backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Dầu hạt lanh: Công dụng và cách dùng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 31/01/2020

    Dầu hạt lanh: Công dụng và cách dùng

    Dầu hạt lanh ngày càng được phổ biến và ưa chuộng do có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe cũng như cả sắc đẹp của người sử dụng.

    Hạt lanh là một trong những loại hạt được ví như “siêu thực phẩm’ bởi nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, dầu của loại hạt này cũng không hề kém cạnh về mặt lợi ích. Vậy đó là gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm lời giải đáp thông qua bài viết sau nhé.

    Tác dụng của dầu hạt lanh

    Loại dầu tăng cường sức khỏe này có nhiều công dụng khác nhau, từ dinh dưỡng cho đến chăm sóc da. Các tác dụng bao gồm:

    Cung cấp đầy đủ axit béo omega-3

    Giống như hạt lanh thì dầu ép từ loại hạt này cũng chứa nhiều axit béo omega-3 mà cụ thể hơn hơn là axit alpha-linolenic (ALA). Trên thực tế, một muỗng canh (khoảng 15ml) dầu ép từ hạt lanh có đến 7,196mg axit béo omega-3.

    Axit béo omega-3 rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần như giảm viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch, bảo vệ não, chống lại tình trạng lão hóa. Nếu bạn không dùng dầu cá hoặc ăn từ 1-2 khẩu phần cá mỗi tuần thì việc tiêu thụ dầu ép từ hạt lanh có thể là một giải pháp tốt để bổ sung đủ liều lượng axit béo omega-3.

    Dầu hạt lanh giảm sự phát triển của tế bào ung thư

    Dầu hạt lanh có thể giúp chống lại một số loại ung thư. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chắc chắn, một số nghiên cứu trên động vật vẫn đưa lại kết quả rất đáng khích lệ.

    Theo đó, một nghiên cứu trên chuột có khối u phổi cho thấy những con ăn hạt lanh thì kích thước khối u giảm 10% so với những con không ăn. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu tác dụng của dầu hạt lanh và hạt lanh đối với các loại ung thư khác.

    Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng axit béo trong dầu hạt lanh có thể ức chế kích thước và sự phát triển của khối u vú, cũng như thúc đẩy tế bào ung thư chết dần.

    Dầu làm từ hạt lanh tốt cho sức khỏe của tim

    công dụng của dầu hạt lanh

    Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu hạt lanh có thể có lợi cho sức khỏe của tim.

    Cụ thể hơn, các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu ở 59 người và so sánh tác dụng của dầu hạt lanh với dầu hoa rum, một loại dầu chứa nhiều axit béo omega-6. Trong nghiên cứu này, việc bổ sung 15ml dầu hạt lanh qua đường uống trong 12 tuần đã giúp mức huyết áp thấp hơn đáng kể so với việc chỉ dùng dầu hoa rum.

    Tình trạng cao huyết áp có thể gây hại cho sức khỏe của tim, vì tạo thêm áp lực cho bộ phận này và buộc nó phải làm việc nhiều hơn.

    Dầu ép từ hạt lanh cũng có thể cải thiện tính đàn hồi của động mạch do quá trình lão hóa và cao huyết áp gây nên. Hơn nữa, các chuyên gia sức khỏe cũng đã chứng thực axit béo omega-3 có khả năng cải thiện sức khỏe của tim với các lợi ích như giảm viêm và hạ huyết áp.

    Tăng cường sức khỏe cho da

    Nồng độ axit béo alpha-linolenic (ALA) thấp có liên quan đến tình trạng da khô cũng như một số vấn đề khác khiến làn da trở nên kém hoàn hảo.

    Dầu ép lạnh từ hạt lanh có hàm lượng ALA cao sẽ hỗ trợ sức khỏe làn da bằng cách tăng cường độ ẩm, bảo vệ hàng rào biểu bì, giảm viêm và thúc đẩy các chức năng tái tạo.

    Bệnh chàm là một rối loạn da phổ biến với những triệu chứng như da khô, khó chịu và nổi đỏ. Khi dùng một ít dầu lanh bôi lên vùng da bị ảnh hưởng, bạn sẽ cung cấp thêm độ ẩm đồng thời giảm phát ban, hỗ trợ da trở nên đều màu hơn.

    Hỗ trợ quá trình giảm cân

    Leptin là một loại protein được sản xuất bởi các mô mỡ trong cơ thể. Nếu lượng leptin thấp sẽ ngầm báo hiệu bạn đang ăn quá nhiều, từ đó dẫn đến thừa cần và béo phì.

    Dầu hạt lanh có tác dụng như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên và cũng làm giảm mức thèm ăn, khiến bạn cảm thấy no lâu và tốt cho công cuộc giảm cân của bạn đấy.

    Giúp giảm cholesterol trong cơ thể

    dầu hạt lanh

    Tương tự như hạt lanh, dầu hạt lanh có thể giúp giảm mức cholesterol. ALA trong dầu hạt lanh đóng vai trò như một vũ khí khiến mức lipoprotein (LDL) hay còn gọi là cholesterol “xấu’ hạ dần.

    Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ thực hiện trên 15 người trưởng thành, những người tham gia đã hấp thụ dầu hạt lanh hoặc dầu ngô một lần mỗi ngày vào bữa tối. Các nhà nghiên cứu đã đo mức cholesterol của người tham gia khi bắt đầu tiến hành và lặp một lần nữa 12 tuần sau đó.

    Kết quả, những người hấp thụ dầu ngô không có sự thay đổi đáng chú ý nào về mức cholesterol, trong khi những người sử dụng dầu ép từ hạt lanh lại có mức giảm LDL đáng kể.

    Giúp giảm triệu chứng hội chứng Sjogren

    Hội chứng Sjogren là một dạng rối loạn hệ thống miễn dịch với các triệu chứng khó chịu như khô mắt và khô miệng. Người uống bổ sung dầu hạt lanh từ 1 – 2g mỗi ngày giúp làm giảm các tình trạng trên, tăng cường sự thoải mái và sức khỏe cho đôi mắt.

    Cách sử dụng dầu ép lạnh từ hạt lanh

    dầu hạt lanh

    Một trong những lợi thế của dầu lanh là tính linh hoạt. Vì vậy, các sử dụng dầu cũng khá đa dạng:

    • Đối với người mới bắt đầu sử dụng, bạn có thể làm quen bằng cách hoán đổi cho các loại dầu khác để trộn salad, nước chấm và nước sốt.
    • Khi xay sinh tố, hãy thêm một muỗng canh (khoảng 15ml) dầu vào để bổ sung omega-3
    • Ngoài việc được sử dụng trong thực phẩm, bạn hãy tận dụng dầu để dưỡng da
    • Một số người còn lấy dầu hạt lanh để làm mặt nạ tóc nhằm kích thích nang tóc phát triển chắc khỏe và bóng mượt hơn
    • Cuối cùng, đối với những người không muốn thêm dầu hạt lanh vào thực phẩm, bạn có thể hấp thụ dưới dạng viên nang nén của thực phẩm chức năng.

    Một số lưu ý nếu muốn dùng đến loại dầu từ hạt này gồm:

    • Dầu từ loại hạt này rất nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt, vì vậy tốt nhất bạn nên đựng trong một chai thủy tinh mờ hoặc tối cũng như bảo quản ở những nơi mát mẻ, hạn chế ánh sáng trực tiếp.
    • Không nên dùng loại dầu này để nấu ăn do dầu khá nhạy cảm với nhiệt, vì vậy nấu ăn bằng dầu lanh sẽ thay đổi các đặc tính dinh dưỡng và tạo ra các phản ứng độc hại không mong muốn.

    Tác dụng phụ không mong muốn

    Dầu này thường an toàn cho hầu hết người sử dụng khi hấp thụ qua đường uống với một lượng vừa phải và trong thời gian ngắn. Nếu lạm dụng, bạn có thể bị tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu hoặc gặp những phản ứng dị ứng. Ngoài ra, những đối tượng sau không nên sử dụng dầu từ hạt lanh để tránh các tác dụng phụ không mong muốn gồm:

    • Phụ nữ mang thai: Loại dầu này có thể gây ra tác dụng phụ đối với thai kỳ, bao gồm tăng nguy cơ sinh non
    • Bệnh nhân bị rối loạn chảy máu: Dầu hạt lanh làm tăng nguy cơ chảy máu, vì vậy bất cứ ai bị rối loạn chảy máu nên tham khảo ý kiến trước khi sử dụng dầu trong thực phẩm, dưới dạng bổ sung hoặc bôi lên da
    • Bệnh nhân cần phẫu thuật: Người sắp tiến hành phẫu thuật không nên sử dụng loại dầu này. Nếu có thói quen dùng, bạn nên ngưng sử dụng ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật và sau phẫu thuật để tránh nguy cơ chảy máu.
    • Những người dùng thuốc đông máu: Việc sử dụng dầu bên cạnh các loại thuốc làm chậm quá trình đông máu (chẳng hạn aspirin, diclofenac, warfarin) có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và xuất hiện vết bầm tím.

    Dầu lanh không có giá trị dinh dưỡng như hạt lanh. Tuy nhiên, loại dầu này vẫn đem đến một lượng omega-3 dồi dào cũng như kèm theo các lợi ích đáng chú ý như giảm cholesterol và chống viêm. Bạn có thể bổ sung dầu cho cơ thể dưới nhiều hình thức. Lưu ý là bạn nên tìm mua từ các địa chỉ uy tín, đáng tin cậy thay vì nhưng sản phẩm không rõ nguồn gốc.

    Phương Uyên/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 31/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo