backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

4 cách duy trì động lực giúp bạn sống khỏe hơn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 18/11/2019

    4 cách duy trì động lực giúp bạn sống khỏe hơn

    Áp lực cuộc sống có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản cả trong công việc lẫn các mối quan hệ. Bạn sẽ lựa chọn nằm thở dài trên giường, biện minh cho sự trì hoãn hay đứng dậy tìm cách duy trì động lực để tiến về phía trước?

    Động lực là một phần quan trọng giúp chúng ta vượt qua khó khăn để gặt hái thành công. Người không có động lực thường đi kèm với cảm giác khó chịu, tội lỗi hoặc lười biếng. Điều bạn cần làm là học cách duy trì động lực để đánh đuổi cảm giác trì trệ này. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách duy trì động lực để sống khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất nhé!

    1. Cách duy trì động lực tập thể dục

    cách duy trì động lực

    Sau khi xem video hay hình ảnh cơ thể hoàn hảo của người mẫu, nhiều người sẽ có xu hướng cảm thấy bản thân tràn trề động lực muốn đi tập thể dục để cải thiện vóc dáng.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng có kết quả thành công như mong đợi. Người thì không sắp xếp được thời gian, người lại không vừa ý cơ sở vật chất nơi tập luyện… Có vô vàn lý do để bạn biện minh cho việc trì hoãn mục tiêu ban đầu, nhưng nguyên nhân hàng đầu nhất là do mất động lực tập luyện.

    Cách duy trì động lực tập thể dục cho bạn là không phụ thuộc quá nhiều vào một chế độ tập luyện nhất định. Bằng cách thay đổi các bài tập hàng ngày, bạn sẽ đỡ nhàm chán, tăng cường thể lực tổng thể và đạt được mục tiêu khi tập thể dục nhanh hơn.

    Bạn hãy luôn nhớ rằng việc tập thể dục luôn tốt cho sức khỏe và tinh thần. Khi bạn tập thể dục, cơ thể sẽ sản xuất ra các chất hóa học gọi là endorphin vừa làm giảm cảm giác đau đớn vừa kích hoạt cảm giác hưng phấn giúp giảm stress và tăng cường năng lượng hoạt động trong ngày.

    Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) gợi ý rằng, bạn nên rủ thêm những người xung quanh như bạn bè, gia đình, người thân… tập chung để có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy cùng nhau tập luyện. Mọi thứ sẽ đơn giản hơn khi bạn coi việc tập thể dục như một công việc “vặt” hàng ngày. Bạn hãy cố gắng làm cho việc tập thể dục là một phần của thói quen hàng ngày, điều này sẽ giúp làm giảm những ấn tượng tiêu cực để bạn duy trì tốt hơn.

    2. Cách duy trì động lực ăn uống lành mạnh

    cách duy trì động lực

    Bất cứ ai cố gắng giảm cân đều biết rằng việc tuân thủ chế độ ăn kiêng thường rất khó khăn. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số bí quyết đơn giản giúp duy trì động lực dễ dàng hơn. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đề xuất một cách gọi là Reflect, Replace, and Reinforce (tạm dịch: Phản ánh, thay thế và củng cố). 

    Trong mô hình này, CDC khuyến cáo bạn nên có một cuốn nhật ký thực phẩm bao gồm các ghi chú phản ánh cảm giác của bạn khi quyết định ăn. Bạn hãy ghi lại bất kỳ thói quen nào trong danh sách có thể khiến bạn ăn nhiều hơn, chẳng hạn như bạn chỉ ăn nhiều khi cảm thấy chán nản hoặc căng thẳng. Bạn cũng nên ghi chép lại các thói quen ăn uống tốt để tự khích lệ bản thân duy trì, chẳng hạn như ăn trái cây để tráng miệng hoặc uống sữa không béo.

    Khi có danh sách yếu tố khiến bạn ăn nhiều hơn hoặc thói quen ăn uống không lành mạnh, bạn có thể tránh những tình huống này hoặc thay thế bằng những thói quen lành mạnh hơn. Nếu bạn thấy rằng bạn ăn khi bạn cảm thấy buồn chán hoặc lo lắng, bạn có thể cố gắng thay thế hành vi này bằng cách chỉ ăn khi bạn thực sự đói hay đọc sách, đi chơi cùng bạn bè để thay đổi tâm trạng..

    Cách duy trì động lực ăn uống lành mạnh là bạn hãy củng cố những thói quen mới tích cực mỗi ngày. Điều này cần có thời gian, vì vậy bạn đừng quá khó khăn với chính mình mà hãy thay đổi một cách từ từ.

    3. Cách duy trì động lực để hòa đồng hơn

    cách duy trì động lực

    Sự hòa đồng có thể giúp bạn duy trì sức khỏe tinh thần tốt hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng sự tương tác xã hội có thể tác động tích cực đến hiệu quả của hóa trị liệu ở những người mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, sự hòa đồng không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là với những người luôn sống lo lắng hoặc trầm cảm.

    Để vượt qua tình trạng này, bạn hãy cố gắng thực hiện theo lời khuyên sau đây:

    • Chiến đấu với sự sợ hãi: Bạn hãy đối diện với sự lo lắng, sợ hãi trong việc chủ động bắt chuyện trước. Điều này sẽ giúp làm chủ bản thân và cuộc trò chuyện, đẩy được cái cảm giác sợ hãi ra khỏi suy nghĩ và dễ dàng hòa đồng hơn.

    • Suy nghĩ tích cực: Bạn hãy suy nghĩ tích cực về mối quan hệ xung quanh và cố gắng biến chúng thành hiện thực. Bạn hãy thực hiện bằng cách chủ động tìm kiếm một người bạn và chia sẻ để trong lòng cảm thấy thoải mái và tự tin hơn. Ví dụ như thay vì suy nghĩ: “Tôi có bắt đầu một cuộc trò chuyện hay không?’ mà hãy chuyển thành: “Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với ai?’.

    • Luyện tập từ từ: Bạn có thể bắt đầu từ các trang mạng xã hội để làm quen và trò chuyện. Sau đó sẽ là những cuộc gặp gỡ trực tiếp để xây dựng những mối quan hệ mới và tạo sự tự tin khi nói chuyện.

    • Tham gia hoạt động cộng đồng: Đây là một trong những cách tốt nhất để mở lòng với mọi người xung quanh, đồng thời cũng là môi trường tốt để những người khó khăn trong việc giao tiếp, nhút nhát thể hiện được bản thân hơn.

    Để chuyển biến từ người ít nói, ngại giao tiếp thành người hòa đồng đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì rất nhiều, bạn cần sự thay đổi trong lối suy nghĩ thiếu tự tin. Bạn có thể chủ động bắt chuyện đơn giản từ mạng xã hội trước, và sau đó là gặp trực tiếp. Sự hòa đồng là yếu tố có thể giúp đỡ bạn gặt hái nhiều thành công trong học tập, công việc và cuộc sống.

    4. Cách duy trì động lực khi gặp khó khăn

    cách duy trì động lực

    Trong cuộc sống, bạn thường không thể tránh khỏi những thời điểm khó khăn đến mức “đánh gục” tinh thần bạn xuống dưới tận cùng. Bạn cảm thấy bế tắc trong mọi con đường và không biết nên bắt đầu từ đâu để giải quyết vấn đề. Có lẽ bạn đã từng nghĩ rằng mình là người bất hạnh nhất trên thế giới, khi mà những người khác sung sướng, thoải mái còn mình thì toàn chỉ gặp sự xui xẻo.

    Bạn cần biết rằng “Không có áp lực, không có kim cương”. Bạn sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều nếu dám đối mặt và vượt qua từng khó khăn. 

    Để vượt qua suy nghĩ tiêu cực trong thời điểm khó khăn đòi hỏi một nỗ lực không ngừng để quay trở lại chính mình. Bạn hãy cố gắng chỉ đọc, nghe những thông tin tích cực, tìm kiếm những thứ có thể truyền cảm hứng và đẩy tinh thần bạn lên. Bạn có thể lên Youtube, tìm kiếm video về doanh nhân đã vượt qua khó khăn như thế nào để thành công. Ngoài ra, bạn nên tiếp xúc với những người có suy nghĩ tích cực, viết ra những mục tiêu dự định sắp tới và đặt ở nơi có thể nhìn thấy mỗi ngày.

    Bạn có thể thử nhìn lại, trong một khoảng thời gian từ lúc được sinh ra cho đến thời điểm hiện tại. Hãy nhìn nhận lại mình đã từng vượt qua sự khó khăn như thế nào, bạn có quyền tự hào về thành tựu mà mình đạt được. Bạn nên xem những vấn đề khó khăn trong hiện tại như là “chông gai” nhỏ và bắt đầu giải quyết từng việc một thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều. Niềm tin rằng mình “có thể’ vượt qua thử thách cũng chính là một cách duy trì động lực đơn giản có thể giúp bạn lật ngược tình thế đấy!

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 18/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo