiện nhiều, dầu argan có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị hữu hiệu. Bạn hãy lấy một vài giọt dầu và massage nhẹ nhàng da đầu để kích thích lưu thông máu. Dầu mang lại lợi ích chống viêm và không làm tắc nghẽn nang tóc nên bạn có thể để dầu qua đêm trước khi gội sạch lại vào buổi sáng.

    • Bảo vệ tóc khỏi nhiệt: Các vitamin E và axit béo trong dầu giúp bảo vệ tóc và da đầu khỏi tác hại của nhiệt từ các dụng cụ tạo kiểu tóc. Hãy thoa một vài giọt dầu lên tóc trước và sau khi tạo kiểu với để bảo vệ tóc khi sấy, duỗi, uốn…

    • Giúp tóc bóng mượt: Không như các loại dầu dừa hay dầu ô liu, dầu argan rất dễ dàng hấp thụ vào sợi tóc, không để lại lượng dầu thừa khiến tóc bị bết dính quá nhiều. Nhờ có nhiều axit béo nên dầu có công dụng làm bóng tóc rất tốt. Khi tạo kiểu, bạn có thể thoa một vài giọt dầu lên tóc, còn nếu tóc khô, hãy thoa dầu tập trung vào phần ngọn tóc.

    • Kích thích mọc tóc: Các phenol được tìm thấy trong loại dầu này có khả năng thúc đẩy sự phát triển tóc mới, hỗ trợ trị rụng tóc. Bạn có thể bắt đầu thoa một ít dầu lên chỗ da đầu cần mọc tóc mỗi ngày để giúp tóc nhanh mọc lại hơn. 

    Dầu argan có khả năng thẩm thấu nhanh, giúp dưỡng tóc bóng mượt và hỗ trợ làm giảm một số vấn đề về tóc và da đầu. 

    Nếu bạn đang muốn trải nghiệm một công thức làm đẹp mới, hãy thử dầu argan để nhận được những hiệu quả bất ngờ cho cả da và tóc. Loại dầu này không chỉ làm đẹp mà còn mang lại khá nhiều lợi ích sức khỏe rất đáng để thử đấy.

    Tuyết Trinh HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 27/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo