backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 13/04/2022

    Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không?

    Hiếm khi lượng đường trong máu cao đột ngột đến mức gây tử vong hoặc hôn mê. Thế nhưng, phần lớn người bị đường huyết cao thường xuyên sẽ phải đối diện với những nguy hiểm như tàn phế, mù lòa, tử vong do những biến chứng trên tim, mắt, mạch máu, thần kinh…

    Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu dấu hiệu nhận biết lượng đường trong máu cao, nguyên nhân và cách kiểm soát tình trạng nguy hiểm này nhé.

    Cách nhận biết lượng đường trong máu cao

    Để nhận biết lượng đường trong máu cao, bạn sẽ cần lưu ý đến các dấu hiệu cảnh báo tăng đường huyết và chỉ số đo lường của đường huyết.

    Dấu hiệu cảnh báo đường huyết cao

    Đường huyết cao có thể dẫn tới hai nhóm triệu chứng chính, bao gồm triệu chứng thần kinh và triệu chứng vật lý:

  • Triệu chứng thần kinh: cảm thấy mệt mỏi, nhanh đói hoặc đói cồn cào, khát nước nhiều hơn bình thường, tâm trạng chán nản, dễ cáu gắt.
  • Triệu chứng vật lý: như chân tê, ngứa ran, vết thương chậm lành, sụt cân không rõ nguyên nhân, xuất hiện các vết sạm bất thường tại nách, sau gáy…
  • Dấu hiệu nhận biết đường huyết cao sẽ khác nhau ở mỗi người. Có người triệu chứng khá rõ ràng, nhưng cũng có những trường hợp chỉ khi đi khám mới vô tình phát hiện. Để xác định một người có lượng đường trong máu cao hay không, bạn cần dựa vào thước đo là chỉ số đường huyết.

    Chỉ số nhận biết đường huyết cao

    Thường xuyên mệt mỏi là dấu hiệu lượng đường trong máu cao
    Bạn nên đến bệnh viện kiểm tra ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ đường huyết cao

    Các bác sĩ sẽ xem chỉ số đường huyết lúc đói (nhịn ăn 8 tiếng trở lên) và đường huyết sau ăn 2 giờ làm “quy chuẩn” đánh giá lượng đường trong máu. Ngoài ra, để đánh giá tổng quan khả năng kiểm soát đường huyết suốt 24 giờ của một người trong 3 tháng trước đó, bạn cần đo thêm chỉ số HbA1c.

    Đường huyết cao là khi một trong ba chỉ số này vượt tiêu chuẩn của người bình thường. Cụ thể:

    • Đường huyết lúc đói ≥ 5,6 mmol/l (hoặc 100mg/dl).
    • Đường huyết 2 giờ sau khi uống 75 gram đường ≥ 11,1mmol/l (hoặc 200mg/dl)
    • HbA1c ≥ 5,7%

    Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không?

    Kiểm tra lượng đường trong máu cao

    Lượng đường trong máu cao mãn tính do rối loạn quá trình chuyển hóa glucose, từ đó kéo theo rối loạn chuyển hóa chất béo và chất đạm. Quá trình này diễn ra liên tục sẽ gây xơ vữa mạch máu lớn, làm chít hẹp các mạch máu nhỏ và gây hư hại toàn bộ hệ thống thần kinh của cơ thể. Đây chính là tiền thân cho các biến chứng như:

  • Tổn thương trên tim: Lượng đường trong máu cao có thể gây xơ vữa động mạch, đột quỵ, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim…
  • Tổn thương trên thận: Đường huyết cao có thể khiến mạch máu trong thận bị thu hẹp, tắc nghẽn, suy giảm chức năng thận và viêm đường tiết niệu, yếu tố nguy cơ gây suy thận.
  • Tổn thương hệ thần kinh: Lượng đường trong máu cao trong một khoảng thời gian dài có thể làm tổn thương các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thần kinh và gây tê liệt.
  • Tổn thương mắt: Đường huyết tăng cao có thể khiến hệ thống mao mạch ở mắt tổn thương.
  • Ngoài ra, đường huyết cao còn gây các bệnh nhiễm trùng trên nhiều bộ phận trên cơ thể, khiến vết thương khó lành và làm suy giảm miễn dịch.

    Mặc dù hiếm khi lượng đường trong máu tăng cao đột ngột, thế nhưng đường huyết nếu tăng quá nhanh có thể gây biến chứng cấp tính là nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Người bệnh có thể tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

    Nguyên nhân gây lượng đường trong máu cao

    Có nhiều nguyên nhân khiến lượng đường trong máu cao, trong đó có những nguyên nhân dễ dàng kiểm soát được như chế độ ăn nhiều đường, stress kéo dài, ít vận động thể dục, đang bị ốm, sốt, nhiễm trùng hoặc chấn thương.

    Nhóm nguyên nhân còn lại khó khắc phục trong một sớm một chiều là tình trạng kháng insulin. Kháng insulin khiến đường huyết lúc đói bất ổn định, dễ làm tăng đường huyết sau ăn, gây rối loạn mỡ máu và tăng nguy cơ xơ vữa mạch. Vì vậy, giải quyết bài toán giảm kháng insulin là bí quyết giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và hạn chế việc dùng thuốc ở người tiểu đường.

    Cách kiểm soát đường huyết tại nhà

    Nhằm kiểm soát lượng đường trong máu cao, bạn có thể bảo vệ sức khỏe bằng các cách hạ đường huyết sau đây.

    1. Tập thể dục đều đặn

    Bạn có thể tập nhẹ nhàng các bài tập như yoga, bơi lội, đạp xe, chạy bộ… trong 30 phút mỗi ngày. Đây là cách giúp bạn giảm kháng insulin, giúp cơ thể sử dụng đường hiệu quả hơn, nhờ đó làm giảm đường máu lâu dài.

    2. Đảm bảo giấc ngủ đầy đủ

    Khi thiếu ngủ, bạn có thể dễ dàng bị căng thẳng, mệt mỏi và gây tăng đường huyết. Vì thế, bạn nên ngủ ít nhất 6 tiếng một ngày.

    3. Ăn thực phẩm lành mạnh

    Chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm lượng đường trong máu cao

    Các loại rau xanh, đậu, ngũ cốc, trái cây, sữa tách béo… là những thực phẩm bạn nên ăn thường xuyên vì các dạng thực phẩm này ít làm tăng đường huyết lại có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cách ăn cũng rất quan trọng, bạn nên ăn rau xanh, uống nước canh trước sau đó mới dùng các thức ăn khác để tránh làm tăng đường huyết sau ăn.

    Đường huyết tăng cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Để giữ mức đường huyết luôn trong vùng an toàn, bạn cần tìm hiểu kỹ cách kiểm soát hiệu quả. Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức phòng bệnh của chính bạn!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 13/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo