backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mẹo cấp cứu hôi miệng sau khi ăn hành tỏi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Việt Cường · Ngày cập nhật: 13/02/2017

    Mẹo cấp cứu hôi miệng sau khi ăn hành tỏi

    Phải làm thế nào để tình trạng hôi miệng sau khi ăn hành tỏi không còn ám ảnh? Những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn.

    Hành tây và tỏi là những gia vị cho món ăn thơm ngon hơn. Đặc biệt, tỏi đem đến cho bạn nhiều lợi ích sức khỏe như điều trị nấm kẽ bàn chân (hội chứng bàn chân lực sĩ) và cả tác dụng giảm nguy cơ một số loại ung thư. Tuy có nhiều lợi ích nhưng cả hành tây và tỏi đều có thể gây hôi miệng. Vậy chúng ta làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này đây?

    Tại sao hành tỏi làm cho hơi thở của bạn có mùi?

    Tỏi, hành, hẹ là thực vật thuộc họ Lilly. Chúng  sản sinh sulfoxide cysteine tạo ra mùi và vị riêng biệt rất giống với các hợp chất do các vi khuẩn kỵ khí gây hôi miệng sinh ra.

    Có hai cơ chế khiến tỏi tạo mùi hôi hơi thở. Thứ nhất là khi ăn, các hợp chất chứa lưu huỳnh sẽ vào trong miệng và chúng ngay lập tức làm cho hơi thở bạn có mùi tỏi. Những hợp chất này sẽ ở lại trong miệng cho đến khi bạn chải, xỉa, cạo hoặc súc ra ngoài.

    Thứ hai, tỏi ảnh hưởng đến hơi thở của bạn thông qua phổi. Hợp chất làm hơi thở có mùi tỏi thoát ra từ phổi là allyl methyl sulfide (AMS). AMS là một chất khí được hấp thụ vào máu trong quá trình chuyển hóa của tỏi và đến phổi qua đường máu. Đôi khi AMS còn được tiết qua các lỗ chân lông ở da. Đây là lý do tại sao bạn khó loại bỏ hoàn toàn hơi thở có mùi tỏi. Dù cho bạn làm sạch miệng tới mức nào thì vẫn có mùi tỏi trong khi bạn thở ra vì nó xuất phát từ phổi!

    Mẹo vặt để giảm thiểu chứng hôi miệng sau khi ăn hành tỏi

    Dùng thức ăn để át mùi hành tỏi

    Một thanh kẹo cao su sau bữa ăn sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất nước bọt trong miệng, chống lại chứng hôi miệng. Bạn hãy nhai kẹo cao su chứa các loại tinh dầu tự nhiên. Tinh dầu bạc hà và quế đã được chứng minh là có hiệu quả giải quyết các vi khuẩn gây mùi hôi trong miệng.

    Ngoài ra, hạt cà phê có thể làm dịu mùi tỏi. Bạn có thể uống một chút cà phê sẽ khử ngay mùi khó chịu này. Nếu bạn chà hạt cà phê trên tay và sau đó rửa đi cũng có thể giúp loại bỏ các mùi hành tỏi trên da khi làm bếp.

    Đặc tính oxy hóa làm vỏ chuyển màu nâu khi cắn của một số loại trái cây có thể giúp chống lại hơi thở mùi hành tỏi. Các loại trái cây đặc biệt hiệu quả mà bạn nên ăn để khử mùi tỏi bao gồm: táo, lê, mận, đào, mơ, nho, anh đào và cà tím.

    Bên cạnh đó, một số loại rau rất hiệu quả trong việc kháng lại các hợp chất được tìm thấy trong hành bao gồm: rau bina, rau diếp và khoai tây. Bạn nên ăn những loại rau này khi bữa ăn có nhiều hành tỏi.

    Húng quế và rau mùi tây là hai trong số các thảo dược có thể trị được hơi thở mùi hành tỏi. Vì vậy, hãy bổ sung những loại thảo dược này vào bữa ăn bạn nhé.

    Việc thiếu hụt tinh bột có thể góp phần vào chứng hôi miệng cũng như ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn. Ăn bánh mì hay các loại thực phẩm giàu carbohydrate khác sẽ giúp bạn chống hôi miệng

    Nếu các biện pháp trên không thể giảm bớt mùi hành tỏi trong hơi thở, việc cắt giảm lượng hành tỏi bạn sử dụng trong các bữa ăn sẽ ngăn ngừa hơi thở có mùi đó. Song, trong trường hợp bạn ăn tỏi vì những lợi ích cho sức khỏe, bạn có thể dùng các dạng dược phẩm chứa tỏi mà không mùi thay cho tỏi sống. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu các dạng chất bổ sung, chất lượng, và những nghiên cứu chứng minh lợi ích cũng như tác dụng phụ của chúng.

    Dùng đồ uống để át chế mùi hành tỏi

    Trà xanh có chứa polyphenol giúp trung hòa các hợp chất lưu huỳnh phóng thích từ trong hành tỏi. Chất chống oxy hóa trong trà xanh cũng rất hiệu quả trong việc chống hôi miệng.

    Ngoài trà xanh, sữa đã được chứng minh là đem lại hiệu quả trong việc chống lại hơi thở mùi hành tỏi. Đặc biệt, sữa nguyên chất có tác dụng làm giảm nồng độ của các hợp chất có mùi hôi trong miệng của bạn.

    Đồ uống có tính axit với độ pH dưới 3.6 như nước ép chanh, chanh dây, bưởi, việt quất cũng như nhiều loại nước ngọt giúp chống lại các enzyme alliinase tạo mùi được tìm thấy trong hành tây và tỏi.

    Áp dụng biện pháp vệ sinh

    Bạn hãy đánh răng ít nhất 2 lần/ngày trong thời gian từ 2 phút trở lên cho mỗi lần. Hãy mang theo bàn chải và kem đánh răng bên mình nếu bạn thường xuyên ăn tỏi hoặc hành tây.

    Tuy vậy, đánh răng chỉ làm sạch bề mặt chứ không thể làm sạch cả vùng kẽ răng. Do vậy, tốt nhất bạn nên dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn.

    Nước súc miệng kháng khuẩn có chứa chlorhexidine, hydrogen peroxide hoặc cetylpyridinium chloride giúp ngăn ngừa hôi miệng. Rất nhiều thương hiệu nước súc miệng chứa cồn có thể làm khô miệng (một nguyên nhân gây hôi miệng) nên bạn hãy tránh những thương hiệu này nếu có thể.

    Đừng quên sử dụng dụng cụ cạo lưỡi. Các sợi trên lưỡi bắt giữ các hạt thức ăn và vi khuẩn tạo mùi. Vì vậy bạn cũng nên làm sạch lưỡi khi đánh răng.

    Hãy chọn sử dụng một trong những cách trên hoặc phối hợp nhiều cách để nhanh chóng có lại hơi thở dễ chịu sau khi ăn hành, tỏi nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Việt Cường · Ngày cập nhật: 13/02/2017

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo