backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cảm cúm có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    Cảm cúm có nguy hiểm không?

    Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào mùa dịch cúm lây lan thì các bệnh viện phải tiếp nhận hàng loạt trường hợp mắc bệnh cảm cúm. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem cảm cúm có nguy hiểm không nhé!

    Bệnh cảm cúm là gì?

    cảm cúm có nguy hiểm không 2

    Cúm là một bệnh ở hệ hô hấp do siêu vi gây ra, ảnh hưởng đến mũi, cổ họng và phổi. Bệnh cảm cúm thường tự khỏi nhưng trong một số trường hợp, bệnh trở nặng và có nguy cơ dẫn đến biến chứng gây tử vong.

    Khi người bệnh ho hay hắt hơi, virus ở trong nước bọt lan truyền vào không khí. Cảm cúm lây truyền qua đường không khí nên có nhiều người sẽ bị nhiễm bệnh, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa. Ngoài ra, khi bạn chạm tay vào nơi có virus gây bệnh rồi sau đó lại chạm vào mắt, mũi hay miệng thì cùng dễ bị nhiễm bệnh.

    Kháng sinh không thể điều trị được cảm cúm, nhưng một vài thuốc kháng virus có thể làm điều này.

    Triệu chứng cảm cúm

    Các triệu chứng cảm cúm biểu hiện ra ngoài rất nhanh chóng:

    • Sốt cao đột ngột, khoảng từ 38ºC trở lên
    • Đau cơ khiến cả người đau nhức, ê ẩm
    • Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức
    • Ho khan
    • Đau họng
    • Đau đầu
    • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
    • Khó ngủ
    • Ăn mất ngon
    • Tiêu chảy hoặc đau bụng
    • Buồn nôn

    cảm cúm có nguy hiểm không 3

    Hầu hết các triệu chứng sẽ đỡ hơn sau khoảng 5 ngày. Song thỉnh thoảng, chúng sẽ kéo dài lâu hơn. Dù tình trạng sốt và đau cơ không còn nhưng bạn vẫn cảm thấy uể oải trong một vài tuần sau đó.

    Cần đi khám bác sĩ ngay nếu người bệnh:

    • Là người cao tuổi hoặc sức khỏe chuyển xấu, yếu đến mức suy kiệt
    • Sốt cao 4-5 ngày mà không hạ sốt
    • Bị mất nước
    • Triệu chứng ngày càng trầm trọng
    • Khó thở, đau ngực
    • Nôn mửa không ngừng

    Sự khác nhau giữa cảm cúm và cảm lạnh

    Bạn nên hiểu rõ về chứng bệnh mình đang mắc phải. Dù cảm cúm và cảm lạnh tương tự nhau, nhưng cảm cúm có xu hướng nặng hơn.

    Cảm cúm

    Cảm lạnh

    Triệu chứng xuất hiện và diễn tiến nhanh chóng chỉ sau vài giờ. Bệnh cảm cúm sẽ đỡ sau 2-5 ngày, nhưng cảm giác mệt mỏi uể oải còn kéo dài cả tuần hoặc lâu hơn (3 tuần), nhất là với người có bệnh mãn tính hoặc hệ miễn dịch yếu.  

    Triệu chứng diễn tiến chậm hơn và thường sẽ khỏi sau khoảng 10 ngày.

    Sốt cao thường là biểu hiện của cảm cúm (từ 38ºC trở lên). Trẻ em có thể bị sốt cao hơn.  

    Trẻ nhỏ bị cảm lạnh cũng có dấu hiệu sốt

     

    Đau đầu.

    Đau đầu do cảm lạnh thường nhẹ hơn đau đầu do cảm cúm.
    Có khả năng gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Bệnh kéo dài hay chuyển nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng nhất là viêm phổi, nhiễm trùng phổi. Bệnh có khả năng dẫn đến tử vong. Chủ yếu chỉ gây ảnh hưởng đến mũi, họng.
    Gây cảm giác uể oải, mệt mỏi, thậm chí kiệt sức, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh rất nhiều. Triệu chứng tuy khó chịu nhưng người bệnh vẫn hoạt động, làm việc được bình thường.
    Kháng sinh không có tác dụng điều trị cảm cúm do virus gây ra mà chỉ có thể điều trị những tình trạng nhiễm trùng là hệ quả của cảm cúm. Dùng thuốc kháng virus sẽ giúp bệnh mau khỏi. Kháng sinh có thể điều trị được cảm lạnh.

    Bạn có thể tham khảo thêm: 7 điều bạn cần biết về cảm lạnh và cảm cúm

    Điều trị cảm cúm

    Thuốc trị cảm cúm theo y học Tây phương

    Y học Tây phương sẽ điều trị cảm cúm bằng một số loại thuốc:

    Thuốc kháng virus

    Bệnh cảm cúm do virus gây ra tiến triển rất nhanh, có khi trong vòng vài giờ đồng hồ. Vậy nên, tốt nhất bạn hãy dùng thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ đầu tiên kể từ lúc chớm nhận thấy triệu chứng gây khó chịu. Thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng hoặc rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng xuống còn 1, 2 ngày. Một vài loại thuốc kháng virus bao gồm oseltamivir (như Tamiflu), peramivir, zanamivir. Ngay cả khi đã qua 48 giờ, những loại thuốc này vẫn có tác dụng đối với trường hợp mắc bệnh cúm nặng, tuổi trên 65 hoặc có hệ miễn dịch yếu.

    Thuốc giảm triệu chứng

    • Thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen: làm giảm sốt và giảm đau.
    • Thuốc thông mũi: giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi. Nhiều thuốc thông mũi có tác dụng co mạch, giúp mũi thông thoáng ngay tức thời, nhưng không nên dùng nhiều vì sau đó máu sẽ dồn trở lại gây tắc mũi do phù nề. Cộng thêm niêm mạc mũi sau nhiều lần nhỏ thuốc sẽ bị xơ, khiến bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc và gây khó khăn hơn cho việc điều trị.
    • Thuốc ho, siro ho: Thuốc ho có 2 loại là thuốc giảm ho ngoại biên và thuốc giảm ho trung ương. Ngoài ra, còn có một số loại siro cũng giúp giảm ho, trẻ em ngại thuốc đắng sẽ dùng được.

    Lưu ý:

    √ Nhiều người được bác sĩ kê đơn thuốc trị cảm cúm nhưng vẫn uống thêm các thuốc thông thường như paracetamol và ibuprofen để giảm triệu chứng. Cần hỏi ý kiến bác sĩ kỹ khi muốn sử dụng thêm bất cứ loại thuốc nào để tránh xảy ra tác dụng phụ không mong muốn do tương tác thuốc và dùng thuốc quá liều.

    √ Kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp bị cảm cúm do virus. Kháng sinh chỉ có thể điều trị những biến chứng do cảm cúm gây ra như nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, viêm xoang, viêm phổi do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng tai.

    Trị cảm cúm bằng phương pháp dân gian

    Có một số phương pháp dân gian rất hiệu quả trong việc điều trị cảm cúm:

    Trị cảm cúm bằng tỏi

    cảm cúm có nguy hiểm không 4

    Tỏi là vị thuốc cổ truyền giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cúm hiệu quả. Theo Đông y, tỏi có nhiều công dụng như giải độc, sát khuẩn, tiêu nhọt, tiêu đàm, chữa khí hư, trướng bụng…

    Theo Tây y, allicin có trong tỏi khi tỏi được cắt, nghiền hoặc đập giập rất tốt cho người bị bệnh cảm cúm. Chất này có khả năng kháng sinh, kháng nấm, ký sinh trùng, virus, giảm mỡ máu, giảm cholesterol trong máu, cải thiện hệ thống miễn dịch…

    Bạn lưu ý là allicin chỉ có trong tỏi sống bị cắt, đập giập vì nó không tồn tại sẵn trong củ tỏi. Tỏi tươi nguyên tép và tỏi đã làm chín không có tác dụng dược lý nhiều như tỏi sống đập giập.

    Người ta gọi tỏi là “phương thuốc của người nghèo’ vì nó chứa chất kháng viêm mạnh, tăng cường miễn dịch giúp chống lại nhiều bệnh tật nhưng lại khá rẻ tiền. Dùng tỏi khi xông hơi đường mũi họng hoặc ăn tỏi sống đều được.

    Để xông hơi với tỏi, bạn có thể làm theo gợi ý sau:

    • Dùng tờ giấy A4 cuốn lại thành hình phễu, cắt một lỗ nhỏ ở chỗ đầu nhọn của phễu.
    • Cho tỏi vào một cốc hay chén rồi đập giập, chế thêm ít nước sôi.
    • Chụp phễu giấy lên cốc. Phễu này giúp điều hướng để tinh chất tỏi đi sâu vào vùng mũi họng của bạn.

    Để trị cảm cúm thì nên ăn tỏi sống. Nếu ăn được tỏi sống, bạn chỉ cần đập giập tỏi, chế chút nước sôi vào để uống. Nhưng tỏi sống khó ăn nên bạn có thể xắt nhỏ tỏi để dùng kèm các món ăn khác.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Công thức tỏi ngâm mật ong trị cảm cúm

    Lưu ý:

    • Không dùng tỏi nếu bị dị ứng với tỏi.
    • Không ăn tỏi đã lên mầm.
    • Không nên vì nôn nóng chữa bệnh mà ăn tỏi khi bụng đói, ăn nguyên tép hay ăn tỏi quá nhiều (không ăn quá 15g tỏi/ngày). Ăn quá nhiều tỏi, đặc biệt là tỏi sống, sẽ gây kích ứng hoặc làm tổn thương các bộ phận trong hệ tiêu hóa. Lạm dụng tỏi dễ ảnh hưởng đến mắt, gan, thận, gây tiêu chảy. Những người mắt yếu, gan và thận không khỏe hoặc thể chất kém, thiếu khí huyết cần chú ý khi dùng tỏi chữa bệnh.
    • Không dùng tỏi và chế phẩm có chứa tỏi đồng thời với thuốc chống đông máu như Wafarin trước khi phẫu thuật.
    • Tỏi sẽ gây mùi khó chịu nên cần cân nhắc về liều lượng dùng.

    Trị cảm cúm bằng gừng

    cảm cúm có nguy hiểm không 5

    Gừng chứa tinh dầu nên có tác dụng thông mũi, giữ ấm cơ thể, cải thiện lưu thông máu, chống virus, vi khuẩn.

    Cho vài lát gừng ấm đun sôi cùng ít đường phèn/mật ong hay thêm vào ít giọt chanh tươi sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu.

    Ngoài cách làm trà gừng uống, dùng gừng chế biến thành món ăn cũng là một cách hỗ trợ điều trị cảm cúm. Người ta hay làm mứt gừng, gừng muối, nấu cháo gừng, canh gừng.

    Trị cảm cúm bằng các loại lá

    cảm cúm có nguy hiểm không 6

    Trong các loại lá như lá bưởi, chanh, sả, tía tô, kinh giới, hương nhu tía… có chứa tinh dầu. Dùng các loại lá này để xông hơi là phương pháp giúp thông mũi, sát trùng đường hô hấp. Khi xông nên cẩn thận, chỉ nên hé nắp nồi từ từ để tránh bị bỏng hơi nước. Thai phụ, trẻ nhỏ hay những người quá yếu không nên xông.

    Ngoài cách xông, uống nước lá cũng là một cách trị cảm cúm. Bạn lấy chừng 20g lá tía tô tươi giã nhỏ, chế thêm nước sôi, khuấy đều, gạn lấy nước nóng uống. Hoặc dùng một nắm lá kinh giới giã nát, cho thêm mật ong/đường phèn vào rồi hấp nóng, ăn chín để làm mát họng, thông mũi.

    Bạn có thể tham khảo thêm: 15 loại thảo được cực kỳ tốt cho sức khỏe mọi người

    Các cách hỗ trợ điều trị cảm cúm

    Cảm cúm nên ăn gì?

    Khi cảm cúm, ăn những món sau sẽ mau khỏe lại:

    • Súp gà

    Súp gà tốt cho người bị cảm lạnh cũng như cảm cúm vì đây là món ăn bổ dưỡng. Súp gà có tác dụng chống viêm, hiệu quả trong việc giảm triệu chứng cảm cúm, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và khỏe hơn.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Phòng tránh cảm lạnh bằng món súp gà thơm ngon

    • Cháo nóng có hành, tía tô, gừng

    Người bệnh cảm thấy uể oải, mệt mỏi và ăn uống không ngon miệng nên món cháo nóng là dễ ăn nhất. Cho hành tây, hành lá, tía tô, gừng và các loại thảo dược tương tự vào cháo sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn, giảm sốt, giảm nhiễm trùng.

    Sinh hoạt, nghỉ ngơi như thế nào?

    Khi bị cảm cúm, người bệnh cần làm những việc sau để đỡ mệt mỏi và mau hồi phục:

    • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.
    • Uống nhiều nước để tránh mất nước.
    • Súc miệng với nước muối loãng để làm sạch và giảm đau họng.
    • Dùng máy tạo độ ẩm hoặc xông đường hô hấp với các tinh dầu (như bạc hà, tràm) cũng là một cách tốt để dễ thở hơn khi bị nghẹt mũi.
    • Không uống rượu, hút thuốc lá.

    Khi bị cảm cúm, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe, không nên chủ quan nghĩ đây là bệnh vặt vì đôi khi cảm cúm dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

    Biến chứng của cảm cúm và những đối tượng dễ bị biến chứng

    Nhiều người khỏi bệnh cảm cúm và phục hồi hoàn toàn chỉ sau vài ngày. Nhưng một số người sẽ chuyển sang viêm phổi, viêm phế quản hoặc bị nhiễm trùng xoang và tai.

    Người vốn đã có bệnh như hen suyễn, suy tim thì bệnh sẽ trở nặng hơn.

    Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất. Đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, viêm phổi có thể gây tử vong. Người bị cảm cúm và ho trên 3 tuần phải đến bệnh viện để kiểm tra xem có bị viêm phổi hay không.

    Những người có nguy cơ bị biến chứng cúm bao gồm:

    • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi
    • Người lớn trên 65 tuổi
    • Những người sinh sống lâu ở các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn khác
    • Phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh 2 tuần
    • Những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tim, thận, gan, tiểu đường…
    • Những người béo phì có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên

    Phòng ngừa cảm cúm

    Tiêm phòng

    cảm cúm có nguy hiểm không 7

    Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là tiêm vaccine mỗi năm, trước mùa dịch cúm. Vaccine cúm theo mùa hàng năm thường phòng được 3, 4 loại virus cúm được dự kiến là sẽ phổ biến trong mùa cúm năm đó.

    Trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn non yếu nên dễ mắc cảm cúm và bị các biến chứng do bệnh. Triệu chứng cảm cúm vốn đã gây khó chịu cho người lớn, đối với trẻ em thì còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên gặp bác sĩ để được tư vấn về việc cho trẻ đi tiêm ngừa bệnh cảm cúm. Tiêm phòng giúp cơ thể bạn nhận diện và chiến đấu chống lại mầm bệnh.

    Nên tiêm phòng cúm cho những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ trên 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh mãn tính.

    Tuy nhiên, vaccine cúm không phù hợp với một đối tượng, chẳng hạn như:

    • Những người dị ứng nặng với trứng gà. Đó là vì hầu hết các loại vaccine cúm đều chứa một lượng nhỏ protein trứng. Những người bị dị ứng trứng nghiêm trọng nên được giám sát bởi các bác sĩ có kinh nghiệm về vấn đề này.
    • Những người đã từng có một phản ứng nghiêm trọng đối với tiêm phòng cúm trong quá khứ.
    • Những người từng phát triển hội chứng Guillain-Barré trong vòng 6 tuần sau khi chủng ngừa cúm.
    • Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
    • Những người đang bị bệnh ở mức trung bình hoặc nặng và bị sốt thì nên đợi đến khi hồi phục rồi hẵng tiêm phòng.

    Virus cúm liên tục biến đổi và không ngừng xuất hiện các chủng mới. Nếu trước đây bạn đã từng bị cúm hoặc tiêm phòng loại virus cúm nào thì trong cơ thể đã tồn tại kháng thể để chống lại virus loại đó. Sau này, trong trường hợp gặp lại đúng loại virus đã từng gặp thì bạn đỡ bị mắc bệnh, hoặc ít nguy cơ bị nhiễm trùng và triệu chứng bệnh cũng đỡ nghiêm trọng hơn. Nếu lỡ không may gặp phải loại virus khác mà cơ thể chưa có kháng thể, bạn vẫn dễ bị bệnh như thường.

    Vaccine cúm không đảm bảo hiệu quả 100% nên việc áp dụng những biện pháp khác để hạn chế mầm bệnh lây lan là cần thiết.

    Rửa tay thường xuyên

    cảm cúm có nguy hiểm không 8

    Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước ấm để phòng bệnh và tránh lây bệnh cho người khác.

    Cần rửa tay trong ít nhất 20 giây, đừng quên kỳ cọ, làm sạch phần giữa các ngón tay và bên trong kẽ móng tay.

    Nếu được, hãy mang theo bên mình một chai nước rửa tay nhỏ có cồn để làm sạch tay những khi không tiện rửa cùng xà phòng và nước.

    Che miệng mỗi khi ho hoặc hắt hơi

    Vì mầm bệnh lan truyền đi xa khi người bệnh ho hoặc hắt hơi nên bạn hãy dùng khăn giấy che miệng, đồng thời bỏ khăn giấy vào thùng rác sớm, tránh để mầm bệnh lây lan khắp nơi. Nếu không có khăn giấy thì dùng khuỷu tay để che. Tránh lấy tay bịt mũi và miệng để tay không bị nhiễm bẩn. Tay nhiễm bẩn sẽ tăng cao khả năng lây lan bệnh vì mọi người thường bắt tay nhau, dùng tay cầm nắm đồ đạc, dụi mắt…

    Tránh đám đông

    cảm cúm có nguy hiểm không 9

    Cúm dễ lây lan ở những nơi đông người tụ tập như vườn trẻ, trường học, tòa nhà văn phòng, hội trường, khán phòng, đường phố nơi xe cộ đông đúc…

    Nhiều người trông khỏe mạnh, không giống như người bệnh nhưng có thể lây bệnh cho người khác. Đó là vì một số người bị nhiễm virus từ trước nhưng ủ bệnh vài ngày rồi mới thấy triệu chứng bệnh. Trong thời gian ủ bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.

    Bạn sẽ giảm được nguy cơ bị lây bệnh bằng cách tránh đám đông trong mùa dịch cúm lây lan. Trong trường hợp bạn là người bị bệnh, hãy ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi đã hết sốt để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo