backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Trà mãng cầu có tác dụng gì? Cách làm trà mãng cầu xiêm tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 24/01/2024

    Trà mãng cầu có tác dụng gì? Cách làm trà mãng cầu xiêm tại nhà

    Bạn có thể làm trà mãng cầu xiêm không chỉ vì công dụng bảo vệ tim mạch mà còn nhiều lợi ích khác như hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa ung thư… Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận khi uống loại trà này để không gặp phải các tác dụng phụ ngoài ý muốn nhé.

    Mãng cầu xiêm hay còn gọi là mãng cầu gai, na xiêm, na gai là loại quả nhiệt đới được trồng nhiều ở miền Nam Việt Nam. Mãng cầu xiêm có tên khoa học Annona muricata L., họ mãng cầu Annonaceae. Lá và quả mãng cầu xiêm đều có thể dùng làm trà.

    Vậy tác dụng của trà mãng cầu là gì? Cách pha trà và uống thế nào thì đúng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

    Trà mãng cầu xiêm có tác dụng gì?

    trà mãng cầu có tác dụng gì

    Nhờ vào thành phần vitamin C, kali, magie cùng các chất chống oxy hoá, trà mãng cầu xiêm có thể mang lại nhiều tác dụng tích cực cho sức khoẻ như:

    1. Ngăn ngừa ung thư

    Nhóm hoạt chất acetogenin có mặt trong mãng cầu được xem là có đặc tính chống ung thư.

    • Một nghiên cứu tổng quan năm 2015 cũng đã cho thấy tiềm năng của chiết xuất mãng cầu xiêm trong việc hỗ trợ điều trị ung thư.
    • Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chiết xuất từ mãng cầu xiêm có thể tiêu diệt một số loại tế bào ung thư gan ung thư vú. Những tế bào này kháng một số loại thuốc hóa trị.
    • Một nghiên cứu gần đây hơn cũng cho thấy cho thấy chiết xuất bột mãng cầu xiêm có tác dụng đối với các tế bào ung thư tuyến tiền liệt ở chuột. 
    • Chưa có bất kỳ nghiên cứu lâm sàng nào vì vậy các nhà khoa học chưa thể kết luận chính xác công dụng của mãng cầu xiêm và đưa chúng trở thành một phương pháp điều trị ung thư hiệu quả.

    Công dụng ngăn ngừa ung thư của trà mãng cầu xiêm tuy đã được kiểm chứng trong một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhưng chưa được kiểm tra trên người. Vậy nên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng loại trà này trong quá trình chữa ung thư để đảm bảo an toàn.

    2. Bảo vệ sức khỏe tim mạch

    Lượng kali và các hoạt chất chống oxy hóa dồi dào trong trà mãng cầu xiêm giúp ổn định huyết áp khá nhiều. Đối với những người bị tăng huyết áp, đây là một cách hiệu quả để kiểm soát huyết áp và giảm áp lực cho tim. Điều này cũng sẽ giúp bệnh nhân cao huyết áp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

    3. Hỗ trợ tiêu hóa

    công dụng của trà mãng cầu xiêm

    Trà mãng cầu chứa các loại vitamin và khoáng chất cũng như các hợp chất chống viêm có chức năng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Ngoài ra, lượng chất xơ trong mãng cầu cũng sẽ giúp kích thích tiêu hoá, tăng cường nhu động ruột và tạo môi trường lý tưởng cho các vi sinh vật ruột phát triển. Vì vậy, trà mãng cầu cũng có công dụng ngăn ngừa một số tình trạng như táo bón, khó tiêu, đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

    Trong trường hợp táo bón, bạn có thể ăn phần thịt quả mãng cầu xiêm với lượng 100-300g/ngày. 

    4. Tăng cường lưu thông máu

    Hàm lượng sắt cao có trong trà mãng cầu sẽ giúp kích thích hệ tuần hoàn máu. Sắt là thành phần chính của tế bào hồng cầu, loại tế bào có chức năng mang năng lượng đến các hệ thống cơ quan và mô trong cơ thể. Hồng cầu còn có thể tăng tốc quá trình phục hồi của cơ thể và tối ưu hóa hoạt động trao đổi chất.

    5. Công dụng của trà mãng cầu xiêm: Hỗ trợ giảm cân

    Vitamin C và chất xơ trong mãng cầu xiêm có tác dụng kích thích tiêu hoá và đốt cháy chất béo, đồng thời tạo cảm giác no lâu. Điều này có thể giúp bạn đốt cháy chất béo nhiều hơn ngay cả khi nghỉ ngơi mà vẫn cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Vì vậy, sinh tố trà mãng cầu xiêm có tác dụng gì thì phải kể đến hiệu quả giảm cân nếu biết cách dùng đúng.

    Cách dùng quả mãng cầu xiêm giảm cân: Xay nhuyễn thịt mãng cầu thành sinh tố để uống. Lưu ý không thêm đường hay sữa nhé! Bạn có thể pha phần thịt quả với trà, không bỏ đường và thưởng thức.

    6. Tăng cường hệ miễn dịch

    Vitamin C trong trà mãng cầu xiêm có thể kích thích cơ thể sản xuất tế bào bạch cầu, loại tế bào có chức năng tiêu diệt vi khuẩn và tăng sức đề kháng. Loại vitamin này còn thực hiện một số chức năng tương tự như chất chống oxy hóa trong việc tìm kiếm các gốc tự do hay làm giảm nguy cơ bị stress oxy hóa trong các mô và cơ quan. Điều này sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả và tránh được nhiều bệnh tật.

    7. Uống trà mãng cầu có tác dụng gì? Giảm đau bụng kinh

    Theo y học cổ truyền, mãng cầu xiêm có tác dụng bổ âm, bổ huyết, dưỡng can huyết, lợi kinh nguyệt, giải nhiệt độc huyết.

    Công dụng của nó là trị các chứng âm hư sinh nhiệt, táo bón, thông kinh nguyệt, giải huyết độc do nhiệt độc. Mãng cầu xiêm còn được dùng như một vị thuốc làm ấm tử cung. Nhờ đó, trà mãng cầu cũng giúp các chị em xoa dịu cơn đau bụng dưới trong những ngày hành kinh.

    Trà mãng cầu có tác dụng gì

    • Tăng cường sức khỏe tim mạch
    • Hỗ trợ tiêu hóa
    • Tăng cường lưu thông máu
    • Ngăn ngừa ung thư
    • Hỗ trợ miễn dịch
    • Hỗ trợ giảm cân
    • Giảm đau bụng kinh

    Cách pha trà mãng cầu xiêm đơn giản tại nhà

    Cách làm trà mãng cầu xiêm

    Cách pha trà mãng cầu xiêm từ lá

    Theo y học cổ truyền, lá mãng cầu xiêm có công dụng tiêu độc, sát khuẩn, ức chế hoạt động của virus gây viêm gan. Vì vậy thường dùng trong các bài thuốc chữa kiết lỵ, bệnh trĩ đi ngoài ra máu, tiểu đường,… Bạn cũng có thể tự làm trà từ lá mãng cầu xiêm để uống theo hướng dẫn sau:

    • – Mua hoặc hái lá mãng cầu xiêm tươi rồi rửa sạch.
    • – Phơi khô lá mãng cầu xiêm khoảng 1 – 2 nắng.
    • – Khi muốn pha trà, bạn lấy 100g lá mãng cầu xiêm đã phơi khô ra rửa sạch.
    • – Cho lá vào nồi với 1 lít nước rồi nấu sôi.
    • – Để nồi nước nguội một chút rồi chắt ra ly thưởng thức.

    Ngoài ra hiện nay bạn cũng có thể tìm mua trà mãng cầu túi lọc bán tại các trang bán trà trực tuyến để không phải pha chế. Tuy nhiên nên lưu ý chọn lựa kỹ càng và đảm bảo mau lá trà mãng cầu sạch hay túi lọc trà uy tín chất lượng nhé!

    Cách pha trà mãng cầu giải nhiệt từ quả tươi

    Bên cạnh món trà lá mãng cầu xiêm được dùng như một bài thuốc thì trà mãng cầu từ thịt quả cũng được nhiều người yêu thích vì vị chua ngọt dễ uống, lại thanh mát có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể thử làm trà mãng cầu tươi từ công thức sau đây:

    • Chuẩn bị khoảng 200g thịt mãng cầu, đã được làm sạch, bỏ hạt và đem trộn với khoảng 60g đường.
    • Để cho mãng cầu ngấm đường trong khoảng 1 giờ.
    • Pha trà, lọc lấy nước (bạn có thể chọn bất kỳ loại trà nào mình thích như trà ô long chẳng hạn).
    • Thêm trà vào ly, cho thêm khoảng 15g đường, khuấy đều.
    • Thêm vào khoảng 100g mãng cầu ngâm đường, đá viên và nước cốt 1 quả tắc (quất).
    • Lắc đều sau đó cho ra ly, cho thêm đá và phần thịt mãng cầu tươi còn lại vào là có thể thưởng thức ngay.

    Lưu ý: Trong quả mãng cầu cũng có chứa nhiều đường, vì vậy hãy cân nhắc lượng đường bạn nạp vào cơ thể nhé!

    Cách pha trà mãng cầu

    • Từ lá
    • Từ quả

    Tác hại của trà mãng cầu xiêm

    Trà từ lá mãng cầu xiêm tuy dễ nấu và có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng lại không an toàn với một số đối tượng. Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên dùng mãng cầu hoặc lá mãng cầu nếu:

    • Đang dùng thuốc huyết áp
    • Đang dùng thuốc trị trầm cảm
    • Đang bị bệnh gan hoặc thận
    • Đang chụp hình cộng hưởng từ
    • Đang dùng thuốc trị tiểu đường
    • Có số lượng tiểu cầu thấp (giảm tiểu cầu)
    • Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh dùng lá, hạt và rễ mãng cầu xiêm

    Ngoài ra, tác dụng phụ của mãng cầu còn bao gồm:

    • Rối loạn vận động
    • Chứng myeloneuropathy, một tình trạng ảnh hưởng tới tủy sống và có các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson, bao gồm co cứng cơ, rối loạn vận động, thăng bằng kém,…

    nếu bạn lạm dụng loại dược liệu này.

    Bạn cần dùng loại trà này vừa phải để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Để đảm an toàn cho sức khỏe, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng trà nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 24/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo