backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Điêu khắc chân mày và cách chọn dáng mày phù hợp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 29/04/2021

    Điêu khắc chân mày và cách chọn dáng mày phù hợp

    Bạn dự định điêu khắc chân mày để có khuôn mặt quyến rũ và sắc sảo? Trước khi thực hiện phương pháp thẩm mỹ này, hãy tìm hiểu kỹ để có thể thay đổi diện mạo một cách tự nhiên mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!

    So với xăm, phun hay thêu, kỹ thuật điêu khắc chân mày sẽ cho bạn kết quả tự nhiên nhất. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian trang điểm và sở hữu một đôi chân mày ưng ý thì hãy tìm hiểu về kỹ thuật này trước khi thực hiện nhé.

    Điêu khắc chân mày là gì?

    Điêu khắc chân mày (microblading) gần giống như xăm chân mày nhưng dấu vết để lại khi điêu khắc sẽ không sâu bằng khi xăm. Thợ điêu khắc sẽ sử dụng một công cụ giống như cây bút có gắn từ 7 – 16 cây kim siêu nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường để gẩy các sợi lông lên da bạn. Những cây kim này rất nhỏ nên có thể tạo những sợi lông mảnh và rất chân thực.

    Ngoài điêu khắc chân mày hay còn gọi là microblading, bạn có thể tham khảo hai cách làm chân mày khác là microfeathering và microshading:

    • Microfeathering: Đây là một dạng của điêu khắc chân mày. Phương pháp này tạo hình chân mày không cần kim nhưng vẫn có thể tạo ra chân mày tự nhiên nhất có thể. Thợ làm chân mày sẽ sử dụng lưỡi dao sắc nhằm tạo ra vết cắt nhỏ để đưa thuốc vào trong từng vết cắt. Tuy nhiên, nếu kỹ thuật điêu khắc chân mày gần như tạo ra toàn bộ đường chân mày mới cho bạn thì microfeathering sẽ chỉ bổ sung những phần lông mày còn thiếu.

    • Microshading: Đây là phương pháp phù hợp với những ai muốn sở hữu đôi chân mày dày, đậm và sắc sảo. Thay vì gảy từng sợi chân mày, microshading liên tục tạo nên từng đốm màu trên da. Chân mày của bạn sẽ trông sẽ mịn màng như thể bạn đang dùng bột kẻ lông mày. Một số người có thể kết hợp cả microshading và điêu khắc chân mày để cho kết quả tự nhiên hơn.

    Khắc chân mày là gì

    Chuẩn bị trước khi điêu khắc chân mày

    Vì quy trình điêu khắc chân mày sẽ làm tổn thương da nên điều kiện đầu tiên nếu bạn muốn thực hiện hình thức thẩm mỹ này là da phải khỏe. Nếu bạn có một số vấn đề sức khỏe dưới đây thì hãy tránh điêu khắc chân mày:

    • Tiểu đường
    • Đang mang thai
    • Rối loạn tuyến giáp
    • Dị ứng với mực xăm
    • Bị rối loạn chảy máu
    • Có cơ địa dễ bị sẹo lồi
    • Từng cấy ghép nội tạng
    • Từng bị các bệnh về gan
    • Bị các viêm nhiễm như chàm hay giời leo
    • Có thực hiện các thủ thuật ảnh hưởng đến da như tẩy lông hoặc lột da hóa chất gần đây

    Ngoài các vấn đề sức khỏe kể trên, một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng tới thủ thuật này. Nếu bạn có dùng các thuốc trị mụn theo toa như isotretinoin, sử dụng các sản phẩm có thành phần chống lão hóa như retinol, thuốc làm loãng máu hay thực phẩm bổ sung thì hãy cân nhắc kỹ trước khi điêu khắc chân mày.

    Để điêu khắc chân mày an toàn hơn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật này. Bạn hãy thành thật kể hết các bệnh tình của mình để bác sĩ có lời khuyên chính xác nhất.  

    Cách chọn dáng và màu chân mày phù hợp

    Trước khi điêu khắc, thợ làm chân mày sẽ gợi ý một số dáng chân mày phù hợp với gương mặt bạn. Tuy nhiên, bạn cần biết thế nào là một cặp chân mày có dáng và màu phù hợp với gương mặt để đưa ra quyết định chính xác hơn.

    Cách chọn dáng chân mày

    Điều đầu tiên bạn cần quan tâm là dáng chân mày mình định điêu khắc có phù hợp không. Để định hình được dáng chân mày, bạn phải tìm được điểm đầu, điểm cao nhất và điểm kết thúc của chân mày. Bạn hãy dùng những quy tắc sau:

    – Đầu chân mày (điểm 1) phải thẳng hàng với rìa ngoài của cánh mũi cùng bên.

    – Điểm cao nhất của chân mày (điểm 2) phải thẳng hàng với rìa ngoài của nhãn cầu mắt cùng bên.

    – Đuôi chân mày (điểm 3) là giao điểm của đường kéo dài từ cánh mũi tới đuôi mắt.

    Cách định hình chân mày chuẩn xác

    Việc chọn dáng chân mày còn phụ thuộc vào hình dạng khuôn mặt của bạn. Bạn hãy tham khảo dáng chân mày cho từng dáng mặt cụ thể:

    • Mặt oval: Đây là dáng mặt phù hợp với nhiều dáng lông mày khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên chọn dáng lông mày mảnh, cong đều và ít góc cạnh để tôn lên những đường nét mềm mại của gương mặt.

    • Mặt dài: Nếu bạn sở hữu khuôn mặt dài, dáng lông mày ngang sẽ giúp bạn cân đối lại gương mặt. Đây là dáng chân mày rất thời thượng hiện nay.

    • Mặt tròn: Với dáng mặt tròn, bạn cần tìm một dáng chân mày hơi góc cạnh để kéo dài gương mặt. Dáng lông mày hình cánh cung có đường gấp rõ nét từ giữa lông mày trở xuống đuôi sẽ rất phù hợp.

    • Mặt vuông: Khuôn mặt vuông sẽ cần dáng lông mày cánh cung để cân bằng lại những đường nét nam tính. Nếu mặt bạn càng vuông thì đỉnh lông mày phải càng cao và ngược lại.

    • Mặt trái tim: Mặt hình trái tim sẽ có phần trán hơi rộng và phần cằm nhọn. Bạn nên chọn dáng lông mày cong nhẹ và đều để phù hợp với dáng mặt này.

    • Mặt kim cương: Để làm mềm mại khuôn mặt nhiều góc cạnh này, dáng lông mày cong nhẹ, hơi nhấn ở đuôi lông mày sẽ là sự clựa chọn thích hợp cho bạn. Bạn cũng nên chọn đáng chân mày dày dặn hơn một chút để thu hút ánh nhìn của người đối diện.

    Các dáng chân mày

    Cách chọn màu chân mày

    Màu chân mày ngày nay rất đa dạng và bạn có thể chọn sao cho phù hợp với màu tóc của mình. Mỗi màu tóc sẽ phù hợp với một màu chân mày khác nhau:

    • Tóc vàng: Nếu bạn nhuộm tóc vàng, hãy chọn chân mày màu nhạt và ấm như nâu đất hoặc xám khói. Bạn cũng nên tránh chân mày màu đen.

    • Tóc nâu sáng: Bạn nên chọn chân mày màu nâu đậm hoặc màu nâu của đường nâu.

    • Tóc nâu đen: Bạn nên chọn chân mày tông màu nâu cà phê. Ngoài ra, nếu bạn thích cá tính thì có thể chọn màu đen.

    • Tóc đỏ: Tóc màu đỏ rất bắt mắt nhưng lại khó chọn màu chân mày phù hợp. Bạn có thể chọn tông màu tro hoặc màu nâu sẫm là phù hợp nhất.

    • Tóc xám: Mái tóc xám thời thượng phù hợp nhất với chân mày màu xám đen hoặc xám nâu.

    • Tóc bạch kim: Màu tóc bạch kim thích hợp nhất với lông mày màu xám hoặc xám tro.

    • Tóc đen: Nếu bạn trung thành với màu tóc đen, chân mày màu nâu đậm là phù hợp nhất.

    Nếu bạn đã điêu khắc lông mày nhưng muốn đổi màu tóc thì vẫn có thể thay đổi màu chân mày khác phù hợp hơn bằng cách dùng mascara chân mày đấy.

    Điêu khắc chân mày giữ được bao lâu?

    Điêu khắc chân mày sẽ giúp bạn tiết kiệm được một bước trang điểm nhưng chân mày điêu khắc sẽ nhạt dần theo thời gian. Tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và phản ứng cơ thể với mực xăm mà màu chân mày sẽ phai nhanh hay chậm.

    Thông thường, bạn sẽ cần đi phun lại màu và chỉnh sửa dáng lông mày sau 6 tháng. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc đi dặm lại 3 – 8 tháng sau khi điêu khắc lông mày nếu thấy cần thiết.

    Để màu chân mày bền hơn, bạn hãy chăm sóc da sau khi điêu khắc thật kỹ. Sau khi da lành, bạn hãy chống nắng, dưỡng ẩm cho da đầy đủ và ăn nhiều thực phẩm cung cấp độ ẩm cho da như cá béo, các loại hạt, dầu ô liu…

    Chăm sóc chân mày sau khi điêu khắc

    Chăm sóc sau điêu khắc chân mày

    Màu chân mày ngay sau khi điêu khắc thường sẽ khá đậm và lớp da bên dưới chân mày sẽ hơi đỏ. Đây là những dấu hiệu bình thường và sẽ bớt dần nếu bạn chăm sóc chân mày đúng cách. Cách chăm sóc vùng da chân mày sau khi điêu khắc khá giống với cách chăm sóc hình xăm.

    Khoảng hai giờ sau khi thực hiện kỹ thuật này, bạn nên dùng một miếng bông gòn nhúng nước khử trùng để lau qua vùng lông mày. Điều này sẽ giúp bạn loại bỏ bớt màu nhuộm thừa trên da và sát trùng vết thương. Khoảng 7–14 ngày sau khi điêu khắc, da mới lành và màu chân mày cũng nhạt bớt để trông tự nhiên hơn.

    Trong thời gian da chưa lành, bạn hãy thực hiện theo các bước sau để chăm sóc da đúng cách:

    • Không dùng tay cạo, bóc hay gãi chân mày.
    • Bôi kem chữa lành da theo chỉ dẫn của bác sĩ.
    • Cột tóc gọn gàng để tránh tóc dính vào chân mày.
    • Tránh những hoạt động như xông hơi, bơi lội hay vận động mạnh gây đổ mồ hôi quá nhiều.
    • Tránh để nước dính vào chân mày trong khoảng 10 ngày. Điều này có nghĩa là bạn phải tắm thật cẩn thận.
    • Không trang điểm trong ít nhất một tuần. Trong giai đoạn này, màu nhuộm vẫn chưa ăn vào da nên bạn cần tránh trang điểm một thời gian để màu ổn định hơn.

    Có nên điêu khắc chân mày không?

    Nhiễm trùng da do kích ứng hoặc dị ứng màu nhuộm là một biến chứng có thể xảy ra sau khi điêu khắc chân mày. Bạn có thể cảm thấy đau trong và sau quá trình này. Tuy nhiên, bạn cần đi bệnh viện ngay nếu vùng da chân mày đau dữ dội, sưng và tiết dịch vàng sau khi điêu khắc vì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nhiễm trùng.

    Nếu vùng điêu khắc bị sưng, tiếp tục tróc vảy hoặc bắt đầu chảy mủ sau 2 tuần, bạn nên đến bác sĩ ngay lập tức. Tình trạng nhiễm trùng ở lông mày khá nghiêm trọng vì khu vực này rất gần với mắt và não. Bạn sẽ cần điều trị sớm bằng kháng sinh nếu bị nhiễm trùng.  

    Một nguy cơ nữa bên cạnh nguy cơ nhiễm trùng là lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV hay bệnh Herpes. Nguyên nhân gây lây lan các bệnh này có thể do thợ làm chân mày không tuân thủ các quy tắc giữ vệ sinh dụng cụ trong khi thực hiện thủ thuật này.

    Điều quan trọng bạn có thể làm để ngăn ngừa nhiễm trùng hay lây nhiễm các bệnh nguy hiểm do điêu khắc chân mày là chọn nơi làm chân mày thật kỹ. Hãy chọn các trung tâm thẩm mỹ uy tín với thợ làm chân mày đã qua đào tạo bài bản. Ngoài ra, thợ làm chân mày cũng cần thay dụng cụ mới và cho bạn kiểm tra dụng cụ này trước khi bắt đầu thực hiện thủ thuật.

    Bên cạnh việc chọn thẩm mỹ viện, bản thân bạn cũng cần tuân thủ tốt những quy tắc chăm sóc chân mày sau điêu khắc để đảm bảo vệ sinh vùng da này. Việc điêu khắc chân mày có thể giúp bạn tìm thấy sự tự tin vào bản thân, tuy nhiên, bạn cần cẩn thận khi thực hiện thủ thuật này để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.

    Lý do chân mày không lên màu sau khi điêu khắc

    Sau khi điêu khắc chân mày, màu nhuộm sẽ nhạt dần và trông tự nhiên hơn. Tuy nhiên, đôi khi màu nhuộm không hề ăn lên da. Nếu sau khi da lành, bạn không thấy màu nhuộm hiện lên thì có thể là do các nguyên nhân sau:

    • Thợ nhuộm đưa bút quá nông: Đôi khi màu chân mày không lên là do tay nghề của người thợ làm chân mày. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải đi thực hiện lại từ đầu.
    • Bạn bị viêm nhiễm: Màu nhuộm không lên có thể do da bạn đã bị viêm và bạn cần đi khám ngay.
    • Bạn chọn màu chân mày quá nhạt so với màu da: Để tránh trường hợp màu nhuộm quá nhạt, bạn hãy nhờ thợ làm chân mày tư vấn trước khi thực hiện.
    • Bạn không chăm sóc da kỹ: Việc để nước dính vào chân mày hay gãi khi da chưa lành sẽ khiến màu không lên.
    • Bạn có da dầu: Da quá dầu sẽ khiến màu nhuộm khó lên. Bạn hãy hỏi thợ làm chân mày xem mình có thể chọn hình thức chỉnh trang chân mày nào khác không nhé.

    Một đôi chân mày phù hợp và tự nhiên có thể khiến cả khuôn mặt sắc sảo cùng với niềm tin mang tới nhiều may mắn. Nếu bạn đang có ý định thay đổi gương mặt, lựa chọn điêu khắc chân mày có thể cho bạn kết quả tự nhiên như ý. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể điêu khắc lông mày. Thủ thuật này đòi hỏi bạn phải chăm sóc chân mày rất kỹ. Bạn hãy cân nhắc thật kỹ để quyết định xem mình có nên thực hiện cách làm chân mày này không nhé.

    Như Vũ HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 29/04/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo