backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều cần biết về nhiễm trùng máu ở người lớn tuổi

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân · Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


Ngày cập nhật: 27/07/2021

    Những điều cần biết về nhiễm trùng máu ở người lớn tuổi

    Nhiễm trùng máu, còn gọi là nhiễm trùng huyết, thường xảy ra khi cơ thể cố gắng chống lại tình trạng nhiễm trùng hay viêm. Khi vi sinh vật xâm nhập vào máu, cơ thể sẽ phải giải phóng rất nhiều chất để đào thải chúng ra, đồng thời chữa lành các thương tổn. Tại thời điểm đó, toàn bộ cơ thể đều bị viêm. Đây cũng là lý do vì sao triệu chứng nhiễm trùng máu lại nguy hiểm, ảnh hưởng đến suy nội tạng hay thậm chí gây tử vong.

    Chính vì vậy, các chuyên gia đánh giá nhiễm trùng máu là một tình huống cực kỳ nguy hiểm, cần được điều trị khẩn cấp.

    Vì sao người cao tuổi dễ bị nhiễm trùng máu?

    Thực tế, nhiễm trùng máu có thể phát sinh ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy vậy, người cao tuổi lại là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Tỷ lệ nhiễm trùng máu ở người cao tuổi cao gấp 13 lần so với người trẻ. Điều này có thể giải thích bởi hệ miễn dịch của họ yếu, không đủ khả năng chống chọi với vấn đề nhiễm trùng. Từ đó, tình trạng này có thể lây lan đến máu.

    Triệu chứng nhiễm trùng máu 1

    Theo thống kê từ nhiều nhà nghiên cứu, ước tính mỗi năm có đến hơn một triệu ca nhiễm trùng ở Hoa Kỳ với 250.000 trường hợp tử vong. Cụ thể hơn, khoảng 90.000 người bệnh qua đời do sốc nhiễm trùng và 65% số đó là người cao tuổi.

    Mặt khác, các chuyên gia cũng cho biết, mặc dù nguy hiểm nhưng nếu nhiễm trùng máu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả kịp thời, người bệnh vẫn có thể khỏi.

    Làm thế nào để nhận biết triệu chứng nhiễm trùng máu?

    Nếu bạn bị nhiễm trùng và cơ thể có những dấu hiệu dưới đây, hãy nhanh chóng đến bệnh viện ngay lập tức, bao gồm:

    1. Nhịp tim nhanh

    Một trong các triệu chứng nhiễm trùng máu dễ nhận thấy nhất là nhịp tim tăng tốc bất thường. Đối với người cao tuổi, tim đập quá 90 nhịp trong một phút sẽ được đánh giá là nhịp tim nhanh.

    Để đo nhịp tim, bạn sẽ cần ngồi yên một chỗ và thả lỏng vài phút trước khi bắt đầu đếm nhịp. Thiết bị hỗ trợ canh thời gian bao gồm đồng hồ bấm giờ hoặc đồng hồ kim.

    2. Thay đổi nhiệt độ cơ thể

    Thân nhiệt bình thường của một người khoảng 37ºC. Nhiệt độ cơ thể bất thường có thể:

    • Quá cao: sốt trên 38ºC
    • Quá thấp: hạ thân nhiệt dưới 36ºC

    3. Thở nhanh

    Một triệu chứng nhiễm trùng máu phổ biến khác là thở gấp. Lúc này, khi ngồi yên, bạn cũng có thể thở hơn 20 nhịp trong một phút.

    Đối với những triệu chứng nhiễm trùng máu được đề cập bên trên, bạn có thể tự tìm hiểu trước tại nhà. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ nghi ngờ một người bị nhiễm trùng máu khi họ:

  • Giảm mức PaCO2: áp suất phần riêng của khí CO2 trong máu giảm mạnh.
  • Số lượng tế bào miễn dịch bất thường: số lượng tế bào bạch cầu quá cao, quá thấp hoặc có hơn 10% bạch cầu non (band cell).
  • Một số triệu chứng nhiễm trùng máu liên quan

    Những dấu hiệu trên giúp bác sĩ xác định nhiễu trùng máu có đang xảy ra hay không. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như thời gian nhiễm trùng tiến triển, một số triệu chứng nhiễm trùng máu sau đây cũng có nguy cơ xuất hiện, chẳng hạn như: Ớn lạnh hoặc rét run, lú lẫn, da tái xanh hoặc xuất hiện các đốm sẫm màu

    Sốc nhiễm trùng

    Theo thời gian, nhiễm trùng máu có khả năng trở nặng và gây sốc nhiễm trùng. Lúc này, người bệnh có dấu hiệu hạ huyết áp, đồng thời không đáp ứng được với quá trình điều trị. Tỷ lệ tử vong của sốc nhiễm trùng có thể lên đến 40–60%.

    Theo tiêu chuẩn y tế, nguy cơ mắc bệnh sẽ càng rõ ràng nếu bạn gặp ít nhất hai trong số các triệu chứng nhiễm trùng máu trên. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, chỉ cần sự hiện diện của một dấu hiệu đã đủ để họ mau chóng nhập viện.

    Các biện pháp điều trị nhiễm trùng máu ở người cao tuổi

    Chìa khóa dẫn đến thành công trong việc điều trị bệnh nhiễm trùng máu ở người già là điều trị nhanh chóng. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có nguy cơ đẩy người bệnh đến bờ vực tử vong.

    Một số phương pháp điều trị dành cho người lớn tuổi gồm: Tiêm kháng sinh, sử dụng thuốc co mạch, thở oxy, chạy thận, phẫu thuật

    Người cao tuổi phòng ngừa triệu chứng nhiễm trùng máu như thế nào?

    Triệu chứng nhiễm trùng máu 2

    Nhiễm trùng huyết là hệ quả của tình trạng nhiễm trùng. Do đó, cách duy nhất để phòng ngừa tình trạng này là ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh vào cơ thể.

    Bạn có thể tránh bị nhiễm trùng cũng như nhiễm trùng máu bằng những phương pháp đơn giản như:

    • Tiêm chủng đầy đủ
    • Xử lý vết thương ngoài da đúng cách
    • Điều trị nhiễm trùng đường tiết nhiệu kịp thời. Theo thống kê từ các chuyên gia, 1/4 trường hợp nhiễm trùng huyết bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu.

    Hi vọng những triệu chứng nhiễm trùng huyết kể trên đã giúp ích được người lớn tuổi trong việc phát hiện, điều trị và phòng ngừa sớm, tránh nhiều rủi ro đáng tiếc.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân

    Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


    Ngày cập nhật: 27/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo